Năm 1976, khi đến các xã vùng cát Điện Bàn, tôi đã chứng kiến mấy thanh tà-vẹt đã rỉ mục được dùng ngăn cát trên các ruộng lúa gieo. Năm 1988, gặp Nhà văn - Giáo sư Huỳnh Lý tại Sài Gòn, ông có kể về con đường này và đọc cho nghe bài vè tả chuyện Tây bắt lính từ Hội An chở ra cảng Tiên Sa bằng xe lửa để đưa ra trận hồi đệ nhất thế chiến, hết một giờ đồng hồ. Sau này đọc các tài liệu khác, tôi biết thêm có một đường xe lửa như vậy nối liền Đà Nẵng - Hội An đầu thế kỷ 20 và chí sĩ Thái Phiên đã từng làm việc trên công trình này…
“Tramway de l’Îlot de l’Observatoire” là tên đoạn đường xe lửa kiểu Decauville, chạy hơi nước cách nay 100 năm. Thời đó, theo các nhà nghiên cứu nước ngoài mà tôi đọc được, thì… “Khách đến Đà Nẵng phải xuống xe lửa bên cạnh ga chợ Hàn, và sau khi đi phà qua sông Hàn, tiếp tục lên xe lửa hơi nước để đi Hội An…” (theo Tom Doling).
Trước đó, khi Tourane trở thành nhượng địa của Pháp năm 1888, Hội An (Faifoo) vẫn còn là một thương cảng, nhưng việc bồi lấp ở Cửa Đại và cả dòng sông Cổ Cò trong thế kỷ 19 đã gây trở ngại cho việc trung chuyển hàng hóa xuất khẩu bằng ghe thuyền đến Tourane. Ý tưởng xây dựng tuyến xe lửa chạy hơi nước thay thế cho sông Cổ Cò từ Tourane đi Faifo được hình thành cuối thập niên 1890, do một thương gia buôn bán chè ở Hội An tên là Derobert đệ trình.
Tuy được ủng hộ của Phòng Thương mại ở Đà Nẵng, nhưng sau đó đã bị chính quyền bảo hộ từ chối bởi liên quan một dự án đường xe lửa chạy dọc phía bờ tây sông Cổ Cò, một nhánh thuộc đường sắt Bắc- Nam dự định xây dựng trong tương lai…
Đến năm 1901, ý tưởng về tuyến đường này lại quay lại bởi Ulysse Pila và các nhà buôn Pháp như J. B. Malon, thuộc Công ty Tourane Docks et Collieries (SDHT), người mới nhận thầu khai thác than ở Nông Sơn thay cho người Tàu. Dự án bắt đầu từ một nhà ga ở cảng Tiên Sa (Observatory Point). Trong năm đó, cảng này đã được đồng ý sẽ xây dựng một cầu tàu tiện nghi tại đây. Dựa vào thông tin này, SDHT quyết tâm thực hiện dự án với vốn đầu tư của họ…
Năm 1903, chính phủ thuộc địa cho phép SDHT triển khai dự án với chiều dài 35,5km được khai thác bằng các đầu máy Decauville cùng các thiết bị khác từ tuyến đường Phủ Lạng Thương ở miền Bắc thải ra… SDHT xây dựng được 9,5 km đầu tiên từ Tiên Sa đến Mỹ Khê vào ngày 5-11-1905, nhưng hành khách đi tàu chỉ là người địa phương ít ỏi và hành lý xách tay.
Than Antracite khai thác từ Nông Sơn lại khó tiêu thụ vì giá đắt trong khi thị trường đang ảnh hưởng từ chiến tranh Nga - Nhật (1904-1905). Vào đầu năm 1906, công ty này phải tuyên bố phá sản. Các nhà thầu xây dựng đường xe lửa Tourane - Faifo đang chán nản, nền đường và nhà cửa đang thi công trên tuyến bị các cơn bão tàn phá. Tài liệu về chí sĩ Thái Phiên cho biết, lúc này ông đang làm việc cho nhà thầu tại khu vực Ngũ Hành Sơn (Tư liệu mới về chí sĩ Thái Phiên của Nguyễn Trương Đàn).
Tháng 10-1906 tuyến đường được chuyển quyền quản lý cho Công ty đường sắt nhà nước (Chemins de fer de l’Indochine -CFI), tiếp tục xây dựng 26km còn lại. Một đường nhánh từ Mỹ Khê đến bến phà phía bờ đông sông Hàn cũng được mở ra, để đón và trả khách từ trung tâm Đà Nẵng hoặc ga chợ Hàn sang bằng phà…
Tuyến xe lửa mang tên “Tramway de l’Îlot de l’Observatoire” mở cửa phục vụ công cộng vào ngày 1-10-1907. Toàn tuyến có 10 nhà ga, bao gồm ga Đài quan sát Tiên Sa (km 0), Tien Sa (km 1), ga trang trại Guérin (km 5), Tourane Mỹ Khê (km 9.5) gồm 0,5km đường nhánh đến bến phà bờ đông sông Hàn, ga Ngũ Hành Sơn (km 17.5), Cẩm Sa (km 26), Cổ Lưu (km 28), Thanh Hà (km 31) và Faifo (km 35.5). Một nhà bảo dưỡng đầu máy đặt tại Tiên Sa. Hằng ngày có hai chuyến buổi sáng và một vào buổi chiều. (Xem bản đồ)
Các chuyến xe lửa hơi nước vào Hội An dọc theo đường Nguyễn Tất Thành và Lý Thường Kiệt ngày nay, và dừng ở nhà ga đầu mối tại góc ngã tư Lý Thường Kiệt - Nguyễn Trường Tộ, gần tòa sứ Pháp tại Hội An (tức Công ty Du lịch Hội An bây giờ) và cách cầu tàu trên bến Bạch Đằng ngày nay không xa, nơi mà một số tàu nhỏ neo đậu để giao nhận hàng hóa từ bến tàu lên nhà ga. Tuy nhiên, cũng như các tuyến xe lửa loại Decauville khắp Đông Dương thời đó, loại Tramway này hỏng hóc thường xuyên, đi về thường trễ chuyến đã gây bực bội không ít với khách…
Cũng thời gian này, giao thông đường bộ bắt đầu phát triển, nhu cầu đi lại bằng xe lửa giảm dần trong lúc cước phí lại tăng. Một trận bão lớn vào ngày 27-10-1915 đã gây hư hỏng nặng tuyến đường ở gần khu vực Ngũ Hành Sơn, tuyến đường đã phải chính thức đóng cửa ngày 31-12 năm đó, kết thúc 8 năm hoạt động… Các đầu máy chuyển đi nơi khác, còn các toa tàu và trang thiết bị khác được bán tháo ra thị trường. Phần lớn nền đường được chuyển sang làm đường bộ.
Nhà văn Huỳnh Lý kể rằng, khi Thế chiến thứ nhất xảy ra, Pháp đã bắt thanh niên đi lính trong hai đợt và chở bằng xe lửa từ Hội An ra Đà Nẵng, thời gian hết một tiếng đồng hồ. Tại Hội An có một bài hát mô tả chuyện này lúc đó, với nhiều lời hát uất hận. Không biết bây giờ còn có ai nhớ?
Vài thanh tà-vẹt mà tôi thấy còn lại trong ruộng lúa ở vùng cát Điện Bàn sau 1975, như đã kể, cũng là một bằng chứng về con đường này sau khi bị tháo dỡ năm 1915. Và, chí sĩ Thái Phiên với vai trò thư ký thương chánh, từng làm việc trong công trường xây dựng con đường này tại Ngũ Hành Sơn cho nhà thầu Le Roy vào các năm 1904-1905. Khi không làm ở đây nữa vì dự án chuyển cho nhà nước, ông đi nhận thầu làm đường ở Quảng Ngãi. Dù làm ở đâu, Thông Phiên đều chung một mục đích vì nước vì dân, gây quỹ cho phong trào Đông Du như ta đã biết.
Giá như con đường này còn được giữ lại hoặc có chủ trương phục hồi, sẽ có ý nghĩa vô cùng hấp dẫn cho các tour du lịch Đà Nẵng - Hội An ngày nay, thời hậu Covid-19.
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG