Quà quê ra phố

.

Giữa tấp nập phố phường, những thức “quà quê” thi thoảng xuất hiện trên các vỉa hè, góc phố làm xốn xang bao tâm hồn...  

Rổ sim quê giữa phố xá tấp nập nhắc nhớ bao kỷ niệm ngày ấu thơ…     Ảnh: Q.Tr
Rổ sim quê giữa phố xá tấp nập nhắc nhớ bao kỷ niệm ngày ấu thơ… Ảnh: Q.Tr

1- Ngày nhỏ, mỗi lần được về quê (huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam), trong tôi lẫn lộn bao cảm xúc. Những buổi sáng phải dậy sớm với món ăn sáng là… cơm hiện lên trong đầu khiến tôi cứ ngần ngại. Cảnh buồn hiu hắt khi chiều buông, không ánh đèn điện khi đêm về, những con tắc kè, ve, châu chấu… râm ran suốt đêm khiến tôi ớn lạnh. Thế nhưng, hình ảnh những quả dại ở quê như bùi dẻ, mâm xôi, mắt mèo, sim, trâm… “xoẹt” ngang qua đầu lại khiến tôi… chảy nước chân răng. Những quả dại ngày ấy sao mà ngon đến thế. Nó hấp dẫn đến nỗi chị em tôi đã đem bằng hết những chôm chôm, nho, mãng cầu và cả bánh kẹo mà mẹ đã “tiếp tế” chỉ để đổi với tụi trẻ con trong làng những quả dại be bé ấy.

Sáng nay, trên đường đi làm, tôi đứng sững lại khi đi qua một góc ngã tư. Mắt tôi vừa lướt qua một thứ gì đó thân thuộc lắm, mà bất ngờ, tôi chưa thể gọi tên. Bỗng, câu văn tả mà tôi rất thích trong tạp bút: “Bà ơi, bán cho con lon nén” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vang lên trong đầu. “Hồi nhỏ mỗi lần xin được tiền của mẹ, tôi sung sướng nắm chặt tờ giấy bạc trong tay, chạy ù xuống chợ, hổn hển trước các mủng mẹt: “Bán cho con một lon sim””. Phải, là quả sim. Một rổ sim quê đầy ắp những trái sim tím béo tròn giữa khung cảnh phố xá tấp nập. Không thể tin được là thức quà quê này đang hiện diện giữa phố. Phải rồi, đang là tháng 8, là mùa sim. Chị bán hàng tên Bình (quê xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc) vừa đặt nhẹ vào rổ sim cái lon đong gạo. “Bán thế nào, cô ơi?”, cùng với tôi, một vài người nữa cũng đến xúm xít quanh rổ sim. Toàn những người lớn, thèm sim hay thèm mùi vị ngày xưa? Đợi vãn khách, tôi nấn ná lại trò chuyện với đôi vợ chồng trẻ. Họ bán những thứ trái cây được hái từ làng. Không có chỗ bán cố định, hai vợ chồng phải dậy trước những người buôn khác từ 1-2 giờ đồng hồ để vào thành phố tìm điểm. Không sạp hàng, không xe đẩy, chỉ một tấm bạt nhỏ trải ra ở góc chợ, bày những trụ, mãng cầu xiêm… thân thuộc. Mùa nào thức ấy. “Như rổ sim này không phải hôm nào cũng có đâu. Thường người dân đi núi hái về bán lại cho chúng tôi. Khoảng tháng 7, tháng 8 hằng năm là có sim”.

2- Trong những người trẻ có gia đình gốc Quảng Nam (như tôi) luôn có sự “lấn cấn” giữa “quê và phố”. Rất khó để về quê sinh sống nhưng hễ thấy ở phố có cái gì giống quê là lại thương. Có hôm tôi thèm miếng bánh đúc chấm mắm nêm đến chảy nước miếng mà chạy quanh thành phố tìm không ra. Nhớ những mẹt bánh gạo nóng hổi, màu nâu sẫm, được bày trên chiếc mâm to, dưới bánh có lót lá chuối xanh. Bên cạnh là chén mắm nêm giã ớt, tỏi, chanh mà chỉ biết xuýt xoa nhớ. Một lần, vô tình đi chợ sớm, chợt nghe tiếng rao: “Bánh đúc nóng hổi, năm nghìn một bịch đây”. Tôi liền ù chạy ngay đến chỗ phát tiếng rao, thấy người đàn ông bên chiếc xe máy, trên yên xe là mâm bánh đúc gạo đỏ, cũng được lớp lót lá chuối, cũng có mắm nêm, đậu phộng, tôi mừng như đứa trẻ được mẹ cho quà. Người đàn ông giọng Quảng Nam đặc sệt cho biết, ông làm nhiệm vụ đi bán, còn bà ở nhà làm bánh. 5 giờ sáng mỗi ngày, ông từ Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc) chạy xe ra đây. Đầu tiên là bán dọc đường biển cho những người đi biển sớm. Đến khoảng 6 giờ 30 là về lại góc chợ An Hải Đông này. Bình thường, khoảng 8 giờ sáng là đã hết bánh. “Ngày trước, tôi chỉ chở theo mâm bánh và chai mắm nêm. Gần đây, nhiều người ăn góp ý làm thêm nước tương để chấm. Những người trung niên, lớn tuổi thì họ ăn bánh đúc mắm nêm được, nhưng con cháu họ lại không thích mắm nêm. Thứ bánh dân dã này phải chấm mắm nêm mới đúng bài nhưng người thành phố họ khác, mình phải chiều theo”, ông chia sẻ. Vậy là với gói bánh đúc năm ngàn đồng, khi khách đến mua, ông luôn bỏ 2 gói nước, một mắm nêm và một nước tương. Đôi khi ông bỏ sẵn ngay cả khi khách không yêu cầu nước tương với một suy nghĩ “cực đoan”: “Mới sáng nghe mùi mắm nêm chắc tụi trẻ không thích. Bỏ thêm gói nước tương, biết đâu nó đi ngang thấy dậy mùi hương gạo mới, ăn thử một miếng thì có nước tương mà chấm”. Có lẽ, chỉ có những người dân quê mới có cách buôn bán hồn hậu như thế!

Nông sản mộc mạc ra phố. 					  Ảnh: Q.Tr
Nông sản mộc mạc ra phố. Ảnh: Q.Tr

3- Trong thời buổi mà ăn gì cũng sợ thuốc bảo vệ thực vật tồn dư, kháng sinh quá liều, những sạp hàng quê tuy quê kiểng, không đẹp mắt nhưng những chuyến hàng của họ lại “chở” được niềm tin cho người mua hàng. Ở các chợ, không hiếm lần chúng tôi bắt gặp ở các chợ những rổ rau bí, rau lang, so đũa, bông súng hay điên điển… được đựng từng nắm nhỏ trong những cái rổ/rế tre. Và đó chính là “hàng” rau nhanh hết nhất chợ. Các loại rau này vì lạ miệng, vì yếu tố “an toàn” trong suy nghĩ của người phố, hay đơn giản vì nó ẩn sự đậm đà của quê nhà, khiến người ta thương, nhớ? Ở hầu hết các chợ, không chỉ rau, còn có “thịt quê”. Và nếu để ý có thể nhận thấy các chị nhà quê luôn là người đến sớm nhất và ra về muộn nhất. Có lẽ cũng bởi tâm lý “ăn nhờ ở đậu”. Chị Thúy (tổ 1 Cẩm Nam, Hội An, hiện bán tại chợ Cây Me, đường Trần Bình Trọng) thiệt thà kể, chị gắn bó với chợ Cây Me đã 7 năm nay. Ngày đó, khi theo chân những người dân Hội An ra Đà Nẵng buôn bán, chị chỉ dám nghĩ sẽ chọn những chợ nhỏ nhỏ ở ngoại ô chứ không dám vào khu vực trung tâm vì sợ cạnh tranh không nổi. Thế nhưng, khi chị ra đến khu vực này thì được bà con thương tình mua ủng hộ nhiều. Vậy là chị dừng bước ở đây. Đã 7 năm trôi qua, chị đã quen thuộc với lối bán-mua thị thành nhưng những thức quà của chị vẫn bày biện khiêm tốn trên chính chiếc xe máy của mình. Chiếc xe máy với 2 sọt hàng đủ sản vật phố Hội từ các loại bánh khô, nổ, tổ, khoai, sắn đến bắp, bánh chưng, tét. Nhiều khách mua hàng chị đã quen, khi nhà có giỗ quảy, họ lại quầy tìm chị, nhờ mua giúp cao lầu và chả đòn ngon ở Hội An. “Xe hàng này đã giúp tôi nuôi 3 đứa con ăn học nên người. Những hôm bán ở chợ không hết, tôi đi bán dạo quanh khắp các ngõ ngách của thành phố. Giờ tôi còn thân thuộc với các cung đường này còn hơn những tuyến đường ở Hội An”, chị Thúy thổ lộ.

4- Niềm lưu luyến những chút “quê mùa” giữa phố thị dường như không chỉ của riêng tôi. Một vài năm trở lại đây, công viên phía tây cầu Rồng luôn được dành để trang trí góc chợ quê. Ở góc chợ ấy, những đôi quang gánh, đồ dùng nhà nông bằng tre, nứa được bày biện bên ụ rơm… Góc chợ ấy luôn đặc biệt thu hút người dân và du khách đến tham quan, chụp ảnh. Đó có thể xem là những món quà nhà quê khác - quà tinh thần, để không chỉ người đứng tuổi nhớ về quê xưa mà còn để lớp trẻ phần nào hình dung được những nét vốn có của làng quê Việt. Thi thoảng, ở những góc ngã tư, tôi vẫn thấy những người đàn ông đang cặm cụi chẻ tre, đan thành những cái rổ nhỏ hoặc bện những con châu chấu, chiếc máy bay, con cá… từ lá dừa, thứ đồ chơi con trẻ rất đỗi đơn sơ, song mang cả hồn quê vào phố thị.

Hồn quê len vào phố thị bằng nhiều cách như thế. Nhưng đối với tôi, những gánh quà quê lại có một vị trí thật đặc biệt. Những gánh quà không chỉ chứa cả những ký ức tuổi thơ mà còn khiến thành phố nơi tôi đang sống thêm bình dị, gần gũi. Đường phố, vỉa hè ngày càng rộng rãi, tinh tươm, nhưng mỗi ngày, tiếng rao lại thêm thưa vắng. Cứ thấy thiếu thiếu, thương thương những gương mặt nhà quê chất phác cùng những gánh hàng thơm thảo, ngọt bùi...

Quỳnh Trang

;
.
.
.
.
.