Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định: Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái, thông minh, bản sắc, bền vững, ngang tầm quốc tế. Ở đây, chỉ xin tiếp cận chuyện bản sắc. Khi bản sắc một vùng đất nếu được gìn giữ sẽ tạo ra sự bền vững và làm giàu cho kho tàng văn hóa.
Chợ cá bãi biển Nam Thái ngày nay. Ảnh: T.Đ.T |
Bạn tôi, một cán bộ ngành Văn hóa đã nghỉ hưu, nhưng say mê nghiên cứu. Anh từng viết rằng, quận Đông Giang, đơn vị hành chánh thuộc thị xã Đà Nẵng, có từ năm 1956. Cùng thời với quận Đông Giang, nay là quận Sơn Trà, còn có quận Ngoại Ô, nay là quận Thanh Khê, thuộc thành phố Đà Nẵng… Để chứng minh cho luận cứ của mình, anh đã đưa lên các hình ảnh về một giấy khai sinh, một giấy khai tử và một thẻ ngư phủ của thời kỳ trước năm 1965… đều ghi “Quận Đông Giang, thị xã Đà Nẵng”. Tên gọi quận Đông Giang hầu như đến nay đã trở thành cổ tích với nhiều người. Còn trước đó nữa thì sao?
Cội nguồn một vùng đất
Tôi có họ hàng với tộc Trương Công ở phường Thọ Quang, cũng thuộc “quận Đông Giang”, nay là quận Sơn Trà. Tiền hiền của tộc là ngài Trương Công Bật. Thọ Quang thuở lập làng là Nam An xã… Do việc kết nối tộc họ, tôi đã tìm đến nơi, nhà thờ tộc Trương Công tại phường Thọ Quang. Sát cạnh Thọ Quang là phường Mân Thái, trước là Tân An xã. Theo tài liệu Hán Nôm đã được thẩm định, các xã hiệu Nam An, Tân Thái xưa thuộc tổng An Lưu hạ, huyện Diên Phước, Điện Bàn dinh trấn, Đại Việt Quốc.
Các xã hiệu này lập từ đời chúa Nguyễn Phúc Tần (1662) nhưng theo Châu bộ từ năm Cảnh Hưng nguyên niên (1740), vào ngày 20 tháng 6 xã hiệu Tân An mới chính thức được thành lập. Có 6 người đại diện các phái tộc đã ký tên đồng thuận việc phân chia đất đai, cắm mốc giới với xã Phước Giang (Phước Mỹ ngày nay) và Nam An. Sáu người này là xã trưởng Trương Công Bật, Nguyễn Hữu Giáo, Trần Văn Thiệt, Võ Văn Mo, Phan Văn Đốt và Nguyễn Văn Trừ… Tân An xã tách ra từ Nam An xã.
Gia phả của tộc Trần lập năm 1780, đến năm Tự Đức thứ 15, hậu duệ đời thứ 9 Trần Đăng Khoa tu chính cho thấy: Vào năm Nhâm Thân 1692, ngài tiền hiền Trần Văn Cai được phong Thượng Thư bộ Lại dưới triều Lê Hy Tông. Năm 1703 cùng 12 tôn phái trong đó có ngài Trương Công Bật đi nam mở mang bờ cõi. Hai năm sau, 1705 họ đệ đơn xin lập xã Nam An, phần lớn cư dân làm ngư nghiệp. Năm 1735, ngài Trần Văn Cai lại làm đơn lập thêm xã Tân An với 10 người, đến 5 năm sau xã hiệu này mới có sắc phong…
Như vậy. Thượng thư Trần Văn Cai là người khai cơ, quy dân lập ấp đến 2 xã là Nam An và Tân An, được phong tiền hiền xã Nam An. Ông mất năm 1752, thọ 87 tuổi. Mộ táng tại xứ đất Chim Sẻ, xã Nam An…
Theo các cụ cao niên ngày nay, có thể coi các xã An Hải, Nam An và Tân An là những xã đầu tiên hình thành cư dân phía nam núi Sơn Chà, là tiền thân của quận Đông Giang, rồi quận Ba sau đó, tức quận Sơn Trà ngày nay.
Phụ nữ Tân Thái đi bán mắm. |
Cổ tích thuở lập làng
Gia phả tộc Trần ghi rằng năm 1735, ngài Trần Văn Cai cùng 10 người khác làm đơn xin lập xã Tân An, đến 5 năm sau được ban sắc cho thành lập. Lúc đó xã Nam An và Phước Giang đã ký “thuận nhượng” 21 mẫu đất và ký vi bằng phân chia địa giới… Trước đó, trong di sản Hán Nôm còn lưu lại ở làng Tân Thái thuộc phường Mân Thái (xã Tân An cũ), ta thấy có những vụ việc khá ý nghĩa trong việc nhường lại đất cát theo “nghĩa hương lân” rất thú vị.
Chẳng hạn, ngày 3 tháng 2 năm Tự Đức thứ 17, theo chỉ đạo của Tổng đốc Nam Ngãi Đào Tấn theo phương châm “bớt nhiều thêm ít, cõi bờ cùng giữ”, xã Phước Trường đã đồng ý nhường phần bạch sa (cát trắng) bỏ không của 3 xứ đất Rạn Dài, Cồn Rừng, Cồn Lang gồm hơn 6 mẫu, 6 sào cho xã Tân An “phát triển dân cư kết giao hòa khí”.
Cũng năm ấy, Phước Trường cũng nhượng thêm hai sào đất tư tại xứ Vũng Bông cho Tân An vì “xã ấy có tình láng giềng”. Văn tự có chữ ký của cả hai lý trưởng để trình lên trên, còn ghi “Từ nay về sau, nếu hai xã có việc làng thì không có khi nào vắng mặt nhau. Nếu sau này người xã nào dùng lời bội ước thì không chỉ thất ngôn thất tín mà còn là kẻ coi thường tiền nhân, phải nhận mọi tội lỗi”. Quả là những lời hay ý đẹp trong việc giữ chữ tín trong ứng xử của văn hóa làng ngày xưa!
Dưới thời Tự Đức thứ 18, ngày 9 tháng 5 còn có sự việc: Sau hai năm chạy loạn Tây Dương quay về, dân Tân An mất hết tài sản, hai xã An Hải và Phước Trường đã đồng ý nhượng lại cả thảy hơn 37 mẫu “đất thực trưng và cát trắng bỏ hoang”, cho dân Tân An trồng trọt. “Nhân dân nhờ đó mà được đủ dùng, có chút thong thả. Quan đầu tỉnh Quảng Nam tâu lên vua, đề nghị thưởng cho hai xã An Hải và Phước Trường biển ngạch “Thiện tục khả phong” để động. Vua Tự Đức xét “Lời tâu thỏa đáng, cho chép ra để thi hành. Khâm thử!”.
Căn nguyên là quan Bố chính Quảng Nam Đặng Huy Trứ , sau nghi nghe các hương thân và lý trưởng địa phương trình bày “Xã họ gần bờ biển, phần lớn cát trắng, chuyên ra biển đánh bắt cá và nhận việc binh dịch…Tây dương đến gây sự nhân dân chạy loạn, năm Tự Đức thứ 13 được chiêu dụ quay về nhưng sản nghiệp tan hoang, hết đường sinh sống.
Thấy các làng bên cạnh là An Hải và Phước Trường ruộng đất khá nhiều liền đến hai xã ấy xin một ít đất bỏ không…”. Lý trưởng và hương thân hai xã ấy nghĩ đến cái nghĩa xóm giềng, cùng nhau hội họp nhân dân hai xã, thuận tình trích các xứ (đất) trong bạ nhường cho. “Nhờ có trồng trọt mà cuộc sống qua cơn nguy cấp. Đến nay nhân dân đã có chút ít của ăn!”, quan Bố chính họ Đặng báo cáo lên vua.
Nghĩ cái nghĩa quan với dân, quan lo cho lẽ sống của dân; cái nghĩa lân ý sớm tối có nhau của ông cha thuở trước mà thương cảm!
Việc dân, việc quan
Lại nói đến dịch bệnh thời vua Tự Đức. Năm Tự Đức tam niên, ngày 4 tháng 10 năm 1850, báo cáo của Tri phủ Điện Bàn là Tôn Thất Trĩ cho thấy toàn huyện Diên Phước đã có 542 người bị chết trong đợt dịch vừa qua, xin nhà vua cho gạch tên trong sổ hộ tịch và xin nhận tiền tuất để cấp phát. Cũng nên nhắc lại: Năm Tự Đức thứ 2 (tức năm 1849), nước ta lúc đó có khoảng 8 triệu dân, đã xảy ra đại dịch. Theo Đại Nam thực lục và Đại Việt sử ký toàn thư, các nhà chính sử cũng như y giới lúc đó ghi là do khí độc (lệ khí) làm chết 589.460 người (hơn nửa triệu người) - theo thống kê của Bộ Hộ lúc đó. Triều đình và các tỉnh cũng đã dốc sức cứu chữa, nhưng có lẽ trình độ y học lúc đó cũng không thể làm gì hơn.
Riêng huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn như tài liệu có ấn chỉ của Bố chính Quảng Nam để lại, nếu cả huyện Diên Phước có 542 người, thì riêng xã Tân An có 7 người. Ngoài dịch bệnh còn có nạn Tây Dương đánh vào, đốt phá nhà cửa, khiến dân tình điêu đứng phải bỏ làng ra đi lánh nạn. Khi quay về, lại được các xã Phước Trường, Nam An, An Hải nhường đất để sản xuất, ổn định dần cuộc sống. Truyền thống này đã có từ năm Gia Long thứ 4 (1806). Hồi đó Nam An đã đồng ý nhượng lại cho Tân An một “sở rừng cấm” thuộc xứ Vịnh Vông để làm miếu thờ, sau khi nhận “5 quan tiền và mâm trầu cau rượu” làm lễ.
Người dân hai xã Nam An, Tân An như đã nói chuyên làm nghề đánh bắt cá chịu sưu cao thuế nặng, lại phải cung cấp nước ngọt, củi đốt cho các thuyền quan đi tuần trên biển từ Cù Lao Chàm đến núi Sơn Chà (Sơn Trà), phát hiện thuyền lạ phải báo cho quan. Nay là có trát đòi phải lên sông Cẩm Lệ, đến Quá Giáng để chở gạch về xây các “thủy trại, cùng đưa các quan đi mua đá lửa, lưu hoàng, lại chờ đợi nhiều ngày đi nghinh đón binh mã trên các sông…
Hai xã trưởng phải làm đơn trình lên xin miễn các sưu dịch ấy. Văn bản kêu ca này đã được Trấn đường quan đã phải thuận tình “Giao hứa cho hai xã theo ở ngoài phía ven biển, còn địa phận trong sống hứa miễn cho”. Ngư phủ hai xã trên còn bị trát sai phải khai thác đá, củi và chở nộp cho cấp trên, học đã phản ứng lại và được quan đồng ý.
Sự việc đáng lưu ý là: ngôi chùa ở xã Tân An đã được các các “tiền tiền tổ phụ” trồng chục cây nam mai để chắn gió, nhưng “Ngoại úy đội trưởng Nguyễn Văn Trụ thuộc Quảng Nam Trung cơ” đã đến xem và “Mệnh lệnh cho dân xã cắt đào, chở đến cửa biển Đà Nẵng để nạp bán đúng kỳ”. Lý trưởng đã làm đơn báo cáo gởi quan Bố chính Sứ - Thượng Hiền đại nhân để phản đổi. Quan Bố chính đã phê: “Giao phó khỏi nạp bán những cây đó!” .
Lại có việc tranh chấp ruộng đất và các bãi biển vùng Sơn Chà (Sơn Trà), các vị quan lúc đó đã xử công minh và coi núi Sơn Chà cũng như các bãi biển tranh chấp là tài sản chung, chẳng thuộc về ai. Qua các tư liệu này, ta còn thấy quan Bố chính Đặng Huy Trứ và Tổng đốc Nam Ngãi Đào Tấn quả là những ông quan rất sát dân tình và có nhiều công trạng với nhân dân vùng Đông Giang ngày trước! Không có việc lớn nhỏ nào của dân mà các vị quan này không quan tâm và xử lý rốt ráo.
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG