Chiến dịch Đà Nẵng (1858-1860) qua tường thuật của sĩ quan tham chiến Pháp

Bài 3: Cuộc tàn phá thành Điện Hải và lần thoái bộ đầu tiên

.

Ngày 4-9-1858, một mùi khó chịu xuất hiện từ các đống đổ nát của kho thuốc súng (ở thành An Hải - NQTT). Theo yêu cầu của chỉ huy đơn vị chúng tôi, liên quân cử đến một toán lính Tagal và đội công binh để phụ giúp chúng tôi trong một công việc u buồn ảm đạm. 45 tử thi được thu lượm và chôn cất ở gần bờ sông. Chúng tôi cũng tìm thấy bản thiết kế của tòa thành, nó rất chuẩn mực, nhưng bản vẽ trông thô sơ hơn so với bản vẽ thành Điện Hải được lính công binh tìm thấy ngày hôm qua.

Toàn cảnh vịnh Đà Nẵng: đánh chiếm đồn Ba. Theo tranh vẽ của Đại úy pháo binh hải quân F. Lacour, trích từ Le Monde Illustré, Paris, 1860 (1/Đồn Hai – 2/Pháo đài Phòng Hải của đồn Trấn Dương – 3/ Đồn Trấn Dương – 4/ Nhà kho – 5/ Xưởng đóng thuyền – 6/ Khu mổ gia súc – 7/ Ụ pháo – 8/ Ống dẫn nước). Nguồn: Aubert, Histoire militaire de l’Indochine française des débuts à nos jours (juillet 1930), Tome I, Imprimerie d’Extrêmme-Orient, Hanoi-Haiphong, Exposition Coloniale Internationale de Paris de 1931.
Toàn cảnh vịnh Đà Nẵng: đánh chiếm đồn Ba. Theo tranh vẽ của Đại úy pháo binh hải quân F. Lacour, trích từ Le Monde Illustré, Paris, 1860 (1/Đồn Hai – 2/Pháo đài Phòng Hải của đồn Trấn Dương – 3/ Đồn Trấn Dương – 4/ Nhà kho – 5/ Xưởng đóng thuyền – 6/ Khu mổ gia súc – 7/ Ụ pháo – 8/ Ống dẫn nước). Nguồn: Aubert, Histoire militaire de l’Indochine française des débuts à nos jours (juillet 1930), Tome I, Imprimerie d’Extrêmme-Orient, Hanoi-Haiphong, Exposition Coloniale Internationale de Paris de 1931.

Tại thành Điện Hải, những người lính làm công việc thu dọn chiến trường đi thu lượm đạn dược và thu giữ những khẩu đại bác bằng đồng. Họ đóng đinh vào họng những khẩu súng bằng gang sau khi đã đập vỡ các trục quay nòng súng. Công binh đào những lỗ đặt mìn dưới chân các ổ hỏa lực tại những góc lồi để chuẩn bị làm nổ tung tòa thành.

Ngày 5-9-1858, những người lính thu dọn chiến trường tiếp tục công việc ở thành Điện Hải. Họ tìm thấy những kho lúa gạo lớn trên bờ trái sông Hàn. Các giếng nước xung quanh được công nhận là nước có chất lượng đủ tốt, mặc dù có một chút vị giác lờ lợ.

Các phái viên của Đức cha Pellerin vừa mới đến doanh trại, họ thông báo rằng có thể đêm nay chúng tôi sẽ bị tấn công bởi một đội quân chừng 10.000 người.

Vào 7 giờ chiều, các mệnh lệnh được ban hành để chuẩn bị nghênh chiến. Các toán quân từ thành Điện Hải đổ bộ lên bờ sông phía chúng tôi (phía hữu ngạn - NQTT) và đóng quân dọc theo bờ biển, phía sau thành An Hải. Họ đặt những trạm gác lớn. Thành An Hải phải trở thành cứ điểm chống trả của phòng tuyến chiến đấu được kéo dài đến tận trại quân, với sự tăng cường thêm Đại đội 24 của Đại úy Mitrau và một khẩu đội súng cối.

Suốt đêm chúng tôi đều hết sức cảnh giác. Đến 11 giờ khuya, một khẩu súng đại bác đã bị hất tung bởi chiếc xuồng vũ trang chiến đấu, tách ra khỏi chốt bảo vệ con sông. Cùng thời điểm này, một đại đội của Đại úy Aubein từ doanh trại triển khai thực hiện một chuyến đi trinh sát. Quân An Nam đã không xuất hiện. Nếu họ thực sự ở gần chúng tôi, điều có thể bảo đảm chắc chắn là chúng tôi sẽ không bị bất ngờ.

Ngày 6-9-1858, binh lính ở thành Điện Hải đã hoàn tất cuộc di tản. Những khẩu súng cối và đạn dược đều đã được di chuyển sang thành An Hải. Vào 11 giờ sáng, tòa thành bị kích nổ thổi tung lên, thiêu cháy cả những ngôi nhà ở khu vực phụ cận. Không có sự cố nào xảy ra trong đêm đó.

Ngày 7-9-1858, điểm nhấn trong ngày là một phân đội vũ trang được cử đi để tìm kiếm sự sống trên eo đất nối bán đảo Sơn Trà với đất liền. Lúc 8 giờ sáng, họ trở lại thành An Hải với 27 bảy con gia súc, gồm bò đực, bò cái, bê, heo (lợn) cùng gà vịt, lúa gạo, dưa chuột, những quả cam xanh ngon mắt, chanh, cà tím, đậu xanh, chuối, lựu, hẹ, muối và đường miếng. Cuộc vơ vét này là cần thiết; bởi vì, đoàn quân viễn chinh thiếu thốn thực phẩm tươi sống, một số trường hợp bệnh nhân mang bệnh suy nhược đã được nhận diện nghiêm trọng, nhất là số thủy thủ đoàn của các tàu đã từng ở Trung Quốc (trước khi sang Đà Nẵng - NQTT).

Những toán lính Tagal chiếm đóng ở đồn Hai trên đảo Cô được đối xử bình đẳng. Họ nói rằng chuột xạ với số lượng lớn ở dưới con đường sàn đóng cọc nối đảo với đất liền mà tất cả ưa thích đều có trong tự nhiên.

Liên quân tiếp tục gửi đạn dược đến thành An Hải. Chúng tôi vẫn nhận được ba khẩu súng cối và các thiết bị y tế cứu thương từ đoàn quân viễn chinh.

Vào 4 giờ chiều, các xuồng vũ trang chiến đấu tiến vào sông Hàn, một trong số thuyền đó bắn một phát đạn pháo. Đến 6 giờ chiều họ trở lại vị trí quan sát của mình. Doanh trại được đổi hướng bởi sự chuyển đổi phòng tuyến sang bên phải mà thành An Hải là vị trí then chốt.

Ngày 10-9-1858, vào lúc 4 giờ chiều, các toán quân rời khỏi doanh trại và triển khai chiếm giữ các vị trí được giao trong trường hợp bị tấn công. Phòng tuyến trải dài theo những cồn cát bên trái thành An Hải. Các khẩu đội súng cối được bố trí trong phạm vi của các tiểu đoàn. Hai đại đội, bao gồm đại đội lính Tagal, được triển khai tỏa ra phục kích cách 200 mét phía trước phòng tuyến. Các đại đội ở thành An Hải được thay thế bằng lực lượng hải quân. Đến 6 giờ chiều, vị trí của từng đơn vị tác chiến đã được xác định xong, các toán quân trở lại doanh trại.

NGUYỄN QUANG TRUNG TIẾN


(Lược dịch và hiệu chỉnh thuật ngữ chuyên môn từ Colonel Henri de Ponchalon, Indo-Chine, souvenirs de voyage et de campagne, 1858-1860, Maison A. Mame et Fils à Tours, Paris, 1896)

;
.
.
.
.
.
.