Đổi thay Hòa Xuân

.

Phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) từng là “rốn lũ” của thành phố, cứ mưa lớn kéo đến lại ngập sâu, có những năm lũ vượt nóc nhà khiến đời sống, sinh hoạt và việc đi lại của người dân gặp vô vàn gian nan, khốn khó. Vậy nhưng, chỉ sau 15 năm chỉnh trang đô thị, bộ mặt phường Hòa Xuân đã thay đổi hoàn toàn, cơ sở hạ tầng được đầu tư, xây dựng đồng bộ. Những ngôi nhà cao tầng nối tiếp nhau hình thành. Đời sống người dân được nâng lên rõ rệt, số hộ nghèo giảm sâu.

Diện mạo đô thị Hòa Xuân thay đổi. Ảnh: P.C
Diện mạo đô thị Hòa Xuân thay đổi. Ảnh: P.C

Bài 1: Quê hương đổi thay đáng mừng

Quận Cẩm Lệ nói chung, phường Hòa Xuân nói riêng đã “lột xác” hoàn toàn so với hơn 15 năm trước đây. Nhiều người dân ở phường xa quê, có dịp trở về không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay nhanh đến chóng mặt ở vùng đất nghèo khó một thời.

Đời sống người dân đổi thay từng ngày

Sinh ra ở mảnh đất Cồn Dầu, phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ), tuổi thơ của anh Trần Thanh Bằng (SN 1973, hiện trú ở huyện Easup, tỉnh Đắc Lắc) gắn liền với vùng đất này, nên anh cảm nhận rõ cái nghèo, cái khổ của quê hương ngay từ lúc nhỏ. Nhiều lần về thăm lại quê hương, anh Bằng không khỏi choáng ngợp trước sự đổi thay thần tốc nơi mảnh đất mình đã sinh ra.

Anh kể: Hồi xưa khu vực Cồn Dầu, Trung Lương, Lỗ Giáng... nghèo khổ lắm, người dân chủ yếu làm nông nghiệp, nơi đâu cũng ruộng đồng. Vào làng chỉ có con đường đất nhỏ bé, nắng thì bụi, mưa thì ngập nước, chứ không phải phố xá, nhà cửa khang trang, hiện đại như bây giờ. Sự đổi thay của quê hương nhanh đến chóng mặt, năm nay về, nhìn khung cảnh đã thay đổi khác năm trước rồi. “Thấy quê hương thay đổi qua từng ngày, cuộc sống người thân, họ hàng cũng đổi mới, khấm khá hơn, trong lòng tôi vui mừng lắm”, anh Bằng xúc động nói.

Cũng là người con sinh ra, lớn lên từ mảnh đất Cồn Dầu, anh Nguyễn Tấn Dương (SN 1973, trú đường Trần Nam Trung, quận Cẩm Lệ) kể, hồi xưa vùng đất này khổ lắm, cảnh sống tăm tối, chủ yếu thắp đèn dầu. Đa số người dân sống nhờ chăn nuôi, trồng lúa, hoa màu. Hệ thống giao thông thì chỉ có vài con đường đất. Mỗi lần mưa lớn là người dân nơm nớp lo ngập lụt. Còn mùa mưa bão, việc đi lại của người dân phụ thuộc hoàn toàn bằng ghe thuyền. Còn trẻ con thì học trường làng, lên cấp hai phải qua đò đi học cách quê gần 10km. Nói chung, cuộc sống người dân ngày xưa rất khó khăn, vất vả lắm, chứ không được như bây giờ.

Nhìn những con đường, phố xá khang trang, nhà cao tầng mọc san sát nhau, anh Dương tươi cười nói: “Nếu thành phố không kịp thời đầu tư các dự án, xây dựng khu đô thị sinh thái Hòa Xuân thì còn lâu người dân mới được như ngày hôm nay. Trước giải tỏa, nhiều người dân trong khu vực phải chạy ăn từng bữa. Giờ thì khác rồi, nhiều người đã có cơ ngơi khang trang, ai cũng có cuộc sống sung túc trong những căn nhà kiên cố, cao ráo. Được sống trong môi trường văn minh, hiện đại, đời sống kinh tế khá lên như thế này, người dân chúng tôi vui mừng lắm”.

Diện mạo đô thị văn minh, hiện đại

Theo nhiều người lớn tuổi ở khu vực Hòa Xuân, ngày xưa vùng đất này gần như bị cô lập khi mùa mưa lũ ập đến, đời sống người dân cơ cực. Ngày thường, muốn qua phố phải đi thuyền ở bến đò Đò Xu. Còn mùa mưa bão, những lần đi mua lương thực, thực phẩm hay đồ dùng cá nhân phải di chuyển bằng ghe. Trước thực trạng trên, năm 2008, thành phố triển khai đầu tư các dự án trên địa bàn phường Hòa Xuân. Cụ thể, trên địa bàn phường có 11 dự án, đầu tư xây dựng và đền bù giải tỏa với tổng diện tích quy hoạch là 1.100ha, gồm 5.168 hộ giải tỏa.

Hồi chưa thực hiện di dời, giải tỏa, ngoài cây cầu Cẩm Lệ bị hư hỏng, “con đường” duy nhất để về Hòa Xuân là những chuyến đò lắc lư trên sông Cẩm Lệ. Và nơi đó, đa phần là đường đất đá lởm chởm quanh co, cùng những căn nhà đơn sơ lọt thỏm trong biển nước mỗi khi mùa mưa lụt kéo đến... Tuy nhiên, giờ đây mọi thứ đã khác xa và bến đò xưa chỉ còn trong ký ức, thay vào đó là những cây cầu như Hòa Xuân, Nguyễn Tri Phương, Cẩm Lệ… nối nhịp bờ vui. Phường Hòa Xuân đã khoác trên mình một diện mạo đô thị khang trang, hiện đại.

Người dân Hòa Xuân giờ đã thoát khỏi cảnh cơ cực, cách trở đò sông và được thụ hưởng nhiều tiện ích hiện đại trong những khu đô thị khang trang với hệ thống đường - điện - trường - trạm và công trình công cộng đồng bộ. Chỉ trong 15 năm, vùng đất Hòa Xuân đã “lột xác”, thay đổi diện mạo hoàn toàn. Những con đường đất, những ao hồ, những cánh đồng ngập úng, những căn nhà cấp 4 cũ kỹ dột nát… đã được thay thế bởi những con đường rộng rãi, khang trang. Hàng chục tuyến phố mới hình thành như: Đô Đốc Tuyết, Trần Nam Trung, Đô Đốc Lộc, Trung Lương 18, Cồn Dầu, Nguyễn Phước Lan... cùng với những dãy nhà cao tầng lộng lẫy dưới ánh đèn đường. Hòa Xuân là một trong những phường trên địa bàn thành phố không có kiệt, hẻm, nơi đây đường nhỏ nhất cũng đã 5,5m. Điều này cho thấy chủ trương mở rộng không gian thành phố phía nam là phù hợp, tạo nên diện mạo đô thị mới khang trang…Và đặc biệt, cảnh người dân phải chèo ghe thuyền mỗi mùa mưa đã không còn diễn ra như trước đây.

Bà Phạm Thị Nhàn, Trưởng ban Dân vận Quận ủy Cẩm Lệ cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện các dự án ở phường Hòa Xuân, dự án khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, người dân hưởng ứng, đồng tình rất tốt. Nhờ đó, cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa, đời sống, diện mạo đô thị phường Hòa Xuân thay đổi hẳn so với trước đây. Đặc biệt, cảnh ngập lụt không còn diễn ra, điều kiện học hành của trẻ em, việc đi lại của người dân rất thuận tiện. Nhìn chung, đến thời điểm hiện nay, cuộc sống của người dân phường Hòa Xuân đã ổn định, nhiều hộ khấm khá so với trước khá nhiều.

PHƯƠNG CHI - TRÍ DŨNG

;
;
.
.
.
.
.