Những thành quả mà Đà Nẵng đạt được kết tinh từ mồ hôi nước mắt, từ công sức nỗ lực phấn đấu không ngừng của cán bộ và nhân dân thành phố. Trong thành công ấy, công trạng to lớn nhất thuộc về sự đồng thuận lòng dân.
Cầu Trần Thị Lý. Ảnh: KHẢ THỊNH |
Hành trình một phần tư thế kỷ
Thời gian trôi thật nhanh. Năm 1976, lần đầu tiên tôi đặt chân đến Đà Nẵng nhưng cảm nhận về thành phố này phải đợi đến năm 1982, khi cậu học trò Quảng Nam chính thức đến đây trọ học. Sau mấy năm học ở Huế, năm 1989, tôi về Đà Nẵng công tác mãi đến nay. Mỗi người có nơi sinh ra, có nơi lớn lên và trưởng thành. Như bao người có mối lương duyên cùng Đà Nẵng, tôi đã gắn bó nơi này với bao cảm xúc.
Vào thập niên tám mươi thế kỷ trước, phố xá Đà Nẵng được hình dung là trục đường nối từ ngã ba Huế theo Điện Biên Phủ, Lý Thái Tổ, Hùng Vương. Đầu năm 1997, Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương. Quyết định hợp thời hợp lúc mang đến cho Đà Nẵng và Quảng Nam luồng sinh khí mới. Sau thời khắc chia tay lịch sử tại trước sảnh Nhà hát Trưng Vương, Đà Nẵng xắn tay áo quyết liệt xây dựng cơ sở hạ tầng với việc hình thành hai trục chính đường Nguyễn Văn Linh và Hàm Nghi - Lê Đình Lý và công trình cầu quay Sông Hàn.
Cầu Sông Hàn được xây dựng nhận sứ mệnh rất quan trọng trong tiến trình đưa Đà Nẵng bước lên vị trí mới xứng tầm, làm cho Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn hồi sinh sức thanh xuân. Sau đó, Đà Nẵng tiếp tục những bước đi đột phá: đưa toàn bộ hộ dân nhà chồ lên bờ, xây dựng đường Hoàng Sa – Võ Nguyên Giáp – Trường Sa, Trần Hưng Đạo, Phạm Văn Đồng, nâng cấp đường Ngô Quyền, Lê Văn Hiến... tất cả đã làm cho diện mạo cũng như đời sống cư dân “quận Ba” ngày nào không còn thua kém “quận Nhất, quận Nhì”.
Ở “bên ni sông Hàn”, những đại lộ thênh thang hối hả bắt nhịp đời sống đô thị hiện đại: nâng cấp mở rộng đường Bạch Đằng, Điện Biên Phủ, xây dựng mới đường 2 Tháng 9, Cách mạng Tháng Tám, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Hữu Thọ, cầu Thuận Phước, cầu Tiên Sơn, các khu dân cư mới, mở đường 602 thức dậy Khu du lịch Bà Nà... Đường Nguyễn Văn Linh được nối dài vượt sông Hàn bằng cầu Rồng xuôi về biển. Cách đó không xa, có thêm cầu mới Trần Thị Lý, cầu Nguyễn Tri Phương, khơi thông sông Cổ Cò vào đến Hội An, thức dậy cả vùng đất Hòa Hải, Hòa Quý... Và còn bao nhiêu công trình khác nữa mọc lên trong phần tư thế kỷ qua ở thành phố này, khó mà kể hết.
Tưởng như nghịch lý khi để an dân, việc phải làm là… di dời giải tỏa gần 100.000 hộ dân, chiếm khoảng 1/3 tổng số hộ dân của thành phố. Giải tỏa di dời từ vùng trũng, xóm nước đen, khu nhà chồ, khu dân cư chật chội để đến nơi khang trang hơn; giải tỏa để nhường chỗ cho những công trình phúc lợi công cộng mọc lên, để xây dựng Đà Nẵng từ chỗ chỉ gần 400 con đường sau 25 năm có thêm hơn 1.000 con đường mới. Người dân Đà Nẵng hiểu rõ rằng sự xáo trộn như vậy là cần thiết, là tạm thời để có được sự an dân bền vững.
Cùng với việc mở mang phố xá, 25 năm qua Đà Nẵng đã xây dựng được những giá trị nhân văn mới. Đó là những chủ trương mà mỗi người dân đều thuộc nằm lòng: “Thành phố 5 không” (không có hộ đói, người mù chữ, người lang thang xin ăn, tệ nạn ma túy, giết người cướp của); “Thành phố 3 có” (có nhà ở, việc làm, nếp sống văn hóa- văn minh đô thị); “Thành phố 4 an” (An ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm và an sinh xã hội).
Và sau đó là hàng loạt chương trình khác: hỗ trợ ngư dân; lo viện phí cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo; lập quỹ vay vốn làm ăn cho đối tượng hình sự hết hạn cải tạo; cho phụ nữ nghèo bị nạn bạo hành gia đình... Những cách làm rất riêng và liên tục ấy trong nhiều năm qua chính là sự hiện thực hóa khát vọng xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố diễm lệ, thân thiện và an bình, là điểm đến hấp dẫn đối với du khách xa gần.
Lãnh đạo thành phố cắt băng khánh thành công trình Vườn tượng APEC mở rộng ngày 10-1-2021. Ảnh: TRIỆU TÙNG |
Thấm đẫm nghĩa tình
Trong hành trình xây dựng phát triển, nhiều câu chuyện cảm động về tình người Đà Nẵng luôn làm nức lòng người dân và khách thập phương. Đặc biệt, trong hai năm 2020-2021, cũng như nhiều địa phương trong cả nước, Đà Nẵng hứng chịu hậu quả nặng nề do Covid-19. Trước khó khăn chồng chất và diễn biến xấu chưa hề có tiền lệ, lãnh đạo thành phố đã có những quyết sách kịp thời, vững tin chèo lái con thuyền vượt cơn sóng cả.
Hai năm qua, công tác phòng, chống Covid-19 được xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Lãnh đạo thành phố quyết liệt triển khai các chỉ đạo của Trung ương, vận dụng linh hoạt và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với những biện pháp chống dịch mạnh nhất từ trước đến nay với mục tiêu “bảo vệ sức khỏe và an toàn tính mạng của người dân là trước hết, trên hết”. Thường trực Thành ủy duy trì họp giao ban Ban chỉ đạo phòng, chống dịch hằng ngày, chỉ đạo xử lý các vấn đề phát sinh, không để bị động, bất ngờ; linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả trong công tác phòng, chống đại dịch.
Trước những hậu quả nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và an sinh xã hội với hơn 2.500 doanh nghiệp ngừng hoạt động, 623 doanh nghiệp giải thể, ước tính có hơn 58.000 người bị mất việc làm, thất nghiệp, thành phố khẩn trương triển khai các chính sách hỗ trợ của Trung ương và thành phố cho các đối tượng bị ảnh hưởng với tổng kinh phí chi cho các hoạt động phòng, chống Covid-19 năm 2021 khoảng hơn 2.590 tỷ đồng.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự cống hiến của lực lượng tuyến đầu như y tế, quân đội, công an, tổ Covid-19 cộng đồng, các tình nguyên viên; sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp; các tổ chức, cá nhân tình nguyện đóng góp cho công tác phòng, chống dịch, thành phố từng bước chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19 gắn với phục hồi và tăng trưởng kinh tế - xã hội.
Trong thời khắc cam go như vậy, từng đoàn người từ phía Nam hồi hương đi qua địa phận Đà Nẵng mà phần nhiều trong số họ đã khánh kiệt về kinh tế, sức khỏe. Họ dừng chân ở đây để chuẩn bị tiếp tục hành trình vượt đèo hoặc xuyên hầm Hải Vân ra Bắc. Bất chấp những ngày chớm đông mưa gió rét mướt, người Đà Nẵng không quản ngại gian khổ, hiểm nguy do thời tiết khắc nghiệt và dịch bệnh hoành hành, đã thức trắng đêm để đưa đón, chăm sóc người hồi hương. Bên vệ đường, dưới những mái hiên, người dân chăm chút từng ổ mì, bát cháo, gói mì ăn liền, chai nước suối cho bà con.
Có cô gái mười tám đôi mươi dùng tiền tiết kiệm, tiền cha mẹ cho để mua xe máy mới thay xe rách nát; có những tốp sinh viên lặn lội đêm khuya mưa gió hì hục sửa xe cho bà con tiếp tục chặng đường dài; có những đội thanh niên mua sắm, chu cấp lương thực thực phẩm rồi dùng ô-tô đưa sản phụ, trẻ sơ sinh về quê an toàn.
Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, dù hết sức bận rộn công việc, vẫn dành thời gian quý báu đến với bà con, trực tiếp trao những phần quà nồng ấm tình nghĩa; đích thân tiễn bà con đoạn vượt hầm Hải Vân ra Bắc… Những câu chuyện, những hình ảnh chân thực, đầy ắp tình người từ Đà Nẵng làm xúc động bao người, góp phần xoa dịu nỗi đau do đại dịch, sẽ còn ở lại rất lâu trong tâm khảm mọi người…
Đi qua năm 2021, trong khó khăn muôn phần do đại dịch, chất chồng lo toan, tất bật công việc không có ngày nghỉ, tóc thêm sợi bạc, trán thêm nếp nhăn, chúng ta nhận ra điều ấy trong từng bước đi dáng đứng từ mỗi người dân đến các vị lãnh đạo thành phố. Tất cả đều tập trung mọi sự trăn trở, nghĩ suy để chèo lái, nỗ lực, quyết liệt hành động đưa con thuyền Đà Nẵng tiến về phía trước.
Không phải chỉ trong hai năm mà hơn hai thập kỷ qua, đã nhiều lúc Đà Nẵng từng căng mình chống chọi qua thời khắc khó khăn nhưng thành phố này chưa bao giờ nản lòng. Đại dịch, hay nỗi buồn lo nào rồi cũng đi qua, thành phố sẽ vững vàng vươn lên với sức bật mới. Đó không phải ngoa ngôn hay kỳ vọng hão huyền mà chính là thấu hiểu, vận dụng, ứng phó linh hoạt quy luật vận hành của cuộc sống và sự phát triển.
Cho hôm nay, cho mai sau
15 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 16-10-2003 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đà Nẵng đã có bước phát triển mạnh mẽ, là một trong những địa phương tiên phong về cải cách và năng động phát triển. Thành phố thu hút nhiều nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển nhờ thực hiện linh hoạt, hiệu quả các cơ chế, chính sách với nhiều cách làm mới, sáng tạo.
Tiếp đó, ngày 24-1-2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu đến năm 2030 Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ.
Đồng thời, phát triển Đà Nẵng thành một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển của đất nước; trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế; thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên. Mục tiêu đến năm 2045, Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á.
Với những thành công, những kinh nghiệm trong chặng dài hình thành và phát triển, đặc biệt là 25 năm trực thuộc Trung ương, với những định hướng rõ ràng từ Nghị quyết 43-NQ/TW và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XXII, chúng ta kỳ vọng sẽ xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống, người dân có mức sống thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước với chất lượng cuộc sống tốt, thân thiện, hạnh phúc.
Trên con trường phát triển, những thành quả mà Đà Nẵng đạt được kết tinh từ mồ hôi nước mắt, từ công sức nỗ lực phấn đấu không ngừng, từ sự hy sinh, chấp nhận phần thiệt thòi vì cái chung của cán bộ và nhân dân thành phố. Trong thành công ấy, công trạng to lớn nhất thuộc về sự đồng thuận lòng dân. Người Đà Nẵng hoàn toàn có thể tự hào về điều ấy.
Đà Nẵng từng có nhiều thành tựu lớn lao, những niềm hân hoan, cũng từng đối mặt với tồn tại, khiếm khuyết với những nuối tiếc. Điều ấy sẽ là hành trang quý giá để thành phố này bước tiếp chặng đường mới. Đi qua thời gian với những nếm trải đã hun đúc cho chúng ta niềm tin: người Đà Nẵng luôn ôm ấp trong tim mình tình yêu với nơi đang sống, đang công tác, muốn được thể hiện tình yêu ấy bằng một thái độ, một hành động. Có người từng ví mình là viên gạch, hay khiêm nhường hơn chỉ là hạt cát, nhưng điều quan trọng ở chỗ: dù ở bất cứ cương vị nào, mỗi người luôn ấp ủ, nuôi dưỡng khát vọng được góp phần dựng xây thành phố này, cuộc sống này ngày càng khang trang, tươi đẹp hơn cho hôm nay, cho mai sau.
NGUYỄN ĐỨC NAM