Thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát dịch Covid-19 tiếp tục là đề tài được truyền thông quốc tế đề cập và phân tích như một hình mẫu để các nước tham khảo trong cuộc chiến chống đại dịch.
Các bác sỹ Bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương chúc mừng bệnh nhân được công bố khỏi bệnh Covid-19 ngày 14-5. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN) |
Trong suốt thời gian qua, nhiều hãng tin, các báo lớn, trang mạng và viện nghiên cứu uy tín của Đức liên tục có những bài viết đánh giá, nhận định và tìm cách "giải mã" thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Bài viết trên trang tin Handelsblatt (Thương mại) ngày 22-4 lý giải nguyên nhân Việt Nam chiến thắng một cách ngoạn mục trong cuộc chiến chống Covid-19. Chìa khóa của sự thành công nằm ở sự phản ứng từ rất sớm của Chính phủ Việt Nam - bài viết nhận định.
Bài viết cho hay, vào thời điểm đầu tháng Hai, khi các thành phố ở Đức đang đắm chìm trong không khí lễ hội, thì Việt Nam đã chuyển sang chế độ khủng hoảng để đối phó với dịch Covid-19.
Ngày 13-2, Việt Nam tiến hành phong tỏa xã Sơn Lôi, cách Hà Nội 40km khi xã này phát hiện 6 ca mắc Covid-19. Cả cộng đồng 10.000 dân trong xã được cách ly, không ai được rời khỏi xã trong 20 ngày.
Kết quả là Việt Nam đã được đền đáp với quyết định hành động sớm và quyết liệt của mình khi ngăn chặn thành công sự lây lan của virus SARS-CoV-2 ra cộng đồng.
Chìa khóa của sự thành công
Mới đây nhất, trang thông tin Marzahn-hellersdorf ở Berlin đã đăng tải một bài viết, trong đó cũng giải mã câu chuyện chống dịch thành công của Việt Nam với 3 yếu tố then chốt, đó là hành động sớm, truy dấu tiếp xúc và công tác tuyên truyền.
Bài viết dẫn lời các chuyên gia y tế cho biết sự kết hợp các yếu tố từ phản ứng sớm và nhanh chóng của Chính phủ Việt Nam nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh cho đến truy dấu tiếp xúc chặt chẽ, tiến hành cách ly và thông tin rộng rãi một cách hiệu quả đã giúp quốc gia có 95 triệu dân này kiểm soát tốt dịch bệnh và chưa có một trường hợp nào tử vong do mắc Covid-19.
Theo bài báo, Việt Nam đã chuẩn bị ứng phó với sự bùng phát của dịch vài tuần trước khi ghi nhận những trường hợp mắc bệnh đầu tiên, ngay cả khi Trung Quốc và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thời điểm đó tuyên bố "chưa có bằng chứng rõ ràng" bệnh lây nhiễm từ người sang người.
Việt Nam công bố dịch từ ngày 1-2, ngay khi mới chỉ ghi nhận 6 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 và dừng tất cả các chuyến bay giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đến cuối tháng Ba ngừng nhập cảnh đối với tất cả những người nước ngoài. Tất cả các trường học trên cả nước được yêu cầu đóng cửa.
Giáo sư về các bệnh truyền nhiễm Guy Thwaites, Giám đốc Đơn vị nghiên cứu lâm sàng của Đại học Oxford tại Việt Nam, tốc độ phản ứng của Việt Nam là yếu tố chính dẫn đến thành công trong cuộc chiến chống Covid-19.
Ông cho rằng việc hành động sớm ngay từ cuối tháng Một, đầu tháng Hai so với các nước khác là điều rất hữu ích để kiểm soát dịch bệnh.
Khi đợt lây nhiễm bùng phát liên quan đến một trường hợp trở về từ nước ngoài, Việt Nam đã tiến hành truy dấu chặt chẽ tiếp xúc của người nhiễm bệnh và cách ly các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.
Khi bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội trở thành "điểm nóng" của dịch bệnh, giới chức y tế Việt Nam đã kiểm tra khoảng 15.000 người liên quan, trong đó có khoảng 1.000 nhân viên y tế và yêu cầu những người này tự theo dõi, cách ly.
Theo ông Thwaites, việc truy dấu tiếp xúc của Việt Nam là một trong những biện pháp độc đáo của Việt Nam so với các nước khác trong việc phòng chống dịch.
Việc truy dấu tiếp xúc được Việt Nam thực hiện rất chi tiết, không chỉ là các trường hợp tiếp xúc trực tiếp mà cả các trường hợp gián tiếp. Các trường hợp tiếp xúc trực tiếp được đưa vào cách ly tại các cơ sở y tế, khách sạn hay doanh trại quân đội, trong khi các trường hợp tiếp xúc gián tiếp được hướng dẫn cách ly tại nhà.
Nghiên cứu cũng cho thấy trong số 270 bệnh nhân mắc Covid-19 đầu tiên, có 43% là các trường hợp không có triệu chứng. Điều này cho thấy giá trị của việc truy dấu và cách ly tiếp xúc một cách nghiêm ngặt. Nếu không chủ động nhắm mục tiêu vào những người có nguy cơ nhiễm bệnh, virus có thể đã lan ra cộng đồng trước khi được phát hiện.
300 công dân từ Hàn Quốc về nước được cách ly tại Đà Nẵng. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN) |
Ngoài việc phản ứng nhanh và truy dấu tiếp xúc, việc cung cấp thông tin và tuyên truyền cộng đồng cũng góp phần vào thắng lợi của Việt Nam trong phòng chống dịch Covid-19.
Ngay từ đầu, Chính phủ Việt Nam đã thông báo rõ ràng với công chúng về sự bùng phát của dịch bệnh. Các trang web chuyên biệt, đường dây nóng điện thoại và ứng dụng điện thoại đã được thiết lập để thông báo cho người dân về các thông tin dịch bệnh mới nhất và tư vấn y tế.
Bộ Y tế cũng thường xuyên gửi tin nhắn đến người dân qua hệ thống SMS. Cả hệ thống tuyên truyền vào cuộc nhằm nâng cao nhận thức của người dân về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh.
Hình mẫu tham khảo trong cuộc chiến chống Covid-19
Theo bài viết trên trang mạng Handelsblatt, Việt Nam được các chuyên gia coi là một trong số ít hình mẫu đáng tham khảo trong cuộc chiến toàn cầu chống đại dịch Covid-19
Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Takeshi Kasai đã đánh giá cao các biện pháp kiểm soát khủng hoảng dịch bệnh của Chính phủ Việt Nam, trong đó việc người dân giữ kỷ luật khi thực thi biện pháp giãn cách xã hội góp phần rất lớn vào thành công này.
Bài viết dẫn lời ông John MacArthur, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Mỹ (CDC) khu vực Đông Nam Á, nhận định Việt Nam phòng chống dịch với quyết tâm chính trị cao nhất từ rất sớm.
Tuy không có được nguồn lực dồi dào cho hệ thống y tế, song đất nước hình chữ S này đã thực hiện hàng trăm xét nghiệm sàng lọc Covid-19, nhiều hơn bất cứ nước nào khác ở Đông Nam Á.
Thay vì phụ thuộc vào ngành y tế và công nghệ để ngăn chặn virus SARS-CoV-2 bùng phát, bộ máy an ninh quốc gia mạnh mẽ của Việt Nam đã áp dụng một hệ thống giám sát công cộng rộng khắp, với sự hỗ trợ của lực lượng quân đội được trang bị đầy đủ và được nhân dân kính trọng.
Các cán bộ phụ trách an ninh xuất hiện trên mọi con đường, đến mọi khu phố và làng xóm. Quân đội cũng triển khai binh lính cùng các thiết bị và vật tư quân đội trong cuộc chiến chống virus SARS-CoV-2.
Sự giám sát chặt chẽ này đã giúp ngăn chặn việc người nhiễm virus lọt lưới hoặc trốn tránh các quy định.
Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nói: "Mỗi doanh nghiệp, mỗi công dân, mỗi khu dân cư phải là một pháo đài chống dịch bệnh." Phát ngôn này đã đánh trúng tâm lý nhiều người Việt với niềm tự hào về khả năng sát cánh bên nhau trong khủng hoảng và vượt qua khó khăn.
Bộ Y tế thậm chí còn tài trợ cho một bài hát hướng dẫn rửa tay đúng cách trên YouTube - bài hát "Ghen Cô Vy," với giai điệu vui nhộn và vũ điệu rửa tay phòng chống virus SARS-CoV-2 cuốn hút. Sau đó bài hát trở nên cực kỳ nổi tiếng ở cả trong nước và nước ngoài.
Tinh thần đoàn kết và hợp tác quốc tế chống dịch Covid-19
Không chỉ kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, truyền thông quốc tế cũng đăng các bài đánh giá cao việc Việt Nam tặng khẩu trang, thiết bị y tế, trang thiết bị bảo hộ cho các nước trên thế giới chống dịch.
Chính phủ Việt Nam đã trao tặng 550.000 khẩu trang kháng khuẩn cho đại diện đại sứ quán 5 nước châu Âu ở Hà Nội, gồm Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha và Anh; Ngoài ra, Việt Nam cũng tặng khẩu trang và thiết bị y tế cho các nước Campuchia, Lào, Trung Quốc, Nhật Bản để chống dịch.
Ngày 29-5, Tập đoàn Hoa Lâm Việt Nam và Công ty GEDU International đã trao tặng Trung tâm Xúc tiến đầu tư vùng của thành phố Leipzig của Đức 100.000 khẩu trang y tế, 10.000 đôi găng tay và các bộ kit xét nghiệm virus SARS-CoV-2.
Việt Nam trao tặng quần áo bảo hộ y tế và khẩu trang cho các y bác sĩ, nhân dân Lào chống dịch Covid-19. (Ảnh: Nguyễn Cúc/TTXVN) |
Cộng đồng người Việt tại nước ngoài cũng nỗ lực không mệt mỏi trong cuộc chiến chống đại dịch. Những người Việt Nam trên khắp thế giới đã phát huy tinh thần "Tương thân tương ái," huy động khẩu trang y tế, tự may khẩu trang vải, găng tay bảo hộ y tế để trao tặng cho các cơ sở như bệnh viện, viện dưỡng lão, các trung tâm y tế và cảnh sát tại nước sở tại.
Ở một số nước, những người Việt làm chủ nhà hàng bất chấp khó khăn kinh tế chung, đã tự nấu và tặng miễn phí hàng nghìn suất ăn cho các bác sỹ cùng y tá điều dưỡng tại các trung tâm điều trị tích cực nhằm góp phần vào cuộc chiến chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã có 46 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Theo bản tin của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, tính đến 6 giờ ngày 1-6, Việt Nam có tổng cộng 188 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 7.256, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện là 23 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác là 6.301 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 932 người.
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2 là 7 ca. Số ca âm tính lần 2 trở lên với SARS-CoV-2 là 22 ca.
Theo thông tin từ Tiểu Ban Điều trị- Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19, đến thời điểm này đã có 279/328 bệnh nhân Covid-19 ở Việt Nam được chữa khỏi (chiếm tổng số 85% ca bệnh).
49 bệnh nhân còn lại đang được điều trị tại 8 bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương trong tình trạng sức khỏe cơ bản ổn định.
Theo Vietnam+