Với khả năng bám sát và nhạy bén với nguồn tin trên địa bàn, lực lượng phóng viên ở các đài truyền hình, truyền thanh quận, huyện thường đi đầu trong những thông tin, sự kiện nóng ở các địa phương, nhiều phóng viên trở thành đội ngũ cộng tác viên đắc lực cho các báo, đài của thành phố và Trung ương. Dù còn nhiều khó khăn, song những người làm báo ở cơ sở luôn nỗ lực để đem thông tin đến với người dân nhanh chóng và chuẩn xác nhất.
Phóng viên Đài Truyền thanh-Truyền hình Hòa Vang trong một lần tác nghiệp. Ảnh: Q.K |
Không như phóng viên thuộc các cơ quan báo chí cấp Trung ương và địa phương với nhiều điều kiện thuận lợi hơn về mặt tác nghiệp, cơ sở vật chất, các phóng viên đài truyền hình, truyền thanh cấp quận, huyện hoạt động trong điều kiện khó khăn, vất vả do địa bàn rộng, nguồn nhân lực mỏng, thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, song họ vẫn tâm huyết với nghề.
Phóng viên Trung Trực, công tác tại Đài Truyền thanh quận Cẩm Lệ từ năm 2011 đến nay chia sẻ, đội ngũ phóng viên của đài rất ít, chỉ từ 2-3 người, trong khi chương trình thời sự phát thanh đòi hỏi phải xây dựng hằng ngày; thế nên nhiều khi anh em phóng viên tại đài phải “vắt giò lên cổ” để “chạy” cho kịp tin, bài trong ngày.
Rồi chuyện mỗi người kiêm nhiệm 2 đến 3 vai trò, từ viết tin, quay phim, trực kỹ thuật đến phát thanh viên… là chuyện bình thường. Khó khăn là thế, song với anh Trung Trực, niềm vui của phóng viên đài truyền thanh cấp quận là được gắn bó với cơ sở. Theo anh, việc đi cơ sở, xuống từng khu dân cư, tổ dân phố để viết bài, rồi thấy được sức lan tỏa từ bài viết của mình khiến cho phóng viên đài truyền thanh thêm yêu và gắn bó với nghề hơn.
Kỷ niệm làm anh Trực nhớ nhất đó chính là cách đây vài năm, con đường Tôn Đản, đoạn qua các phường Hòa An, Hòa Phát được nâng cấp, mở rộng theo chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Lúc ấy, mùa mưa đang đến gần mà nhiều hộ dân vẫn còn chần chừ trong việc bàn giao mặt bằng, thế là người phóng viên trẻ đã hăng hái xuống cơ sở, viết bài về công tác bàn giao mặt bằng ở tuyến đường này.
“Bài được phát trên sóng phát thanh chiều hôm ấy không ngờ trở thành đợt phát động thi đua. Hôm sau, cán bộ phụ trách đài truyền thanh phường Hòa An gọi điện phấn khởi cho hay, sau khi nghe bài viết, đã có hộ bàn giao mặt bằng, tạo sức lan tỏa mà nhiều hộ lân cận cũng hưởng ứng bàn giao theo, dù chưa nhận tiền đền bù.
Thế là chẳng bao lâu, các hộ dân hai bên đường đồng loạt bàn giao mặt bằng cho dự án. Sau hiệu ứng của bài viết đầu tiên, tôi lại tiếp tục đưa tin “Hơn 90% hộ dân dọc đường Tôn Đản, phường Hòa An đã bàn giao mặt bằng cho dự án mở rộng, nâng cấp đường”.
Khi tin phát lên, lãnh đạo phường Hòa Phát nghe được, nên cũng hối hả đẩy nhanh công tác vận động giải phóng mặt bằng. Nhờ vậy, tuyến đường Tôn Đản lúc ấy đã hoàn thành sớm, đem lại sự phấn khởi cho nhân dân”, anh Trực chia sẻ.
Còn trên địa bàn huyện Hòa Vang, với mật độ dân cư không đều, địa bàn lại phân bố rộng, nhất là với địa bàn miền núi, thì nỗi vất vả của phóng viên ở cơ sở càng lớn. Muốn có thông tin từ cơ sở, họ phải đi những quãng đường dài hàng chục cây số mới đến được nơi cần đến. Tuy nhiên, vượt lên tất cả, họ vẫn đam mê và nhiệt huyết với nhiệm vụ được giao.
Anh Đặng Công Dân, quay phim kiêm kỹ thuật viên của Đài Truyền thanh-Truyền hình Hòa Vang tâm sự, khó khăn nhất là những sự kiện tổ chức vào buổi đêm ở các xã miền núi như Hòa Bắc, Hòa Phú…, anh em phóng viên vẫn không ngại khó mà đến với địa phương để đưa tin tuyên truyền.
Còn anh Phương Tấn, một trong những phóng viên có thâm niên gần 10 năm công tác tại đài bộc bạch, Hòa Vang là địa phương chịu nhiều ảnh hưởng trong mỗi đợt bão lũ đi qua, những lúc như vậy, anh em trong đài phải trực 24/24 giờ để lúc cần là chạy ngay xuống cơ sở nhằm phản ánh thông tin kịp thời và sớm nhất, vừa để phục vụ cho bản tin phát thanh hằng ngày của đài huyện, vừa cộng tác cho Đài Phát thanh-Truyền hình Đà Nẵng.
“Không chỉ là bão lũ, có những chuyến công tác phải băng rừng, lội suối, dù khó khăn là thế nhưng anh em không nề hà gì mà vẫn làm việc cật lực nhằm chuyển tải những thông tin nóng, nhanh và chính xác nhất đến công chúng địa phương”, anh Tấn tâm sự.
Ông Đặng Công Chiến, Phó trưởng Đài Truyền thanh - Truyền hình Hòa Vang cho biết, được sự quan tâm của lãnh đạo huyện, đến nay, đài đã có nhiều đổi mới cả về nội dung lẫn hình thức tuyên truyền. Ngoài chương trình phát thanh hằng ngày và bản tin truyền hình với 4 số/1 tháng, đài còn thường xuyên cộng tác với Đài Phát thanh và Truyền hình Đà Nẵng, Báo Đà Nẵng, Cổng thông tin điện tử thành phố.
“Để có đủ lượng tin, bài bảo đảm phát sóng, nhất là chương trình hôm nay phải mới hơn chương trình hôm qua cả hình thức lẫn nội dung, phóng viên đài huyện cũng phải đối mặt với những vất vả và thách thức như bất cứ nhà báo nào.
Đội ngũ cán bộ, phóng viên ở đài huyện luôn nêu cao trách nhiệm và tâm huyết với nghề để tạo ra những tác phẩm báo chí chất lượng, đáp ứng tốt nhất nhu cầu thông tin, giải trí của nhân dân trên địa bàn dẫu cho còn nhiều khó khăn, vất vả”, ông Chiến chia sẻ.
Nhớ lại những ngày đầu chập chững bước vào nghề báo, những phóng viên dày dạn kinh nghiệm trong cơ quan đã chia sẻ kinh nghiệm với tôi rằng, muốn bám sát địa bàn mình phụ trách hãy theo sát và học hỏi nhiều hơn nữa ở phóng viên của các đài cấp quận, huyện.
Được chia sẻ, tâm sự những câu chuyện buồn vui trong nghề, tôi mới cảm phục họ ở lòng yêu nghề và “ngọn lửa” đam mê luôn hừng hực cháy. Mặc dù còn đôi chút băn khoăn, trăn trở song tất cả các phóng viên ở cấp quận, huyện vẫn khẳng định gắn bó, tâm huyết với nghề nghiệp mình đã chọn.
“Qua gần 8 năm gắn bó với nghề, có lẽ chỉ những người thực sự yêu nghề, đam mê cái nghiệp làm báo mới có thể gắn bó và sống với nghề. Thương nhất là khi chúng tôi viết bài về những mảnh đời bất hạnh, gia đình có nạn nhân chất độc da cam.
Họ khó khăn trăm bề là thế, nhưng vẫn lạc quan, vẫn vươn lên trong cuộc sống, có người còn đóng góp thêm cho xã hội. Chính họ là bài học cho tôi về nghị lực sống và tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống này”, phóng viên Trung Trực chia sẻ.
QUỐC KHẢI