Các sạp báo rồi sẽ ra sao?

.

Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số đã khiến báo giấy (báo in) trải qua một giai đoạn hết sức khó khăn, kéo theo sự giảm sút các sạp báo. Tuy vậy, vẫn còn đó những chủ sạp báo nặng lòng với nghề, những lớp người giữ thói quen, sở thích đọc báo giấy…

Các sạp báo tại Đà Nẵng hiện còn khá ít. Đó không chỉ là nơi bán báo mà còn góp phần tạo nên nét đẹp văn hóa đọc cho thành phố. Vì thế, tạo điều kiện để duy trì các sạp báo là điều các ngành chức năng cần quan tâm.
Các sạp báo tại Đà Nẵng hiện còn khá ít. Đó không chỉ là nơi bán báo mà còn góp phần tạo nên nét đẹp văn hóa đọc cho thành phố. Vì thế, tạo điều kiện để duy trì các sạp báo là điều các ngành chức năng cần quan tâm.

Gần 20 năm bán báo và có thói quen đọc báo từ hồi trẻ, bà Châu Thị Lượng (62 tuổi, chủ sạp báo ở đường Hàm Nghi) kể rằng, những năm 1990, ở Đà Nẵng có khá nhiều sạp báo. Hầu như ngã tư nào của quận trung tâm cũng có, phổ biến nhất là vỉa hè đường Bạch Đằng, Lê Duẩn, Yên Bái, Hùng Vương…

Đến năm 2001, bà bỏ nghề làm băng đĩa, cũng là lúc UBND quận Thanh Khê cho dựng 4 ki-ốt cạnh bờ hồ đường Hàm Nghi vừa bán văn phòng phẩm vừa bán báo, bà đăng ký 1 ki-ốt bán từ khi ấy đến tận bây giờ.

“Thời điểm ấy, các tầng lớp nhân dân đều tìm đến báo giấy. Mỗi sáng, trước khi đi làm, anh công chức tạt ngang qua các sạp báo mua một vài tờ báo mình yêu thích. Người dân lao động cũng tranh thủ lúc rảnh rang đọc báo rồi bàn tán rôm rả đủ thứ chuyện từ thời sự trong nước đến an ninh trật tự, đời tư của làng giải trí…”, bà Lượng nhớ lại.

Theo thống kê của Hiệp hội Internet Việt Nam, từ năm 2008, 24% tổng dân số cả nước sử dụng Internet và tính tới giữa năm 2017, con số này ở mức 67% tổng dân số cả nước. Điều này kéo theo sự dịch chuyển xu hướng đọc báo giấy sang báo điện tử.

Nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi này như: cuộc sống nhanh và gấp gáp với khối lượng công việc khổng lồ nên nhiều người tìm đến báo mạng như một cách cập nhật tin tức tối ưu. Với lợi thế không thể phủ nhận là cập nhật tin tức nhanh, tính thời sự cao, thông tin đa chiều và linh động, báo mạng đáp ứng đầy đủ những tiêu chí mà độc giả hiện đại cần.

Sự thưa vắng dần các sạp báo trên địa bàn thành phố là minh chứng dễ thấy cho sự thay đổi này. Bây giờ, muốn tìm mua báo giấy, bạn đọc phải định hình sẵn nơi nào bán chứ không dễ gặp đâu mua đó. Những sạp báo còn lại đều có thâm niên hàng chục năm.

Các chủ sạp báo này cũng cho biết, lượng báo bán ra chỉ bằng 1/4 so với trước đây và để bảo đảm thu nhập, đa số các sạp báo bán kèm nước giải khát, thẻ điện thoại và những đồ dùng khác.

Gần 20 năm bán báo, bà Châu Thị Lượng (62 tuổi, chủ một sạp báo ở đường Hàm Nghi) không hề có ý định bỏ nghề. Với bà, đó không chỉ là mưu sinh mà còn là sự yêu thích.
Gần 20 năm bán báo, bà Châu Thị Lượng (62 tuổi, chủ một sạp báo ở đường Hàm Nghi) không hề có ý định bỏ nghề. Với bà, đó không chỉ là mưu sinh mà còn là sự yêu thích.

Ông Võ Ngọc Lân (57 tuổi), chủ một quầy bán báo thuần túy ngay góc đường Nguyễn Công Trứ - Ngô Quyền (quận Sơn Trà) chia sẻ, ông bán báo ở đây được gần 20 năm, từ thời báo giấy còn được ưa chuộng. “Bây giờ ít ai dám mở sạp báo, những người bán báo dạo cũng nghỉ hết.

Nhìn thì thấy công việc bán báo nhẹ nhàng nhưng thực ra 3 giờ sáng tôi phải dậy lấy báo. Lúc trước thì 2 giờ sáng phải lo chạy xuống chỗ phân phối để lấy báo, nay được giao báo tận nơi nên tôi bán trễ hơn, 3 giờ sáng mới bắt đầu. Nhiều khi báo ế phải mang về cân ký bán giấy vụn để đỡ lỗ vốn”, ông Lân nói.

Dẫu vậy, khi hỏi có lo ngại báo giấy hết thời và bỏ nghề hay không, những người bán báo lâu năm vẫn vững niềm tin rằng báo giấy sẽ vẫn có chỗ đứng, mặc cho báo điện tử hay công nghệ số phát triển mạnh mẽ đến đâu.

Với bà Châu Thị Lượng, mỗi ngày không cầm trên tay tờ báo là có cảm giác như thiếu thiếu cái gì đó. Cảm giác của bà cũng giống như một bộ phận khách quen hằng ngày đến sạp báo này. Họ đa phần là những công chức, người lớn tuổi, một bộ phận giới trẻ có sở thích về bóng đá.

Bà Lượng cho biết thêm, khi báo điện tử ra đời, bà từng lo lắng không bán báo được nữa nhưng rồi đâu cũng vào đấy vì vẫn còn một bộ phận bạn đọc yêu thích báo giấy. Chỉ về phía người đàn ông trung niên đang lựa báo, bà Lượng cho biết đó là khách “ruột” của bà, mỗi ngày vị khách này mua 2-3 tờ báo. Với họ, đọc báo giấy không chỉ đơn thuần là tìm kiếm thông tin mà còn là thói quen khó thay thế, và báo giấy “thân thiện” hơn, bởi có thể cầm nắm được.

“Một trong những lợi thế của báo giấy là chất lượng thông tin bảo đảm. Gần đây, để theo kịp báo mạng, báo giấy cũng đang trong công cuộc cách tân, các vấn đề của đời sống, kinh tế, văn hóa... được bàn giải chuyên sâu, có chọn lọc với những bài chuyên luận sâu sắc”, anh Trần Văn Đức (phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê), một người có thói quen đọc báo giấy chia sẻ.

Trong khi đó, ông Võ Ngọc Lân khẳng định, khi có internet, số lượng người đọc báo giấy giảm đáng kể. Nhưng bẵng đi một thời gian thì những người đọc báo lại quay về với báo giấy. “Mỗi ngày tôi lấy trên 200 tờ báo các loại, có ngày chỉ bán đến 9 giờ sáng là hết. Tôi tin rằng hình ảnh người ta nhâm nhi ly cà-phê sáng bên tờ báo giấy, hoặc thảnh thơi cầm tờ báo giấy trong những lúc rảnh rỗi chắc chắn sẽ mãi còn đó, dẫu thời gian có đổi thay”, ông Lân nói.

NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.
.