Năm 2020, dịch bệnh, thiên tai ảnh hưởng rõ nét kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nhưng bằng tâm thái lạc quan, tiếp nhận mọi biến cố dưới góc nhìn “trong nguy có cơ”, hầu hết người dân thành phố, trong đó có cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp đã linh hoạt để thích ứng cũng như đúc rút ra nhiều bài học quý cho chặng đường phát triển tiếp theo. Đà Nẵng Xuân Tân Sửu 2021 ghi nhận một số chia sẻ từ các doanh nhân, đại diện các hội, hiệp hội doanh nghiệp về một năm 2020 thật đặc biệt và cùng nhìn về năm 2021 với niềm tin tưởng lớn lao.
Ảnh: DOÃN TRIỀU |
Ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) Đà Nẵng:
Hoạch định chiến lược có tính đến các thay đổi của bối cảnh, xu thế
Việt Nam là một trong số quốc gia hiếm hoi có tăng trưởng kinh tế dương, đồng thời là điểm sáng thành công trong công tác phòng, chống Covid-19 trong năm 2020 với chi phí thấp. Chính trong tâm bão dịch bệnh, cộng đồng doanh nghiệp nước ta nói chung, tại thành phố Đà Nẵng nói riêng đã phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng cùng toàn Đảng, toàn dân nỗ lực thực hiện mục tiêu “kép” là vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế. Đồng thời, cũng cho thấy được sức chịu đựng, khả năng xoay xở, thích ứng của doanh nghiệp trong những thời điểm khó khăn. Cùng với số lượng doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động, lũy kế 11 tháng đầu năm 2020 cho thấy khả năng tái khởi động mạnh mẽ của nền kinh tế thành phố khi đã cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập mới cho 3.743 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện; có 1.108 doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện quay trở lại hoạt động.
Không ít doanh nghiệp nhờ linh hoạt, mạnh dạn tái cấu trúc, đầu tư công nghệ, hợp lý hóa sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh ứng dụng mô hình kinh doanh mới, nền tảng công nghệ mới... đã thích ứng tốt; không chỉ duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh mà còn có tăng trưởng, năng lực cạnh tranh tăng lên. Những thành quả đạt được trong công tác thực hiện nhiệm vụ “kép” của nước ta nói chung, Đà Nẵng nói riêng đã tiếp tục củng cố niềm tin đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp về một địa phương an toàn, tiềm tàng nhiều cơ hội trong kinh doanh. Những đóng góp và nỗ lực đó đã góp phần không nhỏ tạo nên thành quả để nền kinh tế không suy giảm sâu hơn, tạo tiền đề quan trọng cho sự hồi phục trong thời gian đến.
Để nâng cao khả năng ứng phó, thích ứng với nền kinh tế toàn cầu luôn song hành giữa thời cơ với thách thức cùng các sự cố không mong muốn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, tôi cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp cần hoạch định chiến lược kinh doanh có tính đến các thay đổi của bối cảnh, xu thế ở trong và ngoài nước. Trong đó, chú trọng đầu tư nhiều hơn cho công nghệ, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, nghiên cứu vận dụng các mô hình kinh doanh thân thiện môi trường như: kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế cacbon thấp... để nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng xu thế thời đại; chuyển từ tư duy tồn tại trên thị trường, sang tư duy phát triển với tiêu chí đánh giá sự thành công của doanh nghiệp không phải tính bằng số năm, thời gian tồn tại mà ở tốc độ phát triển, năng lực cạnh tranh, năng lực cốt lõi. Bên cạnh đó, môi trường và trách nhiệm xã hội cần được xem là giấy thông hành của doanh nghiệp; tăng cường liên kết, hợp tác để tạo ra chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng hiệu quả và bền vững hơn; nghiên cứu sâu và có chiến lược, chương trình để tái cơ cấu đầu vào, sản phẩm để tận dụng các cơ hội FTA thế hệ mới mang lại; đầu tư nghiên cứu vận dụng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho doanh nghiệp.
Về phía các cơ quan, ngành chức năng, cộng đồng doanh nghiệp cần tham gia tích cực cùng với Đảng và Nhà nước hiến kế xây dựng, hoàn thiện thể chế nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển lành mạnh, bền vững. Đôi bên phải cùng nhau trả lời được câu hỏi: “Vì sao doanh nghiệp mãi không chịu lớn? Vì sao Đà Nẵng có ít các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân lớn, ở tầm quốc gia?”.
Có thể nói, Covid-19 chính là thách thức đối với công tác điều hành của hệ thống chính trị, là “phép thử” có độ khó cao nhất mà nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp nước ta phải đối mặt và dự báo cần tiếp tục vượt qua. Đi qua dịch bệnh, với thế mạnh về khả năng xoay xở linh hoạt, vượt khó, khả năng thích ứng, chịu đựng trước những tác động tiêu cực, cộng đồng doanh nghiệp Đà Nẵng cũng như toàn thành phố sẽ nắm bắt tốt cơ hội để phát triển mạnh mẽ, vươn ra biển lớn và đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển và thịnh vượng của quốc gia trong thời gian đến.
Ông Hà Đức Hùng, Tổng Giám đốc Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng:
Thử thách cần vượt qua để hoàn thiện khả năng chống chịu, phục hồi
Đối với mỗi doanh nhân và doanh nghiệp, những nốt thăng, trầm là điều không thể thiếu trên hành trình xây dựng và phát triển. Tôi xem sự cố Covid-19 hay thiên tai bão, lũ là thử thách để mình vượt qua nhằm hoàn thiện hơn khả năng chống chịu, năng lực phục hồi của doanh nghiệp. Với một người doanh nhân đúng nghĩa, phải biết đối mặt với những khó khăn, chỉ cần hiểu đâu là điểm mạnh, là giá trị cốt lõi của doanh nghiệp thì sẽ tìm được lời giải để gỡ nút thắt cho đơn vị mình. 2020 là một năm khó khăn bao trùm với nhiều hội viên của Hội Doanh nhân trẻ thành phố Đà Nẵng, song càng trong khó khăn, các thành viên của Hiệp hội càng gắn kết và chung tay chia sẻ với cộng đồng nhiều hơn.
Chúng tôi nhất quán quan điểm, không phải kinh tế đi xuống thì sự cho đi cũng giảm đi mà hơn lúc nào hết, chính những thời điểm khó khăn càng phải đoàn kết, nâng cao tinh thần sẻ chia. Chúng tôi tìm cách đưa ra chương trình hoạt động với phương châm bảo đảm chất lượng nhưng chi phí tiết kiệm. Có thể nói, năm 2020 là khoảng thời gian để anh em chúng tôi tĩnh lặng quan sát và ấp ủ những dự định phát triển trong thời gian tới. Năm 2021, thế giới và Việt Nam dự kiến có vắc-xin phòng Covid-19. Đây là tin vui để cộng đồng doanh nhân mạnh dạn và tin tưởng lên kế hoạch làm ăn, kinh doanh. Chính quyền địa phương và Chính phủ cũng đã có những cách tiếp cận xử lý dịch bệnh ngày càng linh hoạt, hiệu quả, ít thiệt hại kinh tế nên tình hình kinh tế sẽ khả quan hơn.
Ông Hiroyuki Ishi, Tổng Giám đốc Công ty Midori Safety Footwear Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại thành phố Đà Nẵng:
Bảo vệ con người là yếu tố then chốt
Chúng tôi khá ấn tượng với việc Chính phủ Việt Nam nói chung, thành phố Đà Nẵng nói riêng đã rất quyết liệt trong việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Quả thực, thời điểm mới triển khai, chúng tôi cho rằng các bạn làm hơi quá, tuy nhiên, chỉ qua một thời gian ngắn, khi tình hình dịch bệnh trên thế giới có nhiều diễn biến khó lường và ngày càng phức tạp đã chứng minh những gì các bạn thực hiện là đúng. Kết quả là nền kinh tế của Việt Nam tăng trưởng dương trong năm 2020 và thành phố Đà Nẵng cũng khởi sắc hơn dù từng là “tâm dịch” của cả nước. Sự cố Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến nhiều doanh nghiệp là hội viên của Hiệp hội, vì không ít hội viên đóng vai trò mắc xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu nên có thời điểm đơn hàng có giảm sút hoặc việc xuất khẩu hàng hóa bị đình trệ. Tuy nhiên, phần lớn hội viên đều là những doanh nghiệp có kinh nghiệm trên thương trường với tiềm lực tài chính vững vàng, nền tảng kinh doanh ổn định và luôn có sẵn các phương án ứng phó với mọi tình huống có thể phát sinh dẫn tới khủng hoảng nên ngay khi tình hình dịch bệnh có chuyển biến tốt hơn thì chúng tôi nhanh chóng từng bước phục hồi.
Qua đại dịch lần này, chúng tôi rút ra được bài học lớn nhất đó là vấn đề ứng xử với con người. Trong mọi tình huống, luôn phải đặt sự an toàn về tính mạng, sức khỏe của con người lên trên hết vì họ chính là mạch máu để duy trì hoạt động của doanh nghiệp cũng như sự vận động của toàn xã hội. Thông qua việc ứng xử với người lao động cũng cho thấy được tầm nhìn, văn hóa và sức mạnh căn cơ, nền tảng nội tại của doanh nghiệp đó. Ở tầm xa hơn, tôi rất cảm kích khi Chính phủ của các bạn đã quyết định đặt sức khỏe của nhân dân lên trên lợi ích kinh tế trong “cuộc chiến” này. Bước sang năm 2021, chúng tôi kỳ vọng thành phố Đà Nẵng tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh, khôi phục lại nền kinh tế. Đồng thời tiếp tục hỗ trợ chúng tôi trong việc đưa đội ngũ chuyên gia quay trở lại hoạt động sau thời gian dài bị gián đoạn do Covid-19.
Ông Nguyễn Tuấn Phương, Giám đốc Công ty CP FPT Software Đà Nẵng:
Mạnh dạn thay đổi
Năm 2020, do ảnh hưởng của Covid-19, hoạt động kinh doanh của FPT Software gặp nhiều trở ngại khi khách hàng không thể đến Đà Nẵng thăm quan và làm việc; ở chiều ngược lại, nhân viên của FPT Software Đà Nẵng cũng không thể xuất ngoại để đến văn phòng khách hàng trên thế giới như Nhật, Mỹ... Ngoài ra, nhiều khách hàng do ảnh hưởng nặng nề của Covid đã thu hẹp sản xuất, hạn chế chi tiêu dẫn đến một số mảng việc/dự án phải hủy bỏ.
Tuy vậy, Covid-19 đã gây sức ép buộc nhiều khách hàng và cả FPT Software Đà Nẵng phải thay đổi mạnh mẽ. Nhiều khách hàng quy hoạch lại danh sách nhà cung ứng để bảo đảm chi phí tối ưu, nhờ đó giúp chúng tôi tiếp cận được với một số cơ hội kinh doanh mới. Chúng tôi đã vượt qua dịch bệnh với việc tuân thủ một số nguyên tắc như: bảo đảm sức khỏe cán bộ nhân viên và cộng đồng là ưu tiên hàng đầu. Thứ hai, phải thay đổi hình thức kinh doanh và sản xuất theo tình hình mới với việc triển khai mô hình làm việc từ nhà, tiếp cận khách hàng qua các phương tiện kỹ thuật thay vì gặp mặt trực tiếp, đưa ra các sản phẩm/dịch vụ mới phù hợp cho tình thế hiện tại. Nhờ vậy, kết thúc năm 2020, FPT Software Đà Nẵng vẫn có được kết quả kinh doanh khá tốt, dự kiến đạt doanh thu 1.600 tỷ đồng (tăng 30% so với 2019). Chúng tôi đặt mục tiêu tiếp tục tăng trưởng 30% trong năm 2021.
Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitours):
Đón đầu xu hướng du lịch trong năm 2021
Cho đến cuối năm 2020, tình hình kinh doanh của Vitours nói riêng và ngành du lịch nói chung vẫn gặp nhiều khó khăn do những ảnh hưởng từ thiên tai và dịch bệnh. Tuy nhiên, chúng tôi xem thời gian tạm ngừng hoạt động là khoảng lặng cần thiết để tái cấu trúc lại các sản phẩm, dịch vụ nhằm đón đầu xu hướng trong năm mới, đồng thời, nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu của du khách. Đồng thời, không ngừng phân tích, đánh giá và đưa ra các dự báo về xu hướng du lịch trong và ngoài nước hậu Covid-19. Từ đó, sẵn sàng một số phương án, kịch bản để thích ứng trong mọi tình huống.
Trên cơ sở quan sát tình hình diễn biến của Covid-19, chúng tôi cho rằng du lịch quốc tế sẽ bắt đầu khởi động từ cuối năm 2021 và bắt đầu phục hồi mạnh mẽ hơn từ năm 2022. Nhưng cũng chỉ ở các quốc gia gần với Việt Nam như ASEAN, Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) và Úc, Ấn Độ. Trong khi đó, với du lịch nội địa, có thể sẽ khởi sắc vào khoảng tháng 5-2021 đến cuối năm nếu tình hình dịch bệnh trong nước vẫn được kiểm soát tốt như hiện nay. Các xu hướng du lịch hậu Covid-19 có sự phân hóa rõ nét. Đó là, khách đặt dịch vụ từng phần (dịch vụ cơ bản) chứ không mua tour trọn gói do kinh tế khó khăn; đặt dịch vụ, tour trực tiếp nhờ vào nền tảng trực tuyến. Du khách có xu hướng du lịch về phía nam do thời tiết nắng ấm; du lịch sức khỏe được ưa chuộng, nhất là loại hình du lịch yoga, thiền và chữa bệnh, hướng về yếu tố thiên nhiên và cộng đồng; du lịch nội vùng và đi đường bộ sẽ là chủ đạo.
Ông Mai Minh Vương, Giám đốc Công ty CP Nhất Phong Vận (quận Cẩm Lệ):
Tiếp tục phát triển lĩnh vực logistics
Theo tôi, Covid-19 tạo ra tác động hai mặt tốt - xấu đối với các doanh nghiệp logistics. Về mặt tiêu cực, sức mua toàn cầu giảm khiến hoạt động vận tải, logistics cũng giảm theo. Trong khi đó, ở khía cạnh tích cực thì đây chính là năm ghi nhận sự chung tay, vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương trong việc nhanh chóng hoàn thiện, ban hành nhiều chính sách mới, quan tâm hơn đến cộng đồng doanh nghiệp như chính sách về thuế, tài chính... Thực tế, trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp nhất, nhiều doanh nghiệp logistics vẫn tìm thấy cơ hội phát triển trong hai lĩnh vực: phục vụ vận chuyển các vật tư, thiết bị y tế (trong nước cũng như xuất khẩu) và thương mại điện tử. Nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng và linh hoạt chuyển đổi hình thức sản xuất, kinh doanh để giảm thiểu thiệt hại, thậm chí có tăng trưởng. Như vậy, “trong nguy luôn có cơ” và không ít doanh nhân đã nhìn ra được điều này để xem đây là bài học nhằm ứng phó trước những cơn khủng hoảng mang tính toàn cầu như Covid-19. Đồng thời, việc phát triển ngành logistics là xu thế tất yếu, sẽ mang lại nhiều lợi thế cho phát triển kinh tế thành phố trong tương lai.
Các cơ quan quản lý Nhà nước cần có cơ chế, tạo điều kiện thông thoáng hơn nữa cho thủ tục xuất nhập khẩu phù hợp với điều kiện thực tế cho từng thời kỳ ngắn hạn và dài hạn, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa. Đồng thời rà soát các loại thuế, phí, có các giải pháp hỗ trợ giảm chi phí vận tải như giảm giá BOT, phí cầu đường, bến bãi, phí lưu giữ phương tiện… Đối với thành phố Đà Nẵng, cần thu hút đầu tư đúng hướng vào phát triển logistics, khi đó cộng đồng doanh nghiệp địa phương sẽ được hưởng lợi rất nhiều.
KHÁNH HÒA – KHANG NINH – MAI QUẾ thực hiện