Cà phê take away

.

Nếu một thời cà phê cóc trở thành niềm cảm hứng cho thơ và nhạc, chấm phá thêm bức tranh văn hóa cà phê của người Việt, thì nay, với loại hình cà phê mang đi (take away), đã góp phần tô thêm một nét mới trong cung cách thưởng thức cà phê của cuộc sống hiện đại…

Anh Đinh Viết Vũ và xe cà phê di động bên quốc lộ 1A đoạn qua xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang.
Anh Đinh Viết Vũ và xe cà phê di động bên quốc lộ 1A đoạn qua xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang. Ảnh: N.H

1. 7 giờ sáng, dòng người vội vã đổ ra đường, len lỏi vào từng ngóc ngách phố phường. Thỉnh thoảng, vài người tấp vào lề, ghé xe bán cà phê mua món thức uống được quảng cáo là... cả thế giới yêu thích. Với loại thức uống có tên gọi thời thượng là take away này, các “thượng đế” chỉ cần dăm ba phút thôi là có thể đặt và nhận cà phê từ người bán hàng. Sau đó khách chỉ việc tận hưởng ly cà phê thơm ngon ngay trên đường đi hay tại nơi làm việc.

Với kỹ sư đồ họa Nguyễn Lê Bảo Trí, dường như cũng lâu rồi, thói quen dậy sớm lúc 5 giờ để đến quán quen ngồi nhâm nhi ly cà phê đen đá đã không còn là nhu cầu thiết yếu. Công việc bộn bề đã ngốn hết quỹ thời gian cả ngày lẫn đêm khiến anh thường xuyên thiếu ngủ. Một ly cà phê buổi sáng giúp anh tỉnh táo hơn khi làm việc: “Từ lúc có loại hình cà phê take away bán dọc đường, dân văn phòng chúng tôi tiết kiệm được thời gian mà vẫn có được sự thoải mái và sảng khoái mỗi ngày…”.

Hiếm có một loại thức uống nào trở nên phổ cập khắp trái đất như cà phê. Bởi cà phê chưa hề kén chọn người thưởng thức và cũng chẳng là món hàng xa xỉ dành riêng cho tầng lớp nào. Cà phê có thể uống bất cứ lúc nào, hoàn cảnh nào với những tâm trạng khác nhau. Trong lúc đứng chờ đến lượt mình, anh Trí đã có cuộc trao đổi chớp nhoáng với mấy chiến hữu có cùng sở thích: “Ly cà phê khởi đầu một ngày làm việc mới, cho một mối quan hệ mới trong công việc hay riêng tư, thậm chí lúc rảnh rỗi kiếm góc nào yên tĩnh nhâm nhi giọt đắng để nhìn lại bản thân… đều có một điểm chung là mang đến niềm hứng khởi...”. Có lẽ vì thế mà rất nhiều người khi soi mình trong nỗi buồn vui, người ta chợt nhận ra rằng, cà phê bỗng hóa thành tri kỷ.

2. Bắt đầu vào thu, những đám mây bay ngang qua ngã ba, ngã tư để lại chút bóng râm vừa đủ cho cà phê từ những chiếc xe di động đặt bên lề đường dậy hương thơm ngây ngất. Con đường Phạm Hùng chạy từ ngã ba chợ Miếu Bông đến phía nam cầu Cẩm Lệ thuộc vùng ngoại ô thành phố nên xưa nay hàng quán cà phê thưa thớt. Vậy mà hai năm trở lại đây, vùng đất một bên quê (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) một bên phố (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) lại bùng nổ loại hình cà phê mới mẻ này với giá cả bình dân đến bất ngờ. Nhiều tín đồ của món thức uống toàn cầu này đã nói vui rằng, bữa ni đi dăm phút là gặp xe cà phê di động.

Một lần ngồi lê la trò chuyện với chàng trai tên Đinh Viết Vũ, chủ xe cà phê di động bên quốc lộ 1A đoạn qua xã Hòa Phước, được biết loại hình cà phê take away có nguồn gốc từ Ý, rồi nhanh chóng phổ biến trên toàn thế giới. Anh còn nhiệt tình giới thiệu, từ khoảng năm 2004, kiểu cà phê tiện ích này mới có mặt ở Việt Nam nhưng chỉ thực sự phát triển nở rộ từ năm 2012 đến nay. Cái hay của cà-phê-mang-về không chỉ dừng ở sự tiện ích, phục vụ nhanh mà menu cũng khá đa dạng. Ngoài cà phê truyền thống, cái xe cà phê di động vùng ven đô của anh còn có nước trái cây, cacao, các loại đồ uống mang phong cách Tây không thua gì các quán cà phê sang trọng ở khu trung tâm nên vô cùng hấp dẫn. Đặc biệt cà phê muối - đặc sản của xứ Huế đã kịp vượt đèo Hải Vân vào Đà Nẵng trong mấy năm gần đây làm say lòng giới trẻ Đà Nẵng.

Theo lời chị Nguyễn Thị Bích Ngọc, “cô chủ nhỏ” của đại lý Cà phê muối - đặc sản Huế trên đường Quang Dũng, phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê, ngoài cà phê truyền thống còn có các hương vị khác như matcha, trứng muối, caramel. “Cà phê này có cả dạng gói và chai và có thể bảo quản trong ngăn lạnh 10 ngày hoặc cấp đông trong vòng một tháng vẫn giữ được chất lượng. Dân văn phòng, đặc biệt là phái nữ rất ghiền cà phê muối, nên thường mua nhiều đem về ướp lạnh hoặc cấp đông rồi uống dần”, chị Ngọc cho biết.

Nghe thiên hạ kháo nhau rằng, cà phê muối và các phiên bản kết hợp tinh tế giữa vị đắng của hạt cà phê và một chút vị mặn của muối, một chút béo của kem. Dù có mang hương vị gì đi nữa, thì món thức uống đang sốt này vẫn giữ được hương vị đậm đà của cà phê Robusta, loại cà phê ưa thích của người Việt Nam. “Trong người đang uể oải mệt mà làm một ly cà phê muối tự nhiên hắn tỉnh lại liền. Hương vị đậm đà đến từ hạt cà phê nguyên chất, được kết hợp cùng lớp kem muối béo ngậy khiến não bộ bật lên ngay chế độ sảng khoái!”

Dân văn phòng rất chuộng cà phê muối vì có thể mua gói hoặc mua ly đã pha chế.  Ảnh: N.H
Dân văn phòng rất chuộng cà phê muối vì có thể mua gói hoặc mua ly đã pha chế. Ảnh: N.H

3. Trong câu chuyện muôn thuở về cà phê, các cô gái trẻ đang là nhân viên của ngân hàng ở quận Hải Châu còn bật mí rằng: “Giới trẻ bây giờ chuộng cà phê take away không chỉ đơn giản là món thức uống giải khát linh hoạt, tiện ích mà còn lối sống đặc trưng của cuộc sống hiện đại. Vừa nhâm nhi cà phê, vừa làm việc thì vẹn cả đôi đường”. Ưu điểm lớn nhất của loại cà phê mang về không chỉ đáp ứng nhu cầu thưởng thức cà phê cho những người bận rộn, không có thời gian đến quán mà còn mang đến một hơi thở hiện đại cho thành phố từ cách phục vụ, nhân viên đến mẫu mã của ly cà phê… Dễ nhận thấy là hầu hết nhân viên tại các quán cà phê take away đều là các bạn trẻ năng động với đồng phục đặc trưng riêng. Nhiều người thật sự ấn tượng khi đi ngang các xe cà phê di động, nhân viên phục vụ vẫy tay chào đón khách đi đường, luôn lịch sự cúi đầu cảm ơn, chúc khách một ngày mới tốt lành sau khi khách mua hàng xong.

Dân nghiện cà phê đôi lúc đã thi vị hóa niềm khoái cảm với thức uống thần thánh này bằng tất cả các giác quan. Ở đó người ta có thể ngắm nhìn và cảm nhận cái vị đắng nguyên chất chảy từng giọt trầm trên viên đá lạnh trong veo hay áp đôi bàn tay để nghe hơi ấm từ ly cà phê vừa mới pha xong trong một sáng đầu đông mưa lạnh. Có thể cà phê take away không đem lại cho các tín đồ những xúc cảm lãng đãng tự tình đầy chiêm nghiệm nhưng bù lại khách có thể tiếp cận, hít hà mùi thơm từ chiếc máy pha cà phê chuyên dụng. Và thay vì ngồi tại quán nhấm nháp cà phê bên cạnh những người không quen biết thì các “thượng đế” có thể mang ly cà phê yêu thích đến công sở hay về nhà thưởng thức cùng đồng nghiệp người thân trong một không gian ấm cúng, thân mật. Những đôi lứa yêu nhau chỉ cần chi vài chục ngàn lẻ mua hai ly cà phê, chọn ghế đá công viên hay bên bờ sông Hàn là có ngay một không gian cà phê tình ái.

Nhiều người có thâm niên “ngồi đồng” ở quán cà phê vỉa hè trước đây cho rằng có nhiều lý do khác nhau, như nếp sống văn minh đô thị, nhịp sống hiện đại đầy bận rộn… khiến cà phê cóc dù vẫn tồn tại nhưng đã nhường lại chỗ đứng số 1 ban đầu cho những hình thức khác. Và cà phê xe đẩy, tên gọi bình dân của cà phê take away, có thể xem là một hình thức cải tiến từ cà phê cóc. Nếu một thời cà phê cóc trở thành niềm cảm hứng cho thơ và nhạc, chấm phá thêm bức tranh văn hóa cà phê của người Việt, thì nay, với loại hình cà phê mang đi, lại vẽ thêm một nét mới trong cung cách thưởng thức cà phê của cuộc sống hiện đại…

NHƯ HẠNH

;
;
.
.
.
.
.