Thể thao thành tích cao của Đà Nẵng vươn mình, khẳng định vững chắc vị thế một trong những địa phương đi đầu cả nước. Có được thành quả đó nhờ những cố gắng, nỗ lực không ngừng của các vận động viên (VĐV) trong tập luyện và thi đấu. Năm 2022, những “gương mặt vàng” của thể thao thành phố tiếp tục để lại dấu ấn sâu đậm nhờ thành công rực rỡ tại SEA Games 31.
Hoàng Quý Phước. Ảnh: P.N |
Hoàng Quý Phước:
Truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ
Nhắc đến Hoàng Quý Phước, người hâm mộ bộ môn bơi không quên những khoảnh khắc chàng “rái cá sông Hàn” đi vào lịch sử với những tấm huy chương cao quý. Được phát hiện ở một giải bơi phong trào cấp địa phương, Quý Phước được tập trung bồi dưỡng ngay từ khi mới 11 tuổi. Sở hữu thể hình lý tưởng của một VĐV bơi lội: cao lớn, sải tay dài, các ngón chân cũng dài, Quý Phước dường như sinh ra chỉ để chinh phục đường đua xanh. Gần 20 năm theo nghiệp bơi lội, chàng trai sinh năm 1993 gặt hái nhiều thành công, là niềm tự hào của thể thao Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung. Hiện anh là người giàu kinh nghiệm nhất của đội tuyển bơi quốc gia, được các đàn em: Nguyễn Huy Hoàng, Trần Hưng Nguyên... yêu quý bởi tính cách trẻ trung, dễ thương.
Năm 2022 tiếp tục là năm thi đấu thành công của Quý Phước. Anh xuất sắc mang về 2 Huy chương Vàng (HCV, tiếp sức bơi tự do 4x100m, tiếp sức bơi tự do 4x200m), 1 Huy chương Bạc (HCB) và 1 Huy chương Đồng (HCĐ) cho đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 31. “Đây là kỳ SEA Games để lại nhiều ấn tượng với cá nhân tôi. Lần thứ 7 tham dự đại hội thể thao Đông Nam Á và vinh dự đứng lên bục vinh quang, nhưng cảm xúc vẫn như lần đầu giành HCV vào năm 2011. Đó là thành quả sau những ngày nỗ lực tập luyện cùng sự quan tâm, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện tốt nhất của các cấp lãnh đạo”, Quý Phước chia sẻ.
Ở tuổi 29 tuổi, độ tuổi không ít các VĐV bơi khác đã từ giã thi đấu, Quý Phước vẫn giữ cho mình lối sống khoa học, kỷ luật, nỗ lực hằng ngày để rèn luyện, thi đấu với hy vọng mang về thành tích cao cho địa phương và nước nhà. “Tôi không còn trẻ nữa, bởi tuổi tác ngày càng đè nặng và phong độ không còn như xưa, nên càng phải cố gắng, nỗ lực nhiều. Ngày xưa, một ngày bơi hơn chục cây số chẳng ăn thua, nhưng giờ đã khác, nhất là khi những chấn thương vai và lưng theo thời gian khiến những chuyển động của cơ thể không như ý muốn. Các VĐV bơi thường gặp phải chấn thương này, ảnh hưởng rất nhiều đến phong độ, nên luôn phải nỗ lực. Sau SEA Games 31, tôi duy trì tập luyện hướng đến ASIAD trong năm 2023. Mục tiêu của tôi tại các giải đấu là thể hiện hết khả năng bản thân nhằm lan tỏa niềm tin, khát vọng vươn lên cho các VĐV trẻ. Trong tương lai, khi chia tay đội tuyển quốc gia, tôi dự định trở về Đà Nẵng, xin chế độ đi học và đồng thời có thể thi đấu tiếp tục cho đội tuyển bơi lội thành phố nếu điều kiện cho phép”, Quý Phước cho biết.
Phạm Thị Huệ (thứ 2, phải sang). Ảnh: P.N |
Phạm Thị Huệ:
Phá vỡ giới hạn bản thân
Nhiều năm qua, Phạm Thị Huệ được biết đến là “gương mặt vàng” ở bộ môn đua thuyền. Cô hiện là thành viên đội tuyển đua thuyền Đà Nẵng và đội tuyển quốc gia. Năm qua, cô gái sinh năm 1990 không khiến người hâm mộ Việt Nam thất vọng khi cùng đồng đội giành 3 HCV ở bộ môn rowing với cả 3 hạng mục mà chị tham gia: thuyền đơn nữ hạng nặng 2 mái chèo, thuyền đôi nữ hạng nặng 1 mái chèo và thuyền 4 nữ hạng nặng 2 mái chèo. Trong sự nghiệp của mình, Phạm Thị Huệ từng gặt hái nhiều thành công khi giành 1 HCV, 1 HCB tại SEA Games 26 năm 2011, 2 HCB ASIAD năm 2013, 2 HCV SEA Games 28 năm 2015, 1 HCB tại SEA Games 30 năm 2019 và 2 lần giành vé đến Olympic. “Mỗi lần giành được huy chương là một lần tôi cảm thấy tự hào và vô cùng biết ơn những gì mình đã và đang có. Chắc chắn, với sự kỳ vọng và trọng trách đang mang trên vai, tôi sẽ đặt ra những mục tiêu mới để phá vỡ giới hạn của mình, góp phần đưa thể thao nước nhà lên tầm cao mới”, Huệ bộc bạch.
Thực tế, theo dõi sự nghiệp của Huệ, người hâm mộ thấy rõ nỗ lực vươn lên của chị. Xuất thân trong một gia đình thuần nông, đông anh em tại Quảng Bình, không có truyền thống thể thao, Huệ có niềm đam mê với thể thao ngay từ nhỏ. Khi còn là học sinh, chị luôn đăng ký tham dự Hội khỏe Phù Đổng của trường. Với sự quyết tâm của bản thân, Huệ liên tục đạt được các giải cao trong các hội thao cấp trường, huyện rồi đến tỉnh. Những tài năng thiên bẩm cùng với sự nỗ lực không ngừng, Huệ được ban huấn luyện đội tuyển đua thuyền quốc gia chú ý, chiêu mộ.
Với cô gái 18 tuổi chân ướt chân ráo bước vào môi trường thể thao chuyên nghiệp, chưa từng hình dung môn chèo thuyền là như thế nào, Huệ chỉ mang trong mình niềm đam mê mãnh liệt đối với thể thao. Được ban huấn luyện chèo thuyền quốc gia tận tình chỉ bảo, luyện rèn, cùng nỗ lực của bản thân, Huệ tiến bộ từng ngày. Năm 2010, chị cùng anh Đặng Minh Huy của đội tuyển đua thuyền Đà Nẵng về xây tổ ấm tại thôn An Ngãi Tây 2, xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang). Từ đó, chị trở thành VĐV của thành phố Đà Nẵng và theo học Khoa huấn luyện thể thao tại Trường Đại học Thể dục - Thể thao (TD-TT) Đà Nẵng.
Chia sẻ về những mục tiêu tương lai, Huệ cho biết: “Sau khi tham dự SEA Games 31 cùng đội tuyển Việt Nam và Đại hội TD-TT toàn quốc lần thứ 9 cùng đoàn thể thao Đà Nẵng, tôi duy trì tập luyện thường xuyên nhằm giữ vững phong độ cao nhất, sẵn sàng tham dự các giải đấu. Có điều tiếc nuối là môn đua thuyền (rowing, canoeing) không có trong danh sách các môn thi đấu tại SEA Games 32 diễn ra ở Campuchia trong năm 2023. Tuy vậy, tôi có cơ hội tham dự ASIAD diễn ra tại Trung Quốc. Tại giải đấu này, tôi sẽ nỗ lực hết mình để đạt thành tích cao nhất. Tương lai xa, sau khi không còn trực tiếp cầm chèo, tôi mong muốn trở thành HLV, gián tiếp cầm chèo truyền đạt kinh nghiệm của mình cho các VĐV trẻ”.
Hiên Năm (bên trái). Ảnh: P.N |
Hiên Năm:
Không khuất phục trước khó khăn
Cùng với Phạm Thị Huệ, Hiên Năm cũng là VĐV tiêu biểu ở môn đua thuyền của thể thao Đà Nẵng. Mồ côi cha từ nhỏ, Hiên Năm luôn tạo cho mình tính kỷ luật, ý chí vươn lên và không chịu khuất phục trước những khó khăn. Từ thời học phổ thông, anh mê nhiều môn thể thao như: bóng đá, bóng chuyền, điền kinh và từng đạt thành tích cao khi nhiều lần tham dự Hội khỏe Phù Đổng của trường. Năm 2016, Hiên Năm được các thầy tại Trung tâm Huấn luyện và Đào tạo VĐV TD-TT thành phố Đà Nẵng tuyển chọn để tham gia đào tạo ở môn canoeing.
“Được các thầy giới thiệu về môn canoeing, tôi thật sự bất ngờ bởi đó cũng là lần đầu tiên biết về bộ môn đua thuyền thể thao. Tuy nhiên, với xuất phát điểm biết bơi, lại được các thầy tận tình động viên giúp tôi thêm quyết tâm theo đuổi môn canoeing. Từ những ngày chập chững làm quen với môn đua thuyền, đến nay đã được 6 năm, tôi rất vui vì những nỗ lực của bản thân được đền đáp xứng đáng khi đạt nhiều thành tích cao cho thể thao nước nhà và Đà Nẵng”, Hiên Năm thổ lộ.
Với những cố gắng không ngừng, những năm qua, Hiên Năm liên tiếp đạt được kết quả nổi bật tại môn canoeing. Năm 2017, anh xuất sắc giành 3 HCV, 2 HCB tại giải đua thuyền rowing và canoeing vô địch trẻ toàn quốc; 2 HCV nội dung C4-1000, C4-5000 tại Đại hội TD-TT toàn quốc lần thứ 8 năm 2018; liên tiếp vô địch quốc gia nhiều nội dung thi đấu môn canoeing vào các năm 2019, 2020, 2021. Trong năm 2022, Hiên Năm là VĐV tiêu biểu của thể thao Đà Nẵng đoạt 2 HCV môn Canoeing nội dung C2-1000, C4-1000 tại SEA Games 31.
“Những tấm HCV ấy là thành quả sau bao cố gắng và nỗ lực của không riêng gì cá nhân tôi mà là của thể thao Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung. Đằng sau vinh quang ấy là mồ hôi, là nước mắt nhưng đó là những sự đánh đổi vô cùng xứng đáng, nên tôi tự nhủ với lòng sẽ tiếp tục cố gắng không ngừng để hướng tới những mục tiêu cao hơn. Trước mắt, tôi quyết tâm học tập để tốt nghiệp Trường Đại học TD-TT Đà Nẵng chuyên ngành huấn luyện thể thao. Mục tiêu trong tương lai, hy vọng, tôi sẽ trở thành một HLV môn canoeing để tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình”, Hiên Năm cho biết.
PHI NÔNG