Từ trên đường cao tốc La Sơn - Túy Loan nhìn xuống, tháng Giêng ửng hồng trên chiếc cầu dây văng bắc qua sông Cu Đê nước xanh trong trẻo. Cây cầu nối liền 2 thôn Nam Yên và Phò Nam (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) này đã trở thành một điểm check-in đối với du khách các nơi tìm đến vùng đất non xanh nước biếc.
Ông Đỗ Viết Vỹ giới thiệu bài thơ xuân mới nhất về làng quê Nam Yên (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang). Ảnh: N.H |
1. Ông Đỗ Viết Vỹ, một cựu cán bộ Hội Nông dân xã Hòa Bắc nở nụ cười đôn hậu đón chúng tôi ở lối đi vào Homestay Nam Yên (thôn Nam Yên, xã Hòa Bắc). Nơi đây vốn là khu vườn mấy đời gia đình ông sinh sống nay được cải tạo thành khu nghỉ lại dành cho du khách rời phố để đến với làng quê bình yên này.
Chẳng kịp cất ba lô, chủ và khách đã huyên thuyên tâm sự. Con đường trước ngõ chạy men theo con sông ngày nào còn lầy lội vì mưa lụt nay đã được nâng cao và bê-tông hóa khang trang. Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Nam Yên và có gần 40 năm làm công tác Hội Nông dân ở cơ sở, ông Vỹ như người kể chuyện quê mình.
Ông bảo, nếu HĐND thành phố không ban hành Nghị quyết 82/NQ-HĐND ngày 17-12-2011 về việc “thống nhất chủ trương thực hiện thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Hòa Vang” thì Hòa Bắc mãi mãi là một vùng đất đẹp, yên bình khép mình ở nơi khá xa trung tâm thành phố và chẳng mấy người biết đến.
Có thể nói, chủ trương của thành phố đã thổi một làn gió mới nơi vùng đất phía tây bắc Đà Nẵng. Về Nam Yên trong những ngày đầu tháng Giêng chỉ thấy một màu xanh, xanh đến nõn nà của cánh đồng dang tay ôm gọn những khu vườn xanh um cây trái. Phù sa sông Cu Đê đã làm nên vị ngọt lịm của ruộng mía, dưa hấu bạt ngàn, của những vườn bưởi, ổi chín vàng mời gọi bầy chào mào về xây tổ.
Ngồi giữa vườn thơm ngạt ngào hương cây trái, ông Vỹ nói đùa: “Tranh thủ thở sâu cho phổi sạch bụi bặm phố phường. Xứ ni nổi tiếng là giàu ô-xy nhứt đó nghe”.
Đó có lẽ cũng là một trong những lý do mà lâu nay người ta tìm về Nam Yên và các điểm du lịch sinh thái ở Hòa Bắc để đổi gió. Còn gì an nhiên hơn khi được rời bỏ khói bụi ô-tô, xe máy để làm một vòng xe đạp thong dong quanh đường làng thơm phức mùi đồng nội, ngang qua con đường cau thẳng tắp giữa cánh đồng lúa xanh đang thì con gái.
Nhà thờ Hội Yên hiện ra giữa cánh đồng mía xào xạc như một nốt lặng cho mỗi người những phút tĩnh tâm thanh lọc tâm hồn. Nếu có mỏi chân, hãy dành vài phút lên cầu treo dây văng Phò Nam bắc qua dòng sông Cu Đê, nối liền 2 thôn Nam Yên và Phò Nam mà ngắm hoàng hôn cho đến khi ráng vàng mặt trời mờ dần sau những đỉnh núi. Dưới chân cầu, vườn hoa cánh bướm lung linh cười trong nắng đầu xuân…
Du khách có phút giây đạp xe thư giãn, hòa mình vào thiên nhiên ở xã Hòa Bắc. Ảnh: N.H |
2. Ngày trước, địa giới hành chính xã Hòa Bắc chỉ có 2 thôn Phò Nam và Nam Yên. Sau năm 1981, có thêm các thôn Tà Lang, Giàn Bí, Nam Mỹ, Lộc Mỹ và An Định. Nam Yên vốn là mảnh đất có từ lâu đời nên ẩn giấu trong lòng chiều sâu lịch sử và văn hóa của một làng quê Việt thuần túy.
Từ khi Nam Yên làm du lịch, cơ sở hạ tầng có nhiều đổi thay. Người thành phố đổ về như một nhánh sông lạ nhưng người dân ở đây vẫn giữ nếp sống chân chất như xưa. Dễ bắt gặp những nụ cười thân thiện, những câu hỏi thân tình như thân quen tự bao giờ: “Mới lên chơi hả con?;“Ở mô lên đây rứa”; “Đi hết làng chưa?”... Rồi ân cần chỉ đường đến nơi đến chốn.
Vừa qua mấy ngày Tết, các nhóm tình nguyện cộng đồng chưa hoạt động trở lại nên cô chủ Homestay Nam Yên Đỗ Thị Huyền Trâm nhờ bọn trẻ con hướng dẫn chúng tôi đi quanh làng. Chúng còn nhiệt tình làm hướng dẫn viên miễn phí cho khách: Đến quán nào uống cà phê ngon, ăn sáng ở đâu vừa ngon vừa rẻ, chụp ảnh điểm nào là ảo diệu nhất, ghé vườn nhà nào để mua trái cây đem về làm quà tặng…
Bước vào vườn hoa dưới chân cây cầu dây văng, chiếc cổng tre đơn sơ mở ra đón khách mà không thu phí khiến khách người đường xa cứ ngỡ như trở về nhà mình. Bên cạnh lối vào, một chiếc thùng xốp viết dòng chữ: “Xem hoa xin nhớ đến người trồng hoa”.
Ông Vỹ bảo, chủ vườn hoa là người cháu của ông, ông bày cách làm như thế để khách vào chụp hình có thể tự nguyện góp ít nhiều vào thùng mà không phải ái ngại gì.
Chúng tôi ghé quán cà phê “Lúa” - một góc nhỏ dành cho những ai thích sự an yên. Ở đây có thể nhâm nhi tách cà phê và thả hồn lang thang theo ngọn gió. Nếu thích có thể ngồi gặm ổi chấm muối ớt (ổi hái tại vườn sau quán) mà dõi theo cuộc yêu của đôi chuồn chuồn đậu trên ngọn cây lúa. Khi đói bụng có thể gọi ngay bát mì Quảng hay miến gà…với giá bình dân. Anh Khoa, chủ quán cà phê cho biết, dù Tết khách đi chơi đông nhưng quán của anh giá cả không tăng, không phụ thu…
3. Cô chủ Homestay Nam Yên Đỗ Thị Huyền Trâm vốn là cán bộ trẻ công tác tại Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hòa Bắc. Cô tâm sự về những trăn trở làm sao để biến Nam Yên trở thành điểm du lịch sinh thái mà vẫn giữ trọn vẹn những giá trị văn hóa làng quê thuần Việt. Đó là một thách thức không nhỏ trước xu hướng làm du lịch cộng đồng. Bài học ở nhiều nơi cho thấy làm du lịch kiểu xô bồ, “ăn xổi ở thì” đã phá vỡ mối quan hệ cộng đồng làng xã, đe dọa sự tồn vong những giá trị văn hóa truyền thống.
Chỉ ra đời chưa tròn tháng nhưng khách đến Homestay Nam Yên đông ngoài dự kiến. Cô bảo: “Nguyên cái Tết Nguyên đán, tụi em không nghỉ ngày nào. Có gia đình dưới nội thành vì dịch không về quê được nên lên đây ở lại ăn Tết “nông thôn” cho đỡ nhớ quê nhà.
Cũng tại Homestay Nam Yên, nhiều lớp học về du lịch cộng đồng được mở ra cho thanh, thiếu niên tại địa phương nhằm nâng cao nhận thức của lớp trẻ về vẻ đẹp quê hương, ý thức bảo vệ môi trường, và các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời có thể trở thành những “hướng dẫn viên” cộng đồng khi khách đến.
Huyền Trân còn vui vẻ khoe rằng: “Từ khi tham gia lớp học này, nhiều em thiếu niên đã ý thức không xả rác ra đường làng, thậm chí nhắc nhở cha mẹ, anh chị đổ rác đúng chỗ. Đối với khách du lịch thì các em tận tình, vui vẻ hướng dẫn theo khả năng của mình…”.
Để khách đến có những trải nghiệm đầy đủ về các giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương, thời gian qua, Huyền Trâm nỗ lực liên kết với các nhà vườn, các điểm du lịch cộng đồng lân cận. Ví như liên kết với điểm du lịch cộng đồng ở Tà Lang - Giàn Bí để khách có thể trải nghiệm những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ tu. Khách đến Nam Yên, có thể đến tận vườn, ra tận ruộng để nghe người nông dân giới thiệu về cây trái... Đó cũng là cách hay để quảng bá cho thương hiệu nông sản quê nhà.
Rời Nam Yên trong một sáng lất phất mưa xuân. Cây sầu đông dưới chân cầu Phò Nam bắt đầu trổ lá xanh nõn báo hiệu một mùa xuân yên bình và no ấm...
NHƯ HẠNH