Trồng hoa Tết - nghề có từ lâu đời, mang lại biết bao đổi thay cho nhiều thế hệ gia đình. Người trồng hoa Tết bao giờ cũng gửi gắm hy vọng về một vụ mùa thuận lợi, đời sống no đủ để Tết thêm ấm áp, sum vầy...
Nhân công tại vườn hoa công nghệ cao (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) đang chăm sóc những chậu hoa treo để chuẩn bị phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán. Ảnh: THU DUYÊN |
Chịu thương, chịu khó
Từ Quảng Nam ra Đà Nẵng lập nghiệp với hai bàn tay trắng, nhờ sự chăm chỉ, nắm bắt kịp thời, sau 10 năm gắn bó với nghề trồng hoa, cuộc sống của vợ chồng ông Trần Đình Lợi (SN 1978), chủ vườn hoa, cây cảnh Phú Lâm đã dần đủ đầy hơn qua mỗi vụ hoa Tết.
Năm 2012, vợ chồng ông Lợi mua mảnh đất trồng hoa tại xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, phát triển nghề trồng hoa. Ông cũng là thành viên của Hợp tác xã hoa, cây cảnh Vân Dương. Đến đầu năm 2022, ông dời vườn hoa về xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang. Mảnh vườn hiện tại rộng đến 5.000m2. Bên cạnh trồng các loại hoa phục vụ cho thị trường Tết gồm: cúc chậu, thược dược, hoa ly, dạ yến thảo..., ông Lợi còn trồng nhiều loại cây khác để bán quanh năm như: kim ngân, kim tiền, cúc tần...
Hướng mắt về vườn cúc thẳng tắp, sum suê lá, ông Lợi chia sẻ với chất giọng đầy tự hào. Ông cho biết: “Hoa cúc tại vườn của tôi đã được thương lái đặt hàng trước hơn một nửa. Hầu như năm nào, kết thúc vụ Tết, hoa tại vườn của tôi cũng được thương lái thu mua hết. Theo ông Lợi, nghề trồng hoa tuy không nặng nhưng đòi hỏi phải chịu khó, tỉ mỉ từ khâu gieo hạt đến khâu chăm sóc. Mỗi cây có mỗi đặc tính khác nhau, đòi hỏi cách chăm sóc cũng khác nhau. Mỗi ngày, vợ chồng ông lại loay hoay từ sáng đến tối mịt. Đặc biệt, khi Tết đã cận kề, việc theo dõi, chăm sóc hoa tại vườn phải càng được chú trọng.
Rời Hòa Ninh, về thôn Dương Sơn (xã Hòa Châu) - một trong những vùng trồng hoa lớn nhất của huyện Hòa Vang, men theo đường DT605 quẹo vào khu trồng hoa của Tổ hợp tác hoa Dương Sơn, chúng tôi thấy dọc hai bên đường là những vườn cúc trải rộng bạt ngàn với tổng diện tích hơn 4 héc-ta. Thời gian này, nông dân đang tất bật chăm sóc, vun vén cho từng chậu hoa.
Vừa cùng con trai di chuyển những chậu cúc, ông Lý Phước Dạng (SN 1964), Tổ trưởng Tổ hợp tác hoa Dương Sơn vừa vui vẻ tiếp chuyện người tới thăm vườn. Những ngày cuối năm, ngày nào ông cũng có mặt tại vườn từ sáng sớm, có khi đến tối muộn. Nhìn về những vườn cúc nối tiếp nhau từng lớp, ông Dạng chia sẻ, năm nay, số lượng trồng tuy ít hơn so với năm ngoái nhưng về giá trị kinh tế lại cao hơn vì bà con trồng nhiều chậu cúc to, giá bán sẽ cao hơn so với chậu nhỏ. Đưa tay nâng niu những nhành hoa cúc, ông Dạng cười, nói: “Niềm hy vọng của nông dân đặt hết vào đây. Mỗi vụ hoa Tết bán chạy và được giá thì Tết năm đó mọi người trong tổ càng vui hơn, sắm sửa trong gia đình cũng thoải mái hơn”.
Nỗi niềm mỗi dịp Tết đến, xuân về
Trở về từ buổi chợ sáng, sau giờ trưa, bà Lê Thị Gái (SN 1974), Chi hội phó Chi hội hoa phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê) lại tiếp tục ra vườn để chăm sóc 1.300 chậu cúc phục vụ cho thị trường Tết. Gần 30 năm gắn bó với nghề trồng hoa cúc chậu, công việc này không chỉ giúp bà tăng thêm thu nhập mà còn mang lại niềm vui mỗi dịp Tết đến, xuân về.
Bà Gái cho biết, những năm đầu vì thiếu kinh nghiệm nên hoa trồng thường xuyên hư hại, không đạt giá trị kinh tế. Đến nay, theo bà Gái, nếu đầu năm bỏ ra khoản vốn 100 triệu đồng, trừ đi các khoản chi phí, sau vụ Tết, bà sẽ thu được lợi nhuận 50 triệu đồng. Nếu hoa năm đó bán được giá, cộng thêm chi phí thấp thì lợi nhuận có thể lên đến 70 triệu đồng/năm. Vừa đưa tay cột dây để cúc không bị ngã, bà Gái vừa nói trong sự hân hoan: “Năm nào hoa bán chạy, được giá thì năm đó cả nhà ăn Tết tưng bừng”. Từ khi việc trồng hoa đi vào ổn định, kinh tế của gia đình bà đã dư dả hơn.
Với thị trường đầy sôi động và nhộn nhịp của năm trước, bà Gái đặt nhiều kỳ vọng vào vụ mùa năm nay. Bà chia sẻ, hiện nay, Chi hội hoa phường Thanh Khê Tây gồm 9 hộ. Mọi người trong chi hội luôn quan tâm, hỗ trợ lẫn nhau kinh nghiệm trồng và chăm sóc hoa. Nhiều hộ trồng cúc tại đây cho biết, độ khoảng 24 Tết, không khí mua bán tại vườn rất vui vẻ, náo nhiệt, bừng sắc xuân bởi muôn sắc màu của hoa, khiến ai cũng rộn ràng, lòng đầy hứng khởi.
Theo số liệu từ Chi cục Nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong vụ đông năm 2022, nông dân thành phố trồng gần 215.000 chậu cúc; 112.500 chậu vạn thọ; 72.000 cây lan Mokara; 69.000 chậu hoa treo. Hai địa bàn trồng hoa cúc chậu lớn nhẩt là quận Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang.
Vụ Tết Quý Mão 2023, ông Trần Đình Lợi trồng khoảng 1.000 chậu cúc. Ảnh: THU DUYÊN |
Những năm qua, từ những vụ hoa Tết, đời sống của nhiều nông dân đã đổi thay từng ngày. Mỗi vụ hoa thuận lợi, Tết càng thêm ấm êm. Và họ bày tỏ lòng biết ơn cho điều đó bằng sự chăm sóc cần mẫn, tỉ mỉ với mong ước những chậu hoa đẹp nhất sẽ mang lại tài lộc, bình an cho mỗi khách hàng.
Sau niềm vui từ mỗi vụ mùa thắng lợi là những nỗi niềm chưa kể cùng ai. Những ngày gần Tết, nhìn dòng người hối hả về quê, không ít lần chị Lương Thị Hà (SN 1986, chủ vườn hoa tại phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) thầm nghĩ, giá như mình cũng là một trong số đó.
Từ Nghệ An vào Đà Nẵng sinh sống, tạo dựng gia đình, trải qua nhiều công việc, chị quyết định về cùng chồng xây dựng, mở rộng vườn hoa. Bao nhiêu năm gắn bó với nghề trồng hoa là bấy nhiêu năm chị không được sum vầy cùng ba mẹ. “Bán hoa, dọn dẹp xong xuôi cũng đã 30 Tết, lúc ấy về đâu có kịp. Con cái thì mồng 6, mồng 7 đã đi học. Loay hoay mà chục năm rồi chưa được ăn Tết với ba mẹ”, chị Hà đưa tay ngắt những chồi non trên thân cây, rồi vừa cười vừa kể. Nhưng trong giọng cười ấy lại chứa đầy sự xót xa. Chị nói tiếp: “Dù hè về quê ở cả tháng nhưng sao có thể sánh bằng lúc được đón Tết cùng ba mẹ, ăn những món đặc trưng của quê mình. Nhớ Tết quê lắm, nhưng biết làm sao được, vì mưu sinh cả mà”. Những ngày Tết, nhìn cảnh gia đình sum họp, chị lại nhớ và thương cho ba mẹ mình.
Tạo thu nhập cho người lao động Cứ mỗi mùa hoa, khi số lượng công việc nhiều, cần đến nhân công ở ngoài, ông Nguyễn Hải (SN 1966, trú quận Cẩm Lệ) lại được thuê để phụ việc tại một vườn hoa trên đường Trần Nam Trung (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ). Vừa đưa tay nhổ bụi cỏ quanh chậu cúc, ông chia sẻ: “Mong cho vụ mùa thuận lợi, chủ vui mà mình cũng vui. Chủ bán được thì mình mới có việc để làm”. Theo ông Hải, nếu không có công việc này, ông phải đi phụ hồ để trang trải cuộc sống. Nhưng nghề phụ hồ lại quá vất vả đối với người tuổi cao sức yếu như ông. Trước đây, khi còn sức khỏe, bà Đỗ Thị Thanh (SN 1966, trú quận Thanh Khê) vừa phụ hồ, vừa là nhân công tại vườn bà Gái. Nhưng vì bệnh nặng, bà Thanh không thể tiếp tục làm những công việc quá sức. Nhờ công việc phụ làm vườn, mỗi tháng, bà Thanh kiếm từ 6 đến 7 triệu đồng, san sẻ một phần kinh tế cho gia đình. Ngoài ra, đến khoảng thời gian nhặt nụ hoa cúc, các chủ vườn sẽ thuê thêm nhiều lao động, trong đó có cả sinh viên. Công việc được trả theo số tiếng làm việc. Nhờ vậy, một số sinh viên kiếm thêm được khoản tiền nhỏ để đỡ đần gia đình khi Tết đến với nhiều chi phí cần lo toan. |
THU DUYÊN