Những năm gần đây, số lượng khách nước ngoài đến Đà Nẵng du lịch và làm ăn ngày càng đông. Trong số đó, có những người yêu thành phố bên sông Hàn và chọn nơi đây để lập nghiệp vì họ thấy có những nét tương đồng về văn hóa, con người thân thiện, hiếu khách…, từ đó hình thành khu “phố Tây” An Thượng, quận Ngũ Hành Sơn.
Ông Phil Mcavity cùng chị Athena Vo (người Canada gốc Đà Nẵng) ăn tối tại một nhà hàng ở Khu phố du lịch An Thượng. |
Vốn là đầu bếp làm việc ở một nhà hàng tại thủ đô Tokyo (Nhật Bản), 8 năm trước, anh Sakai sang Việt Nam tìm kiếm cơ hội làm ăn và quyết định định cư ở Việt Nam. Chia sẻ về lý do quyết định đầu tư mở khu ẩm thực chợ đêm tại Khu phố du lịch An Thượng (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn), anh Sakai cho biết, bên cạnh đam mê từ nhỏ, anh còn mong muốn mang hương vị món ăn quê nhà đến với những người Nhật xa quê. Một phần nữa là do muốn quảng bá văn hóa ẩm thực của người Nhật đến với người dân Việt Nam.
Theo anh Sakai, việc kinh doanh trong lĩnh vực ẩm thực tại Khu phố du lịch An Thượng gặp thuận lợi hơn so với các địa phương khác của Việt Nam bởi nguồn nguyên liệu thực phẩm ở Đà Nẵng luôn tươi sống, gia vị phong phú và đa dạng. Các tiệm ăn tại Đà Nẵng do anh Sakai làm chủ đều tuyển nhân viên người địa phương làm việc. “40 - 50% khách hàng đến khu ẩm thực tại Khu phố du lịch An Thượng là người Nhật Bản, ngoài ra là du khách các quốc gia khác và chỉ 10% là khách Việt Nam. Tất cả đến đây vì sự lôi cuốn của ẩm thực và văn hóa phục vụ phong cách của xứ sở hoa anh đào”, anh Sakai nói.
Ngoài các nhà hàng mang phong cách Nhật Bản, đến nay, Khu phố du lịch An Thượng xuất hiện nhiều nhà hàng do người Hàn Quốc làm chủ. Điều thú vị của những hàng quán ở khu phố Hàn Quốc này là hầu hết do các đầu bếp người bản xứ thực hiện, giữ nguyên công thức của quê hương. Tại đây, cũng có khá nhiều siêu thị mini bày bán phong phú mặt hàng được nhập từ Hàn Quốc như: kim chi, mì gói, cá hộp, rong biển, sốt tương cay, rượu Soju… Nhân viên phục vụ có thể giao tiếp lưu loát bằng tiếng Hàn. Đặc biệt, tiếng cười nói của du khách Hàn, tiếng mời chào đon đả của các nhân viên, tất cả hòa quyện tạo nên bức tranh sinh động về văn hóa Hàn Quốc tại Đà Nẵng.
Theo đánh giá của nhiều người nước ngoài, Khu phố du lịch An Thượng rất nhiều tiềm năng để kinh doanh, buôn bán nên nhiều người nước ngoài đã chọn nơi đây làm địa điểm để kinh doanh, làm ăn. Ông Meeraj Chawua, chủ nhà hàng Ấn Độ ở Khu phố du lịch An Thượng cho biết, cộng đồng người Ấn Độ đến Đà Nẵng làm ăn tuy chiếm tỷ lệ rất thấp so với các nước khác, nhưng điều đáng mừng là họ đều đoàn kết và đùm bọc lẫn nhau. “Qua gần hai năm làm ăn sinh sống ở Đà Nẵng, tôi cảm thấy thú vị, nhất là việc kinh doanh ở Khu phố du lịch An Thượng rất thuận tiện. Khu vực này cái gì cũng có, từ khách sạn, trung tâm văn hóa-thể thao, nhà hàng... nên rất tốt cho việc kinh doanh. Đà Nẵng cần sớm đầu tư hoàn thiện khu phố An Thượng để thu hút khách nước ngoài nhiều hơn”, ông Meeraj Chawua mong muốn.
Trong khi đó, ông Phil Mcavity (quốc tịch Canada) mới đến Đà Nẵng lần đầu nhưng đã bộc bạch: “Tôi thực sự bị nơi này cuốn hút. Thời tiết thì dễ chịu, biển tuyệt vời, không hổ danh là một trong những bãi biển quyến rũ nhất hành tinh; các dịch vụ, món ăn cũng rất hoàn hảo. Nói chung tất cả đều tuyệt vời”. Còn chị Jung Soo Young, du khách đến từ thành phố Busan (Hàn Quốc) chia sẻ: “Trước khi đến Đà Nẵng, chúng tôi đã tìm hiểu rất nhiều thông tin về thành phố này. Ngay khi đặt chân xuống sân bay, tôi cảm giác Đà Nẵng thật thân thuộc, gần gũi như nhà mình. Hiện nay, có rất nhiều đường bay thẳng từ các thành phố của Hàn Quốc đến Đà Nẵng nên tôi tin rằng, sắp tới số lượng người Hàn Quốc đến thành phố các bạn sẽ đông hơn”.
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện Đà Nẵng có khoảng hơn 5.000 người nước ngoài sinh sống và làm việc. Trong đó, người Hàn Quốc chiếm tỷ lệ lớn nhất với khoảng 3.000 người. Chính cộng đồng người Hàn đã góp phần tạo nên sự đa dạng về cuộc sống năng động, hiện đại cho thành phố biển. |
TRỌNG HÙNG