Văn hóa làng không chỉ là văn hóa làng quê, không chỉ tồn tại ở những địa bàn nông thôn chưa đô thị hóa. Văn hóa làng hoàn toàn có khả năng đồng hành với cuộc sống đô thị ở những khu dân cư nội thành...
Nghề thủ công truyền thống là một trong những trầm tích văn hóa làng. Giữ nghề truyền thống chính là giữ văn hóa làng. Ảnh: XUÂN SƠN |
Văn hóa làng trước hết được lưu giữ trong các tên làng. Không phải ngẫu nhiên mà mấy thập niên gần đây, người Đà Nẵng có xu hướng dùng tên làng cổ để đặt cho các đường phố như đường Bá Giáng, đường Cổ Mân, đường Liêm Lạc, đường Phần Lăng, đường Nại Nam… Đó là một ý tưởng rất hay, bởi còn nhớ là không thể mất. Nói tên làng lưu giữ văn hóa làng bởi tên làng được xem là trầm tích văn hóa của từng làng, hoặc thể hiện ý thức về nguồn cội của dân làng sau khi “gánh cả tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân” (Trường ca Đất nước - Nguyễn Khoa Điềm) - chẳng hạn tên làng Hải Châu, hoặc thể hiện khát vọng bình an của cư dân bản địa như các tên làng An Trạch, An Hải, Bình Thái, Bình Thuận, Hòa An, Hòa Thuận…
Văn hóa làng còn được thể hiện qua nghề thủ công truyền thống của làng. Từ năm học 2020 - 2021, thông qua chương trình giáo dục địa phương, học sinh các trường phổ thông Đà Nẵng sẽ được tiếp cận với hình ảnh của những làng nghề truyền thống tiêu biểu như làng điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước ở phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn; làng nước mắm Nam Ô ở phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu; làng chiếu Cẩm Nê ở xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang; làng bánh tráng Túy Loan ở xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang; làng bánh khô mè Cẩm Lệ ở phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ…
Cũng như tên làng, nghề thủ công truyền thống được xem là trầm tích văn hóa làng và ý thức kế thừa di sản nghề nghiệp cha ông cũng là một biểu hiện văn hóa đáng trân trọng của những người làm nghề ở các làng nghề thủ công truyền thống Đà Nẵng. Đặc biệt, người làm nghề chạm khắc đá ở làng điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước thực chất là những nghệ nhân, thậm chí vài người trong số họ xứng đáng được gọi là nghệ sĩ với không ít sáng tạo nghệ thuật độc đáo, bởi đây là một nghề đòi hỏi cao không chỉ kỹ thuật mà còn mỹ thuật nữa - chạm khắc đá vốn được xem là nghề thổi hồn vào đá, mà muốn thổi được hồn vào đá, ngoài đôi tay rất mực tài hoa, người làm nghề còn phải có tâm hồn rất chi tài tử.
Tuy nhiên, việc kế thừa di sản nghề nghiệp cha ông ở các làng nghề Đà Nẵng không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Không kể một số nghề và làng nghề thủ công truyền thống ở Đà Nẵng hầu như không còn khả năng hay cơ hội phục hồi, chẳng hạn như nghề làm pháo và làng pháo Nam Ô hoặc như nghề làm muối và làng muối Nại Hiên Tây... thì một số nghề và làng nghề khác mặc dầu đang ăn nên làm ra nhưng vẫn đang phải đối diện với nhiều thách thức, đặc biệt là thách thức về môi trường sinh thái, tiêu biểu như làng điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước. Rồi thị hiếu tiêu dùng của con người đương đại cũng là một thách thức đối với các nghề và làng nghề thủ công truyền thống ở Đà Nẵng, chẳng hạn sản phẩm của các làng nghề dệt chiếu, làm bánh tráng, làm bánh khô mè… làm sao có thể đủ sức kích cầu trước sự thay đổi thị hiếu tiêu dùng thời nay? Gìn giữ nghề thủ công truyền thống của làng rất quan trọng nhưng bảo đảm môi trường sinh thái hoặc thay đổi thị hiếu tiêu dùng cho phù hợp với cuộc sống đương đại cũng là những vấn đề văn hóa không thể xem nhẹ.
Văn hóa làng còn được thể hiện qua lễ hội cổ truyền của làng. Những làng biển ở Đà Nẵng đang dần xa, dần qua nhưng lễ hội cầu ngư của cư dân ven biển các làng ven biển như Xuân Hà, Mân Thái... thì vẫn đồng hành với cuộc sống đương đại của thành phố bên bờ Biển Đông - Lễ hội Cầu ngư tại thành phố Đà Nẵng được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 829/QĐ-BVHTTDL ngày 10-3-2016 và đang trở thành điểm nhấn trong đời sống tinh thần của ngư dân và cư dân Đà Nẵng đương đại. Tuy nhiên, lễ hội cầu ngư là lễ hội phổ biến ở nhiều tỉnh duyên hải Trung Bộ, không phải là đặc sản riêng có của Đà Nẵng như là Lễ hội Tắt bếp làng Trà Kiểm hay Lễ hội mục đồng làng Phong Lệ…
Lễ hội Tắt bếp làng Trà Kiểm - nay là thôn Trà Kiểm thuộc xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang - là một lễ hội độc đáo riêng có của làng này và đang được duy trì tới tận ngày nay. Thời hiện đại có sự kiện Giờ Trái đất diễn ra hằng năm vào buổi tối thứ Bảy cuối cùng của tháng ba dương lịch khi gần 190 quốc gia/ vùng lãnh thổ với khoảng 7.000 thành phố và hàng tỷ người dân trên toàn thế giới cùng nhau tắt đèn điện trong một giờ đồng hồ - đèn tắt nhưng lại thắp sáng cả hành tinh nhận thức cộng đồng về biến đổi khí hậu và tiết kiệm năng lượng. Cũng vậy, cả làng Trà Kiểm cùng nhau tắt bếp vào ngày 12 tháng hai âm lịch hằng năm rồi gần ngàn người tập trung ra đình làng để ăn bữa cơm chung, để thăm hỏi gia cảnh của nhau, để trao đổi về kinh nghiệm canh tác - bếp tắt nhưng lại thắp sáng nhận thức cộng đồng về tình làng nghĩa xóm.
Lễ hội mục đồng làng Phong Lệ là lễ hội văn hóa dân gian rất độc đáo thể hiện khát vọng dân chủ của người Đà Nẵng xưa và nhìn từ góc độ nào đó, đây cũng là cách để thế hệ trẻ tập làm… lãnh đạo. Độc đáo như vậy nhưng khác với số phận của Lễ hội Tắt bếp làng Trà Kiểm, Lễ hội mục đồng làng Phong Lệ ngày nay chủ yếu chỉ còn trong hoài niệm. Mặc dầu đã được nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Hoàng Hương Việt phục dựng công phu vào năm 2007, nhưng do Đà Nẵng ngày nay hầu như không còn trẻ chăn trâu nên không đủ cơ sở xã hội cho lễ hội mục đồng làng Phong Lệ một thời vang bóng thực sự hồi sinh để người Đà Nẵng có thể trực tiếp hòa mình vào không khí sống động của một lễ hội thật, chứ không phải một lễ hội được phục dựng theo kiểu sân khấu hóa.
Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh từng viết hai câu thơ rất hay: Xưa tôi sống trong làng/ Giờ làng sống trong tôi (bài thơ Làng). Cái làng sống trong lòng người con xa xứ ấy chính là văn hóa làng. Có điều cần phải nói thêm rằng, văn hóa làng không chỉ là văn hóa làng quê, nói khác đi văn hóa làng không chỉ tồn tại ở những địa bàn nông thôn chưa đô thị hóa. Thực tế đã chứng minh rằng, văn hóa làng hoàn toàn có khả năng đồng hành với cuộc sống đô thị ở những khu dân cư nội thành Đà Nẵng, chẳng hạn tên làng cổ lưu giữ được văn hóa làng thì tên làng mới cũng như vậy, và tình làng nghĩa xóm vẫn đang rất mặn mà nồng ấm ở các chung cư cao tầng trong lòng phố thị - nơi từ lâu đã không còn những lũy tre làng, những con đường quê hay những hàng rào dâm bụt...
BÙI VĂN TIẾNG