Hơn 25 năm từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng có nhiều thay đổi tiến bộ vượt bậc, từ một đô thị hạ tầng yếu kém và còn tồn tại nhiều bất cập, đến nay đã lột xác một đô thị văn minh, hiện đại, là hạt nhân của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Ảnh: HUY TUẤN |
Tuy vậy, quá trình đô thị hóa nhanh và mạnh tại Đà Nẵng trong vài thập niên qua, dù đóng góp không ít cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung, nhưng cũng tiềm ẩn một số nguy cơ từ một số xu hướng phát triển chưa bền vững. Trong bối cảnh đó, việc định hướng lại chiến lược phát triển theo hướng bền vững là điều quan trọng và rất cần thiết. Trước khi nhân rộng ra toàn thành phố, chiến lược bền vững đó có thể khởi phát từ khu vực “Rồng sông Hàn” của Đà Nẵng.
Khung định hướng chiến lược cho phát triển, xứng tầm vị thế, tiềm năng
Bản Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, vừa được Thủ tướng phê duyệt vào tháng 11-2023 vừa qua, có thể nói là một bước tiến rất quan trọng trong việc tạo lập nền tảng pháp lý và khung định hướng chiến lược cho phát triển Đà Nẵng theo hướng bền vững, xứng tầm với vị thế và các tiềm năng.
Trong đó, Đà Nẵng được định hướng quy hoạch phát triển không gian đô thị theo 3 vùng đô thị đặc trưng và vùng sinh thái với 12 phân khu gồm: Phân khu ven sông Hàn và bờ đông; Phân khu ven vịnh Đà Nẵng; Phân khu Cảng biển Liên Chiểu; Phân khu Công nghệ cao; Phân khu Trung tâm lõi xanh; Phân khu Đổi mới sáng tạo; Phân khu Sân bay; Phân khu đô thị Sườn đồi; Phân khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Phân khu Dự trữ phát triển; Phân khu sinh thái phía tây và Phân khu sinh thái phía đông bao gồm huyện Hoàng Sa và bán đảo Sơn Trà. Trong quan hệ vùng đô thị, Đà Nẵng sẽ là đô thị biển quốc tế với vị thế là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, khu vực Bắc Tây Nguyên, với đẳng cấp khu vực châu Á.
Bản quy hoạch cũng nhấn mạnh mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố đáng sống; duy trì đa dạng sinh học, khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên; bảo đảm tỷ lệ sử dụng đất hợp lý, tận dụng tối đa ưu điểm, lợi thế của từng vùng; ưu tiên lựa chọn công nghệ giảm phát thải carbon nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam trong hội nghị COP 26.
Trong thời gian tới, Đà Nẵng sẽ cần chú trọng hơn phát triển theo chiều sâu, kết hợp với phát triển theo chiều rộng một cách hợp lý. Trên tinh thần đó, Đà Nẵng cần thực thi bốn định hướng chiến lược sau.
Thứ nhất, cần hình thành nên các khu động lực phát triển nổi bật, có tác dụng là đầu tàu cho việc phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, đem lại nguồn việc làm cho cư dân và tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách, như khu trung tâm kinh tế tài chính CBD mới, khu đô thị sân bay, khu đô thị công nghệ cao,…
Thứ hai, cần nhanh chóng nâng cao chất lượng môi trường sống, bổ sung thêm diện tích không gian xanh công cộng hiện đang chiếm tỷ lệ còn rất thấp trong đô thị, và nâng cấp hạ tầng, bổ sung quy hoạch không gian dành cho nước, để chống ngập hiệu quả hơn, đồng thời giúp cải thiện môi trường đô thị.
Thứ ba, chuẩn bị cho việc tạo lập dần một hệ thống giao thông công cộng hiệu quả, gắn với phát triển đô thị theo mô hình TOD (Transit Oriented Development) để ứng phó sớm với tình hình kẹt xe ngày càng gia tăng, đồng thời tạo nên động lực tăng giá trị cho quỹ đất phát triển và thu hút đầu tư.
Thứ tư, quản lý tốt hơn việc xây dựng nhà cao tầng theo một định hướng xuyên suốt, để tăng giá trị tổng thể cho các khu vực trọng điểm và các tuyến đường chính, giảm thiểu tác động môi trường tiêu cực đến các khu vực lân cận của dự án, như chắn gió mát, che tầm nhìn ra biển, phản chiếu ánh sáng và sức nóng mặt trời,…
Việc đưa các định hướng chiến lược này vào ứng dụng thực tế tại Đà Nẵng có thể bắt đầu từ không gian xanh mặt nước kết hợp với không gian đô thị ven hai bên bờ sông Hàn, có thể ví như không gian “Rồng sông Hàn” của thành phố!
Ảnh: PHẠM HẢI TRIỀU |
“Rồng sông Hàn” của Đà Nẵng
Sông Hàn cần được định hướng quy hoạch như trục chính cảnh quan không gian xanh mặt nước của Đà Nẵng theo hướng bắc nam, với nhiều công trình điểm nhấn ven sông hai bên, bao gồm các công trình văn hóa, nhà hát, bảo tàng, nhà triển lãm, nhà cộng đồng, trung tâm thể dục thể thao, trung tâm giải trí,… Việc xây dựng nhiều cây cầu đẹp, nối hai bờ sông Hàn lại với nhau, mở rộng đô thị về phía đông để phát triển đô thị và du lịch biển là một định hướng chiến lược hiệu quả, giúp cho Đà Nẵng ngày càng trở nên đáng sống, hấp dẫn khách du lịch và cư dân mới.
Điểm nhấn trung tâm của không gian xanh thành phố sẽ là không gian xanh quảng trường tại khu vực Thành Điện Hải, kết nối trực tiếp sang không gian xanh quảng trường khu trung tâm kinh doanh thương mại bờ đông qua cầu đi bộ. Từ đó, tiếp nối vào đại lộ xanh Phạm Văn Đồng về phía đông mở ra biển. Các đại lộ xanh theo hướng đông tây khác cũng đồng thời là những con kênh dẫn gió biển vào sâu trong đất liền, để cải thiện vi khí hậu đô thị. Không gian xanh quảng trường hai bên sông đó cũng tiếp nối với không gian xanh hai bên sông Hàn nối về vịnh Đà Nẵng ở phía Bắc và lan tỏa ra khu vực ven các nhánh sông Cẩm Lệ - sông Đô Tỏa - sông Cổ Cò ở phía nam. Các công trình cao tầng ven sông được tổ hợp thành cụm để không tạo thành bức tường cao ốc, và không chắn tầm nhìn thoáng về phía biển, về phía Sơn Trà, và về phía Ngũ Hành Sơn.
Khu trung tâm thành phố hai bên sông Hàn là khu vực điểm nhấn quan trọng nhất của toàn bộ tuyến sông. Trong bối cảnh không gian khu trung tâm hiện hữu bờ tây đang dần trở nên chật chội, chưa xứng tầm với quy mô và nhu cầu của một thành phố toàn cầu, thì sắp tới Đà Nẵng cần tập trung nguồn lực cho việc xây dựng tạo lập nên một khu trung tâm mới bên kia sông Hàn phía bờ đông, với chức năng chính là khu trung tâm kinh doanh thương mại (Central Business District - CBD) và là trung tâm kinh tế tài chính với bản sắc hiện đại, thông minh, đáng sống, và thân thiện với môi trường.
Không gian ngầm khu vực trung tâm CBD bờ đông cần được quy hoạch bài bản, bao gồm kết nối không gian ngầm của các công trình cao tầng lại với nhau, nối vào không gian ngầm của đầu mối trung tâm metro ngầm tương lai của thành phố tỏa đi khắp nơi, nối với sân bay, cảng biển, nhà ga đường sắt, và các khu vực trọng điểm khác. Hệ thống metro ngầm và nổi này, kết hợp với mạng lưới xe buýt phủ kín khu vực nội thành, sẽ giúp cho việc phát triển đô thị nén (Compact City) theo mô hình TOD (Transit Oriented Development), vừa tiện lợi, vừa hiệu quả về mặt kinh tế, vừa giúp tạo thêm nguồn thu ngân sách không nhỏ từ giá trị gia tăng của quỹ đất xung quanh, vừa giúp cho người dân trong đó có thể lựa chọn đi lại khắp nơi mà không cần xe cá nhân.
TSKH.KTS. NGÔ VIẾT NAM SƠN