Những ngày trong “tâm dịch”, nỗi lo mang tên Covid-19 thường trực trong tâm trí mỗi người Đà Nẵng. Tuyến đầu - nơi hàng trăm y, bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế đang chiến đấu để đẩy lùi dịch bệnh, nỗi lo, mối hiểm nguy từ Covid-19 càng rõ ràng, trực diện hơn bao giờ hết. Vượt lên tất cả, những “thiên thần áo trắng” vẫn ngày đêm miệt mài bên giường bệnh để hoàn thành sứ mệnh cứu người thiêng liêng. Câu chuyện về cuộc chiến nơi tuyến đầu, về những “thiên thần áo trắng” đã được nhắc nhiều, nói nhiều khắp các phương tiện truyền thông, mạng xã hội. Thế nhưng, ít ai biết rằng, phía sau những “thiên thần áo trắng” ấy cũng có một cuộc chiến tinh thần không kém phần căng thẳng của “hậu phương”. Đó là những người mẹ, người cha, người vợ, người chồng luôn vững lòng, sẵn sàng đồng hành, tiếp sức cho “tiền tuyến” hoàn thành mọi nhiệm vụ.
Những lời động viên từ hậu phương giúp các y, bác sĩ tuyến đầu nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ. TRONG ẢNH: Bác sĩ Phạm Minh An, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (Bệnh viện Đà Nẵng) đang chăm sóc bệnh nhân nhiễm Covid-19. |
1. “Tự hào nơi đó có em”, anh Lê Văn Liêm (SN 1986, kỹ sư xây dựng, trú quận Sơn Trà) thốt lên như thế khi tôi nhắc đến vợ anh - chị Thái Thị Thu Hà (công tác tại phòng khám Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đà Nẵng) đang ngày đêm cùng đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế chiến đấu trên tuyến đầu. Anh kể, trưa Chủ nhật (26-7), đúng hôm nhà có khách thì chị Hà nhận lệnh phải tập trung vào viện.
Chị ghé sát tai anh thì thầm đủ nhỏ chỉ để hai người nghe: “Vợ vào bệnh viện lấy mẫu xét nghiệm (xét nghiệm SARS-CoV-2, PV), có thể phải ở lại. Anh đừng nói gì khách lại hoang mang”. Và rồi, chị ở lại thật. Tối đó, anh gói ghém tư trang mang vào cho vợ. Hai vợ chồng ngậm ngùi, đứng nói với nhau được đúng hai câu qua cánh cổng sắt rồi chia tay. Chị Hà bắt đầu những ngày “lấy bệnh viện làm nhà”. Còn anh Liêm phải tập làm quen dần với những bữa cơm không có hình bóng người vợ thân quen.
Hôm sau, chị Hà có lệnh di chuyển về khách sạn cách ly, đợi thay phiên nhưng không đi để nhường người lớn tuổi hơn. Hay chuyện, anh Liêm thoáng trách chị. Anh trách cũng dễ hiểu, bởi chị đang mang bầu. Sau lần bé đầu không may qua đời khi chỉ mới vài tháng tuổi, khó khăn lắm hai anh chị mới có đứa con này. Mọi hy vọng, mong chờ đều dồn hết ở đây. “Trách thì trách vậy, vì lo vợ đang bầu bí. Nhưng rồi vợ nói ở lại giúp được gì cho đồng nghiệp và bệnh nhân thì làm. Tôi tin vợ mình không làm điều gì mà không có lý do”, anh Liêm tâm sự.
Những ngày sau đó, thông tin về số ca “dương tính” cứ nhảy liên hồi khiến anh Liêm đứng ngồi không yên. Không lo sao được khi bên trong hàng rào cách ly kia là người vợ cùng đứa con chưa chào đời. Thế mới biết, người đàn ông dù mạnh mẽ, kiên cường đến nhường nào nhưng khi nhìn vợ, con trong vòng quây nguy hiểm, nào có ai yên lòng yên dạ?! Nhưng rồi vượt lên tất cả, anh luôn động viên, nhắc nhở vợ giữ gìn sức khỏe để tiếp tục chiến đấu. Những tấm hình ghi lại hoạt động của chị tại bệnh viện tuy đầy vất vả, nhọc nhằn nhưng luôn toát lên niềm tin và hy vọng. Hy vọng về một ngày đại dịch kết thúc, bữa cơm gia đình sẽ lại trọn vẹn vợ, chồng.
2. Ngót nghét 3 tuần trôi qua từ ngày nhận “mệnh lệnh” tập trung, bác sĩ Phạm Minh An (Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (Bệnh viện Đà Nẵng) ở biệt trong bệnh viện. Còn chị Nguyễn Thùy Trang (28 tuổi, trú quận Thanh Khê, phóng viên Báo Lao Động, vợ anh An) chạy ngược chạy xuôi, vừa đảm đương việc nhà, vừa lo tin tức, bài vở, đưa những dòng tin nóng hổi từ “tâm dịch”. Một người là bác sĩ, người kia là phóng viên. Hai người với hai nghề khác nhau nhưng đều là những lực lượng trong tuyến đầu chống dịch. Nhiều ngày trôi qua, bữa cơm nhà trở thành điều xa xỉ với đôi vợ chồng trẻ.
Chị Trần Thị Hạnh Thảo và con gái Mina cùng hát bài “Niềm tin chiến thắng” để tiếp thêm sức mạnh đến chồng - bác sĩ Hoàng Hữu Hiếu, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (Bệnh viện Đà Nẵng). Ảnh: NVCC |
Còn nhớ, chừng này năm ngoái, hai vợ chồng chị cùng tất bật lo cho ngày trọng đại của cuộc đời. Còn năm nay, vợ chồng chị cũng tất bật như vậy, có khi hơn, nhưng là để cùng làm nhiệm vụ chống dịch. Hơn ai hết, bản thân họ biết rõ, cuộc chiến này còn trường kỳ và gian khổ lắm. Lời hẹn kỷ niệm 1 năm ngày cưới cùng nhau đi đâu đó, ăn món gì đó thật ngon của vợ chồng chị đành gác lại... Có chăng, những món ngon bây giờ là đồ hộp, mỳ gói, là những chai sữa, hộp cà phê mà chị gói ghém gửi vào để tiếp sức cho anh sau những ca trực mệt nhoài.
Hôm qua, đọc mấy dòng chị viết trên trang Facebook cá nhân, không hiểu sao tôi thấy cổ họng nghèn nghẹn. Chị hỏi: “Anh đoán xem bao giờ được về nhà?”, anh đáp: “Trung thu thì bỏ qua cũng được nhưng phải về đón Giáng sinh chớ”. Nhưng rồi, vượt lên trên tất cả, chị Trang luôn động viên, nhắc anh chuyện ăn uống, giữ gìn an toàn.
Sau ca trực, anh An tranh thủ gọi điện cho vợ chỉ để “được nghe vợ càm ràm”. Những lời càm ràm thường ngày nghe đến chán, nhưng sao những lúc thế này, anh thèm đến lạ! Họ chia sẻ, động viên, chọc cười nhau bằng những dòng tin nhắn, cuộc gọi vội lúc ăn cơm hoặc sau ca trực. Anh hỏi chị: “Em có sợ không?”. Chị đáp: “Không! Mọi thứ sẽ có thể còn khó khăn hơn hiện tại, nhưng chỉ cần anh an toàn, em không sợ!”. Mấy hôm trước, sau khi tiếp xúc với nhiều bệnh nhân nhiễm Covid-19, anh An kẹp nhiệt độ lên đến vạch 38. Anh nằm trong nhóm nguy cơ cao và phải lấy mẫu xét nghiệm lần 2.
Trong khoảnh khắc đợi chờ ấy, có người hỏi anh, rằng: có sợ “dương tính” không. Anh đáp gọn lỏn: “Tất nhiên là sợ chứ. Bệnh tật, chết chóc thì ai không sợ. Nhưng nếu không được góp sức mình cùng mọi người trong thời khắc lịch sử này mới chính là điều tôi sợ nhất!”. Và rồi, anh và chị vẫn ngày đêm chiến đấu cùng nhau, bằng nhiều cách khác nhau, nhưng chung một kẻ thù, với lời hẹn gặp nhau trong ngày chiến thắng.
3. Trưa thứ Sáu (ngày 24-7), anh Hoàng Hữu Hiếu, bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (Bệnh viện Đà Nẵng) ra ca trực. Như thường lệ, anh Hiếu thu gọn đồ đạc, sắp sửa về nhà để ăn bữa cơm, nghỉ ngơi sau một đêm thức trắng. Ở nhà, chị Trần Thị Hạnh Thảo (SN 1987, giảng viên Trường Cao đẳng Bách khoa Đà Nẵng, vợ anh Hiếu) cùng đứa con gái 4 tuổi dọn mâm cơm đợi anh.
Điện thoại reo, giọng chị Hạnh Thảo hồ hởi: “Anh sắp về chưa, em và Mina (tên ở nhà của con gái anh) đợi cơm anh nè”. Đáp lại lời chị, anh Hiếu nói trong vội vàng: “Vợ chuẩn bị cho chồng mấy bộ quần áo, bỏ vô ba lô, đem lên bệnh viện gửi bảo vệ”. Chị Thảo chưa hiểu chuyện gì nhưng vẫn tất tả chuẩn bị quần áo cho chồng rồi đem lên bệnh viện. Về nhà, mâm cơm đã nguội lạnh từ lúc nào.
Chiếc điện thoại rung liên hồi, hiện những dòng tin tức về cách ly y tế 14 ngày với toàn bộ nhân viên y tế của Bệnh viện Đà Nẵng. “Vì không nghĩ là đi dài ngày như thế nên tôi chỉ kịp vơ vội mấy bộ quần áo”, chị Thảo ngậm ngùi. Những ngày sau đó, mỗi lần anh gọi về, chỉ cần bảo thiếu cái này, cần cái kia, thèm thứ nọ là chị tức tốc đi tìm mua rồi gửi vào cho anh. Trong những túi đồ gửi tiếp tế cho anh, dù thế nào chị cũng không quên gửi mấy lọ thuốc Flucort-N (thuốc điều trị viêm da). Chị bảo, anh vốn dị ứng với bao tay cao su. Mà trong bệnh viện, bắt buộc phải mặc đồ bảo hộ, đeo bao tay cao su cả ngày dài, hai bàn tay anh phồng rộp cả lên, nhìn xót lắm!
Ba tuần nay, mỗi ngày, chị Hạnh Thảo không nhớ hết phải nhắc đi nhắc lại bao nhiêu lần câu nói: “Ba đang đi làm ở bệnh viện. Ba đi cứu chữa người bệnh” mỗi lần bé Mina hỏi ba đâu. Những ngày đầu, câu hỏi ngây ngô, non nớt của con trẻ khiến chị Hạnh Thảo không ít lần bật khóc. Nhưng rồi, chị nhận bản thân phải mạnh mẽ, bản lĩnh để vừa cho cho con, vừa là hậu phương vững chắc cho chồng nơi chiến tuyến. Từ ngày anh Hiếu ở lại bệnh viện, chị Thảo cùng con gái chuyển về nhà ngoại ở tạm để có người bầu bạn. Mỗi ngày, hai mẹ con chị bày biện đủ thứ để làm, để chơi.
Hôm thì vào bếp làm bánh, hôm thì đàn hát rồi chụp hình, quay phim gửi cho ba. Cứ thế, chị cố gắng duy trì cuộc sống thường nhật của hai mẹ con tràn đầy tiếng cười để anh Hiếu yên tâm làm nhiệm vụ. Chị kể, hôm đầu tiên sau cách ly, anh gọi về báo có tiếp xúc gần với bệnh nhân “dương tính”, đang chờ kết quả xét nghiệm. Suốt hai ngày chờ đợi kết quả, chị như ngồi trên đống lửa. Cả ngày cứ đi ra đi vào, chờ tin nhắn của chồng. “Hai mẹ con đã lên dây cót, chuẩn bị sẵn tâm lý cũng như hành lý rồi. Quần áo, những vật dụng cần thiết cho bé tôi đã thu dọn sẵn, bỏ vào va-li, dựng sẵn ở góc nhà. Chỉ cần anh báo “dương tính” là hai mẹ con đi thôi. Tôi hay đùa với anh, chỉ là cúm thôi mà, vài hôm sẽ hết”, chị cười, nói.
Chiều ngày 5-8, anh Hiếu có lệnh tăng cường lên Bệnh viện Phổi để hỗ trợ điều trị các ca nặng tại đây. Anh được phân công làm Đội trưởng đội Hồi sức tích cực tại Bệnh viện Phổi. Công việc vẫn vậy. Chỉ khác là trách nhiệm nặng nề hơn. Môi trường mới, đồng nghiệp mới và những ca bệnh nặng chuyển về ngày một nhiều. Mỗi ngày, chị Thảo không ngừng động viên anh cố gắng, dặn dò chồng giữ gìn sức khỏe để tiếp tục chiến đấu.
Mới đây, Bệnh viện Đà Nẵng tiếp tục thực hiện cách ly y tế. Ngày kết thúc cách ly phụ thuộc vào ngày lấy mẫu xét nghiệm bệnh nhân cuối cùng cộng thêm 14 ngày. Điều đó đồng nghĩa với việc gia đình chị Thảo phải tiếp tục chờ ngày đoàn tụ. “Gần 20 năm từ lúc biết nhau, yêu nhau rồi về chung một nhà, chưa bao giờ chúng tôi phải xa nhau quá vài ngày. Nhưng lần này, hơn ai hết, chúng tôi hiểu rõ cuộc chiến còn dài, ngày gặp nhau vẫn còn xa. Nhưng dù xa đến mấy, chỉ cần trong tim luôn có nhau, tâm trí luôn nghĩ về nhau và đôi mắt cùng nhìn về một hướng với niềm tin chiến thắng thì ngày gặp lại chắc chắn sẽ rất gần”, chị Thảo nói, đôi mắt lấp lánh niềm tin.
LAM PHƯƠNG