Dịch sốt xuất huyết làm hàng trăm người thiệt mạng tại Trung Mỹ

.

Liên Hợp Quốc cho biết Honduras là nước chịu hậu quả nghiêm trọng nhất với 109 trường hợp tử vong, trong đó có nhiều trẻ em. Đây là quốc gia có số tử vong vì sốt xuất huyết cao nhất tại khu vực.

Trẻ em mắc sốt xuất huyết được điều trị tại bệnh viện ở Guatemala City, Guatemala. (Nguồn: AFP/ TTXVN)
Trẻ em mắc sốt xuất huyết được điều trị tại bệnh viện ở Guatemala City, Guatemala. (Nguồn: AFP/ TTXVN)

Khu vực Trung Mỹ đang đối mặt với dịch sốt xuất huyết nghiêm trọng nhất trong một thập kỷ qua với hàng trăm bệnh nhân đã tử vong. Các nhà khoa học cảnh báo dịch bệnh này sẽ trở nên trầm trọng hơn và xuất hiện thường xuyên hơn trong tương lai do tình trạng biến đổi khí hậu.

Liên hợp quốc cho biết Honduras là nước chịu hậu quả nghiêm trọng nhất của dịch sốt này với 109 trường hợp tử vong, trong đó có nhiều trẻ em. Đây là quốc gia có số tử vong vì sốt xuất huyết cao nhất tại Trung Mỹ.

Ngoài Honduras, những nước khác ở Trung Mỹ như Nicaragua, El Salvador và Guatemala cùng một số nước ở Mỹ Latinh như Brazil, Paraguay, Colombia và Belize cũng bị dịch sốt xuất huyết tấn công.

Tổ chức Y tế Liên Mỹ (PAHO) thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WTO) cho biết tính từ đầu năm đến nay, trên toàn khu vực Mỹ Latinh và vùng Caribe, số  trường hợp sốt xuất huyết đang gia tăng với ít nhất hai triệu người bị mắc bệnh và hơn 720 trường hợp tử vong.

Giáo sư Rachel Lowe của Trường Vệ sinh và y học nhiệt đới London nhận định: "Chúng ta đã chứng kiến số trường hợp sốt xuất huyết tại châu Mỹ đã tăng gấp đôi trong mỗi thập kỷ kể từ những năm 1980 và đặc biệt nghiêm trọng trong năm nay".

Các nhà khoa học cho rằng biến đổi khí hậu với hiện tượng nhiệt độ ấm lên, thời tiết thay đổi liên tục và hình thái thời tiết trở nên cực đoan hơn từ mưa lũ tới hạn hán, là những nguyên nhân làm bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng hơn, có khả năng lây lan rộng hơn và xuất hiện thường xuyên hơn. Giáo sư Lowe nhận định: "Do nhiệt độ ấm lên, muỗi có thể sống ở những khu vực cao hơn và người dân nơi đây vốn chưa từng mắc các bệnh lây nhiễm và không có khả năng miễn dịch với căn bệnh này sẽ là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất".

Ngoài ra, bà Lowe cho rằng những người sống trong các khu nhà ổ chuột chật chội, đông đúc, không có hệ thống cấp, thoát nước hợp lý và thu gom rác, là đối tượng đặc biệt có nguy cơ cao bị mắc bệnh sốt xuất huyết.

Vào mùa mưa, các nhà ổ chuột thường bị ngập do không có hệ thống thoát nước hoặc hệ thống thoát nước bị tắc, gây nên tình trạng nước tù đọng, trở thành nơi sinh sản lý tưởng của muỗi. Bên cạnh đó, cư dân nơi đây thường dự trữ nước trong xô chậu và các bể có mái che, cũng tạo ra môi trường sinh sản lý tưởng cho muỗi.

Một nghiên cứu tại Barbados được công bố hồi năm ngoái cũng cho thấy tình hình thời tiết khô hạn, tiếp đó là ẩm ướt và nhiệt độ ấm lên cung cấp điều kiện tốt nhất để dịch sốt xuất huyết xảy ra.

Nhà khoa học Colin Carlson thuộc khoa sinh vật học của Đại học Georgetown, ở Washington (Mỹ), cho biết ông và nhiều nhà khoa học khác đều có chung nhận định rằng dịch sốt xuất huyết có thể xảy ra thường xuyên hơn và xuất hiện ở những khu vực mới trong vòng từ 10-20 năm nữa. Ông cho biết các khu vực ở Mỹ, trong đó có Florida  đều có nguy cơ này.

Theo một nghiên cứu thực hiện năm 2018 và được công bố trên tạp chí the Proceedings of the National Academy of Sciences (PNAS), các nỗ lực chống tình trạng ấm lên trên toàn cầu có thể làm giảm mạnh số trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết cũng như giảm tình trạng dịch bệnh lây lan tại Mỹ Latinh.

Ông Carlson nhận định nếu đạt được mục tiêu nhiệt độ bề mặt Trái Đất không tăng quá 2 độ C so với mức của thời kỳ tiền công nghiệp, thì sẽ phòng ngừa được khoảng ba triệu trường hợp sốt xuất huyết mỗi năm tại khu vực Mỹ Latinh và vùng Caribe.

Theo TTXVN/Vietnam+

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.