Với những người quan tâm và yêu mến nghệ thuật tuồng xứ Quảng, không ai không biết tới NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu thành phố. Gần 15 năm làm lãnh đạo nhà hát, NSƯT Trần Ngọc Tuấn đã đưa loại hình nghệ thuật vốn kén người xem như tuồng trở thành sản phẩm phổ biến và rất được công chúng yêu thích.
NSƯT Trần Ngọc Tuấn chỉ đạo dàn nhạc hòa tấu của Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Ảnh: X.D |
Đưa tuồng đến gần với công chúng
Gần 15 năm quản lý Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, điều NSƯT Trần Ngọc Tuấn tâm đắc nhất chính là góp phần đưa nhà hát sáng đèn thường xuyên, nghệ thuật tuồng xứ Quảng đến gần hơn với công chúng. Có hai dấu mốc lớn của nhà hát mà ông luôn tự hào, một là đưa tuồng xuống phố vào năm 2015 và hai là nhà hát bắt đầu tự chủ một phần năm 2019.
Dấu mốc đầu tiên khi nguyên Bí thư Thành ủy Trần Thọ làm việc với Sở Văn hóa và Thể thao về phương hướng phát triển hoạt động văn hóa, nghệ thuật Đà Nẵng cho xứng tầm với sự phát triển kinh tế - xã hội, ông Tuấn đã có ý kiến nên tăng cường biểu diễn, sinh hoạt nghệ thuật về đêm tại 2 bờ sông Hàn, trong đó có nghệ thuật tuồng. Sau khi đánh giá kết quả hoạt động, lãnh đạo thành phố quyết định ban hành đề án tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật về đêm tại hai bên bờ sông Hàn. Chương trình tuồng xuống phố đầu tiên ra mắt công chúng ngày 12-7-2015 tạo được hiệu ứng tích cực, vì vậy, được thành phố quyết định đầu tư kinh phí để duy trì biểu diễn phục vụ người dân.
“Để tuồng xuống phố được công chúng đón nhận và duy trì cho đến nay, các tiết mục trong chương trình phải thật hài hòa, gần gũi. Vì vậy, chúng tôi chọn các trích đoạn tuồng dân gian, tuồng hài, tích xưa để biểu diễn. Bên cạnh đó, còn có các tiết mục múa, giới thiệu về hóa trang và phục trang tuồng để thu hút khán giả. Công chúng đến xem tuồng xuống phố để giải trí là chủ yếu, nhưng dấu ấn tuồng trong lòng họ thế nào thì do chúng ta quyết định. Có nghĩa, mình phải có những chương trình hay, không có chuyện làm qua loa. Mục đích đưa tuồng xuống phố là để quảng bá, giới thiệu, giúp người dân hiểu về tuồng, nên phải nỗ lực làm cho tốt. Nếu quảng bá mà dở thì thì công chúng sẽ quay lưng với tuồng”, ông Tuấn chia sẻ.
Dấu mốc thứ hai là khi nhà hát bắt đầu tự chủ một phần, yếu tố then chốt giúp nhà hát sáng đèn thường xuyên. NSƯT Trần Ngọc Tuấn cho biết, lúc đó nhà hát bán vé biểu diễn một chương trình chỉ 50.000 đồng, rất thấp nhưng vẫn ít khách. Về lâu về dài, nếu vẫn tiếp tục với tình trạng trên, chắc chắn nghệ sĩ, diễn viên sẽ nản, thậm chỉ bỏ đi.
Được sự gợi ý của lãnh đạo thành phố, ông cùng anh em nhà hát xây dựng đề án nâng cao hiệu quả hoạt động nhà hát đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, đề xuất quá trình tự chủ một phần về kinh phí hoạt động. Khi đề án được phê duyệt, nhà hát đã tập trung xây dựng các chương trình nghệ thuật chất lượng để tạo thành sản phẩm phục vụ người dân, du khách, đặc biệt là khách quốc tế.
Từ đó, nhà hát ra mắt được các chương trình nghệ thuật tổng hợp như: “Hồn Việt”, “Trầm tích sông Hàn” và mới đây là “Sắc Việt” và “Con đường di sản” biểu diễn ở sân bay Đà Nẵng, góp phần tăng nguồn thu cho nhà hát, bảo đảm đời sống của anh em nghệ sĩ, diễn viên. Trung bình mỗi năm, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh phục vụ người dân, du khách khoảng 200 buổi diễn. Ngoài ra, nhà hát vẫn duy trì chương trình đưa tuồng vào trường học với những trích đoạn liên quan đến các nhân vật lịch sử nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Các chương trình nghệ thuật của Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh ngày càng đến gần hơn với người dân, du khách. Ảnh: X.D |
“Nhạc trưởng” của sân khấu tuồng
Xuất thân là một nhạc công, chưa từng diễn tuồng, thế nhưng, NSƯT Trần Ngọc Tuấn đặc biệt am hiểu về tuồng, thuộc làu từng câu hát, động tác múa trong biểu diễn tuồng. Điều này một phần là do người nhạc công đòi hỏi phải quan sát kỹ từng diễn biến trên sân khấu, động tác, cử chỉ của diễn viên để đánh khớp nhạc; phần còn lại là bởi ông có tình yêu, niềm đam mê đặc biệt với tuồng nên luôn tự mày mò, học hỏi từ các thế hệ nghệ sĩ, diễn viên.
Khi làm công tác quản lý , ông vẫn không ngừng học về tuồng, trực tiếp tham gia chỉ huy dàn nhạc, trình diễn tại các chương trình quan trọng và liên hoan sân khấu trong nước. “Tuồng chính là một phần cuộc sống của tôi. Vậy nên, tôi tâm niệm những gì mình có thể làm được cho nhà hát, cho nghệ thuật tuồng xứ Quảng thì phải dốc sức làm. Tôi vẫn thường nói với anh em nhà hát, tuồng luôn sống trong nhân dân. Vì vậy, chúng ta phải đưa tuồng đến gần với nhân dân để tình yêu này sống dậy. Đây cũng là cách tốt nhất để bảo tồn và phát huy nghệ thuật tuồng truyền thống”, ông Tuấn bày tỏ.
Chưa đầy một năm nữa, NSƯT Trần Ngọc Tuấn nghỉ hưu, xa dần ánh đèn sân khấu, nhưng nền tảng mà ông để lại cho nhà hát, đặc biệt là các diễn viên, nhạc công trẻ rất vững chắc. Trong thời gian làm quản lý, ông đã góp phần đưa Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh trở thành đơn vị đầu tiên của ngành văn hóa Đà Nẵng được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2017), giúp nhà hát giành nhiều giải thưởng ở các hội thi, hội diễn, liên hoan cấp khu vực và cả nước.
Sau hàng loạt đoàn tuồng khác trên cả nước phải giải thể hoặc sáp nhập, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh vẫn hiên ngang đứng vững và có bước phát triển, trở thành 1 trong 3 nhà hát tuồng tại Việt Nam còn hoạt động cho đến nay. “Suốt những năm qua, tôi luôn quán triệt anh em nghệ sĩ, diễn viên phải giữ tác phong chuẩn mực, kỷ luật và chuyên nghiệp, kể cả sau ánh đèn sân khấu. Làm nghệ thuật, nhất là nghệ thuật truyền thống tuyệt đối không được cẩu thả, dễ dãi”, ông Tuấn chia sẻ.
Các tiết mục biểu diễn của Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh thường xuyên xuất hiện trong các lễ hội, sự kiện văn hóa - du lịch của thành phố. Ảnh: X.D |
Trong bối cảnh các đơn vị hoạt động nghệ thuật truyền thống thiếu trầm trọng diễn viên trẻ, NSƯT Trần Ngọc Tuấn đã xin được cơ chế của thành phố cho phép đưa đi đào tạo và tuyển chọn được 12 diễn viên trẻ. Công tác ở Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, diễn viên trẻ được các thế hệ nghệ sĩ, diễn viên đi trước bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; đồng thời được nhà hát tạo điều kiện biểu diễn và đi cọ xát tại các hội thi, liên hoan nghệ thuật cấp khu vực và quốc gia để trui rèn bản lĩnh, kinh nghiệm, vững vàng đứng trên sân khấu.
“Điều đáng mừng là các em có đủ cả tài và sắc, ngày càng bộc lộ năng lực, từng bước đảm nhiệm được các vai diễn khó. Cùng với đó, thành phố cũng tạo điều kiện, cơ chế riêng cho nhà hát ổn định nhân lực hoạt động. Trong những năm tới, đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên của nhà hát không cần phải thay đổi, tăng cường. Tôi tin rằng, với những nền tảng đó, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh sẽ phát triển tốt trong tương lai”, ông Tuấn khẳng định.
NSƯT Trần Ngọc Tuấn sinh năm 1963 tại thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam). Ông bắt đầu sự nghiệp nghệ thuật tuồng từ năm 1981 với vai trò nhạc công Đoàn nghệ thuật tuồng Quảng Nam - Đà Nẵng. Sau khi tách tỉnh năm 1997, ông tiếp tục gắn bó với nghệ thuật tuồng ở Đà Nẵng và có nhiều thành tích trong công tác phát triển loại hình diễn xướng dân gian này. Năm 2010, ông được phân công làm Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh và hai năm sau được phong tặng danh hiệu NSƯT. Đến năm 2014, ông Tuấn được bổ nhiệm làm Giám đốc Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. |
KHÔI NGUYÊN