Nhiều phụ nữ nhiễm HIV vẫn có quyền và có khả năng làm mẹ nếu được tích cực hỗ trợ, hướng dẫn và áp dụng các biện pháp đề phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Bệnh viện Phụ Sản - Nhi Đà Nẵng là bệnh viện tuyến cuối của thành phố trong những năm qua đã tiếp nhận khám và điều trị nhiều trường hợp nhiễm HIV sinh con an toàn.
Khoa Sản bệnh lý, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng hiện là đơn vị thu dung, chăm sóc và điều trị tiền sản cũng như hậu sản cho các bà mẹ mang thai nhiễm HIV và trẻ phơi nhiễm HIV từ bà mẹ sau sinh. Bác sĩ Huỳnh Kim Quang, Trưởng Khoa Sản bệnh lý cho biết, trong năm 2019, đơn vị tiếp nhận 14 phụ nữ mang thai nhiễm HIV (10 trường hợp trên địa bàn thành phố, 4 trường hợp ngoại tỉnh), trong đó có 10 ca được phát hiện và điều trị trước đó; 4 ca khi vào viện mới phát hiện nhiễm HIV.
Từ đầu năm 2020 đến cuối tháng 10-2020, khoa ghi nhận 9 ca, trong đó có 6 ca phát hiện điều trị trước khi vào viện, 3 ca phát hiện mới (có 1 trường hợp trên địa bàn thành phố và 8 trường hợp ngoại tỉnh). Cả 9 ca đều được tư vấn dùng thuốc cho mẹ. “HIV là virus gây suy giảm miễn dịch ở người, tấn công hệ thống miễn dịch của cơ thể, tiêu hủy dần các tế bào miễn dịch tạo thuận lợi cho các nhiễm trùng cơ hội, rối loạn thần kinh và các khối u gây tử vong cho người bệnh. HIV lây truyền qua 3 đường, trong đó lây truyền HIV từ mẹ sang con là sự lây truyền từ người mẹ bị nhiễm HIV sang trẻ sơ sinh trong các giai đoạn mang thai 25%, quá trình chuyển dạ 50%, cho con bú 25% nếu không được điều trị”, bác sĩ Quang cho biết.
Hiện nay, các bệnh nhân đến khám thai lần đầu tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng đều được tư vấn làm xét nghiệm viêm gan B, HIV và giang mai, thực hiện sàng lọc cho các bệnh nhân đồng ý xét nghiệm, chuyển tiếp các trường hợp có kết quả HIV dương tính đến cơ sở chăm sóc và điều trị HIV/AIDS Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng để được điều trị. Bác sĩ Lê Văn Dũng, Phó khoa Khám đa khoa - Cấp cứu cho biết, đơn vị được trang bị phòng khám, phòng tư vấn HIV với nhiều trang thiết bị, hình ảnh, khẩu hiệu tuyên truyền phòng, chống HIV. Những thông tin ban đầu của bệnh nhân được chuyển lên các phòng chuyên môn, bảo đảm điều trị tốt cho bệnh nhân và an toàn cho nhân viên y tế, đội ngũ y bác sĩ.
Những sản phụ có kết quả phản ứng với xét nghiệm sàng lọc HIV trong giai đoạn chuyển dạ, sau sinh sẽ được tư vấn điều trị ngay khi có xét nghiệm test nhanh HIV dương tính. Bệnh nhân được gửi mẫu qua Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC Đà Nẵng) làm test khẳng định đồng thời tư vấn nuôi dưỡng trẻ cho bà mẹ nhiễm HIV góp phần giảm lây nhiễm HIV cho con trong giai đoạn sau sinh. “Những bà mẹ và trẻ sơ sinh được sinh ra từ các bệnh viện có test nhanh dương tính HIV sau khi đến Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng sẽ được tiếp nhận và điều trị theo phác đồ cho mẹ và bé, chờ kết quả khẳng định và có hướng xử trí tiếp theo”, bác sĩ Quang cho biết thêm.
Ngoài ra, nếu trẻ phơi nhiễm HIV từ mẹ sẽ được dùng thuốc dự phòng theo phác đồ sau 4-6 tuần tuổi, được làm xét nghiệm PCR (giọt máu khô). Nếu kết quả dương tính, cán bộ y tế tư vấn cho người chăm sóc trẻ HIV điều trị ARV. Nếu kết quả âm tính, các bác sĩ sẽ hướng dẫn chưa cho trẻ bú mẹ hoặc ngưng bú mẹ trên 3 tháng.
Theo Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS thuộc CDC Đà Nẵng, song song với việc tăng cường cung cấp dịch vụ dự phòng, ngành y tế thành phố tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đồng thời huy động sự ủng hộ, tham gia của cộng đồng vào các hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. “Chúng ta có thể thực hiện mục tiêu loại trừ trẻ nhiễm HIV từ mẹ nếu phụ nữ nhiễm HIV nhận được các can thiệp phù hợp và kịp thời. Phụ nữ nhiễm HIV và phụ nữ mang thai nhiễm HIV cần phải biết tình trạng nhiễm HIV của mình bằng cách tiếp cận sớm với tư vấn xét nghiệm HIV, tự nguyện để được điều trị ARV kịp thời, đồng ý cho con được điều trị bằng thuốc ARV và nuôi dưỡng phù hợp”, bác sĩ Lê Thành Chung, Phó giám đốc CDC Đà Nẵng cho biết.
Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cần được thực hiện với tất cả các sản phụ ngay từ lần khám thai đầu tiên, khi chưa rõ là có nhiễm HIV hay không. Đối với người phát hiện có nhiễm HIV, việc dùng thuốc kháng virus đóng vai trò vô cùng quan trọng trong suốt thai kỳ, quá trình chuyển dạ và nuôi con sau đó, phối hợp thêm các biện pháp khác nhằm hạn chế khả năng lây truyền ở mức thấp nhất, từ đó có thể cho con có một cuộc sống bình đẳng, khỏe mạnh như những đứa trẻ khác.
PHAN CHUNG