Hiện tượng người dân đầu tư bất động sản “lướt sóng” luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong khi nguồn vốn là của người dân tự tích lũy và vay vốn ngân hàng. Vì vậy có đánh giá vấn đề này như thế nào? Đó là ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp cho ý kiến về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Chiều 17-8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát và Đề cương báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, thực hiện Nghị quyết số 90/2023/QH15 và Nghị quyết số 95/2023/QH15 của Quốc hội, Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023” đã chủ động, khẩn trương nghiên cứu, chuẩn bị tài liệu liên quan.
Trước đó, ngày 8/8, Đoàn giám sát đã tổ chức Phiên họp thứ nhất để cho ý kiến về phạm vi, nội dung, đối tượng giám sát, kế hoạch, tiến độ giám sát, dự thảo đề cương các báo cáo và phụ lục kèm theo. Các tài liệu này đã được khẩn trương hoàn thiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến tại Phiên họp thứ 25 theo đúng quy định làm cơ sở để tiếp tục triển khai các hoạt động tiếp theo của Đoàn giám sát.
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh - Phó Trưởng đoàn Thường trực Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo công tác triển khai, kế hoạch chi tiết và các đề cương báo cáo giám sát về thực hiện chính sách pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội năm 2015 đến hết năm 2023.
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu 8 nội dung trọng tâm, trọng điểm mà Đoàn giám sát cần tập trung giám sát, có thể có những rủi ro mà luật cấm, liên quan đến tính chất pháp lý, quy hoạch, kế hoạch, vốn liếng, thị trường, cung - cầu...
"Trong đề cương tôi thấy các đồng chí nêu đầy đủ, nhưng nên xác định trọng tâm, trọng điểm. Tổ nào đi cũng phải trả lời được những câu hỏi như thế, làm rõ những vấn đề hiện nay mà Luật cần tập trung sửa đổi là gì?", Chủ tịch Quốc hội nêu ý kiến.
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, chúng ta có thuận lợi là đã có báo cáo tổng kết và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đã được thảo luận tại Quốc hội, chuẩn bị bấm nút thông qua. Cần rà lại đối với Luật Nhà ở, những điều nghiêm cấm là gì, rủi ro trong chính sách nhà ở như thế nào?
“Ý kiến ĐBQH là khác nhau, nên chúng ta phải trả lời được câu hỏi này. Nhiều người cho rằng, nhà ở xã hội không nên bán - mua, mà chỉ cho thuê thôi, như thế mới là nhà ở xã hội và không trục lợi được chính sách, anh nào thuê hết thời hạn thì trả lại cho người khác thuê”, Chủ tịch Quốc hội phát biểu.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, có dư luận nêu ý kiến việc sửa luật chỉ đáp ứng nhà đầu tư là chính mà không phải cho người sử dụng, thì mục tiêu của chúng ta không phải phải có sở hữu nhà, mà phải có nơi ở, chỗ ở. Nên nghiên cứu kỹ các báo cáo tổng kết thi hành luật. Nếu không xác định sớm từ đầu sẽ "bơi trong một rừng số liệu", mà thời gian thì có hạn, bắt buộc xác định trọng tâm, trọng điểm, gắn vào những khó khăn, vướng mắc về nhà ở và thị trường bất động sản".
Theo Báo Tin tức