Châu bản triều Nguyễn và bộ ốc biển miền Trung

.

Nhà Trưng bày Hoàng Sa hiện lưu giữ và trưng bày nhiều Châu bản triều Nguyễn và khoảng 1.000 bộ ốc biển miền Trung. Cùng với giá trị lịch sử to lớn của Châu bản triều Nguyễn, bộ ốc biển góp phần làm phong phú, sinh động hơn nội dung tư liệu, hiện vật tại nhà trưng bày, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Không gian trưng bày Châu bản triều Nguyễn tại Nhà Trưng bày Hoàng Sa. Ảnh: TRỌNG HUY
Không gian trưng bày Châu bản triều Nguyễn tại Nhà Trưng bày Hoàng Sa. Ảnh: TRỌNG HUY

Chứng cứ lịch sử, pháp lý về chủ quyền

Trong bài viết “Châu bản triều Nguyễn, những chứng cứ lịch sử - pháp lý về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa - Trường Sa” của cố GS Sử học Phan Huy Lê trong cuốn sách “Chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - Sức mạnh từ tài liệu lưu trữ” có đoạn: Châu bản là loại văn thư mang tính quốc gia có dấu “Ngự phê”, “Ngự lãm” màu đỏ của Hoàng đế nhà Nguyễn. Bản thân Châu bản là những văn bản mang tính pháp lý cao nhất của quốc gia theo chế độ quân chủ tập quyền. Châu bản triều Nguyễn mang nội dung về các hoạt động quản lý và thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là những chứng cứ mang giá trị kép, vừa lịch sử, vừa pháp lý, những chứng cứ có sức thuyết phục cao và không thể tranh cãi.

Theo TS Lê Tiến Công, Phó Giám đốc phụ trách Nhà Trưng bày Hoàng Sa (thành phố Đà Nẵng), nội dung các Châu bản của triều Nguyễn (1802-1945) phản ánh quá trình thực thi chủ quyền của triều đình nhà Nguyễn trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Triều đình liên tục cử người ra hai quần đảo này khảo sát, cắm mốc, đo vẽ bản đồ; thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ đối với các tàu thuyền của Việt Nam và nước ngoài khi gặp nạn trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa; ban hành và thực hiện các chính sách ưu đãi đối với người được triều đình cử đi công vụ ở Hoàng Sa và Trường Sa; đồng thời có những chính sách thưởng phạt nghiêm minh đối với người lập công lớn hoặc người không hoàn thành nhiệm vụ.

Châu bản là tư liệu gốc chứa đựng nhiều thông tin quý giá khẳng định nhà nước phong kiến Việt Nam đã thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách thực sự, liên tục, hòa bình, bằng các hoạt động do nhà nước tổ chức với sự chỉ đạo trực tiếp của Nhà vua. Là tư liệu quan trọng và có giá trị lớn, năm 2017, Châu bản triều Nguyễn được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới.

Bà Huỳnh Thị Kim Lập, Tổ trưởng Bộ phận nghiệp vụ Nhà Trưng bày Hoàng Sa cho biết, trong số các Châu bản hiện trưng bày tại đây, có thể kể đến như Châu bản ngày 12 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 17 (1836), là bản phúc trình của bộ Công, phản ánh việc bộ tiếp nhận công văn từ Nội các, vâng mệnh vua sai cai đội thủy quân đem binh thuyền ra Hoàng Sa khảo sát và cắm cột mốc bằng gỗ để đánh dấu. Bộ Công sai tỉnh Quảng Ngãi chuẩn bị số gỗ theo quy định và người được cử ra làm nhiệm vụ là Chánh Đội trưởng thủy quân Phạm Hữu Nhật, ông đưa binh thuyền từ Huế đi vào Quảng Ngãi nhận số cọc rồi đem ra Hoàng Sa cắm mốc.

Hay Châu bản 15 ngày 21 tháng 6 năm Minh Mạng thứ 19 (1838), là bản tấu của bộ Công, trình tấu việc tiếp nhận viên chức đi công cán ở Hoàng Sa trở về. Những người này báo tin khảo sát được 25 hòn đảo thuộc 3 trong 4 vùng xứ Hoàng Sa. Việc khảo sát vùng thứ 4 không thực hiện được do nơi này ở khá xa về phía nam, lại gặp lúc gió nam thổi mạnh nên chưa thể đến được, xin chờ năm sau sẽ cử thuyền đến khảo sát. Đoàn khảo sát trở về dâng lên bộ Công bốn tờ bản đồ, gồm một bản vẽ tổng quát toàn vùng và ba bản vẽ riêng từng vùng, cùng một bản nhật ký chưa được tu sửa hoàn chỉnh. Bộ Công cũng tấu trình những người đi Hoàng Sa lần này đã thu được một khẩu đại bác bọc đồng, nhiều san hô đỏ, các loài chim và rùa biển. Tất cả được mang về kinh đô Huế…

Thông tin từ Nhà Trưng bày Hoàng Sa cho biết, hiện Trung tâm Lưu trữ quốc gia I đang lưu giữ, quản lý rất nhiều văn bản có dấu tích bút phê (Châu bản) của triều Nguyễn có giá trị lịch sử, góp phần làm sáng tỏ vai trò, vị thế của vùng biển Đà Nẵng trong lịch sử. Trong đó, có thể kể đến một số Châu bản như: Bản tấu ngày 27 tháng 6 năm Minh Mạng thứ 11 (1830) của Thủ ngự cửa biển Đà Nẵng Nguyễn Văn Ngữ về việc phái thuyền tuần tiễu ra khơi cứu hộ thương thuyền Pháp gặp nạn ở phía tây Hoàng Sa; Bản phụng dụ và Bản tấu ngày 13 tháng 7 năm Minh Mạng thứ 16 (1835) của Nội các về việc thưởng phạt theo công tội đối với các phái viên được phái ra Hoàng Sa vẽ bản đồ; Bản tấu ngày 13 tháng 7 năm Minh Mạng thứ 18 (1837) của bộ Công về việc xử phạt các phái viên đi công vụ đo vẽ bản đồ ở Hoàng Sa không hoàn thành
nhiệm vụ…

Một số vỏ ốc được trưng bày tại Nhà Trưng bày Hoàng Sa.  Ảnh: TRỌNG HUY
Một số vỏ ốc được trưng bày tại Nhà Trưng bày Hoàng Sa. Ảnh: TRỌNG HUY

Những con ốc biển lên kệ trưng bày

Tháng 12-2020, Nhà Trưng bày Hoàng Sa sưu tầm bộ sưu tập vỏ ốc biển miền Trung của nhà sưu tập Phan Thanh Toại (huấn luyện viên trưởng bơi, Trưởng bộ môn bơi lặn Đà Nẵng). Bộ sưu tập hơn 1.000 vỏ ốc đủ các chủng loại với các vỏ ốc độc đáo, đa dạng về kích thước, hình dáng; từ hình chóp nhọn (vỏ ốc đụn cái), hình mặt trời (vỏ ốc mặt trời) cho đến hình bàn tay (vỏ ốc bàn tay tím),... Các vỏ ốc có kích thước nhỏ như móng tay đến loại kích thước lớn như vỏ ốc kim khối (còn gọi là vỏ ốc tai phật). Bên cạnh chủng loại, bộ ốc cũng đa dạng về màu sắc, từ vàng, nâu, đen, hoa, sọc, lốm đốm và có nhiều vỏ ốc óng ánh với các hoa văn hình sóng nước, mặt võng, ngọn núi, bản đồ hoặc chỉ trơn bóng,...

Được biết, ông Toại sưu tầm các vỏ ốc khắp các vùng biển miền Trung, từ Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi đến Khánh Hòa,... Nhiều loài sinh sống tại vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa như vỏ ốc Hoa, ốc Hương, ốc Tai tượng, ốc Kim khối, ốc Xà cừ, Sò gai,... do ngư dân lặn lấy lên và được ông Toại trực tiếp đến thu mua, lựa chọn.

Ốc Tai phật được trưng bày tại Nhà Trưng bày Hoàng Sa. Ảnh: TRỌNG HUY
Ốc Tai phật được trưng bày tại Nhà Trưng bày Hoàng Sa. Ảnh: TRỌNG HUY

Các vỏ ốc bảo đảm tiêu chí: đẹp, độc lạ, quý hiếm, còn nguyên vẹn, chưa có sự can thiệp chạm khắc của bàn tay con người và đảm bảo tính mỹ thuật.

Đặc biệt, một số loài ốc thuộc loại quý hiếm như vỏ ốc Tôm giấy trắng, Mực anh Vũ được xem là “hóa thạch sống” có niên đại cao. Vỏ ốc Tôm giấy trắng (vỏ ốc Mực giấy) tên khoa học là Aegonau argo linnaeus phân bố ở Khánh Hòa, vỏ ốc có màu trắng, cong mềm mại, vỏ mỏng và nhẹ như giấy, có khe rãnh ở 2 bên và các đường gân nổi đối xứng hai bên, mặt lưng có đường gờ nổi.

Bộ sưu tập vỏ ốc biển vừa góp phần làm phong phú, sinh động, tạo điểm nhấn trưng bày song song với việc trưng bày tư liệu, hiện vật tại Nhà Trưng bày Hoàng Sa, vừa minh chứng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

    

        Tiến sĩ kể chuyện Hoàng Sa
        TS Lê Tiến Công sinh năm 1978. Trước khi về công tác tại Nhà Trưng bày Hoàng Sa, ông là giảng viên Đại học Phan Châu Trinh (Tỉnh Quảng Nam). Năm 2015, luận án tiến sĩ “Tổ chức phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn giai đoạn 1802-1885” của ông được đánh giá cao, sau đó lần lượt đoạt giải Nhất giải thưởng sử học Phạm Thân Duật dành cho những luận án tiến sĩ xuất sắc nhất; giải Nhất giải thưởng Quỹ nghiên cứu Biển Đông; năm 2017 được trao giải thưởng Cố đô. “Tôi quan tâm nghiên cứu biển đảo từ năm 2002, như một cơ duyên. Hồi đó, đọc tài liệu triều Nguyễn, nhất là Đại Nam thực lục, mục lục Châu bản triều Nguyễn, tôi đặc biệt chú ý đến an ninh trên biển, cái nhìn hướng biển của triều Nguyễn, vua nhà Nguyễn”, TS Lê Tiến Công chia sẻ.
        Sau thành công của luận án tiến sĩ, ông cảm thấy tự hào, nhưng cũng đầy trăn trở sau một hành trình dài nghiên cứu và... trống trải. Tháng 8-2017, Nhà Trưng bày Hoàng Sa được thành lập, ông Công được giới thiệu và sau đó được Giám đốc Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa tiếp nhận về công tác tại đây. “Tôi thấy đây là công việc phù hợp với mình, mà lúc nhận việc tôi chưa nhận thấy. Sau đó càng làm việc, nghiên cứu thì càng nung nấu tâm huyết. Làm công việc trực tiếp liên quan đến chủ quyền biển, đảo thực sự là điều tôi rất đỗi tự hào và khao khát được cống hiến”, ông Công tâm sự.

TRỌNG HUY

;
;
.
.
.
.
.