Ngành y tế thành phố đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức việc test nhanh kháng nguyên để sàng lọc SARS-CoV-2. Biện pháp này được triển khai song song với xét nghiệm kháng thể bằng phương pháp RT-PCR nhưng mang lại nhiều lợi ích, đặc biệt là rút ngắn thời gian chờ đợi để xác định, đánh giá mức độ lây nhiễm với một số đối tượng cụ thể.
Người dân đến khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đà Nẵng được lấy mẫu xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên. Ảnh: PHAN CHUNG |
Ngày 28-7, Bệnh viện Đà Nẵng bắt đầu triển khai xét nghiệm test nhanh kháng nguyên đối với tất cả những người dân đến khám, chữa bệnh và chăm nuôi tại bệnh viện. Chị Nguyễn Thị Hoài (trú phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) đến đăng ký khám, siêu âm dạ dày do mấy ngày qua đau âm ỉ vùng bụng. Dù không có các triệu chứng sốt, ho, khó thở nhưng chị vẫn được hướng dẫn đến khu vực lấy mẫu xét nghiệm bằng test nhanh. Sau 20 phút chờ đợi, chị được xác định âm tính với SARS-CoV-2 và được hướng dẫn vào khu vực bên trong làm các thủ tục khám bệnh.
“Cách đây 3 tuần mình cũng được xét nghiệm sàng lọc ở khu dân cư. Nay đi khám, dù không có biểu hiện nghi mắc Covid-19 nhưng việc test nhanh và cho kết quả âm tính giúp bản thân yên tâm, tự tin hơn về tình trạng sức khỏe của mình”, chị Hoài cho biết.
Song song với thực hiện test nhanh kháng nguyên, Bệnh viện Đà Nẵng vẫn bố trí xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR. Theo đó, các bệnh nhân có triệu chứng nghi mắc Covid-19 như ho, khó thở, sốt được hướng dẫn vào khu vực riêng và lấy mẫu xét nghiệm. Thông thường, sau 5-6 giờ đồng hồ, bệnh nhân mới có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2.
Theo bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, việc Sở Y tế cho phép các bệnh viện triển khai test nhanh kháng nguyên sàng lọc SARS-CoV-2 trong thời điểm hiện nay là hoàn toàn hợp lý, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và tình hình dịch bệnh.
“Hiện nay, F0 xuất hiện trong cộng đồng ngày càng nhiều, các yếu tố dịch tễ liên quan đến bệnh nhân Covid-19 rất phức tạp, không thể truy vết hết được. Chưa kể, chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh và số bệnh nhân không triệu chứng cũng tăng lên. Việc thiết lập một hàng rào an toàn cho bệnh viện thông qua test nhanh là hết sức cần thiết để người bệnh tự nhận biết được mức độ an toàn của bản thân. Hơn nữa, cơ sở y tế là khu vực trọng yếu, cần được sàng lọc, bảo vệ kỹ trước nguy cơ lây nhiễm Covid-19”, bác sĩ Nhân cho biết.
Việc test nhanh kháng nguyên trước đây đã được một số cơ sở y tế, trong đó có Bệnh viện Đà Nẵng thực hiện nhưng chỉ áp dụng cho những trường hợp cấp cứu khẩn cấp, cần phẫu thuật can thiệp.
Người dân đến khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: PHAN CHUNG |
Thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế, nhiều bệnh viện trên địa bàn cũng bắt đầu triển khai việc test nhanh để sàng lọc. Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Phương, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Hải Châu, đơn vị được Sở Y tế cung ứng 8.000 bộ test nhanh kháng nguyên, trực tiếp sàng lọc nguy cơ Covid-19 khi người dân đến khám, điều trị tại bệnh viện và phục vụ cho công tác truy vết, phòng, chống Covid-19.
“Ưu điểm của test nhanh chính là rút ngắn thời gian chờ đợi để lực lượng y tế có biện pháp phù hợp. Trong trường hợp nghi ngờ, chúng tôi tiếp tục xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR”, bác sĩ Phương cho biết.
Bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố cho biết, test nhanh kháng nguyên sàng lọc Covid-19 không chỉ giúp các cơ sở y tế xác định nguy cơ SARS-CoV-2 trên diện rộng mà còn hỗ trợ tích cực trong hoạt động phòng, chống Covid-19 tại địa phương. Hiện nay, trong quá trình điều tra dịch tễ liên quan đến các F0, lực lượng y tế tổ chức test nhanh với những trường hợp có nguy cơ liên quan đến bệnh nhân vừa được xác định.
“Cách làm này rất tiện lợi và hiệu quả. Chỉ trong thời gian 20-30 phút, chúng ta xác định được mức độ nguy cơ của những F1, F liên quan đến ca bệnh. Nếu những trường hợp này xác định dương tính với SARS-CoV-2, nhân viên y tế sẽ thông báo và chuyển bệnh nhân đi điều trị thay vì đưa đi cách ly tập trung theo diện tiếp xúc gần. Điều này giúp giảm áp lực cho các khu cách ly tập trung, rút ngắn quy trình, thời gian trong điều tra, xử lý dịch tễ và đặc biệt là khoanh vùng sớm nhất những trường hợp có nguy cơ”, bác sĩ Thạnh cho biết.
Hiện nay, Sở Y tế đang xây dựng kế hoạch phân phối 150.000 bộ test nhanh kháng nguyên cho các cơ sở y tế để sàng lọc SARS-CoV-2. Bác sĩ Trần Thanh Thủy, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, Bộ Y tế đã có hướng dẫn các địa phương việc áp dụng test nhanh kháng nguyên với mục đích chủ động xét nghiệm diện rộng, kiểm soát dịch Covid-19 trong cộng đồng và các khu công nghiệp. Các cơ sở khám, chữa bệnh, trạm y tế, cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp, trường học sẽ được phép triển khai test nhanh sau khi có chứng chỉ tập huấn về chuyên môn.
“Sở Y tế đã đề nghị Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng; UBND các quận, huyện cung cấp danh sách y tế cơ quan, đơn vị, trường học… có nhu cầu tập huấn để thực hiện test nhanh cho nhân viên, người lao động theo quy định. CDC Đà Nẵng là đơn vị có nhiệm vụ làm đầu mối, chủ động xây dựng tài liệu, kế hoạch hướng dẫn, tập huấn cho các đối tượng trên, tiến tới thực hiện test nhanh với tỷ lệ và tần suất cao hơn nhằm chủ động phòng, chống Covid-19”, bác sĩ Thủy cho biết.
PHAN CHUNG