Gìn giữ nếp nhà

.

Làng quê là nơi ấp ủ, lưu giữ nếp sống ngàn đời của cha ông. Đi trên con đường làng, tâm hồn ta thường lắng lại, có lẽ bởi ta tìm thấy ở đó sự gần gũi thân thương.

Căn nhà cổ hơn 100 năm tuổi hiếm hoi của cụ bà Ông Thị Mãng ở xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang. Ảnh: Q.T
Căn nhà cổ hơn 100 năm tuổi hiếm hoi của cụ bà Ông Thị Mãng ở xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang. Ảnh: Q.T

Bình yên nhà cổ

Chớm xuân, đường vào thôn Phong Nam (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) như đẹp hơn bởi màu xanh của cây cỏ. Những vạt nắng thật hiền nhảy múa bên hàng tre sánh đôi, ngọn tre giao nhau thành vòm. Thế mới thấy, Phong Nam là làng quê hiếm hoi còn vương “hương đồng gió nội” của một Đà Nẵng thời đô thị hóa. Trong ngôi nhà cổ hơn 100 năm tuổi của bà Ông Thị Mãng, chúng tôi cảm nhận càng rõ sự tinh túy của làng quê Việt. Căn nhà này còn gìn giữ hầu như nguyên vẹn, nền nhà bằng đất nện vẫn xưa cũ dù nay có những vết nứt, mấp mô. Nền nhà bằng đất giữ cho nhà thêm ấm vào mùa đông, mát về mùa hè.

Cụ Ông Thị Mãng là đời thứ ba sinh sống tại ngôi nhà cổ. Cụ là cháu của danh nhân Ông Ích Khiêm - người con của quê hương Phong Lệ. Ngôi nhà của cụ vừa là nhà ở, vừa là nơi con cháu sum vầy, vừa là nơi thờ phụng của dòng họ Ông trên đất Phong Lệ xưa. Ở tuổi ngoài 90, khi thấy khách đến nhà, cụ Mãng vẫn chậm rãi nói với con trai: “Con, rót nước mời khách”. Bên ấm chè xanh, chúng tôi được nghe kể về việc gìn giữ nền nếp gia phong, được đắm mình trong không gian văn hóa xưa, mới hiểu, tại sao ngôi nhà có thể trường tồn hàng trăm năm như thế.

Anh Bùi Trọng Trung (48 tuổi, con trai cụ Mãng) kể, mỗi ngày khi thức dậy, việc đầu tiên mẹ anh làm là quét dọn và lau bụi bám trên từng phiến gỗ. Bà lau tỉ mỉ, cẩn trọng, nâng niu. Có lẽ nhờ vậy mà dẫu thời gian phủ bóng ngôi nhà nhưng từng phiến gỗ bên trong vẫn óng ả, bền đẹp. Chứng kiến việc mẹ làm ngày này qua ngày khác trong hàng chục năm, anh càng hứa với lòng sẽ giữ gìn ngôi nhà bằng mọi cách. Bởi ngôi nhà cổ này không chỉ là nơi trú ngụ mà đã mang một sứ mệnh khác, nó là hiện thân của văn hóa làng quê. Mỗi bước chân đi trong ngôi nhà, con, cháu như được gặp lại cha ông, hiểu thêm về cha ông, tổ tiên dòng tộc mình, được chia sẻ với phong cách sống, khả năng và quan niệm thẩm mỹ của cha ông.

Theo ông Ngô Văn Xí, trưởng thôn Phong Nam, trước kia, làng cổ Phong Nam chỉ là một phần phía nam của làng Phong Lệ rộng lớn và nổi tiếng với bề dày lịch sử lâu đời. Giá trị của làng cổ này nằm ở các công trình kiến trúc cổ kính như đình, chùa, miếu, nhà thờ tiền hiền, nhà thờ các tộc họ... Nơi đây từng có gần 20 ngôi nhà ở, nhà thờ tộc có tuổi đời tính hàng trăm năm. Cùng với đó là những giếng cổ tuổi đời ngót nghét thế kỷ như giếng Tình, giếng Hựu, giếng Nang, giếng Lịch, giếng Cần, giếng Thơ… Tuy nhiên, trải qua bao biến thiên thời cuộc, nhà cổ trong làng giờ chỉ còn trên dưới 10 nhà, số còn lại đã dần dần bị người dân phá dỡ xây nhà hiện đại vì không có kinh phí sửa chữa, trùng tu.

Rải rác khắp làng quê Hòa Vang còn nhiều ngôi nhà cổ tồn tại cùng thời gian như Tích Thiện Đường, tộc họ Đặng Công. Theo thống kê của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện, hiện nay ở Hòa Vang còn khoảng trên dưới 100 ngôi nhà cổ trên một trăm năm tuổi. Nhà cổ, đó là những nếp nhà ở truyền thống lâu đời, không đơn thuần có chức năng là nơi tránh mưa nắng, nơi sinh hoạt của mỗi gia đình, mà còn là nơi tích tụ một hàm lượng văn hóa, kiến trúc rất đặc biệt của chính những con người nơi đó.

Gìn giữ và trao truyền nếp nhà

Là huyện nông thôn duy nhất của thành phố Đà Nẵng, Hòa Vang hiện vẫn còn nhiều làng quê giữ được nét cổ kính. Tuy không có những làng mang tính đặc thù như miền Bắc và Bắc Trung Bộ, song về hình thức tổ chức thì gia đình, tộc họ ở Hòa Vang vẫn còn rất nhiều yếu tố giống với các làng quê truyền thống khác. Cơ cấu xã hội cơ bản ở Hòa Vang vẫn là nhà - làng - nước. Trong đó, nhà bao gồm cả gia đình, gia tộc và dòng họ. Nhà và làng gắn kết hữu cơ, cái nọ là tiền đề cho sự tồn tại của cái kia trong khung cảnh chung của xã hội nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Lối vào nhà ông Ngô Văn Nghĩa, nguyên trưởng làng Phong Lệ xanh mát hàng chè tàu. Trong căn nhà đơn sơ của người đảng viên cao tuổi mẫn cán, góc quý giá nhất chính là nơi ông cất giữ những tư liệu về làng. Ông xem góc nhỏ này chẳng khác nào “báu vật”, nên tất cả đều được ông sao chép, dịch thành nhiều bản để lưu giữ, tận dụng mọi cơ hội trao truyền cho thế hệ trẻ, quảng bá với du khách gần xa. Đặc biệt, không chỉ lưu giữ những dấu xưa tích cũ, ông Nghĩa còn viết nhật ký về những sự kiện trọng đại, đáng nhớ của làng ngày nay để những thế hệ sau ông, những người yêu nguồn cội có thể dựa vào đó tìm hiểu về làng…

Bên ấm chè xanh thơm ngát, ông Nghĩa từ tốn bảo: “Nguyên tắc ứng xử của gia đình Việt Nam nói chung và Hòa Vang nói riêng luôn tồn tại và thích nghi với điều kiện kinh tế - xã hội qua mỗi thời kỳ của đất nước. Ví dụ, nói đến sinh hoạt gia đình, người ta thường đề cập bữa cơm. Những năm sau ngày giải phóng đến sau đổi mới, bữa cơm của hầu hết các gia đình ở Hòa Vang luôn có đông đủ các thành viên gia đình, trường hợp vắng mặt không về kịp thì được gia đình trích phần để dành ăn sau. Nhưng việc “để phần” chỉ là vạn bất đắc dĩ - điều không mấy dễ chịu đối với bậc sinh thành. Hay như việc “đi thưa, về trình” là một nền nếp không thể thiếu khi nói về một gia đình có văn hóa. Chính sự nghiêm khắc đến khắt khe này thực sự có tác dụng giáo dục con người ngay trong gia đình phải sống có thứ bậc, có trách nhiệm, không tùy tiện. Những nguyên tắc ấy được thế hệ trước trao truyền cho thế hệ sau trong quá trình lao động, học tập và giao tiếp trong gia đình và ngoài xã hội”.

Theo ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang, nói đến nếp nhà là nói đến các giá trị như đề cao văn hóa, lễ giáo, hiếu học, trọng tình nghĩa, lối sống nhân ái, tinh thần tự tôn, tự lực… Những giá trị đó là nền tảng để hình thành và phát triển một gia đình - tế bào của xã hội. “Quá trình xây dựng nông thôn mới và đô thị hóa đã đem lại cho người dân Hòa Vang nhiều tiện ích xã hội để phát triển, tuy nhiên, quá trình này cũng có mặt trái của nó là dẫn đến hệ lụy đứt gãy cả trong đời sống kinh tế lẫn văn hóa của người nông dân trong quá trình hội nhập. Những đứt gãy về văn hóa là nguyên nhân dẫn đến phát sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp, gây khó khăn cho công tác quản lý đô thị và phải mất nhiều năm mới có thể khắc phục được. Vì vậy, ngành văn hóa rất quan tâm đến việc làm sao để tuyên truyền, giúp người dân vừa giữ gìn vốn văn hóa tốt đẹp của mình vừa tiếp thu văn hóa đô thị để thích nghi với yêu cầu của xã hội đô thị”, ông Tân cho biết.

Văn hóa gia đình bao hàm các yếu tố truyền thống và hiện đại, thể hiện nền nếp, gia phong, cách ứng xử của các thành viên trong gia đình với nhau cùng với các quan hệ xã hội khác. Thời cuộc có những biến thiên, nhưng văn hóa gia đình, văn hóa làng vẫn được kế thừa và truyền lại qua các thế hệ, góp phần tạo nên sức sống bền bỉ của văn hóa của dân tộc. 

QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.