Thời gian qua, cả hệ thống chính trị ở xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang) phối hợp thực hiện mô hình “Giảm nghèo 3 bền vững” bao gồm: có sinh kế thoát nghèo bền vững, có việc làm bền vững và nhà ở bền vững. Đây là mô hình sát hợp thực tế, do Đảng ủy xã Hòa Ninh phát động và đem lại hiệu quả cao ở xã miền núi này.
Với mô hình “Giảm nghèo 3 bền vững”, lãnh đạo xã Hòa Ninh chú tâm vận động doanh nghiệp, những người con quê hương đang làm ăn sinh sống ở các địa phương khác và các tấm lòng nhân ái gần xa cùng chung tay góp sức trợ giúp hộ nghèo tại địa phương. Chủ trương của xã nhận được sự hưởng ứng của hàng trăm đơn vị, cá nhân.
Tiêu biểu như Công ty CP Cáp treo Bà Nà ủng hộ 300 triệu đồng, Công ty TNHH Cường Tiến Minh (quận Liên Chiểu) ủng hộ 100 triệu đồng, Ban trụ trì chùa Linh Ứng (Bà Nà) mỗi năm ủng hộ 70-100 triệu đồng... Mới đây, anh Nguyễn Phương, quê Hòa Ninh, đang cư trú tại Thành phố Hồ Chí Minh đã ủng hộ đồng bào nghèo ở xã nhà 100 triệu đồng.
“Chỉ từ đầu năm 2018 đến nay, toàn xã vận động hơn 400 triệu đồng để hỗ trợ hộ nghèo với nhiều hình thức”, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Nguyễn Thanh Sơn cho biết.
Hằng năm, Đảng ủy, UBND xã Hòa Ninh cùng các đoàn thể địa phương phối hợp tổ chức đối thoại với hộ nghèo nhằm nắm bắt nguyện vọng chính đáng của từng trường hợp. Đơn cử như ông Huỳnh Kế, 55 tuổi, ở thôn 1, bị khuyết tật vận động, bày tỏ nguyện vọng được hỗ trợ bò giống để chăn nuôi. Xét thấy nguyện vọng phù hợp, UBND xã đã hỗ trợ gia đình ông Kế 2 con bò giống và vật liệu làm chuồng nuôi bò, trị giá hơn 22 triệu đồng.
Địa phương còn tặng áo quần, sách vở cho các con ông có đủ điều kiện học tập. Hay như bà Huỳnh Thị Thăng, 60 tuổi, ở thôn Đông Sơn, có vườn rộng nhưng sức khỏe yếu, trong vườn chỉ trồng cây lâu năm, năng suất thấp. Theo nguyện vọng của bà Thăng, xã đã hỗ trợ hơn 10 triệu đồng và hướng dẫn kỹ thuật làm mô hình nuôi gà thả vườn, đồng thời hỗ trợ vật liệu làm chuồng và lưới bảo vệ quanh khu vực nuôi gà. Từ đó, bà Thăng vươn lên thoát nghèo bền vững, bình quân bán trứng và gà thịt được 120.000 đồng/ngày; cùng với thu nhập từ các loại cây trồng trong vườn, bà cũng đủ trang trải cuộc sống.
Mặt khác, lãnh đạo xã Hòa Ninh thường xuyên liên hệ, vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất-kinh doanh trên địa bàn ưu tiên tuyển dụng lao động tại xã, qua đó, đã giúp hàng trăm người nghèo có việc làm ổn định, với mức thu nhập 4-6 triệu đồng/tháng.
Chủ tịch UBND xã Lê Đức Thương cho biết, thực hiện mô hình “Giảm nghèo 3 bền vững”, địa phương giao chỉ tiêu cho từng thôn mỗi năm giúp 1-2 hộ thoát nghèo bền vững. Mô hình “Giảm nghèo 3 bền vững” đã đem lại nhiều kết quả khả quan.
Từ 225 hộ nghèo vào đầu năm 2016 (chiếm 17% dân số), đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã chỉ còn 0,27% dân số. Hiện xã Hòa Ninh phấn đấu hoàn thành mục tiêu xóa hết hộ nghèo và chủ động ngăn ngừa hiện tượng tái nghèo. “Phát huy mô hình Giảm nghèo 3 bền vững, xã chú trọng giúp “chiếc cần câu” kết hợp hỗ trợ “con cá” để từng hộ nghèo, hộ khó khăn tự nỗ lực làm ăn vượt khó vươn lên”, Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Hữu Trung cho biết.
LÊ VĂN THƠM