Dấu xưa lưu lại

.

Một trong những điểm son của văn hóa làng Việt Nam ngày xưa truyền lại là Hương ước - một hệ thống luật tục, tồn tại song hành với pháp luật của quốc gia, góp phần làm nên nếp sống văn hóa sau lũy tre làng.

Ông Đỗ Hữu Thanh, người phiên dịch các văn bản cổ làng Thái Lai. Ảnh: V.T.L
Ông Đỗ Hữu Thanh, người phiên dịch các văn bản cổ làng Thái Lai. Ảnh: V.T.L

Tài liệu sớm nhất cho biết sự xuất hiện đình làng ở Đà Nẵng

Lật chồng sách cũ, ông Trần Phước Hoàng (nhà thơ Phước Đồng), Trưởng ban bảo vệ Đình Phước Thuận, lấy ra tập tài liệu photocopy bản Khoán ước làng Phước Sơn, rồi thong thả kể với khách chuyện xưa ở làng.

Phước Sơn là tên gọi ban đầu của làng Phước Thuận, nay thuộc xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, với 3 tộc Tiền hiền là Mai, Phạm, Hồ. Tổ 8 đời của ông Hoàng là Trần Đình Giêng từ Yến Nê (xã Hòa Tiến, huyện Hòa vang) lên Phước Thuận cưới con gái một người họ Mai đời thứ ba. Về sau, 3 vị tiền hiền không có hậu duệ nên tộc Trần hậu hiền trở thành dòng họ lớn nhất trong làng, ông Giêng lưu giữ và truyền lại bộ Đinh, bộ Điền của làng lập thời Thái Đức; các sắc phong, phổ hệ, khoán ước lập thời Gia Long, tập sách “Ba tình ca” viết về dân ca hò vè của làng.

Đình Thái Lai, một trong những di tích được Hương ước làng Thái Lai quy định bảo vệ. Ảnh: V.T.L
Đình Thái Lai, một trong những di tích được Hương ước làng Thái Lai quy định bảo vệ. Ảnh: V.T.L

Khoán ước làng Phước Sơn được lập vào năm Gia Long thứ bảy (1808) nhưng đến nay nhiều nội dung vẫn không lạc hậu, ông Hoàng nói. Như việc tuân thủ tôn ty thượng hạ, bảo vệ di sản của cha ông để lại, gìn giữ các giềng mối đạo nghĩa, nhân luân ở đời: “Từ nay những nam, phụ, lão, ấu trong xã và những người ngụ cư, nhóm họp tại đình, tưởng niệm các bậc tiền hiền đều phải giữ đúng phép tắc với thuần phong, trên dưới thuận hòa, để giữ lấy danh dự với các làng lân cận. Từ này về sau, con cháu trong làng đều phải tuân theo những điều mà trước đã vạch sẵn”.

“Cha tôi hồi tản cư lên Tiên Phước thời kháng chiến, gánh đôi bầu đựng toàn mấy thứ sách vở quý giá của làng chứ không mang tiền của chi. Nhờ đó mà tất cả đều còn y nguyên. Riêng bản Khoán ước làng Phước Sơn thì hồi năm 1994 có một cán bộ bảo tàng ở Đà Nẵng lên mượn bản gốc để nghiên cứu mà tới nay vẫn chưa trả”, ông Hoàng nhớ lại.

Thời ông Hoàng 11-12 tuổi, cả làng bị chết do chiến tranh chống Pháp nên chỉ còn 38 hộ. Hằng năm, 24 tháng Chạp làng tổ chức lễ Tất niên. Từ giao thừa trở đi, bà con kéo nhau đến viếng các thiết chế văn hóa - tín ngưỡng làng xã truyền thống gồm đình, chùa, miếu, võ. Riêng đình làng, dù ai có bận rộn chi cũng phải đến viếng hương, bởi theo quan niệm của dân làng, năm mới mà không thực hiện nghi lễ tâm linh này là năm đó làm ăn không ra chi. Xong đâu đó, mọi người tới từng nhà thăm và chúc năm mới. Giờ thì làng có đến 168 hộ nên các hộ chỉ đại diện đi thăm nhau.

Theo sách Đình làng Đà Nẵng (NXB Đà Nẵng, 2012) của nhóm tác giả Hồ Tấn Tuấn (chủ biên) - Lê Xuân Thông - Đinh Thị Toan, Khoán ước làng Phước Sơn là tài liệu sớm nhất cho biết sự xuất hiện đình làng ở Đà Nẵng. Lấy đó làm mừng, ông Hoàng, nay bước qua tuổi 80, cảm thấy trẻ lại mỗi khi có ai đó đến hỏi về Khoán ước gần 200 năm tuổi của làng mình.

Là người lưu giữ Khoán ước làng Phước Sơn gần 200 năm tuổi, ông Trần Phước Hoàng (trái) được vinh dự được đại diện đón nhận Bằng xếp hạng di tích cấp thành phố đối với đình Phước Thuận quê ông. Ảnh: V.T.L
Là người lưu giữ Khoán ước làng Phước Sơn gần 200 năm tuổi, ông Trần Phước Hoàng (trái) được vinh dự được đại diện đón nhận Bằng xếp hạng di tích cấp thành phố đối với đình Phước Thuận quê ông. Ảnh: V.T.L

Ôn cố tri tân
“Trẻ” hơn Khoán ước làng Phước Sơn gần một thế kỷ là Hương ước làng Thái Lai do Tú tài Đỗ Văn Hanh (Tú Hanh) lập năm Thành Thái thứ mười bốn (1902). Gia phả tộc Đỗ cho biết, ông Hanh là người đỗ tú tài đầu tiên của vùng đất Hòa Nhơn xưa. Công danh lận đận, ông về dạy học và làm thầy địa lý, sưu tầm và san định các nghi lễ, lập ra bản Hương ước của làng.

Từ nhận định “Việc giao tiếp giữa các hạng người trong mỗi xóm làng vẫn còn nhiều kém cỏi. Nếu không có một bản “lệ làng” đặt ra những điều khoán ước thì làm sao có thể mỹ hóa được phong tục”, Hương ước làng Thái Lai ngoài các điều khoản về sưu dịch, nghi thức quan, hôn, tang tế, còn quy định cụ thể việc xử phạt các vi phạm như: trộm cắp, nhục mạ người khác, rượu chè be bét, cờ bạc…

Khoản thứ 11 răn đe viên chức: “Các viên chức trong xã hễ ai hay sinh sự sách nhiễu dân chúng thì sẽ bị trách phạt để răn đe, người đứng đầu sẽ bị phạt tiền 10 quan, kẻ tòng phạm sẽ bị phạt tiền 5 quan và trầu cau rượu một bàn”.

Hương ước dành riêng 2 khoản để nói về khuyến học. “Người nào còn theo thầy học tập thì được chước miễn sưu dịch, còn các lệ khác thì cũng đóng góp như tất cả mọi người” (Khoản thứ 18). “Từ nay trở về sau, hễ ai thi đỗ cử nhân hoặc tú tài thì xã nên dùng trống lớn, trống nhỏ làm lễ đón rước để tỏ rõ kính trọng (Khoản thứ 13).

Đặc biệt, lễ cầu an đầu năm được quy định tại Khoản thứ 2, sau việc nghiêm cấm không chặt phá cây cối tại đền thờ và tổ mộ khai canh ở Khoản thứ 1. Theo đó, để chuẩn bị cho lễ quan trọng đầu năm mới này, mọi người phải tắm gội sạch sẽ, chuẩn bị áo khăn chỉnh tề, khi nghe tiếng trống hoặc tiếng đồng la (ba hồi lại ba tiếng) thì các vị chức sắc lý hào cùng xã dân đều nhất loạt tề tựu đến đình làng, ai có việc riêng không đến được thì phải cáo xin vắng mặt. Nếu ai đến chậm thì từ dân trở lên đều phải bị phạt tiền một quan, trầu cau rượu một bàn...

Giỏi Hán Nôm, ông Đỗ Hữu Thanh (57 tuổi, Trưởng ban quản lý Di tích lịch sử làng Thái Lai) trở thành “truyền nhân” của ông tổ 5 đời Đỗ Văn Hanh. Với vai trò người thủ-sắc-thời-hiện-đại của làng, ông Thanh phiên dịch các tư liệu xưa để lại với nhiều tâm đắc: “Ôn cố tri tân, gần 120 năm trôi qua nhưng hầu hết 45 điều khoản của Hương ước vẫn còn tính thời sự đối với việc xây dựng văn hóa làng ở Thái Lai”.

Cuối tháng Chạp, ông Thanh cùng các họ tộc tất bật chuẩn bị cho lễ Cầu an đầu năm ở đình. Cũng như dân làng Phước Thuận, người dân Thái Lai bao giờ cũng ra đình viếng hương vào ngày đầu năm theo lệ xưa truyền lại với ước nguyện cả làng được may mắn, an khang thịnh vượng trong năm mới...


Với Đà Nẵng, sau khi rà soát, điều chỉnh các bản hương ước, quy ước theo Quyết định số 22/2018-QĐ-TTg ngày 8-5-2018 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện hương ước, quy ước, đã có trên 500 bản hương ước, quy ước được phê duyệt và đưa vào thực hiện ở địa bàn dân cư. Đó là những cam kết của người dân trong xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, quản lý địa bàn, trật tự xã hội, các chuẩn mực đạo đức, giao tiếp ứng xử ở cộng đồng dân cư…
Đây là sự kế thừa và phát huy những giá trị của các bản hương ước xưa, trở thành những cam kết bất thành văn, được người dân đồng lòng thực hiện, qua đó duy trì lối ứng xử chuẩn mực, xây dựng nếp sống văn minh, giúp hạn chế, đẩy lùi những hủ tục, tệ nạn, góp phần xây dựng thành phố Đà Nẵng ngày càng văn minh, hiện đại và nhân văn”.
(Bà Lê Thị Thu Trang, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa - Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng)

 

VĂN THÀNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.