Ân tình của những người "vác tù và…"

.

1. Trưa đứng bóng, nắng gay gắt phả xuống mặt đường. Trận mưa rào đêm qua vẫn không làm dịu nổi cái nắng trưa hè tháng 8. Giờ này, nếu không có việc gấp gáp, chẳng ai muốn chường mặt ra đường.

Điểm chốt chặn 24/24 không ai chịu về tại khu dân cư Hải An (phường Hòa Quý). Ảnh: Q.T
Điểm chốt chặn 24/24 không ai chịu về tại khu dân cư Hải An (phường Hòa Quý). Ảnh: Q.T

Những anh em cắm chốt tại tuyến đường liên thôn trong khu dân cư Hải An (phường Hòa quý, quận Ngũ Hành Sơn) vẫn chia nhau ngồi rải rác trực chốt. Nắng xuyên qua vành mũ, có thể nhìn thấy được những giọt mồ hôi rịn trên trán các anh. Anh Phạm Viết Vi (SN 1983, thành viên chốt chặn Hải An) khuyên người đàn ông lớn tuổi hơn: “Về nhà nghỉ chút đi anh Cường. Có mấy anh em ngồi đây được rồi. Mấy ngày rồi anh không về nhà. Cuộc chiến còn dài, phải giữ sức chớ”.

Người đàn ông tên Cường xua tay: “Ta chưa mệt. Nhiều việc, ta ở lại với bây có chi còn phụ cho kịp”. Anh Vi lắc đầu: “Cái ông cứng đầu ni!”. Nói rồi, anh Vi đi tới đi lui nhắc nhở kíp trực thay khẩu trang, “tụi tui đeo lâu quá nên vành tai đỏ ửng, cộng thêm nắng nóng mồ hôi chảy rịn rịn ra miết, quanh mang tai và miệng ngứa lở hết”, anh nói. Hôm nay, anh Vi không đeo khẩu trang y tế như mọi ngày. Anh “khoe” với mọi người, vợ anh vừa phát cho anh cái khẩu trang trùm kín mặt của… phụ nữ. Khẩu trang này lợi hại hơn vì dây đeo mềm, lại che chắn được cả vành tai, cổ, hạn chế cháy nắng. Hèn chi sáng nay thấy anh Vi đi trực, mặc bộ đồ đàn ông nhưng lại đội mũ tai bèo, đeo khẩu trang “Ninja” của phụ nữ, ai cũng nhịn cười.

Cuộc trò chuyện bị cắt ngang bởi giọng nói của chị Nguyễn Thị Ánh (Chi hội trưởng chi hội phụ nữ Hải An) - được mọi người gắn biệt danh “mama tổng quản” từ đầu mùa dịch đến giờ: “Mọi người lại uống C cho khỏe nè”. Thực hiện đúng tinh thần giãn cách, từng người một đứng lên lấy ly C sủi về chỗ ngồi. Từ đầu mùa dịch đến nay, nhờ bàn tay khéo sắp đặt của chị Ánh mà nhóm trực được chăm sóc chu đáo. Chị cười bẽn lẽn: “Tui có làm được gì đâu. Thấy anh em trực đêm trực ngày cực khổ nên tui nấu bữa ăn nóng sốt, pha C sủi, nước cam để anh em tăng sức đề kháng mà chống dịch. Tui chỉ bỏ công thôi. Còn gạo, rau, mắm muối, thực phẩm là của bà con quanh đây đóng góp hết.

1 giờ 30 ngày 31-7-2020, chốt chặn phòng dịch Hải An được dựng lên ngay trong khu dân cư (phường Hòa quý, quận Ngũ Hành Sơn). Chẳng cần hô hào, vận động, đàn ông trai tráng trong khu dân cư đồng loạt xin cắm chốt. 25 người gồm tổ trưởng dân phố, bí thư chi bộ, mặt trận, phụ nữ, đoàn thanh niên… tham gia. Mỗi ngày, kíp trực chia làm hai ca, cắm chốt 24/24.

Chốt chặn này được địa phương đánh giá là phức tạp nhất trên địa bàn, bởi đây là tuyến đường liên thôn nối liền khu dân cư Hải An (thành phố Đà Nẵng) với phường Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Anh Vi cho hay, những ngày đầu, khi 2 chốt huyết mạch ở cửa ngõ phía nam thành phố là Trần Đại Nghĩa và Mai Đăng Chơn được dựng lên, người dân tỉnh Quảng Nam muốn vào Đà Nẵng không lưu thông được nên đã ùn ùn theo tuyến đường tắt trong khu dân cư Hải An vào thành phố. Khi bị kíp trực chốt chặn lại, bà con rất bức xúc. Anh và mọi người phải giải thích từng li từng tí, dần bà con mới hiểu.

Tiếp lời anh, ông Cường bộc bạch: “Cái cực của chốt chặn này là không cấm hoàn toàn mà linh động từng đối tượng. Vì vậy, khi có người tới là chúng tôi phải yêu cầu họ chứng minh nguồn gốc, xem mặt kỹ từng người rồi mới quyết cho họ qua hay không. Ngay trong khu dân cư của chúng tôi có một số người đi làm công nhân tại Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc sáng đi-chiều về. Vì vậy, nguy cơ lây nhiễm của anh em cũng cao hơn nơi khác”.

Ý thức được điều này, những anh em tham gia chốt chặn đều tự cách ly với các thành viên trong gia đình. Dù nhà chỉ cách chốt cắm 50, 70 mét nhưng mấy ngày họ mới tạt qua nhà một lần chỉ để… thay quần áo. Khi ngồi, thậm chí nằm ngủ tại giường xếp của chốt, họ cũng đeo khẩu trang. Chị Ánh bảo, sức người chớ phải sức chi mà không mệt. Bao nhiêu ngày nay mấy anh em “ăn bờ ngủ bụi” rồi. Rứa mà biểu về nhà nghỉ không ai chịu về chớ phải. Mạnh thường quân cho được 6 cái giường xếp, trong khi mỗi ca trực 10 người. Cứ người ngủ nằm thì người phải ngủ ngồi. Rứa mà không ai “phân bì phân tỏi” với ai.

Tuyến đường liên thôn nối liền phường Hòa Quý và phường Điện Ngọc được đánh giá là điểm chốt chặn phức tạp. Ảnh: Q.T
Tuyến đường liên thôn nối liền phường Hòa Quý và phường Điện Ngọc được đánh giá là điểm chốt chặn phức tạp. Ảnh: Q.T

2.  Đà Nẵng đang bước vào mùa mưa. Mới đầu mùa nhưng những cơn mưa rào đã rải rác xuất hiện. Đứng bên trong lán trại nhìn lên bầu trời đang vần vũ những đám mây nặng hạt, anh Hồ Văn Dũng (SN 1987, dân quân xã Hòa Tiến. huyện Hòa Vang) chép miệng: “Cơn mưa sẽ lớn lắm đây. Thôi kệ, mưa đi cho mát”. “Mưa vừa thôi chớ mưa to quá liệu tấm bạt này trụ nổi không?”, Huỳnh Công Tuấn (SN 1998, Công an huyện Hòa Vang, cùng kíp trực) đáp lời.

Hai anh em đồng hành cùng nhau hơn 10 ngày nay, từ 2-8, khi Lệ Sơn Nam - thôn đầu tiên của miền Trung bị phong tỏa vì Covid-19. Chỉ một thôn với hơn 400 hộ, 1.700 nhân khẩu nhưng do nhiều kiệt, hẻm, liên thông nhiều tuyến đường lớn nên chính quyền xã Hòa Tiến dựng lên tới 17 chốt kiểm soát. Anh Dũng trải lòng: “Tôi trực chốt từ hôm 27-7 đến giờ, từ hồi Hòa Tiến chưa có ca nhiễm nào. Có lẽ do đang sức thanh niên nên tôi không thấy khó khăn gì cả. Người dân ở thôn đối diện (thôn Lệ Sơn Bắc) rất tội. Họ lo cho chúng tôi chẳng thiếu thứ gì. Từ võng, quạt, nước lọc, đèn điện… Tôi chỉ thấy nhớ ba mẹ thôi. Nửa tháng rồi tôi chưa về nhà”.

“Chẳng thiếu thứ gì” mà anh Dũng nói là một lán trại được phủ bạt tạm bợ, trời nắng thì nóng như thiêu đốt, trời mưa thì nước tạt tứ tung. Chốt trực của anh Dũng nằm đơn độc tại khu tái định cư Lệ Sơn Nam, xung quanh là cánh đồng bỏ hoang, đêm về, ếch nhái kêu vang trời. Thi thoảng, có một vài mạnh thường quân ghé qua cho các anh thùng nước ngọt, thùng sữa, nhìn lán trại, họ chép miệng: “Thiệt sức thanh niên mới hiên ngang ăn ở giữa trời giữa đất ri được, chớ gặp trung niên như tụi tui thì chỉ cần 2 ngày phơi nắng phơi sương là đổ cảm ra liền”. 

10 giờ đêm 16-8, chốt Lệ Sơn Nam được dỡ bỏ cách ly. Những tưởng sau những ngày dài xa nhà, đây là lúc anh em cắm chốt được đoàn tụ với gia đình, nhưng không. Anh Dũng bảo: "Trong đêm nay, tụi anh sẽ thu dọn đồ đạc để lên làm nhiệm vụ tại thôn Yến Nê 2-Thôn xóm tiếp theo của Hòa Tiến bị phong tỏa do Covid-19...

3. Ngày 1-8-2020, Trần Hữu Vinh (SN 2000, trú phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) mới chính thức nhận nhiệm vụ dân quân phường. Covid-19 ập đến khiến chàng trai trẻ đi làm sớm hơn dự kiến. Và từ đó đến nay, gần nửa tháng trời, Vinh chưa một lần về nhà. Tại chốt chặn trên đường Nguyễn Duy Hiệu (quận Sơn Trà), Vinh mở điện thoại nói chuyện với đứa em đang học lớp 2. Em trai cứ lấy điện thoại của mẹ nhắn tin hỏi sao anh chưa về. “Nó bám em lắm nhưng em không về được. Ngày nào cũng phải hứa hẹn, dỗ dành nó”, Vinh nói.

Cuộc nói chuyện của Vinh và em cứ bị ngắt quãng liên tục vì người dân trong khu phong tỏa nhờ Vinh đi mua giúp mấy nghìn ớt, tỏi, hành… Chợ An Cư đóng cửa khiến Vinh phải chạy lên chợ Bắc Mỹ An (phường Mỹ An) hoặc ngược về chợ Phước Mỹ (phường Phước Mỹ) mới mua được thực phẩm. Mỗi ngày, Vinh chạy như thoi. Hết mua bánh mỳ, đến rau cỏ, đến thuốc men. Chưa kể làm “giao liên” đưa thực phẩm đến từng nhà dân. Nếu có xe máy của anh chị nào trên phường xuống thăm thì Vinh mượn đỡ, còn đa phần, Vinh phải đi bộ.

Mới 20 tuổi đầu nhưng suy nghĩ của chàng trai trẻ khá già dặn. Vinh kể: “Mẹ em thấy con ngủ ngoài đường, phần nắng nóng, phần muỗi kinh khủng nên cũng xót lắm. Mẹ bảo em khi nào hết cách ly về nhà mẹ nấu cho ăn uống tẩm bổ, ngủ máy lạnh vài đêm cho mát mẻ mới lại sức được. Nhưng em không chịu, em lớn rồi, em biết tự lo. Em muốn góp sức bảo vệ người dân địa phương mình”. Dù vậy, chàng trai trẻ không giấu được nỗi nhớ nhà. 2,3 ngày, Vinh lại tạt ngang qua nhà đưa quần áo bẩn cho mẹ giặt. Nén lòng, em chỉ để đồ trước cửa rồi phóng đi. Đến cơ quan mới gọi điện thoại cho mẹ ra cổng lấy đồ. 

Dù rất nhớ nhà, Vinh bảo sẽ cắm chốt cho đến khi nào hết dịch. Ảnh: Q.T
Dù rất nhớ nhà, Vinh bảo sẽ cắm chốt cho đến khi nào hết dịch. Ảnh: Q.T

Ngày 28-7, địa bàn phường An Hải Đông phát hiện ca dương tính đầu tiên. Ngay trong buổi sáng hôm ấy, 4 chốt cắm được dựng lên trên tuyến đường Nguyễn Duy Hiệu. Tất cả nhà dân xung quanh tuyến đường “bật” chế độ cửa đóng then cài. Con đường vốn nhộn nhịp bán mua trở nên im ắng. Ông Phạm Hồng Dũng, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự phường An Hải Đông kể, địa phương đã có sự chuẩn bị trước cả khi có phương án lập chốt của thành phố bởi người mắc Covid-19 là người dân mình. Địa phương phải khẩn trương triển khai kế hoạch nhằm hướng dẫn, tạo sự yên tâm cho bà con.

4 chốt cắm với 4 người/ca trực nhưng hầu như anh em không ai bảo ai đều ở lại cắm chốt. Bất cứ khi nào người dân cần về vật tư y tế, thực phẩm, đồ gia dụng… anh em đều đi mua giúp, không quản ngại mưa nắng, đêm hôm. “Anh em cắm chốt vì dân nhưng cũng rất tế nhị. Nhiều khi “mắc” chuyện khó nói cũng chạy xe lên UBND phường hoặc về nhà chứ không bao giờ xin vào nhà dân, dẫu gần xịt đó. Tụi mình tránh tiếp xúc với người dân hết mức có thể, vì anh em ở ngoài đường cả ngày, giao tiếp biết bao nhiêu người, biết đâu mà lần…”. Nói rồi, anh Dũng xin phép đi qua Bệnh viện C Đà Nẵng lấy thuốc điều trị tiểu đường, huyết áp cho các cụ già trong khu dân cư.

Nhiều người tự hỏi, cuộc chiến với Covid-19 này bao giờ mới kết thúc? Hẳn những người “vác tù và” chúng tôi vừa kể trên cũng muốn biết câu trả lời. Có điều, bây giờ, điều đó không phải là mối bận tâm quá lớn đối với họ. Bởi, nếu quá tính toán, bận tâm, có lẽ họ đã không xung phong nhận công việc cực nhọc họ đã và đang làm. Chính sự vô tư, hồn hậu góp sức vì sự bình an của người thân, của cộng đồng ấy đã dệt thêm những câu chuyện đẹp trên mảnh đất Đà Nẵng tình người. Và, tôi nghĩ rằng, niềm tin chiến thắng trong cuộc chiến cam go này, cũng được bắt đầu từ những điều tưởng nhỏ bé, “vác tù và” như thế.

QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích