Khi nói về lịch sử nghệ thuật nhiếp ảnh ở Việt Nam, người ta phải nhắc đến buổi khai sinh gắn với hai bức ảnh được chụp bằng kỹ thuật “Daguerréotype” tại vịnh Đà Nẵng thời vua Thiệu Trị của Alphonse Eugène Jules Itier, thanh tra thuế quan, phái viên của Bộ Thương mại và Tài chính trong Phái bộ Pháp tại Trung Hoa, thành viên Phái bộ Pháp đến cửa biển Đà Nẵng trên tàu l’Alcmène cuối tháng 5-1845. Đó là những tác phẩm nhiếp ảnh đầu tiên về Đà Nẵng, đồng thời cũng là đầu tiên ở Việt Nam.
Trong hai bức ảnh của Jules Itier, ngoài tấm ảnh chụp cận cảnh “Fort Cochinchinois de Non-Nay”/Pháo đài Phòng Hải trên núi Mỏ Diều ở bán đảo Sơn Trà; bức ảnh còn lại chụp vịnh Đà Nẵng với cận cảnh là phần đất ở chân núi Mỏ Diều, tiếp đến là hòn Mồ Côi/đảo Cô/đảo Quan sát, gần đó là chiếc hải phòng hạm l’Alcmène 3 cột buồm, phía đất liền là cửa sông Hàn và thành phố Đà Nẵng, và xa xa là dãy Ngũ Hành Sơn nhô cao.
Đứng ở góc độ tổng thể, hình dạng xa xa của Ngũ Hành Sơn đã có mặt trên một trong hai bức ảnh đầu tiên về Đà Nẵng và Việt Nam năm 1845 thời vua Thiệu Trị. Tuy nhiên, xét trên góc độ cận cảnh, những bức ảnh về Ngũ Hành Sơn sớm nhất chỉ xuất hiện từ thời vua Tự Đức.
Những bức ảnh cận cảnh về Ngũ Hành Sơn sớm nhất có lẽ thuộc về album ảnh của Émile Gsell (1838-1879), một trong những nhiếp ảnh gia Pháp đầu tiên đến Đông Nam Á giữa thế kỷ XIX, người từng thực hiện bộ ảnh về Sài Gòn và vùng phụ cận theo yêu cầu của chính phủ Pháp để tham gia hội chợ thế giới tại tỉnh Vienne ở nước Pháp năm 1873, và nhận được huy chương.
Bộ ảnh của Émile Gsell có 165 bức ảnh chụp tại Việt Nam và Đông Dương trong khoảng thời gian từ 1866 đến 1879, do Studio photographique Gsell (Saigon) in phóng trong những năm 1875-1879. Bộ ảnh này ban đầu được bảo tồn bởi Bảo tàng Thuộc địa cũ; từ năm 1965 trở thành một phần của Thư viện ảnh Asie du Sud-Est et le Monde Indonésien, viết tắt là ASEMI (Đông Nam Á và Thế giới ngôn ngữ Indonesia).
Các tấm ảnh chụp cảnh Ngũ Hành Sơn của Émile Gsell được thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 4 đến 24-4-1875, khi ông tháp tùng phái bộ của Brossard de Corbigny từ Sài Gòn ra Tourane/Đà Nẵng, rồi đến Huế để thực hiện việc phê chuẩn Hiệp ước Giáp Tuất mà đại diện Pháp và triều đình Huế đã ký kết từ 15-3-1874. Có 3 bức ảnh của Émile Gsell về Ngũ Hành Sơn được chụp vào tháng 4 năm 1875.
Bức ảnh đầu tiên mang tên “Rocher de marbre à Tourane” (Đá Cẩm thạch ở Tourane/Ngũ Hành Sơn ở Đà Nẵng), chụp trên ngọn Thủy Sơn, từ góc nhìn cận cảnh ở lối đi bên hông chùa Tam Thai, với con đường mòn nhỏ đầy cỏ dại phía bên trái dẫn đến núi đá và cổng vào các hang động ở viễn cảnh. Ảnh này được phóng từ đoạn phim số 1126, tráng albumin trên giấy bìa cứng, màu đen trắng, kích cỡ 22x31 cm, số ký hiệu 9 (ảnh 1).
Miêu tả cụ thể dưới bức ảnh này, Philippe Pierre Baptiste in Franchini và Jérôme Ghesquière trong cuốn “Các nhiếp ảnh gia ở Đông Dương: Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Cam Bốt và Lào trong thế kỷ XIX” đã ghi như sau: “Les Montagnes de Marbre (Ngu Hanh Son, les Monts des Cinq Éléments) [Núi Đá Cẩm thạch (Ngũ Hành Sơn, Núi Năm Nguyên tố)] là một thánh địa quan trọng ở Việt Nam. Những ngọn núi đá vôi này bị xuyên thủng bởi nhiều hang động mà con người đã tạo dựng những công trình tôn nghiêm từ thời xa xưa. Người Chăm, rồi người Việt, đã biến thánh địa Bà La Môn giáo này thành một khu phức hợp Phật giáo.
Ở hậu cảnh của bức ảnh, chúng ta có thể thấy một cánh cổng có lẽ cho phép chúng ta tiến sâu hơn vào trong núi” (Philippe Pierre Baptiste in Franchini, Jérôme Ghesquière, “Des photographes en Indochine: Tonkin, Annam, Cochinchine, Cambodge et Laos au XIXe siècle”, Marval & Réunion des musées nationaux, Paris, 2001, p. 90).
Bức ảnh thứ hai mang tên “Entrée de la grotte de marbre à Tourane” (Lối vào hang động Đá Cẩm thạch ở Tourane/Lối vào hang động Ngũ Hành Sơn ở Đà Nẵng), góc chụp nhìn từ lối vào đến chiều sâu bên trong động Hoa Nghiêm ở ngọn Thủy Sơn với bệ thờ bằng đá và tượng Phật bà Quan Thế Âm. Ảnh này được phóng từ đoạn phim số 823, tráng albumin trên giấy bìa cứng, màu đen trắng, kích cỡ 23x16 cm, số ký hiệu 24 (ảnh 2).
Cuốn “Các nhiếp ảnh gia ở Đông Dương: Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Cam Bốt và Lào trong thế kỷ XIX” của Philippe Pierre Baptiste in Franchini và Jérôme Ghesquière miêu tả cụ thể dưới bức ảnh này là động Auguste Transformation (động Hóa Nghiêm- nghĩa là động hóa thành tôn nghiêm), cụ thể như sau: “Ảnh hang động Auguste Transformation ou Hoa Nghiem Dong (động Hóa Nghiêm hay Hóa Nghiêm động), trong đó chúng ta thấy một bàn thờ bằng đá thờ Bồ Tát dưới hình dáng của Phật Bà Quan Âm. Ảnh chụp ngay chính lối vào hang ở đây chắc chắn là để nhấn mạnh sự huyền bí, đặc điểm của cảnh quan xung quanh đó.
Ở phía trước hang, chúng ta có thể thấy các phần xây dựng để giữ bờ kè của lối đi dẫn vào hang động. Đây là nơi cao nhất của Ngũ Hành Sơn (thánh địa của Việt Nam, nằm ở Trung Kỳ chứ không phải ở Nam Kỳ như truyền thuyết kể lại). Thảm thực vật dày đặc che phủ khối đá của lối vào. Ở phía dưới, trong chính hang động, chúng ta thấy một sự sắp đặt tôn giáo: một vài bậc cấp, một bàn cúng dường và tượng thần/phật” [Op. cit., p. 92].
Bức ảnh thứ ba mang tên “Porte d’entrée de la Grotte de Marbre à Tourane” (Cửa vào hang động Đá Cẩm thạch ở Tourane/Cửa vào hang động Ngũ Hành Sơn ở Đà Nẵng), chụp chính diện cổng đi vào động Huyền Không trên ngọn Thủy Sơn. Ở giữa cổng chính có 3 Hán tự đọc từ phải sang trái rất rõ là 關空玄 [Huyền Không quan - Cửa động Huyền Không]. Ảnh này được phóng từ đoạn phim số 1125, tráng albumin trên giấy bìa cứng, màu đen trắng, kích cỡ 32x25 cm, số ký hiệu 8 (ảnh 3).
Miêu tả cụ thể dưới bức ảnh này trong cuốn “Các nhiếp ảnh gia ở Đông Dương: Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Cam Bốt và Lào trong thế kỷ XIX” của Philippe Pierre Baptiste in Franchini và Jérôme Ghesquière được ghi như sau: “Les Montagnes de Marbre (Ngu Hanh Son, les Monts des Cinq Éléments) [Núi Đá Cẩm thạch (Ngũ Hành Sơn, Núi Năm Nguyên tố)] là một thánh địa quan trọng ở Việt Nam. Những ngọn núi đá vôi này bị xuyên thủng bởi nhiều hang động mà con người đã tạo dựng những công trình tôn nghiêm từ thời xa xưa. Người Chăm, rồi người Việt, đã biến thánh địa Bà La Môn giáo này thành một khu phức hợp Phật giáo.
Trong số những ngọn núi này, Montagne de l’Eau (Thuy Son) [núi Nước (Thủy Sơn)] là ngọn núi cao nhất và linh thiêng nhất. Tại đỉnh núi, mục tiêu cuối cùng của cuộc hành hương, chúng tôi tìm thấy động Huyền Không, ở phía trước là Porte des Mystères Élucidés (Huyen Khong Quan) [Cổng Giải tỏa Huyền bí (Huyền Không quan)], được Gsell chụp ảnh ở đây. Cổng nhỏ chắc chắn được xây dựng trên đỉnh của ngôi chùa này, dưới thời hoàng đế Minh Mạng (1820-1841, triều Nguyễn)” [Op. cit., p. 90].
Qua bộ ảnh về Ngũ Hành Sơn ở Tourane/Đà Nẵng do nhiếp ảnh gia Émile Gsell chụp năm 1875 và nội dung miêu tả bên dưới mỗi ảnh của các tác giả Philippe Pierre Baptiste in Franchini và Jérôme Ghesquière trong cuốn “Các nhiếp ảnh gia ở Đông Dương: Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Cam Bốt và Lào trong thế kỷ XIX”, chúng ta có thể hình dung mức độ nổi tiếng của danh thắng này đối với phương Tây ở thế kỷ XIX đã rất cao, sức thu hút sự chú ý của nó đối với cộng đồng người nước ngoài đã rất lớn.
Những bức ảnh về Ngũ Hành Sơn chụp năm 1875 dưới thời vua Tự Đức của nhiếp ảnh gia Émile Gsell về khách quan không chỉ góp phần quảng bá rộng rãi hình ảnh danh thắng này với trong nước và thế giới, giúp phát huy hơn nữa giá trị tư tưởng, thẩm mỹ, tính nghệ thuật và vẻ đẹp cảnh quan của khu danh thắng; mà còn là những tư liệu hình ảnh lịch sử quý giá để giúp chúng ta hiểu biết sâu hơn, có căn cứ khoa học cụ thể và sinh động hơn về hiện trạng của Ngũ Hành Sơn ngót 150 năm trước.
Ngoài ra, những bức ảnh về Ngũ Hành Sơn của Émile Gsell cũng là những tác phẩm thiết thực góp phần làm phong phú thêm cho lịch sử nghệ thuật nhiếp ảnh thuở sơ khai ở Tourane/Đà Nẵng nói riêng, Việt Nam nói chung.
"Khi nói về lịch sử nghệ thuật nhiếp ảnh ở Việt Nam, người ta phải nhắc đến buổi khai sinh gắn với hai bức ảnh được chụp bằng kỹ thuật “Daguerréotype” tại vịnh Đà Nẵng thời vua Thiệu Trị của Alphonse Eugène Jules Itier, thanh tra thuế quan, phái viên của Bộ Thương mại và Tài chính trong Phái bộ Pháp tại Trung Hoa, thành viên Phái bộ Pháp đến cửa biển Đà Nẵng trên tàu l’Alcmène cuối tháng 5-1845. Đó là những tác phẩm nhiếp ảnh đầu tiên về Đà Nẵng, đồng thời cũng là đầu tiên ở Việt Nam". |
NGUYỄN QUANG TRUNG TIẾN