Cần chủ động phòng ngừa Covid-19 từ đầu

.

ĐNO - Tình hình Covid-19 tại Đà Nẵng vẫn diễn biến rất phức tạp. Lực lượng y tế đang được huy động tối đa cho công tác truy vết, xét nghiệm để sàng lọc nhanh và tập trung cho công tác điều trị. Theo đánh giá chuyên môn, chủng virus mắc Covid-19 tại Đà Nẵng có tốc độ lây lan rất nhanh và khi mắc dễ trở nặng. Chính vì thế, chủ động phòng ngừa Covid-19 từ đầu là điều mà các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân cần quan tâm, thực hiện.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng cảnh báo, chủng virus lây nhiễm Covid-19 tại Đà Nẵng lần này lây lan nhanh và rút ngắn chu kỳ. Trong ảnh: Nhân viên y tế quận Sơn Trà lấy mẫu xét nghiệm cho người dân trong khu vực có nguy cơ. Ảnh: PHAN CHUNG
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng cảnh báo, chủng virus lây nhiễm Covid-19 tại Đà Nẵng lần này lây lan nhanh và rút ngắn chu kỳ. Trong ảnh: Nhân viên y tế quận Sơn Trà lấy mẫu xét nghiệm cho người dân trong khu vực có nguy cơ. Ảnh: PHAN CHUNG

Lây lan nhanh, chu kỳ rút ngắn

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố, chỉ tính riêng trong vòng 5 tuần (từ ngày 10-7 đến nay), có gần 2.000 ca mắc Covid-19 tại khắp các quận, huyện trên địa bàn. Thực tế này tạo ra áp lực rất lớn cho lực lượng y tế và các địa phương trong nỗ lực kiểm soát, khống chế dịch bệnh.

Bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc CDC Đà Nẵng cho biết, so với các giai đoạn trước, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố đã triển khai nhiều giải pháp nhanh, quyết liệt hơn. Trong đó, việc phong tỏa hẹp những khu vực có ca mắc, khu vực có nguy cơ được áp dụng triệt để.

Theo thống kê, từ ngày 10-7 đến nay, các địa phương thiết lập hơn 470 điểm nóng ghi nhận ca mắc Covid-19. Song song đó, CDC Đà Nẵng và Trung tâm Y tế các quận, huyện lấy mẫu xét nghiệm cho hơn 1 triệu lượt người để sàng lọc Covid-19.

Hiện ngành y tế đã lấy mẫu bệnh phẩm các chùm ca mắc Covid-19 tại Đà Nẵng gửi đi Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để giải trình tự gen. Tuy chưa có kết quả nhưng theo nhận định của CDC Đà Nẵng, chủng virus lây nhiễm Covid-19 tại địa phương thời gian qua chính là chủng Delta.

“Sự nguy hiểm của chủng virus lây bệnh lần này tại Đà Nẵng chính là tốc độ lây lan quá nhanh. Nếu như các đợt dịch trước đây, chu kỳ lây nhiễm của ca bệnh thường kéo dài 4-5 ngày thì nay chu kỳ lây nhiễm đã rút ngắn đáng kể, chỉ 2-3 ngày.

Đây là áp lực lớn đối với ngành y tế, bởi phải truy vết “thần tốc” đúng nghĩa và nhiệm vụ phải xong trong 2-3 ngày. Ví dụ, nếu 1 trường hợp F0 có 10 F1 liên quan thì trong 2-3 ngày chúng ta phải truy vết, cách ly, xét nghiệm được 10 F1, chưa kể các F liên quan khác. Số F0 được ghi nhận càng nhiều thì F1 và F liên quan càng lớn”, bác sĩ Thạnh cho biết.

Theo tính toán của CDC Đà Nẵng, mỗi chu kỳ lây nhiễm trong 2-3 ngày, một người mắc Covid-19 sẽ lây cho khoảng 8 người. Nếu bỏ sót 1 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, trải qua 3 chu kỳ lây nhiễm (khoảng 7-9 ngày), số ca mắc liên quan đến trường hợp đầu tiên sẽ trên 500 người.

Trên thực tế, các chuỗi lây nhiễm Covid-19 thời gian qua được ghi nhận đều có số lượng ca mắc Covid-19 rất lớn, trong đó đáng chú ý là chuỗi lây nhiễm liên quan cảng cá Thọ Quang ghi nhận hơn 1.000 trường hợp mắc Covid-19.

“Một điểm đáng chú ý trong các chuỗi lây nhiễm hiện nay là yếu tố gia đình. Có nghĩa là chỉ một người trong gia đình mắc Covid-19 nếu không được phát hiện kịp thời thì sau 2-3 ngày phần lớn người thân trong gia đình đều mắc Covid-19. Hiện ngành y tế đang điều trị nhiều trường hợp cả 8-10 người trong một gia đình đều mắc Covid-19.

Thực tế này cho thấy, mỗi cá nhân chúng ta cần phải ý thức một cách nghiêm túc việc phòng, chống dịch. Nếu trong số chúng ta có lịch trình tiếp xúc, đi lại liên quan đến các ca mắc, các địa điểm có nguy cơ đã được thông báo rộng rãi trước đó thì nên chủ động khai báo y tế, không trốn tránh, khai báo gian dối ảnh hưởng đến toàn xã hội.

Bên cạnh đó, trong số các biện pháp phòng, chống Covid-19 đang triển khai thì việc mang khẩu trang mọi lúc mọi nơi có vai trò hết sức quan trọng. Đó chính là cách bảo vệ bản thân, bảo vệ người xung quanh, bảo vệ người thân trong gia đình mình trước nguy cơ lây nhiễm”, bác sĩ Thạnh cho biết thêm.

Người trẻ, không bệnh nền vẫn trở nặng

Hiện các cơ sở y tế đang tiếp nhận, điều trị hơn 1.200 bệnh nhân Covid-19, trong đó Bệnh viện Phổi Đà Nẵng điều trị 72 trường hợp, Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang 205 trường hợp và Bệnh viện dã chiến Khu ký túc xá phía tây 940 trường hợp.

Theo bác sĩ Lê Đức Nhân, Phó Chủ tịch Hội đồng chuyên điều trị Covid-19 thành phố, hiện Đà Nẵng đang áp dụng phân tầng điều trị bệnh nhân Covid-19 ở 3 mức độ theo chỉ đạo của Bộ Y tế, tương ứng 3 cơ sở y tế đã được thiết lập.

Ngành y tế khuyến cáo người dân không chủ quan và tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Trong ảnh: Bệnh viện dã chiến Khu ký túc xá phía tây cho ra viện 5 trường hợp điều trị khỏi Covid-19. Ảnh: PHAN CHUNG
Ngành y tế khuyến cáo người dân không chủ quan và tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Trong ảnh: Bệnh viện dã chiến Khu ký túc xá phía tây cho ra viện 5 trường hợp điều trị khỏi Covid-19. Ảnh: PHAN CHUNG

Theo đó, hiện 72 bệnh nhân Covid-19 nặng đang được điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, trong đó nhóm nguy cơ, nguy cơ cao và nguy cơ rất cao có gần 60 bệnh nhân. Có 2 trường hợp thở máy và ECMO oxy hóa màng ngoài cơ thể; ngoài ra còn có các trường hợp thở máy xấm lấn và lọc máu liên tục; thở máy lọc máu, thở oxy gọng và mặt nạ...

“Điều đáng lo ngại ở đợt này chính là tỷ lệ trẻ hóa ở các ca bệnh diễn tiến nặng và nguy kịch, đồng thời cảnh báo mức độ lây lan nhanh và diễn tiến nặng rất nhanh ở các bệnh nhân. Hiện các ca bệnh Covid-19 nặng đợt này đã khác với những đợt bùng phát dịch trước khi nhiều trường hợp trẻ, ngoài 30, vẫn trở nặng, tổn thương phổi thậm chí nguy kịch, trở nặng rất nhanh mặc dù trước đó hoàn toàn khỏe mạnh”.

Hiện tại số lượng bệnh nhân mắc Covid-19 ở dạng nhẹ tăng nhiều, ngành y tế tiếp tục bổ sung, tăng cường nhân lực và mở thêm mở các block nhà tại bệnh viện dã chiến để bố trí tiếp nhận. Mỗi trường hợp dù nhẹ đều có những yếu tố nguy cơ chuyển bệnh rất nhanh.

Chính vì thế, dù được phân tầng điều trị dạng nhẹ nhưng bệnh viện vẫn phải sẵn sàng mọi phương án để ứng phó trong trường hợp bệnh nhân không triệu chứng nếu trở nặng thì vẫn giải quyết được.

“Với chủng Delta thì bất cứ F0 nào cũng có thể trở nặng và nguy kịch. Mọi người dân xin đừng chủ quan, đặc biệt đừng nghĩ mình trẻ, khỏe, không bệnh nền thì sẽ an toàn. Và cách bảo vệ bản thân và cộng đồng an toàn tốt nhất lúc này chính là tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch, cố gắng đừng để mình trở thành F0”, bác sĩ Nhân cảnh báo.

Hiện tại, Đà Nẵng đang áp dụng sớm phác đồ điều trị nên tỷ lệ chuyển bệnh nặng cũng như các ca nặng vẫn đang trong tầm kiểm soát so với tình hình chung. Ngành y tế đang tập trung toàn bộ nhân lực hồi sức, trang thiết bị, thuốc men để điều trị các ca bệnh nặng và nguy kịch tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.

Tuy nhiên, dù năng lực điều trị hiện tại của địa phương đang đáp ứng đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người... nhưng nếu không kiểm soát tốt, để số ca mắc liên tục tăng cao thì việc điều trị cho bệnh nhân Covid-19 trong thời gian tiếp theo sẽ gặp nhiều khó khăn.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.