ỨNG DỤNG MÃ QR PHÒNG, CHỐNG DỊCH

Nhanh, hiệu quả, tiết kiệm

.

Sử dụng mã QR để khai báo y tế là một trong các ứng dụng công nghệ thông tin mà Đà Nẵng đã triển khai trong công tác phòng, chống Covid-19. Không chỉ tiết kiệm thời gian, nhân lực và giảm tiếp xúc trực tiếp, việc khai báo bằng mã QR còn giúp thành phố chuyển từ thế “phòng thủ” sang “tấn công”, chủ động ứng phó với đại dịch.

Việc quét mã QR góp phần thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh. Trong ảnh: Người dân quét mã QR không tiếp xúc tại Công viên phần mềm Đà Nẵng. (Ảnh: Sở Thông tin và Truyền thông cung cấp)
Việc quét mã QR góp phần thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh. TRONG ẢNH: Người dân quét mã QR không tiếp xúc tại Công viên phần mềm Đà Nẵng. (Ảnh: Sở Thông tin và Truyền thông cung cấp)

Tiết kiệm và thuận tiện

17 giờ ngày 2-6, chốt kiểm soát dịch ở điểm cuối tuyến đường Trần Đại Nghĩa (quận Ngũ Hành Sơn) có khá đông người qua lại, phần lớn là người dân Đà Nẵng làm việc tại Quảng Nam đang trên đường trở về nhà.

Tranh thủ trong lúc hướng dẫn người dân đi qua chốt,Thiếu úy Nguyễn Văn Thạnh (Trạm Cảnh sát giao thông Hòa Hải, Phòng Cảnh sát giao thông Đà Nẵng) cho biết, trung bình mỗi ngày tại đây có khoảng 1.000-2.000 lượt xe qua lại. Những ngày gần đây, việc khai báo y tế tại chốt bắt đầu chuyển dần từ khai báo giấy sang khai báo điện tử, quét mã QR. Một tấm pano lớn hướng dẫn 3 cách khai báo điện tử đã được dựng lên để giúp người dân tự thực hành khai báo trên điện thoại.

Đối với những người lớn tuổi, không quen dùng điện thoại thông minh hay không nhìn rõ chữ, lực lượng dân quân tự vệ và tình nguyện viên sẵn sàng hỗ trợ tận tình. Những người không có điện thoại thông minh hay không truy cập được mạng vẫn có thể lựa chọn hình thức khai báo bằng giấy.

Thiếu úy Thạnh cho hay, đến thời điểm này, nhiều người đã biết đến hình thức khai báo y tế điện tử và quét mã QR. Tuy vậy, rất ít người (chỉ khoảng 1%) khai báo trước khi di chuyển, phần lớn đến chốt kiểm soát dịch mới thực hiện khai báo. “Chúng tôi khuyến khích người dân khai báo và chụp lại mã QR trước khi đi ra đường, đến chốt chỉ cần đưa ảnh chụp ra cho lực lượng chức năng quét mã để tiết kiệm thời gian, thuận tiện cho việc đi lại, đặc biệt là những người thường xuyên phải qua lại điểm chốt mỗi ngày”, Thiếu úy Thạnh nói.

Chốt kiểm soát dịch trên tuyến đường Trường Sa, quận Ngũ Hành Sơn (gần dự án Tổ hợp du lịch và giải trí Cocobay) cũng là một trong những điểm có lượng người qua lại mỗi ngày khá lớn. Anh Nguyễn Văn Vinh (trú huyện Hòa Vang, làm việc tại thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) cho biết, đây là lần đầu tiên anh thực hiện khai báo điện tử tại điểm chốt này, tuy vậy các thủ tục đều diễn ra khá suôn sẻ.

Anh Vinh nói: “Trong giai đoạn dịch bệnh, tôi từng khai báo y tế điện tử và quét mã QR khi vào bệnh viện, do đó cũng đã quen với hình thức này. Việc dùng mã QR giúp tiết kiệm thời gian, nếu đã khai báo một lần từ trước thì ứng dụng sẽ tự điền thông tin cá nhân cho mình”. Tuy vậy, anh Vinh cho rằng cũng giống như khai báo giấy, khai báo điện tử cũng rất cần ý thức tự giác của người dân để khai báo đúng, đủ, từ đó có thể hỗ trợ cơ quan chức năng trong trường hợp cần truy vết.

Đến thời điểm này, việc áp dụng mã QR để khai báo y tế không còn xa lạ tại Đà Nẵng. Bên cạnh các ứng dụng quốc gia như NCOVI, Bluezone do Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai, Đà Nẵng cũng đã xây dựng ứng dụng riêng tại địa chỉ khaibaoyte.danang.gov.vn, cho phép người dân khai báo qua kênh Zalo 1022, ứng dụng Danang Smart City hoặc trực tiếp trên trang web. Mã QR được sử dụng khi người dân đến các cơ quan hành chính, bệnh viện và ngay cả khi đi chợ.

Ông Diệp Hoàng Thông Anh, Trưởng ban quản lý chợ đầu mối Hòa Cường nhận định, việc áp dụng mã QR khiến công tác kiểm soát ra vào chợ nhanh chóng hơn, tiết kiệm chi phí in ấn thẻ vào chợ, giảm ùn ứ khi số lượng người ra vào chợ lớn. Đặc biệt, công tác quản lý dữ liệu hằng ngày cũng đơn giản hơn nhiều. Chị Hoàng Kim Hảo (trú phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, thường đi chợ đầu mối Hòa Cường) nói: “Trước đây mỗi lần đi chợ tôi phải nhớ cầm theo thẻ, có khi đi làm về muốn tạt vào chợ mua thức ăn, song lại quên cầm thẻ nên không vào được. Bây giờ tôi chỉ cần chụp lại mã QR rồi lưu vào điện thoại, đến chợ chỉ cần đưa ảnh ra để quét là được, thuận tiện hơn nhiều”.

Lực lượng chức năng hỗ trợ người dân khai báo y tế điện tử và quét mã QR tại chốt kiểm soát dịch trên tuyến đường Trần Đại Nghĩa (quận Ngũ Hành Sơn). Ảnh: K.NINH
Lực lượng chức năng hỗ trợ người dân khai báo y tế điện tử và quét mã QR tại chốt kiểm soát dịch trên tuyến đường Trần Đại Nghĩa (quận Ngũ Hành Sơn). Ảnh: K.NINH

Sản phẩm của Đà Nẵng

Đầu tháng 6, người dân vào Trung tâm Hành chính thành phố hay người lao động đến làm việc tại Công viên Phần mềm Đà Nẵng đã được trải nghiệm thiết bị quét mã QR không tiếp xúc. Chỉ cần đưa hình ảnh mã QR được chụp bằng điện thoại vào một “chiếc hộp”, toàn bộ dữ liệu lưu trong mã sẽ được chuyển đến Trung tâm Dữ liệu Đà Nẵng (thuộc Sở Thông tin và Truyền thông) hoàn toàn tự động. Nhờ yếu tố không tiếp xúc, thiết bị này giúp tiết kiệm nhân lực, dễ dàng sử dụng 24/7 và đặc biệt là hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh do không bảo đảm khoảng cách. Được biết, đây là sản phẩm đặc trưng riêng của Đà Nẵng, do Cảng Đà Nẵng phối hợp với Trung tâm Thông tin dịch vụ công (thuộc Sở Thông tin và Truyền thông) thiết kế và xây dựng.

Nói về quá trình hình thành ý tưởng máy quét mã QR không tiếp xúc, ông Trần Lê Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Đà Nẵng cho biết, xuất phát từ nhu cầu bảo đảm mục tiêu kép là phòng, chống dịch song hành với phát triển kinh tế, ngay từ khi có yêu cầu của chính quyền thành phố, Cảng Đà Nẵng đã triển khai khai báo y tế cho tất cả các cá nhân, phương tiện qua lại cảng.

Qua thời gian triển khai, nhận thấy việc khai báo bằng giấy hay khai báo điện tử có chung bất lợi là khó bảo đảm khoảng cách 2m để hạn chế tiếp xúc giữa cán bộ kiểm soát và cá nhân đến giao dịch tại cảng, Tổng Giám đốc Cảng Đà Nẵng đã chỉ đạo Phòng Công nghệ thông tin (Cảng Đà Nẵng) phối hợp với Trung tâm Thông tin dịch vụ công để chia sẻ quy chuẩn kỹ thuật, kết nối với hệ thống quản lý khai báo y tế của thành phố và xây dựng thành công giải pháp kiểm soát khai báo y tế điện tử không tiếp xúc.

Với giải pháp này, cán bộ kiểm soát không cần túc trực để quét mã QR mà những người khai báo có thể tự quét với “chiếc hộp” đặt ở các chốt kiểm soát. Dữ liệu từ mã QR sẽ được truyền đến Trung tâm Dữ liệu Đà Nẵng tự động. Hình dạng chiếc hộp cũng giúp người dùng căn chỉnh vị trí điện thoại, đồng thời tránh được bụi, nắng chói, mưa nhỏ. Định kỳ, thiết bị được sát khuẩn để hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Ông Tuấn nói: “Đến nay, chúng tôi đã hỗ trợ cung cấp thiết bị này cho các chốt kiểm soát dịch ở các cửa ngõ ra, vào thành phố; Trung tâm Hành chính, Công viên Phần mềm, Khu Công nghệ cao, chợ Cồn… Mục tiêu của Cảng Đà Nẵng là chung tay, đồng hành với thành phố vượt qua đại dịch bình an. Chúng tôi cũng rất mong giải pháp này sẽ được nhân rộng, đặc biệt là ở các doanh nghiệp, khu công nghiệp. Cảng Đà Nẵng cũng sẵn sàng chia sẻ và hỗ trợ giải pháp đến các đơn vị có nhu cầu”.

2.500 cơ quan, đơn vị sử dụng

Ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho hay, hiện nay việc khai báo trên ứng dụng của Đà Nẵng (khaibaoyte.danang.gov.vn) hay của Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông (NCOVI, Bluezone) đều có thể áp dụng được, vì mọi dữ liệu đều được truyền về Trung tâm Dữ liệu Đà Nẵng. Đến nay, ứng dụng khai báo y tế của Đà Nẵng kết hợp với kiểm soát ra vào qua mã QR đã được khoảng 2.500 cơ quan, đơn vị sử dụng, trong đó phần lớn các bệnh viện, cơ sở y tế, phòng khám, tòa nhà nhiều người sử dụng; ký túc xá sinh viên; khách sạn, cơ sở lưu trú.

Tính đến 13 giờ ngày 1-6, tổng số lượt khai báo y tế điện tử là 970.446 lượt, trong đó, sử dụng dữ liệu khai báo y tế để kiểm soát vào/ra là 397.690 lượt. Việc khai báo y tế bằng mã QR giúp cơ quan chức năng có thể phân tích, đánh giá tình hình liên tục, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công tác truy vết khi cần thiết.

Quét mã QR để vào chợ

Từ ngày 24-5, Đà Nẵng áp dụng thí điểm sử dụng thẻ vào chợ mã QR tại 4 chợ do Sở Công thương quản lý gồm chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa và chợ đầu mối Hòa Cường. Theo đó, người dân trên địa bàn 5 phường Hải Châu 1, Hải Châu 2, Thanh Bình, Thuận Phước và Hòa Cường Nam (quận Hải Châu) được phát thẻ đi chợ mã QR 3 ngày/lần. Để vào chợ, người dân đưa thẻ hoặc ảnh chụp mã QR để lực lượng quản lý chợ quét mã. Các chợ này cũng đã được lắp thêm bộ phát wifi ở các cổng chợ để bảo đảm tín hiệu internet.

Thiết bị quét của lực lượng quản lý chợ cũng đã được cài đặt ứng dụng eTicket - Đà Nẵng để quét mã đi chợ của người dân. Ngoài ra, từ đầu tháng 6, hệ thống các chợ do UBND quận Ngũ Hành Sơn cũng đã triển khai cấp thẻ vào chợ quét mã QR trên toàn địa bàn. Thông tin người đi chợ được cập nhật về Trung tâm Dữ liệu thành phố.

KHANG NINH

;
;
.
.
.
.
.