Bên bến Đò Xu

.

Chiều, gió từ biển Bắc Mỹ An thổi qua, mát rượi, tôi đi bộ theo con đường mới mở ven bờ sông Cẩm Lệ, dừng chân bên một tấm bia: Bia kỷ niệm chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân - 1968. Tấm bia cạnh bến Đò Xu - nay là cầu thay cái bến ngày xưa là cây cầu mang tên Hòa Xuân.

Bia kỷ niệm bên bến Đò Xu. Ảnh: H.D.L
Bia kỷ niệm bên bến Đò Xu. Ảnh: H.D.L

Sau khi bàn giao chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng cho ông Phan Tốn, ông Tư Thuận - Trương Chí Cương rời bến sông Hàn, đi trót lọt ra đến Hà Nội. Sau khi ăn Tết Bính Thân - 1956, ông Tư Thuận giao nhiệm vụ cho Nguyễn Trí Quang phải quay về Đà Nẵng, nghiên cứu lập đường dây trên biển nhằm vận chuyển người, tài liệu và hàng hóa từ Vĩnh Linh vượt vĩ tuyến 17 vào Trung Man - Hòa Vang và ngược lại.

Tháng 3-1956, Nguyễn Trí Quang được triệu tập ra Hà Nội, gặp  ông Phạm Hùng và ông Trương Chí Cương để nhận nhiệm vụ thành lập ‘‘đường dây liên lạc Bắc Nam trên biển’’ - tiền thân của tàu không số và con đường Hồ Chí Minh trên biển. Một chiếc thuyền đánh cá trọng tải cỡ 10 tấn, mua lại của bà con Quảng Nam vượt tuyến, được sửa lại làm hai ngăn, đà đôi, trang bị lưới giã, cần, lưỡi câu... như một thuyền đánh cá giã, vừa có thể chuyên chở hàng hóa, sau 10 ngày chuẩn bị đã hoàn tất cho chuyến hàng đầu tiên từ miền Bắc vào miền Nam.

Vào một đêm tối trời cuối tháng Ba, đầu tháng Tư năm 1956, thuyền lặng lẽ rời Vịnh Mốc chạy ra cửa sông Nhật Lệ - Quảng Bình, mang theo tài liệu mật, hai bộ con chữ in, thuốc tây, 200.000 đồng tiền Sài Gòn và những người con dũng cảm của Sông Đà, do Nguyễn Trí Quang, Bí thư chi bộ - chỉ huy, Trần Ngọc Linh, Phó bí thư chi bộ - chỉ huy, Phan Xuân Đán (Quang), đảng viên - thuyền trưởng, Đoàn Hành - thủy thủ, cùng Trần Can người Hội An, Phạm Đủ, một ngư dân bãi ngang, quê Thăng An - Thăng Bình. Sau hai ngày hai đêm thuận buồm xuôi gió, thuyền cập vào hòn Hành tại Liên Chiểu. Qua một người chèo thuyền đánh cá trên biển, ông Phạm Đủ đã gặp một người đàn bà trong một chuyến đưa người vượt biển, qua người đàn bà này, các chiến sĩ bắt được liên lạc với Trần Hữu Cử (Trần Hà, Ba Dư) là cán bộ của Thành ủy Đà Nẵng trụ lại, đóng vai người làm nghề buôn bán cá, sống hợp pháp hoạt động cách mạng, qua đó, anh em gặp được Nguyễn Thành Long, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đang ở trên thuyền, trên sông nước Lỗ Sài - Cẩm Lệ. Sau ba ngày, giao hàng xong, các chiến sĩ quay thuyền ra hướng biển, trên chiếc thuyền của ông Huỳnh Kim Tâm - ngư dân Sông Đà, chở theo  Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Thành Long đang đau rất nặng, ra Vĩnh Linh.

Sau những tháng bị giam ở nhà lao Con Gà, các cán bộ, chiến sĩ Sông Đà gồm Trần Chiến (Bí thư Sông Đà), Phạm Tấn Hưng (Tân, Phạm Hồng Quang), Sáu Hưng (Nguyễn Duy Hưng), thoát lao Con Gà, xuống bến Đò Xu, được thuyền của ông Phan Văn Anh (Phan Khán) và bà Nguyễn Thị Phàn, có Nguyễn Thưởng, Huỳnh Truyền cùng đi, vượt cửa Hàn ra Vĩnh Linh. Từ các chuyến thuyền đầu tiên ấy, con đường vận chuyển từ Bắc về Nam và Khu V được mở ra trên biển, sau này trở thành ‘‘đường Hồ Chí Minh trên biển’’ và ‘‘đoàn tàu không số’’ huyền thoại.

Để tránh sự theo dõi của địch, các chiến sĩ cẩn thận chọn những điểm tập kết giao nhận tài liệu, hàng hóa. Có lúc thuyền vào đậu ở vũng Liên Chiểu, sát Hòn Hành, có lúc thuyền cập bãi Bắc - Sơn Trà, có lúc thuyền vào bến sông Hàn, nơi có vô số thuyền bè của bà con Sông Đà trung kiên, luôn hướng về Đảng, hướng về Bác Hồ, hướng về những người con thân yêu đi kháng chiến trường kỳ năm nao, nhớ lúc bịn rịn chia tay, hứa hai năm sau sẽ về!

Cuối năm 1956, một chuyến thuyền của C2, xuất phát từ sông Nhật Lệ, ngoài hàng và tài liệu, còn chở theo Trần Ngọc Linh, Nguyễn Văn Xít, Nguyễn Văn Xảo. Thuyền chưa qua khỏi núi Hải Vân thì bị gió chướng thổi mạnh, sóng quá to, lật thuyền. Các chiến sĩ chỉ giữ được bao tài liệu, bơi vào chân núi. Không thể qua được đồn Liên Chiểu, đoàn phân công Đoàn Hành - người trẻ, khỏe nhất, bơi vòng qua Liên Chiểu, vào Nam Ô, vào được bờ trước khi trời sáng. Như một ngư dân, Đoàn Hành lần trong đêm, đến được Đò Xu, qua những ngư dân Lỗ Sài, tìm gặp được đồng đội Trần Nhành. Trần Nhành tổ chức lực lượng tiếp tế, nhận tài liệu và chuẩn bị để đoàn quay ra, hẹn chờ chuyến hàng sau ở bến Đò Xu…

Trước đó, Hòa Đa, sau này lấy tên Hòa Xuân, là nơi đóng cơ quan của Thành ủy Đà Nẵng, là bàn đạp xây dựng cơ sở nội thành của Thành ủy, thì Đò Xu là nơi đêm đêm cán bộ đi qua, dừng chân, là điểm hẹn của những chuyến công tác bí mật, trong những ngày bị quân thù vây ráp tứ bề, trong số cán bộ của Thành ủy hy sinh bên bến Đò Xu có chiến sĩ Đặng Trung Kiên, người Hòa Đa bị địch bắt, tra tấn cực hình rồi giết kéo xác từ Trung Lương ra vứt bên bến Đò Xu.

Đặng Trung Kiên, tên khai sinh là Đặng Tiến, con ông xã Tiến, người làng Hóa Sơn. Thời chống Pháp, ông xã Tiến làm Lý trưởng nhưng là một đảng viên cộng sản, khi có Hiệp định Genève, ông được đi tập kết ra miền Bắc. Đặng Trung Kiên cũng ra Bắc, đến năm 1963 thì ông về Nam, tỉnh phân công về Đà Nẵng, là người vào ra và ở lại xây dựng cơ sở trong nội thành, được Thành ủy Đà Nẵng phân công làm Phó ban Công vận, phụ trách lực lượng công nhân, đã xây dựng được chi bộ cảng Sông Hàn do Bảy Bạn làm bí thư và chi bộ xích lô, do Trần Miễn làm bí thư và chi bộ Nhà đèn do anh Sâm làm bí thư.

Năm 1967, một tối, bất ngờ một tốp lính ập vào nhà nơi Đặng Trung Kiên đang ở, quá bất ngờ, ông nổ súng chống trả, hy sinh. Bọn địch kéo ông qua bên bờ sông Cẩm Lệ, vùi xác bên bờ sông, gần Đò Xu. Đặng Trung Kiên hy sinh, bỏ lại người vợ trẻ và cô con gái độc nhất. Bà con Trung Lương lần ra bờ sông, khu vực bến Đò Xu tìm xác ông, nhưng không tìm thấy chút gì. Nhớ thương một cán bộ kiên cường, gan dạ, bị phanh thây, mất xác, bà Đủ và một số bà con ở Trung Lương lập một cái miếu nhỏ bên bờ sông Cẩm Lệ thờ Đặng Tiến.

Ngày 1-7-1965, phục vụ đánh sân bay Đà Nẵng, hàng trăm chiếc thuyền lớn nhỏ chuyên chở vũ khí, súng đạn, bộ đội, dân công qua sông Cẩm Lệ, cập bến Đò Xu, lên bờ, tiến vào thành phố, bắn cháy hàng chục chiếc máy bay của giặc Mỹ đang sẵn sàng cất cánh ném bom xuống làng quê Quảng Nam...

Tham gia chiến dịch Xuân Mậu Thân - 1968, hàng ngàn bà con Lỗ Sài - Hòa Đa mua hàng trăm ang gạo, hàng chục phuy dầu, phuy xăng… giấu trong nhà dân, phòng chiến sự xảy ra, bộ đội giải phóng về có mà ăn no đánh thắng, xã huy động 15 chiếc thuyền của bà con sẵn sàng đưa bộ đội sang sông Cẩm Lệ đánh vào Sở chỉ huy Quân đoàn 1 Đà Nẵng.

Đêm Ba mươi Tết Mậu Thân, bến Đò Xu là điểm hội quân, sau khi đã qua được sông, hơn 80 chiến sĩ gồm một trung đội tăng cường của Tiểu đoàn R20 và K36 - đơn vị bộ đội Khu Đông - Hòa Vang, trước khi chia làm 2 mũi tấn công vào Quân đoàn 1. Hai mũi tiến công này đã chiến đấu vô cùng dũng mãnh, đơn độc vì không có đồng đội đến phối hợp như kế hoạch, một số lớn hy sinh, một số bị thương, số ít còn lại bắn đến viên đạn cuối cùng bị rơi vào tay quân thù.

Sáng sớm mồng Một Tết, nghe tiếng súng nổ dồn bên kia sông, cùng tiếng reo mừng của anh em ta, tưởng bộ đội Tiểu đoàn R20 và Khu III đã đánh tan Quân đoàn I như kế hoạch, tức thì, trên 50 chị em của Hòa Đa (Hòa Xuân) xuống thuyền, vựợt qua sông, lên Đò Xu, tiến vào thành phố… Lính Sài Gòn ở đồn Cồn Dầu (bên kia sông) bắn như mưa, xé tan đội hình. Lập tức, hai đại đội bộ đội của Khu III Hòa Vang, nhanh chóng triển khai đội hình thành ba mũi, đồng loạt tấn công đồn Cồn Dầu, lính bỏ đồn chạy lên Cẩm Lệ.

Khi hàng trăm bà con đấu tranh chính trị đi tiên phong vượt sông, chiếm được Đò Xu, liền dùng loa kêu gọi mọi người hãy tiến lên, tiến vào thành phố, thì lập tức 3 chiếc thuyền máy cùng hàng trăm chiếc thuyền nhỏ bên bờ Nam, dàn thành hàng ngang, chở bà con tiến qua Đà Nẵng. Một đoàn quân đấu tranh gồm 3 đại đội của Khu III Hòa Vang vượt qua được sông, lên bờ, với một tinh thần đã tuyên thệ trước khi xuất quân là: ‘‘Chỉ biết tiến, không biết lùi’’, ‘‘Thiệu - Kỳ không đổ, không giỗ, không Tết’’... 

Rồi những mùa Xuân đi qua, những cây cầu bắc qua sông Cẩm Lệ cho xe máy, ô-tô đi qua, nơi trước khi cầu bắc qua là vườn quê Hòa Xuân, nay là  khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, đến với khu định cư mới nhà cửa khang trang của bà con Cẩm Chánh (chính là dân Lỗ Sài), Trung Lương, Cổ Mân, Cồn Dầu...

Dọc theo ven sông Cẩm Lệ, những ngôi nhà nhiều tầng, kiến trúc đẹp, những công trình đồ sộ mọc lên trên bãi bồi ven sông, biến những cồn bồi, những hói sâu, những lạch cạn đầy lau lách, rong bèo, thành phố phường lộng lẫy, khang trang…

Một tấm bia nhỏ để làm kỷ niệm một chiến dịch lớn là chưa đủ, mà là một bia tưởng niệm, để tưởng nhớ những hương hồn chiến sĩ đã ngã xuống bên bến Đò Xu - sông nước - đất thiêng này vì quê hương để nương tựa. Và để nhắc nhở những người của hôm nay đến đây, dừng chân, thắp nén hương tưởng nhớ, biết ơn!  

HỒ DUY LỆ

;
;
.
.
.
.
.