Vị lính già ngồi tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ nhìn ra sông Hàn trong một buổi sáng tháng sáu mưa rơi nhè nhẹ. Mái tóc bạc phơ, nụ cười chân chất, câu chuyện lúc bổng lúc trầm về một thời đã xa khiến người nghe đi từ ngạc nhiên đến khâm phục.
Lúc đó đang là mùa Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2018 nên ngồi ở nhà ông trên đường Trần Hưng Đạo không thể nhìn thấy sông Hàn bởi dãy khán đài che khuất. Dẫu vậy, vẫn có một dòng sông mang tên hồi ức đang chảy trong lòng người chiến sĩ công an năm nào.
Thượng tướng Lê Thế Tiệm và Đại tá Nguyễn Hòa (từ trái qua) gặp gỡ các đồng đội cũ tại Đại hội Câu lạc bộ Công an hưu thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2018 - 2021. Ảnh: V.T.L |
1. Ông tên thật là Nguyễn Chức, lớn lên tại làng Long Phước, xã Tam An, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, trong gia đình đông con và nghèo đến nỗi hơn mười miệng ăn nhưng chỉ trông nhờ vào một sào ruộng nước.
Còn lại quanh năm làm thuê, cấy mướn mà vẫn thiếu trước hụt sau. Tuy vậy, cả gia đình nông dân nghèo ấy vẫn hăng hái tham gia hoạt động cách mạng. Còn cái tên Nguyễn Hòa trong giấy tờ là một sự kiện đặc biệt trong cuộc đời đi làm cách mạng của ông.
Đó là vào đầu những năm 60 thế kỷ trước, sau khi tập kết ra Bắc, ông được học khóa đào tạo nghiệp vụ công an tại Trường C500 - tên gọi quen thuộc của Học viện An ninh Nhân dân, đóng ở Thanh Xuân, Hà Nội. Tốt nghiệp, ông cùng mười đồng môn khác được lệnh trở về quê hương chiến đấu.
Vì là nhiệm vụ bí mật nên tổ chức đã lấy tên con trai đầu lòng của ông đặt làm tên ông. Từ đó mở ra một trang sách mới cho cuộc đời người chiến sĩ công an xuất sắc Nguyễn Hòa.
Khi chúng tôi muốn nghe ông kể về những chiến công, ông chỉ cười rồi bảo: “Nói chiến công thì hơi quá, đó chỉ là thành tích đạt được trong công tác mà thôi. Vả lại thời gian qua lâu rồi, chuyện mất chuyện còn làm sao nhớ hết được”.
Hôm hẹn gặp, nghe giọng ông qua điện thoại đoán chừng ông nhiều lắm cũng ngoài tám mươi là cùng. Thế mà khi thấy ông cười, nói mình đã bước sang ngưỡng tuổi 93, tôi không khỏi ngạc nhiên. Trong câu chuyện của người lính trẻ-hơn-so-với-tuổi ấy chứa đựng một nội hàm về nhiệm vụ của người chiến sĩ công an suốt đời vì dân vì nước…
Tâm sự với chúng tôi về điều đáng nhớ trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, ông Nguyễn Hòa không hề kể về chiến công mà chỉ tự hào nhắc đến hai lần được gặp Bác trong những ngày đầu học tập và công tác ở miền Bắc. Cả hai lần được gặp vị Cha già dân tộc ấy đã để lại cho ông những tình cảm thiêng liêng, sâu sắc.
Lần đầu là vào cuối tháng 2 năm 1956, khi khóa đào tạo Sơ cấp Công an mà ông theo học sắp kết thúc thì Bác Hồ đến thăm trường và động viên tinh thần chiến sĩ miền Nam ra Bắc học tập. Ông vẫn còn nhớ như in hình ảnh Bác mặc bộ quần áo ka ki màu nâu, mang đôi dép cao su, đôi mắt sáng tinh anh, giọng nói hiền hòa căn dặn, chỉ bảo về đạo đức của người công an cách mạng.
Lần thứ hai là cuối tháng 12 năm 1957. Lần ấy Bộ Quốc phòng tổ chức Hội thao Quốc phòng gần trại giam Mỏ Chén, nơi ông công tác. Tuy chỉ được nhìn Bác từ xa nhưng lời dặn dò của Bác ngày nào về vai trò và nhiệm vụ của người chiến sĩ công an vẫn còn vang vọng trong tâm tưởng ông. Tuy không nói ra bằng lời nhưng ông đã nguyện với lòng mình sẽ suốt đời sống và chiến đấu vì lý tưởng cách mạng.
2. Trước khi ghé thăm ông, chúng tôi hỏi thăm các đồng đội cũ một thời hoa lửa của ông và được biết rằng, trong kháng chiến chống Mỹ, ông nổi tiếng trong công tác điệp báo ở Ban An ninh tỉnh Quảng Nam. Ông cho biết, công tác điệp báo là nhiệm vụ hàng đầu, nắm tình hình địch để phục vụ cho việc đánh địch phía trước. Vì vậy, việc gầy dựng cơ sở bí mật trong hàng ngũ địch là công việc đầy khó khăn, nguy hiểm.
Một cơ sở mà ông không thể nào quên là bà Vương Thị Thu Ba ở Tam An, Phú Ninh. Đây là cơ sở giao liên hợp pháp, móc nối khai thác tin tức của địch về nơi đóng quân, âm mưu càn quét để phục vụ việc tấn công tiêu diệt của ta.
Trong suốt thời gian từ 1965 đến 1967, cơ sở Thu Ba đã cung cấp hàng nghìn tin báo, vận động gia đình đào hầm bí mật nuôi giấu cán bộ, cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm, thuốc men chuyển về căn cứ Trà My, Tiên Phước.
Đặc biệt, năm 1967, một lần Trung đoàn Bộ đội B12 hành quân nghỉ chân tại chợ Quán Rường, xã Tam An, bị địch phát hiện bao vây; Thu Ba đã mưu trí cùng du kích thôn nổ súng thu hút hỏa lực địch về phía mình, tạo điều kiện cho cán bộ và bộ đội thoát khỏi vòng vây của giặc.
Sau ngày giải phóng, cơ sở Vương Thị Thu Ba được Nhà nước tặng thưởng Huy chương Kháng chiến hạng nhì và hưởng chính sách người có công cách mạng…
Câu chuyện đang hồi dang dở thì người con trai cả của ông về nhà. Sau khi biết mục đích chuyến thăm của chúng tôi, anh vừa cười vừa nói: “Bây giờ bảo cụ kể về những ngày hoạt động cách mạng thì có mà kể đến sáng mai vẫn chưa hết chuyện. Một pho tự điển sống về cách mạng Quảng Nam-Đà Nẵng đấy…”.
Quả thật, câu chuyện về cuộc đời của người chiến sĩ công an mang tên Nguyễn Hòa rất dài, dài như một dòng sông đang chảy qua các chặng đường lịch sử khác nhau của quê hương. Từ năm 1954 tập kết ra Bắc đến năm 1962 vượt Trường Sơn về quê hương Quảng Nam gầy dựng phong trào chống Mỹ.
Từ Chiến dịch Mậu Thân 1968 rồi Chiến thắng mùa xuân 1975. Chiến thắng nào cũng có một phần xương máu của những người chiến sĩ và cơ sở điệp báo. Họ bí mật hoạt động, lặng lẽ hy sinh để đồng đội làm nên những đóa hoa chiến công, góp phần giải phóng đất nước.
3. Khi nghe chúng tôi bày tỏ muốn được xem bộ huân, huy chương mà ông được Đảng và Nhà nước khen tặng, ông vui vẻ nhận lời. Sau khi lên gác lấy tài liệu và những khen thưởng mà ông nhận được cho chúng tôi mục sở thị, ông tâm sự:
“Đây là tất cả niềm tự hào của tôi. Để có được những phần thưởng cao quý này không chỉ có sức lực của bản thân mà phải nói đến sự đóng góp to lớn của đồng đội, nhất là các cơ sở điệp báo qua các thời kỳ. Và trong đó còn có phần không nhỏ của người bạn đời mấy chục năm gắn bó, tần tảo, động viên…”.
Đối với chúng tôi, những người trưởng thành trong hòa bình, việc một người lính, một Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân như ông lại dành lời trân trọng cho người vợ thân yêu của mình thật là xúc động. Những chuyện tình thời chiến đậm màu sử thi lãng mạn chúng tôi đã nghe và đọc không ít, nhưng hôm nay mới tình cờ nghe câu chuyện tình của người lính rất đời thường nhưng cũng không kém phần lãng mạn.
Ông tâm sự rằng, với bà Phùng Thị Đoán, ông bà không chỉ là vợ chồng mà còn là đồng chí. Ngày tập kết ra Bắc, ông quen bà tại Trường C500. Cô gái Sơn Tây ấy đã bằng lòng nên duyên với chàng trai miền Nam xa nhà. Họ cùng công tác ở Trại giam Mỏ Chén. Đám cưới cô dâu mặc quần lụa đen, áo sơ-mi trắng không hoa cầm tay.
Chú rể mặc sắc phục, đeo quân hàm. Khách mời không mấy người, toàn là cán bộ, chiến sĩ cùng cơ quan. Chi bộ là chủ hôn, công bố hai người là vợ chồng. Xong ra chính quyền đăng ký. Chỉ đơn giản vậy thôi mà nay đã sống đến đầu bạc răng long.
Vào năm 1962, khi ông được lệnh vào Nam chiến đấu thì vợ chồng ông đã có với nhau hai đứa con. Lúc chuẩn bị lên đường, đơn vị sắp xếp cho bà lên ở với ông một tháng. Kỷ niệm của lần chia tay nồng nàn ấy, đứa con thứ ba ra đời...
Khi chúng tôi mạo muội hỏi: “Lúc biết chồng đi B, cô có buồn không?”. Câu trả lời của bà thật giản dị không một chút khoa trương: “Buồn chứ sao không. Đi vào chiến đấu không biết bao giờ gặp lại. Thậm chí xác định sẽ hy sinh. Nhưng ai cũng đi chứ có riêng gì chồng mình. Vì nhiệm vụ cả thôi…”.
Nói thì nhẹ nhàng vậy thôi nhưng vừa gánh gồng ba đứa con nhỏ cùng công tác bận rộn, vừa phải là hậu phương vững chắc cho chồng yên tâm chiến đấu là chuyện không phải ai cũng làm được. Bà bảo, hồi đó chiến tranh nên liên lạc với nhau khó lắm.
Nhớ thương thì vợ chồng viết thư động viên nhau. Thời chiến, thư đi ròng rã hơn nửa năm trời mới tới. Lúc nhận thư còn khét mùi bom đạn. Mười sáu năm xa cách Bắc Nam, ông nhận tất cả 8 lá thư của vợ gửi vào chiến trường. Thư viết ngắn gọn trên trang giấy vở, bao giờ cũng kết thúc bằng dòng chữ: “Anh hãy yên tâm chiến đấu. Việc nhà cửa, con cái đã có em lo”.
Ông cười hóm hỉnh: “Mười sáu năm tui ra vô Trường Sơn bốn lần, cả bốn lần đều đi học tập hoặc công tác. Mỗi lần như thế tui và bả đều được tổ chức bố trí đoàn tụ trong mấy ngày. Nhờ trời, vượt Trường Sơn khói lửa như rứa mà đứa thứ tư vẫn chào đời mạnh khỏe. Thiệt là chẳng hạnh phúc mô bằng”.
Sau ngày thống nhất đất nước, ông được tổ chức phân công về làm Phó trưởng Ty Công an tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (về sau là Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng) phụ trách công tác chấp pháp, trại giam, hậu cần.
Lúc này gia đình nhỏ của ông được đoàn tụ. Bà chuyển về công tác tại Ban Tổ chức Ty Công an tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Vậy là sau bao nhiêu năm xa cách, người bạn đời của ông lại sát cánh bên ông trên con đường cách mạng.
4. Câu chuyện về thời chiến tranh khói lửa lắng đọng lại bên chén trà thơm lãng đãng. Căn phòng khách nhỏ như ấm hơn với hình ảnh cụ ông cụ bà hiền lành, phúc hậu, tóc bạc trắng ngồi bên nhau ôn lại chuyện xưa.
Về với đời thường ở cấp bậc đại tá, ông 2 nhiệm kỳ làm Phó Chủ nhiệm CLB Công an hưu tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Sau khi Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, ông tiếp 2 nhiệm kỳ làm Phó Chủ nhiệm CLB Công an hưu thành phố Đà Nẵng.
Nói theo cách của nhà văn Nguyễn Thi trong tác phẩm “Những đứa con trong gia đình”, nếu cuộc đời của vợ chồng Anh hùng LLVTND Nguyễn Hòa như một dòng sông mênh mang sóng nước chở nặng phù sa bồi đắp đôi bờ cho quê hương xanh cây trái, thì bốn người con của ông bà là những khúc sông sau xanh hơn, mạnh mẽ hơn. Họ lớn lên trong niềm tự hào về một người cha anh hùng, một người mẹ hy sinh tần tảo và tiếp bước trở thành những chiến sĩ công an đang công tác tại thành phố Đà Nẵng để làm nên một dòng sông truyền thống gia đình chảy mãi…
Hôm chúng tôi đến, nhà ông treo bảng “Có chỗ xem pháo hoa”. Đêm đó diễn ra trận thứ tư của DIFF 2018. Hẳn ông đã ngồi ở một vị trí thoải mái nhất trên tầng thượng nhà mình để nhìn ngắm những loạt pháo hoa rực sáng trên sóng nước sông Hàn. Dòng sông vẫn miệt mài chảy giữa lòng thành phố rồi xuôi về biển lớn. Và trong ông, một dòng sông mang tên hồi ức cũng âm thầm tuôn chảy...
Như Hạnh