Chuyện ghi ở tàu 629

.

Đối với người thủy thủ, mỗi chuyến đi là một kỷ niệm không thể nào quên, là một đợt đối mặt với bao khó khăn, gian khổ. Tuy nhiên, chuyện về cán bộ, chiến sĩ tàu 629 trong bài viết này, chúng tôi muốn đề cập tới những góc khuất, những câu chuyện dung dị giữa đời thường của họ...

Chính trị viên Phan Bá Sơn (đứng) quán triệt nhiệm vụ cho các cán bộ, chiến sĩ tàu 629 trước chuyến đi biển.
Chính trị viên Phan Bá Sơn (đứng) quán triệt nhiệm vụ cho các cán bộ, chiến sĩ tàu 629 trước chuyến đi biển.

1. 19 giờ 15 phút một ngày tháng 2-2021, Đại tá Ngô Văn Tuyền, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 161 Hải quân hạ lệnh xuất phát, tàu HQ-629 (gọi tắt là tàu 629) nhổ neo, thẳng hướng ra biển lớn thực hiện nhiệm vụ tuần tra, tuần tiễu trên biển.

Vài chục phút sau, nhìn qua cửa sổ con tàu, tôi thấy ánh đèn trên phố phường Đà Nẵng xa dần. Mưa bắt đầu rơi, sóng cấp 6, cấp 7, mặt biển xám xịt, con tàu tròng trành đè sóng lướt tới... Thay vì sự háo hức ban đầu, chúng tôi bắt đầu chếnh choáng. Chỉ có những người thủy thủ là vẫn bình thản trước sóng gió.
Tàu 629 hành quân với tốc độ 6 - 8 hải lý/giờ. Những đợt sóng lớn chồm lên, mưa bắt đầu nặng hạt. Đêm, biển khơi hun hút, thăm thẳm, không ranh giới, không bến bờ.

Nửa đêm, tôi tranh thủ lên buồng hành trình “tác nghiệp”. Trông thấy tôi, Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Lữ Đoàn Cường, nhân viên máy tàu pha trò: - Em tưởng bác say mèm rồi chứ!; - Còn lâu! Ít ra tớ cũng 11 năm là lính thủy cơ mà!

Tôi hỏi lại Cường: Sóng to, gió lớn như thế anh em có mệt lắm không? Sau một chút đắn đo, Cường trả lời: - Thực lòng, mỗi lần tàu đi biển phải chống chọi với sóng gió, mệt bã cả người, nhưng vì nhiệm vụ nên mọi người phải gắng sức anh ạ! Đã lên tàu thì  không ai được phép rời vị trí! - Thế còn chuyện vợ con đến đâu rồi? - Lính biển bọn em da nhôm nham, quen “ăn sóng, nói gió” nên chẳng có cô nào ưng thuận làm vợ!

Tuy Cường nói vậy, nhưng tôi hiểu nỗi niềm của anh bởi tàu thường xuyên nhận nhiệm vụ tuần tra bảo vệ chủ quyền biển, đảo nên chẳng có thời gian “đi tìm nửa của mình”.

Câu chuyện thêm phần sôi nổi khi Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Đặng Song Hiếu, nhân viên báo vụ vừa từ khoang máy lên góp chuyện. Hiếu chia sẻ: “Đi biển là nhiệm vụ thường xuyên, nhận lệnh là chúng tôi ra khơi. Lênh đênh trên biển, chống chọi với bão gió, có lúc không tránh khỏi những phút chạnh lòng, nhưng rồi chúng tôi cũng vượt qua được vì luôn xác định: vinh dự, trách nhiệm và sự gian khổ, hy sinh luôn song hành trên đôi vai người lính!”.

Hiếu cũng là người có thời gian công tác trên tàu hơn 8 năm nên quá quen với những chuyến ra khơi thực hiện nhiệm vụ đột xuất vào những thời điểm trời đất giao hòa, chuyển giao năm cũ. Gần chục năm công tác trên tàu thì có tới 7 mùa xuân Hiếu xa gia đình. Năm 2020, anh định sửa sang lại nhà cửa cùng vợ con đón xuân mới, song vì nhiệm vụ nên đành tạm hoãn.

Các chiến sĩ tàu 629 lập phương án chiến đấu trên biển.  								      Ảnh: P.T.D
Các chiến sĩ tàu 629 lập phương án chiến đấu trên biển. Ảnh: P.T.D

2. Tương tự, tôi nhớ có lần Đại úy, Chính trị viên Phan Bá Sơn nói rằng vợ anh “đã quen” do đã được chồng làm “công tác tư tưởng” kỹ lưỡng. Nghe vậy, chị Trần Thị Thúy Hà (vợ Chính trị viên Phan Bá Sơn) trầm tư: “Tôi nhớ nhất là kỷ niệm lần anh Sơn cùng đồng đội trực tuần tiễu trên biển gần một năm trời mới trở về. Vợ chồng xa nhau nhớ lắm, nhưng có lẽ vì xa cách quá lâu ngày, nên ngày gặp lại, bên cạnh sự nhớ nhung là cảm giác ngượng ngùng. Ngượng ngùng đến thương và xa xót... Anh ấy đi rồi, bao công việc gia đình như: giỗ chạp, cưới xin, ma chay, quà cáp hai bên nội, ngoại đều một mình tôi lo liệu hết”.

Đại úy Võ Văn Nghĩa, Thuyền trưởng tàu 629 là người có thâm niên  gắn bó với biển cả và con tàu, trong đó cái “duyên” xa nhà vào những dịp Tết cũng đáng nể. Gần 9 năm là thủy thủ thì có tới 8 cái Tết anh xa nhà. Ngày chị Trần Thị Luận “vượt cạn”, Nghĩa còn lênh đênh trên biển. Đến khi về phép, con gái đầu lòng của anh chị đã được 5 tháng.

Nghĩa kể: “Vợ sinh con gái thứ hai là cháu Võ Trần Đan Lê cũng tròn 6 tháng tôi mới được về. Lần về phép năm ấy, nỗi buồn cứ nao nao bởi khi tôi hăm hở đưa tay định bế con gái, thì ánh mắt cháu lộ rõ sự sợ hãi rồi oà khóc. Thấy vậy, vợ tôi cũng rơm rớm nước mắt. Phải mất hơn một tuần sau con vừa kịp quen hơi, bén tiếng bố thì tôi phải bịn rịn chia tay vợ con, trở vào đơn vị thực hiện nhiệm vụ diễn tập tìm kiếm cứu nạn trên biển...”.

Nghe Nghĩa kể vậy, tôi lại nhớ lần đến thăm gia đình anh tại khu tập thể nhà công vụ Vùng 3 Hải quân vào dịp cuối năm 2019. Hôm ấy tôi phải chờ trước một lúc, chị Luận mới đón con về. Sau khi vào nhà, chị Luận nhỏ nhẹ: “Ấy chết! Anh đợi lâu chưa? Em vừa đón cháu, tiện thể ghé qua chợ Mai mua ít quà để chuẩn bị cho anh ấy chuẩn bị đi biển! Có chồng là lính biển rất vinh dự, nhưng cũng vất vả lắm anh. Nội ngoại ở xa, việc làm chưa ổn định, thu nhập bấp bênh song em cũng gắng dành dụm, chăm lo cho các con chu toàn. Các bạn thường trêu “Có chồng rồi mà sao vẫn còn son”. Nghe vậy, em vừa thương nhớ chồng vừa khó nén cảm giác tủi thân”.

Trong những năm qua, phần lớn cán bộ của tàu 629 là sĩ quan trẻ. Chiến sĩ chủ yếu là năm thứ nhất, vì thế cũng có lúc tàu rời cảng, vài chiến sĩ cảm thấy “mềm lòng”. Cũng đúng thôi, họ là những thanh niên mới lớn, chưa được một tuổi quân, ai mà không bịn rịn, bâng khuâng, nhung nhớ. Nhưng rồi, những phút giây “mềm lòng” ấy nhanh chóng qua đi khi được cấp ủy, ban chỉ huy tàu gần gũi, động viên kịp thời. Và trong những chiến công thầm lặng của những người lính vì vậy, còn được vun đắp bởi cả những phút xao lòng đáng yêu như thế.

3. Gần gũi với những thủy thủ trên tàu 629, chúng tôi biết thêm nhiều điều thú vị. Chính những chuyến đi biển dài ngày trong điều kiện sóng to, gió lớn đã giúp họ tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm quý giá. Xin nêu một vài “phát minh” độc đáo của cán bộ, chiến sĩ tàu 629 trong bảo quản lương thực, thực phẩm.

Phát minh đầu tiên phải kể đến là món rau muống luộc chín rồi đem phơi khô, sau đó đóng bao gói cho vào bảo quản trong tủ đá. Cách làm như vậy có thể để rau muống hàng tháng trời mà xào ăn vẫn rất ngon. Bộ phận hậu cần còn nghĩ ra cách cho cua vào cối giã lấy nước, rồi rót vào can nhựa để dành nấu canh ăn dần... Những “phát minh” này được đoàn kiểm tra của Cục Hậu cần Quân chủng Hải quân đánh giá rất cao.

Có thể nói, bản lĩnh vững vàng của những người lính tôi may mắn được gặp không chỉ được thể hiện bởi sự mưu trí, dũng cảm trong xử lý chính xác các tình huống, đối sách trên biển, mà còn được khẳng định trong việc sẵn sàng “gác tình riêng, lo việc chung”.

Đại úy Võ Văn Nghĩa tâm sự: “Từ năm 2014 đến nay, tàu liên tục hoạt động trên biển. Bao nhiêu chuyến đi là bấy nhiêu lần những người thủy thủ gồng mình chống chọi với sóng gió và những tình huống căng thẳng, phức tạp trên biển. Nhưng dù khó khăn đến mấy thì cán bộ, chiến sĩ tàu 629 vẫn không nao núng, bởi chúng tôi gắn bó với nhau bằng nghĩa vụ và trách nhiệm thiêng liêng, bằng niềm tin đồng đội và sau lưng mình là hậu phương, gia đình, là thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc!”.

Ở nơi đầu sóng ngọn gió, nhiệm vụ của người lính biển còn nhiều gian nan, thử thách. Nhưng trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng cùng với sự hậu thuẫn từ hậu phương, gia đình nhân lên thành sức mạnh, tin rằng họ có thể vượt qua mọi khó khăn, thử thách, chung sức bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

PHAN TIẾN DŨNG

;
;
.
.
.
.
.