Ra Trường Sa, tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi hình bóng quê nhà hiện hữu ngay tại đảo nhỏ quá đỗi gần gũi, thân thương biết nhường nào. Một tiếng gà gáy cất lên giữa muôn trùng sóng nước, một cánh cò chao nghiêng trên nền trời xanh thẳm, một mái chùa cong vút thoang thoảng mùi hương trầm ngào ngạt... Tất cả những không gian thanh bình và nên thơ ấy góp phần nối đảo xa gần với đất liền...
Có thể nói, không gian làng trên quần đảo Trường Sa bao giờ cũng in đậm trong trái tim người chiến sĩ và nhân dân huyện đảo. Hình ảnh làng quê Việt và sức sống yên bình ở Trường Sa được bắt gặp trong hiện tượng thiên nhiên kỳ thú. Dẫu cách xa đất liền hàng trăm hải lý nhưng trên đảo vẫn thấp thoáng cánh cò, cánh vạc chao nghiêng và tiếng chim sáo, chim sẻ líu lo ca hát... Những loài chim hoang dã này sống dạn dĩ, hòa đồng, thân thiện với đàn gia súc, gia cầm của quân dân trên đảo.
Thường thì các loài chim cò, vạc chủ yếu sinh sống ở những vùng đất trũng, hoặc sông, suối lắm thức ăn, cớ sao chúng lại chọn đảo xa giữa muôn trùng sóng gió. Phải chăng loài chim cư trú muốn làm bạn tâm giao với người lính đảo. Các loại gia súc, gia cầm như chó, lợn, gà, vịt... đều thân thiện với nhau, quấn quýt với người góp phần tạo nên không gian ấm cúng của làng. Nên mới có chuyện, con lợn nái đến kỳ sinh nở, anh em bộ phận Hậu cần đảo Trường Sa Lớn thức trắng đêm để “canh lợn đẻ”.
Cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa trồng rau xanh. Ảnh: THANH TÌNH |
Cán bộ, chiến sĩ canh trời, giữ biển Trường Sa có thói quen, khi bình minh thức dậy vào lúc 4 giờ sáng, nghe tiếng gà cất lên là tất cả cùng thức dậy và ngóng về hướng tây. Nơi ấy là đất liền, là quê hương yêu dấu. Tiếng gà chính là âm thanh của làng giúp quân dân trên đảo thấy rạo rực như đang ở quê nhà. Trên quần đảo Trường Sa, ngôn ngữ làng luôn được thể hiện qua những câu nói “mô, tê, răng, rứa”, hoặc kiểu phát âm “sờ nặng, sờ nhẹ” hay là “e lờ thấp, e lờ cao”... của cán bộ, chiến sĩ.
Tuy mỗi người mỗi quê, mỗi phong tục, tập quán khác nhau, nhưng đều chung một điểm. Đó là lối sống chan hòa, đoàn kết, yêu thương nhau như ruột thịt. Từ nếp sống mang cốt cách hòa đồng, giản dị, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc đã hình thành nên những tục lệ riêng có ở Trường Sa, đơn cử như tục “trao tài sản”. Tục này được hình thành bởi nét văn hóa rất đáng yêu. Những người lính Trường Sa trước khi rời đảo bao giờ cũng trao tài sản của mình từ cây kim, sợi chỉ, chiếc bật lửa, cây đèn pin và những vật dụng cần thiết khác... cho người ở lại. Người ở lại có bao nhiêu vật kỷ niệm, từ con ốc, quả bàng vuông, nhành san hô... đều gói gém trao hết cho người vào bờ làm quà cho đất liền...
Lính đảo Trường Sa Lớn hát tình ca về biển. Ảnh: P.T.D |
Làng còn được thể hiện rõ nét qua những lớp học ven chân sóng. Hình ảnh những ánh mắt to, tròn, đen láy chăm chú nghe thầy, cô giáo giảng bài, tiếng trẻ ê, a đánh vần. Hết giờ học lũ trẻ lại tụm năm, tụm ba chơi ô ăn quan, cờ gánh, hoặc chơi trò trốn tìm... khiến đảo nhỏ trở nên ấm nồng hơn...
Ở nơi “đầu sóng, ngọn gió” còn có những công trình mang ý nghĩa văn hóa tâm linh gắn với văn hóa làng, đó là những ngôi chùa. Những ngôi chùa ở Trường Sa giúp người lính đảo và nhân dân cảm thấy gần gũi với đất liền. Trước không gian tĩnh lặng giữa muôn trùng sóng nước, chúng tôi cảm thấy mình trở nên thư thái hơn, cảm nhận sâu sắc về vẻ đẹp tâm linh, thuần khiết của người Việt. Nơi hải đảo xa xôi, cùng với nhịp sống tươi trẻ, lạc quan, yêu đời của người chiến sĩ và đồng bào là không gian tĩnh lặng của những ngôi chùa liêng thiêng. Nét đẹp tinh xảo, cổ kính, thuần Việt ấy làm ấm lòng vong linh những người đã khuất và tiếp thêm niềm tin, nghị lực cho những người đang sống.
Các ngôi chùa ở Trường Sa chủ yếu được xây dựng theo phong cách truyền thống với kết cấu một gian, hai chái. Mái chùa cong vút lên nền trời. Đáng chú ý, chánh điện của ngôi chùa nào cũng hướng về thủ đô Hà Nội. Điều đó nói lên tấm lòng người dân đất Việt từ bao đời nay vẫn luôn hướng về nguồn cội. Thế nên, bất cứ ai đặt chân tới những ngôi chùa trên các đảo Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Sinh Tồn đều có chung một cảm giác bình yên, thánh thiện và ấm áp như ở đất liền. Từ trong sâu thẳm lòng mình, mỗi người dân Việt Nam yêu nước chân chính, thì những ngôi chùa linh thiêng, tĩnh lặng giữa trùng khơi là bằng chứng có giá trị về bản sắc văn hóa góp phần khẳng định chủ quyền quốc gia, dân tộc.
Tự bao giờ, hình ảnh làng quê Việt bình dị trên quần đảo Trường Sa đã góp phần hình thành và đắp xây nên một đất liền thu nhỏ giữa trùng khơi, đồng hành với quân dân huyện đảo, giúp họ vơi đi nỗi nhớ quê nhà, vững tin giữ đảo...
Hình ảnh “làng quê” Việt tại đảo Trường Sa Lớn. Ảnh: P.T.D |
Tôi chợt nhớ màu trắng tinh khiết của loài hoa bàng vuông chuyên nở về đêm (loài hoa được ví là hoa quỳnh của đảo Trường Sa). Loài hoa giản dị, khiêm nhường tỏa hương nồng nàn, dịu ngọt giữa khơi xa điệp trùng sóng vỗ. Hình ảnh người chiến sĩ giữ đảo nâng niu những cánh hoa thủy chung, son sắt như tình yêu của người lính đảo đối với quê hương, đất nước. Không gian lãng mạn, đầy chất thơ, nhạc gợi nhớ kỷ niệm nơi cầu tàu có cuộc chia tay của những người lính tuổi mười tám, đôi mươi một sáng lần đầu ra đảo với bao nỗi niềm bịn rịn, luyến lưu, bối rối, xao lòng trước một người con gái.
Dẫu còn nhiều khó khăn, gian khổ nhưng những người chiến sĩ vẫn coi mảnh đất “nơi đầu sóng ngọn gió” này là quê hương của mình. Với họ, từ trong gian khổ, tình đất, tình người càng thêm mặn mà, đằm thắm. Tình yêu đảo nhỏ đã tiếp thêm sức mạnh và dũng khí cho họ.
PHAN TIẾN DŨNG