Thanh xuân nhuốm màu khói lửa

.

Chiến tranh đã đi qua hàng chục năm nhưng những khó khăn, gian khổ, hy sinh vẫn hằn rõ trong ký ức những thanh niên xung phong (TNXP) năm ấy. Hôm nay, ngày ngày phải chịu đựng đau đớn của bệnh tật và tuổi già nhưng họ vẫn lặng thầm góp “lửa” xây dựng quê hương.

Cựu TNXP Nguyễn Thị Hồng Nhì (áo trắng) trân quý những bức ảnh chụp cùng đồng đội trong những tháng năm khói lửa như báu vật vô giá.
Cựu TNXP Nguyễn Thị Hồng Nhì (áo trắng) trân quý những bức ảnh chụp cùng đồng đội trong những tháng năm khói lửa như báu vật vô giá.

Những con đường không đi trên đất

Không trực tiếp cầm cuốc, xẻng, đào đất mở đường nhưng ông Hồ Văn Chi (nay trú phường Bình Thuận, Hải Châu) lại góp công trong việc đọc bản đồ, thị sát vạch tuyến để mở đường cho công binh từ Quảng Nam đến Phú Yên.

Vốn là một kỹ sư xây dựng, quê tại huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, sau khi được lệnh tập trung, tháng 4-1970, ông Chi được phân công về Đội Khảo sát Thiết kế Giao thông 5 (thuộc Ban Giao thông vận tải Khu 5). Trong 5 năm làm nhiệm vụ, nhiều tuyến đường băng qua rừng, “đường ngầm” băng qua sông, suối đã được mở ra phục vụ xe đi qua.

Gọi là “đường ngầm” vì đường này không đi trên bộ mà đi dưới nước (mục đích không để lại dấu vết). Ông cùng đồng đội khảo sát, tìm những đoạn sông nước nông, xếp những viên “đá mồ côi” nặng gần 100kg lại thành đường cách mặt nước khoảng 40cm (mục đích không để nước vào máy xe) cho xe đi qua.

“Một trong những nguyên tắc khi mở đường là tránh đường thẳng, tránh suối to, dốc cao và bảo đảm tuyệt đối bí mật, tôi cùng các anh em phải dựa vào bản đồ để xác định vị trí, phương hướng”, ông Chi cho biết.

Năm 1972, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tìm đường từ QL14E tới Văn phòng Khu ủy Khu 5 nên cả đơn vị được gặp thủ trưởng Võ Chí Công (lúc ấy là Bí thư Khu ủy Khu 5) và được thủ trưởng mời cơm.

Ông tâm sự: “Ngày đó, bộ đội, TNXP khổ lắm, làm đường trong rừng sâu núi thẳm, cái gì cũng thiếu từ dụng cụ cho đến đồ ăn, nước uống. Sống trên bom dưới đạn, nhiều người hy sinh rất trẻ nên được gặp lãnh đạo là hạnh phúc, vinh dự lắm”.

Điều khiến ông Chi nhớ nhất trong những năm tháng chiến đấu là ông hai lần vượt QL19 (từ Bình Đình đến Gia Lai) với mục đích thị sát, tìm đường cho lực lượng TNXP chuyển đạn dược, lương thực cho lực lượng bên trong. Ngày ấy, đi qua QL19 tức là đi vào cửa tử, vì địch tầm soát 24/24, máy bay, xe tăng, trực thăng địch kiểm giới nghiêm ngặt. Để đi qua, ông bèn nghĩ ra cách đợi trời nhá nhem tối, đi đến đâu trải ni-lông đến đó rồi cuộn lại để không lộ dấu chân.

“Nói là đi nhưng đúng ra là chạy, mọi thao tác phải thật nhanh vì nếu chậm một khắc thôi thì tính mạng đã không còn”, ông Chi kể lại.

Hiện nay, ông Hồ Văn Chi là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Cựu TNXP phường Bình Thuận (Hải Châu) và Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh thành phố Đà Nẵng. Ngoài hăng hái tham gia vào các hoạt động của Thành Hội và cơ sở Hội, ông Chi còn thường xuyên đóng góp, ủng hộ cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn.

Trên mặt trận văn công, ông cũng là cá nhân tiêu biểu, hiện đang giữ chức Chủ tịch Chi hội thơ Đường luật thành phố và Phó Chủ tịch CLB Thơ Việt Nam thành phố Đà Nẵng.

Cất tiếng hát mỗi đêm

Gia nhập lực lượng TNXP năm 1969, cô gái Nguyễn Thị Hồng Nhì (nay trú phường Chính Gián, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) năm ấy mới 17 tuổi, nặng hơn 30kg. Làm nhiệm vụ tiếp tế đạn dược, lương thực, làm đường cho bộ đội, trên vai lúc nào cũng là những dụng cụ, kiện hàng với trọng lượng gần gấp đôi trọng lượng cơ thể.

Ông Hồ Văn Chi xem lại những bức ảnh kỷ niệm chụp cùng đồng đội trong thời bình. Ảnh: XUÂN DŨNG
Ông Hồ Văn Chi xem lại những bức ảnh kỷ niệm chụp cùng đồng đội trong thời bình. Ảnh: XUÂN DŨNG

Trong những tháng năm “xẻ dọc Trường Sơn” cùng đồng đội, dù cha bị địch bắt đi tù ở Hội An, mẹ và em trai đều hy sinh dưới nòng súng địch nhưng không thể về nhà, cô con gái của Mẹ Việt Nam anh hùng Thái Thị Lý đành ngậm ngùi nuốt nước mắt vào trong, nuôi lòng căm thù giặc, ngày đêm kiên cường, góp công làm nên con đường Trường Sơn huyền thoại.

Trong trí nhớ của bà Nhì, những năm 1969-1971 là khoảng thời gian địch càn quét ác liệt nhất, bất kể ngày đêm, máy bay địch lúc nào cũng ở trên đầu, sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc. Ngày ấy, tối nào đơn vị bà cũng họp, nghe các đồng chí lãnh đạo chỉnh huấn, quán triệt tư tưởng và “tập hát”.

Mắc võng bên nhau, những TNXP ngày ấy dùng tiếng hát để quên đi khó khăn, gian khổ và nỗi nhớ nhà. Bộ sưu tập chỉ vỏn vẹn vài bài, được hát đi hát lại nhiều lần, ai cũng tự dặn mình không được rơi nước mắt, tuyệt đối không để đồng đội nghe tiếng nấc ngẹn, bởi chỉ cần một người khóc, tất cả sẽ khóc theo.

Năm 1970, Mỹ tăng cường rải chất độc màu da cam, có những lần sáng đi làm cả cánh rừng vẫn xanh tốt, tối về toàn bộ cây cối đã chết khô. Đói! Không có gì ăn, bà cùng đồng đội phải vào rừng, đào những củ sắn của đồng bào bỏ đi, có lần dù biết những củ sẳn ấy có thể nhiễm chất độc màu da cam của địch, vỏ sắn sần sùi, cứng, ruột úa vàng và mềm nhũn nhưng vẫn phải ăn, bởi “chết vì đói nhanh hơn chết vì độc”.

Sống trong những năm tháng khói lửa ngập trời, nhiều lần chứng kiến tận mắt đồng đội của mình ngã xuống, không ai nói với ai nhưng bà cùng đồng đội vẫn chuẩn bị sẵn tâm lý “sống nay chết mai”.

Có lần, đơn vị bà đi chuyển hàng qua sông Nước Chè (thuộc địa phận Phước Sơn, Quảng Nam), vì sông rất rộng và sâu, đơn vị bà bèn căng một sợi dây bằng cây mây để mọi người men theo chuyển hàng qua, khi đến giữa sông, sợi dây mây đột ngột đứt, một đồng đội của bà vì không biết bơi nên đuối nước và bị dòng nước cuốn trôi.

Lúc đó, nhìn đồng đội hy sinh ngay trước mắt nhưng không thể làm gì, không có thời gian cho sự đau khổ, bà cùng đơn vị chỉ biết nuốt nước mắt bước tiếp. Đây cũng là kỷ niệm khiến bà nhớ và day dứt mãi đến nay.

Chiến tranh đã đi qua 45 năm, nhưng những kỷ niệm với bà Nhì vẫn vẹn nguyên như mới ngày hôm qua, khi kể về những tháng năm ấy, trên khóe mắt bà vẫn rưng rưng, xa xăm. Vì không lập gia đình nên bà thường được các đồng đội gọi với cái tên thân thương là “Người phụ nữ cống hiến cả đời cho cách mạng”.

Sau năm 1975, bà về làm công tác Đảng tại Công ty Vận tải đường sắt 4; năm 1989 bà về công tác tại Xí nghiệp Toa xe Đà Nẵng, sau đó làm Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP phường Chính Gián (quận Thanh Khê). Đến nay, khi đã nghỉ hưu, bà vẫn tích cực đóng góp, tham gia sinh hoạt đầy đủ mọi hoạt động của Thành Hội.

Hội Cựu TNXP thành phố Đà Nẵng được thành lập năm 2005, là tổ chức xã hội đặc thù và là thành viên của Ủy ban MTTQ Việt Nam tại Đà Nẵng. Hiện Hội có 1.300 hội viên sinh hoạt tại 7 quận, huyện và 40 xã, phường.

Từ năm 2015 đến nay, Hội Cựu TNXP thành phố đã vận động tặng xe đạp, xe lăn, tặng quà cho 9.198 lượt hội viên với tổng kinh phí gần 5 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 41 nhà ở cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn; phối hợp cất bốc 27 hài cốt đồng đội ở Trường Sơn về cải táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố Đà Nẵng; ủng hộ chương trình xây dựng nông thôn mới ở huyện Hòa Vang gần 130 triệu đồng cùng nhiều hoạt động khác. Năm 2018, Hội Cựu TNXP thành phố vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

XUÂN DŨNG

;
;
.
.
.
.
.