Cúi đầu lạy núi

.

Một ngày cuối tuần bên góc quán quen cùng những tin tức về bão lũ gây sạt lở ở miền Trung, chợt thấy tấm ảnh một cô gái cúi đầu lạy về phía núi. Nơi đó, đất đá đang chôn vùi rất nhiều người thân trong gia đình cô. Từ núi, con người ta sống được; cũng từ núi, con người ta mất đi. Một anh phóng viên kỳ cựu từng đi theo bao nhiêu cơn lũ, từng xông pha qua bao cơn bão, lặng người quay đi rồi khóc òa khi chứng kiến những cảnh tượng tang thương nơi này.

Giọt nước mắt của tình đồng bào. Trong một bản tin tối trên Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), một nam phát thanh viên vốn dày dạn các buổi dẫn tin trực tiếp, bỗng nghẹn ngào khi phát đi những thông tin được truyền về từ miền Trung. Giọng anh ngắt quãng, chẳng thể dẫn bản tin tiếp tục, phải lắng lại định hình gần cả phút, anh mới bắt đầu đọc tin. Đó cũng là giọt nước mắt của tình đồng bào.

Trải khắp Việt Nam thời điểm đó, người ta chẳng nói là mùa thu hay mùa đông, mùa nắng hay mùa mưa. Người ta chỉ gọi đơn giản là mùa thương. Bánh tét, bánh chưng rộn ràng như xuân đang về, nhưng đó là mùa xuân hong ấm tình người dành cho khúc ruột của dải đất hình chữ S. Đó là những chuyến xe tải nối đuôi nhau hướng về miền Trung, những chuyến xe đầy ắp hàng hóa ấy cùng xuôi về một phía: phía của yêu thương.

Rồi bất chợt cậu bé phục vụ mắt đỏ hoe, Nam Trà My, Quảng Nam nhiều ngày bị cô lập. Quê em đó, gia đình em đó, bản làng em đó, em thì ở đây, chưa về được. Mấy đêm rồi em không ngủ. Chắc mai em về, dù mưa vẫn còn, dù lũ chưa rút hết, sạt lở vẫn còn ì oàm vang rền núi rừng. Và dù em không có gì để đưa về.

Chúng tôi nhìn dáng đi lững thững của em và quay sang nhìn nhau. Mình làm gì đi chứ?
Bão tan, lũ rút, chúng tôi lên đường, chọn hướng tiếp cận từ Kon Tum, theo như anh tài xế dẫn đường sẽ dễ dàng tiếp cận Nam Trà My nhất. Đoạn đường đến với Nam Trà My khó khăn vô cùng. 12 giờ trưa, sương mù dày đặc trên đỉnh núi. Phần lớn con đường núi đều bị sạt lở. Bùn và đất đá còn ngổn ngang. Hơn 3 lần các xe ủi và móc đất bùn phải vạt đường để cho xe của nhóm chạy qua.

Gần 14 giờ, chúng tôi tiếp cận được Long Túc, xã Trà Nam, huyện Nam Trà My. Quà, tiền và tập sách được trao gọn gàng. Nhưng 16 giờ chúng tôi mới bắt đầu xuống núi ngay lúc mưa nhẹ rơi. Đường rừng tối nhanh. Có những đoạn xe phải đứng lại trong thấp thỏm. Các vụ sạt lở nhỏ vẫn diễn ra. Có đoạn cảm nhận bánh xe chênh vênh theo bùn và dòng nước chảy ngang. Rất nhiều khúc cua khuỷu tay, trời tối như mực, chỉ nhìn thấy nửa phần đường khi ôm cua.

Nơi chúng tôi đến, một trong những bản làng sâu chót vót trên núi. Nơi chúng tôi vừa qua, tang thương vẫn chực chờ đổ ập xuống. Thế mà người dân vẫn gắng băng mưa chạy tới khi nghe tin xe bị một bãi bùn đất lớn cản đường xuống núi. Họ dùng mọi thứ có được để cào bùn, họ đẩy xe trong màn mưa bất chợt đổ xuống ngày mạnh hơn. Họ quay về phía núi lạy. Chúng tôi quay về phía núi lạy. Lạy núi cho những bình an về ngang qua Nam Trà My.

Điều tiếc nuối là chúng tôi không thể vào Trường Mẫu giáo Hướng Dương, xã Tà Dơn vì mưa và đường sâu rất nguy hiểm. Hơn 21 giờ, chúng tôi thấy bảng chào thành phố Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam). Trên xe, nước mắt vẫn rơi.

Điện thoại có sóng và mạng, bao nhiêu tin nhắn của bạn bè và các đoàn khác cũng bế tắc từ phía Bắc Trà My. Tin mưa lũ, cảnh báo sạt lở liên tục gửi cho nhau. Hầu như các nhóm đều khuyên nhau tạm rút khỏi Nam - Bắc Trà My, chờ tin từ chính quyền địa phương...

Chúng tôi đành hẹn miền Trung sẽ mang cái Tết ấm áp đến với đồng bào mình. Và tin chắc rằng, ai đã từng đi qua thời điểm này sẽ luôn có ký ức đáng nhớ về thời khắc mà trên mọi nỗi đời, nỗi lòng, yêu thương gắn chặt tất cả những xa lạ thành một khối vững vàng vì miền Trung ruột thịt. 

TỐNG PHƯỚC BẢO

;
;
.
.
.

Đọc nhiều

.
.
.