Ngày 19-3, tại Đà Nẵng, Bộ Y tế tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch hành động quốc gia về loại trừ lây truyền HIV, viêm gan B và giang mai từ mẹ sang con giai đoạn 2018-2030 cho 14 địa phương khu vực miền Trung nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu của Chiến lược toàn cầu về sức khỏe phụ nữ, trẻ em và vị thành niên do Tổ chức Y tế thế giới phát động.
Theo đó, ngành y tế sẽ áp dụng cách tiếp cận chăm sóc liên tục và tiếp cận bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, bảo đảm mọi đối tượng có thể tiếp cận được khi có nhu cầu; bảo đảm tính bền vững của chương trình can thiệp loại trừ lây truyền HIV, viêm gan B, giang mai từ mẹ sang con trên cơ sở đẩy mạnh phối hợp, lồng ghép và cung cấp theo gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em.
Theo Vụ Sức khỏe bà mẹ, trẻ em (Bộ Y tế), trong dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, hằng năm, Việt Nam có khoảng gần 2 triệu phụ nữ mang thai và ước tính tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm phụ nữ mang thai là 0,19% thì mỗi năm ở nước ta có hơn 3.800 phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Nếu không có can thiệp thì với tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con khoảng 30-40%, ước tính mỗi năm Việt Nam có khoảng 1.140 - 1.520 trẻ em sinh ra nhiễm HIV từ các bà mẹ nhiễm HIV.
Đối với dự phòng lây truyền giang mai từ mẹ sang con, theo báo cáo của các bệnh viện, tình hình mắc giang mai bẩm sinh ở trẻ sơ sinh bắt đầu có dấu hiệu gia tăng. Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ phụ nữ có thai được xét nghiệm sàng lọc sớm giang mai chỉ khoảng 15,9%. Còn đối với dự phòng lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con, theo kết quả của một số nghiên cứu cho thấy, Việt Nam nằm trong vùng lưu hành dịch tễ cao của vi-rút viêm gan B. Do đó, tỷ lệ lưu hành vi-rút viêm gan B trên phụ nữ mang thai cũng rất cao, từ 9,5% - 13%.
PHAN CHUNG