Ước mơ khôi phục vườn thực nghiệm Sơn Trà

.

Nói về cây rừng Sơn Trà, hẳn không ai rành rẽ từng ngóc ngách, giống loài như ông Hoàng Đình Bá, nguyên Trưởng Ty Lâm nghiệp tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ). Những năm 80 của thế kỷ 20, ông được lãnh đạo tỉnh giao quản lý, xây dựng vườn thực nghiệm với quy mô 20ha tại khu vực Suối Đá, Bãi Nồm thuộc bán đảo Sơn Trà. Tại đây, có không ít cây trồng được lãnh đạo và người dân gửi tặng với mong muốn sớm hình thành khu vực bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học ở độ cao từ 10-100 mét so với mực nước biển.

Ông Hoàng Đình Bá và ông Hồ Duy Diệm trong một chuyến thăm lại khu vườn thực nghiệm Sơn Trà. Ảnh: TIỂU YẾN
Ông Hoàng Đình Bá và ông Hồ Duy Diệm trong một chuyến thăm lại khu vườn thực nghiệm Sơn Trà. Ảnh: TIỂU YẾN

Giữa không gian thẫm xanh của “Khu bảo tồn tre trúc Việt” (còn gọi Sơn Trà Tịnh Viên) là những cây thông Caribe vươn lên ngạo nghễ, hòa mình vào màu xanh của bán đảo Sơn Trà. Theo lời ông Bá, đây là những cây thông được chính lãnh tụ Cuba Fidel Castro trao cho người dân Quảng Trị trồng, chăm sóc trong chuyến thăm lịch sử đất lửa Quảng Trị - Việt Nam năm 1973. Sau này, khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, người dân Quảng Trị đã gửi tặng lại nhân dân Quảng Nam-Đà Nẵng 20 cây thông Caribe để trồng ở khu vực Suối Đá, bán đảo Sơn Trà. “Đây thực sự là món quà rất quý giá, thể hiện tình đoàn kết, gắn bó giữa hai quốc gia, hai dân tộc nên tôi cùng anh em kỹ thuật đã trồng và chăm sóc kỹ lưỡng. Cũng phải nói rằng, thổ nhưỡng Sơn Trà rất hợp với cây thông Caribe nên cây phát triển nhanh, kích thước lớn”, ông Bá chỉ tay lên những ngọn thông Caribe đang đung đưa trong gió trước cổng Sơn Trà Tịnh Viên.  

Được biết, từ năm 1983, khi Ủy ban Khoa học-Kỹ thuật tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ) hình thành vườn thực nghiệm với quy mô 20ha tại khu vực Suối Đá, Bãi Nồm, những cây thông già trở thành chứng nhân lịch sử, chứng kiến bao thăng trầm của đất và người nơi đây. Ông Hồ Duy Diệm, nguyên Phó Ban quản lý Nhà đất và Công trình công cộng thành phố Đà Nẵng (tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng cũ) nói rằng, lãnh đạo thành phố lúc bấy giờ rất quan tâm việc phủ xanh đất rừng cũng như ủng hộ chủ trương xây dựng vườn thực nghiệm, tìm kiếm giống cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng Đà Nẵng. Ngày 2-10-1992, Bộ Lâm nghiệp (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) ra Quyết định số 447/LN-KL thông qua việc đưa Sơn Trà trở thành Vườn quốc gia sinh thái tự nhiên và xác định việc phục hồi những diện tích rừng đã bị hư hại, hoang hóa sau chiến tranh là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của Ty Lâm nghiệp tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng.

Chẳng hiểu sao khi ngồi cùng ông Bá, tôi chỉ nghe ông nói đến rừng, đến Sơn Trà như một món nợ ân tình mà đến bây giờ, ở cái tuổi gần đất xa trời, ông vẫn không thôi đau đáu, chờ mong khu vườn thực nghiệm sẽ được gầy dựng lại cho người dân thành phố. Ông Bá bảo, đó là những năm tháng ông sống trọn vẹn với rừng và khu vườn thực nghiệm là nơi đẹp đẽ nhất mà ông ngày đêm lui tới nghiên cứu, trông nom. Đất rừng được giao để làm vườn thực nghiệm là khu đất trống đồi trọc, bị xói mòn nghiêm trọng, nên những loài cây trồng thử nghiệm sống được ở đây thì có thể sống ở bất cứ nơi nào khác. Với hướng đi đúng đắn và mang nhiều tâm huyết này, ông Bá không ngại nắng - mưa, ngày - đêm có mặt tại Sơn Trà, cùng với đoàn chuyên gia đến từ Bộ Lâm nghiệp nghiên cứu về thổ nhưỡng, các thông số tự nhiên, nguồn nước, giống loài để hình thành khu vực bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học.  

Được biết, hệ động vật là yếu tố cấu thành hệ sinh thái rừng nhiệt đới Sơn Trà. Hệ thực vật cung cấp mầm lá, mầm quả, hoa, rễ, lá, củ làm thức ăn cho động vật và ngược lại động vật rừng cũng tham gia quá trình tồn tại, phát triển của thực vật. Do đó, việc phát triển hệ thực vật phong phú sẽ góp phần thúc đẩy quá trình bảo tồn và phát triển hệ sinh thái bán đảo Sơn Trà. Ông Hoàng Đình Bá cho biết, vườn thực nghiệm Sơn Trà được xây dựng trên tinh thần bảo tồn và phát triển, chỉ dùng phân vi sinh, phân hữu cơ để chăm sóc cây trồng; đồng thời xử lý chất thải bằng vi sinh vật, tạo môi trường trong lành để động thực vật quần tụ, phát triển dưới tán rừng. Đơn cử, ở Sơn Trà có nguồn gen dược liệu khá phong phú, có 143 loài; trong đó một số loài có thể khai thác được như thiên môn, bách bộ, sầu đâu rừng, mãn kinh tử, ngũ gia bì, kim ngân và phúc bồn tử mọc rải rác khắp các cánh rừng. Đây là những nguồn gen dược liệu có thể khai thác để phục vụ công tác chữa bệnh trong y học cổ truyền và nhu cầu thường nhật của người dân.

Những cây thông Caribe vẫn xanh tươi trước lối vào Sơn Trà Tịnh Viên.Ảnh: TIỂU YẾN
Những cây thông Caribe vẫn xanh tươi trước lối vào Sơn Trà Tịnh Viên.Ảnh: TIỂU YẾN

Trong cuốn sổ nhỏ đã nhàu nhĩ theo thời gian, ông cẩn thận ghi lại tên người đã gửi tặng cây trồng tại khu vườn thực nghiệm Sơn Trà, như vợ chồng ông Lê Tự Cường (nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Thành ủy) đã mang cây trầm hương từ Lào về tặng cho vườn thực nghiệm; bà Giang Thị Lang ở huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam tặng 10 cây gáo; ông Robert W.Huff, quốc tịch Canada, tặng 5 cây chà là Nam Mỹ và hàng trăm người gửi tặng hạt giống những loài cây quý hiếm. Tất cả đã được ông Bá trồng đâu đó tại khu vườn thực nghiệm này mà bây giờ do tuổi cao nên ông không thể nhớ hết từng vị trí.

Giữa câu chuyện đan xen quá khứ và hiện tại, lúc nhớ, lúc quên, ông Bá vẫn không ngừng nói về vườn thực nghiệm, về những cây thông Caribe Cuba vẫn nhẫn nại vươn lên giữa đất rừng Sơn Trà, về giấc mơ khu vườn thực nghiệm sẽ được khôi phục, trở thành điểm đến của các nhà khoa học, của bảo tồn và phát triển, của du lịch sinh thái Đà Nẵng trong tương lai không xa.

Dường như mong muốn gầy dựng lại khu vườn thực nghiệm tại bán đảo Sơn Trà không chỉ là ước mơ của riêng ông Bá. Ông Ben Rawson, Giám đốc Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) từng phát biểu, Sơn Trà là nơi có một không hai trên thế giới. Ở đây có sự đa dạng sinh học rất cao mà thành phố Đà Nẵng cần bảo vệ và sử dụng sự đa dạng đó để thu hút du lịch cũng như thuận theo xu hướng phát triển bền vững.

Vườn thực nghiệm Sơn Trà ra đời nhằm trồng, chăm sóc cây con nguyên liệu cho ngành công nghiệp, khôi phục cây quý ở bán đảo Sơn Trà, ươm giống cây bản địa, di thực và tập hợp nguồn gen các loại cây quý hiếm, có bộ rễ sâu với mục đích chống xói mòn; trồng và chăm sóc cây trồng do lãnh đạo địa phương gửi tặng. Đồng thời, việc thực nghiệm hướng đến bảo vệ nguồn gen động thực vật, bảo tồn sinh cảnh, hình thành khu vực bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học, không gian nghiên cứu bảo vệ rừng. Có thời điểm khu vườn thực nghiệm này có hàng trăm cây con quý hiếm như chò đen và nhiều loài thực vật ưa sáng thuộc các họ cam, trôm, cà-phê…

TIỂU YẾN


 

;
;
.
.
.
.
.