Theo thống kê từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, tính đến 30-6, tổng số tích lũy nhiễm HIV được phát hiện là 2.564 trường hợp, trong đó còn sống 2.076 trường hợp và nhiều người trong số đó đang được điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV). ARV nhằm làm giảm sự sinh sôi của HIV trong cơ thể, giúp người nhiễm HIV sống khỏe mạnh.
Được thăm khám và theo dõi điều trị sớm sẽ giúp người bệnh HIV sống khỏe mạnh. |
Thuốc ARV được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo sử dụng trong điều trị HIV/AIDS từ những năm 1990 và được đánh giá là giải pháp hiệu quả bảo vệ sức khỏe cho người nhiễm HIV/AIDS, giúp kiểm soát sự bùng phát của đại dịch. Việc điều trị HIV bằng thuốc ARV được áp dụng tại Việt Nam từ năm 2004 và tại Đà Nẵng từ năm 2005. Điều trị ARV được triển khai tại Đà Nẵng được duy trì với 1 phòng khám ngoại trú của Bệnh viện Da liễu thành phố và 1 phòng khám điều trị Nhi thuộc Bệnh viện Phụ sản - Nhi.
Tính đến hết tháng 12-2018, tổng số bệnh nhân đăng ký, quản lý, điều trị là 517 người lớn và 16 trẻ em (đạt 60% số bệnh nhân HIV còn sống có hộ khẩu Đà Nẵng). Hiện tại, thành phố có 100% số bệnh nhân đang được quản lý, điều trị ARV có hộ khẩu địa bàn thành phố có thẻ BHYT. Tháng 3 năm nay, Đà Nẵng đã thực hiện được kê thuốc điều trị ARV từ nguồn BHYT cho những bệnh nhân đầu tiên.
Anh M. (40 tuổi, ở quận Thanh Khê) hiện đang điều trị bằng thuốc ARV tại phòng khám ngoại trú của Bệnh viện Da liễu thành phố. Nhờ thăm khám và uống thuốc ARV đều đặn, đúng liều, đúng giờ nên sức khỏe anh cải thiện nhiều. “Trong một phút sai lầm khi còn trẻ, tôi đã bị lây nhiễm HIV từ bạn tình của mình. Tuy nhiên, nhờ điều trị thường xuyên bằng thuốc ARV nên sức khỏe tôi ổn định, ít ốm đau và đi làm, sinh hoạt bình thường”, anh M chia sẻ.
Thuốc ARV cũng giúp chị H. (35 tuổi, ở quận Hải Châu) ổn định sức khỏe và điều đáng mừng hơn là đứa con đầu lòng của chị vừa sinh ra không bị nhiễm HIV. Chị H. cho biết, bây giờ, đứa con chính là động lực để chị sống tốt hơn, có ích hơn.
Theo báo cáo của chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), điều trị ARV sớm có thể làm giảm 41% khả năng mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội, nhờ đó có thể giảm nguy cơ tử vong; giảm 96% nguy cơ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục và giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2%; góp phần giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình và ngành y tế trong hoạt động điều trị và dự phòng bởi lúc đó, người nhiễm HIV được điều trị bằng ARV có thể phục hồi sức khỏe, tiếp tục làm việc và có thể tự nuôi sống bản thân.
Bác sĩ Lê Thành Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng cho biết, với cơ chế ức chế sự nhân lên của vi-rút, khi điều trị bằng thuốc ARV, người bệnh có thể duy trì được tình trạng bình thường của hệ miễn dịch. Điều trị ARV sớm có thể làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục và giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, tại Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng chỉ có chưa đến 60% người nhiễm HIV được chẩn đoán tham gia chương trình điều trị ARV.
Vì vậy, đơn vị đang đẩy mạnh việc tuyên truyền, thực hiện giám sát dịch tễ học ở tất cả các tuyến nhằm xác minh người nhiễm HIV có mặt tại địa phương, giới thiệu và hỗ trợ người nhiễm HIV tham gia các dịch vụ chăm sóc, điều trị HIV/AIDS tại cộng đồng...; đồng thời, đẩy mạnh việc quản lý, điều hành hoạt động đối với các nhóm chăm sóc người bị nhiễm HIV tại nhà, phân bổ đều cho 7 quận, huyện nhằm hỗ trợ chăm sóc y tế, tư vấn về điều trị HIV/AIDS cho 245 người nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng...
Mục tiêu trong năm 2019 của thành phố Đà Nẵng là giảm số người nhiễm HIV mới, số bệnh nhân chuyển sang AIDS và số bệnh nhân tử vong do HIV/AIDS so với năm 2018; 90% người nhiễm HIV diện quản lý được điều trị ARV; 100% bệnh nhân tham gia điều trị ARV có thẻ BHYT.
Bài và ảnh: Lê Mận