Thời gian qua, bên cạnh nhiều giải pháp như cảm hóa giáo dục người bị xử phạt hành chính do sử dụng trái phép chất ma túy, cai nghiện tập trung..., cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng đang được xem là giải pháp hữu hiệu, nhân văn bởi không tách người nghiện ra khỏi cộng đồng.
Cai nghiện tại gia đình, cộng đồng giúp người nghiện không bị cách ly khỏi xã hội. Trong ảnh: Khám sức khỏe cho người nghiện tại Cơ sở điều trị methadone số 2 thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố. |
Vốn là một học sinh ngoan nhưng P. V. T. (28 tuổi, ở phường Tam Thuận, quận Thanh Khê) bị bạn bè rủ rê rồi dính vào ma túy lúc nào không hay. Sau đó, trong một lần tụ tập sử dụng ma túy, T. cùng nhóm bạn bị lực lượng công an lập biên bản xử phạt hành chính và giao cho gia đình quản lý. Rồi T. được đưa đi điều trị cắt cơn và dần lánh xa ma túy. “Thực sự tôi đã phí hoài một quãng dài tuổi trẻ. Cũng may là tôi kịp nhận ra và đứng dậy làm lại cuộc đời trong vòng tay yêu thương, nâng đỡ của cha mẹ, bạn bè”, T. bộc bạch. Hai năm nay T. không còn nghiện ma túy và bây giờ, T. đã có một gia đình hạnh phúc với vợ cùng con trai xinh xắn. Hai vợ chồng T. hiện đang bán phở vào ban đêm tại khu vực đường Hải Phòng nên thu nhập cũng ổn định.
Với H. (30 tuổi, ở quận Hải Châu) thì lại là một trường hợp khác. Vì chán nản trong chuyện gia đình nên H. đã tìm đến ma túy để quên sự đời. Ai ngờ càng ngày, H. càng lún sâu vào ma túy nên đã không kiếm ra tiền, không chăm sóc được vợ con mà còn khiến gia đình lâm vào cảnh tán gia bại sản. Sau đó, được sự ủng hộ, động viên của gia đình, H. đã nhận ra sai lầm và quyết tâm từ bỏ ma túy bằng cách tham gia chương trình cai nghiện tại gia đình, cộng đồng.
Ban đầu, H. gặp nhiều khó khăn do bạn nghiện rủ rê lôi kéo, nhưng, “nhìn con, mình tự nhủ phải cố gắng hơn nữa để kiếm một công việc ổn định lo cho nó. Đời mình coi như bỏ đi rồi”, H. tâm sự. Với sự động viên của gia đình, sự hỗ trợ vốn vay từ chính quyền địa phương, H. buôn bán và kiếm đủ tiền trang trải cuộc sống. Nhờ quyết tâm, H. đã tránh xa được ma túy.
Theo thông tin từ Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Đà Nẵng, công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng đã được triển khai đồng bộ trên toàn thành phố. Hiện có 100% phường, xã trên địa bàn có tổ công tác cai nghiện ma túy.
Việc lập hồ sơ, tổ chức điều trị, cắt cơn, giải độc được tiến hành theo quy trình, có sự phân công theo dõi, kèm cặp, giúp đỡ, kiểm danh, kiểm diện, đánh giá định kỳ. Các địa phương kịp thời tìm hiểu hoàn cảnh của từng trường hợp để có giải pháp hỗ trợ vay vốn, giới thiệu tạo việc làm nhằm giúp họ hoàn thành tốt chương trình cai nghiện. Chỉ tính riêng trong 5 năm qua, các địa phương đã lập hồ sơ đưa vào cai nghiện tại gia đình, cộng đồng được 765 trường hợp; trong đó, có 625 người tiến bộ được chứng nhận hoàn thành thời gian cai nghiện, chưa tái nghiện chiếm tỷ lệ 81,7%; 117 trường hợp vi phạm khi đang cai nghiện hoặc tái nghiện bị đưa vào cơ sở cai nghiện tập trung, chiếm tỷ lệ 15,29%, hiện nay có 23 người đang cai nghiện. Trong số các trường hợp cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, có 15 trường hợp được thành phố hỗ trợ học nghề; 31 trường hợp hỗ trợ tạo việc làm; 10 trường hợp hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm với tổng kinh phí là 62 triệu đồng.
Theo ông Lương Vĩnh Thái, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội thành phố, kết quả trên cho thấy, tỷ lệ thành công của chương trình cai nghiện tại gia đình và cộng đồng khá cao so với cai nghiện tập trung. Có nhiều nguyên nhân mang lại thành công, trước hết phải nói là chủ trương, chính sách của thành phố trong công tác này phù hợp với thực tiễn. Người cai nghiện tại gia đình, cộng đồng không bị cách ly khỏi xã hội khiến họ không bị gián đoạn mà vẫn có thể làm việc kiếm sống. Ngoài ra, họ được chính quyền phân công người kèm cặp, giúp đỡ xuyên suốt thời gian cai nghiện, được hỗ trợ phí điều trị cắt cơn giải độc ma túy. Bên cạnh đó, cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng có tính hiệu quả cao hơn như: thời gian cai nghiện ngắn hơn và sau khi hoàn thành không phải tốn thêm thời gian, công sức để phải quản lý sau cai (thường từ 12 đến 24 tháng), chi phí tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng thường thấp hơn nhiều so với cai nghiện tập trung. Cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng thành công cũng đã góp phần giảm tải tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng.
Tuy nhiên, ông Thái cho biết, hiện nay vẫn còn một số khó khăn như: vẫn còn một số nơi chưa thật sự vào cuộc, lập kế hoạch cai nghiện chưa sát với thực tế, chưa bảo đảm phác đồ điều trị cắt cơn, giải độc. Phần lớn các đối tượng sau khi cắt cơn giải độc tại bệnh viện, trung tâm y tế quận, huyện về lại cộng đồng thường xuyên di biến và khó tiếp cận; một số trường hợp còn tỏ ra tự ti, mặc cảm không hợp tác với chính quyền địa phương. Vấn đề hỗ trợ tạo việc làm cho người sau cai còn khó khăn, cơ sở vật chất phục cụ cắt cơn, giải độc tại các trung tâm y tế chưa được đầu tư đúng mức...
Theo ông Thái, thời gian tới đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu cho các cấp lãnh đạo triển khai các giải pháp như: đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và cộng đồng dân cư về công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng; phát động phong trào toàn dân phát hiện, vận động đối tượng nghiện và gia đình tự khai báo, tố giác và kết hợp với điều tra, khảo sát thống kê, cập nhật để nắm chắc số lượng và diễn biến tình hình nghiện trên từng địa bàn, cụm dân cư, tổ dân phố để có giải pháp phù hợp.
Bài và ảnh: Hương Sen