Vẹn nguyên ký ức đẹp về An Phước

.

Nếu trong thời chiến, ngôi trường làng Cẩm Toại, rồi Trường Tổng An Phước, Trường Sơ học An Phước (những tên trước đây của Trường tiểu học An Phước) được xem là nơi “gieo mầm” những “hạt giống” đầu tiên cho phong trào yêu nước và cách mạng thì ở thời bình, danh tiếng ngôi trường này lại tiếp tục được vang xa hơn khi có nhiều cựu học sinh trưởng thành từ mái trường.

Trong đó có thể kể đến Đại tá Lâm Quang Minh (học sinh khóa 1930- 1931), Bí thư Quận ủy Ngũ Hành Sơn Lê Trung Chinh (học sinh khóa 1975- 1980).

Đại tá Lâm Quang Minh phát biểu trong lễ khai giảng năm học 2004 - 2005 của Trường tiểu học An Phước. (Ảnh do nhà trường cung cấp)
Đại tá Lâm Quang Minh phát biểu trong lễ khai giảng năm học 2004 - 2005 của Trường tiểu học An Phước. (Ảnh do nhà trường cung cấp)

Thắp sáng ước mơ từ nơi “ươm mầm”

Ra trường đã gần 40 năm, nhưng những kỷ niệm đẹp, những bài học quý dưới mái trường tiểu học ngày nào dường như vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của ông Lê Trung Chinh. Ông nhớ lại, lúc đó trường nằm sát quốc lộ 14B, vỏn vẹn với 2 dãy phòng; tính đi tính lại cũng chỉ được vài phòng học đơn sơ, được lợp ngói, đủ chứa vài ba chục đứa học trò nhỏ.

Trên sân trường có cái giếng, ngay sau cái quán nhỏ của ông Cũng. Học sinh đi học thì mặc quần đùi, bữa mang dép bữa không. Cứ đến giờ ra chơi lại ra sân bắn bi, đá gà... Có hôm nóng quá thì chạy ngay ra cái giếng, múc nước lên tắm cho mát. Lúc ấy, không đèn điện gì cả, học nhờ vào ánh sáng tự nhiên là chính.

Ông Lê Trung Chinh bồi hồi nhớ lại: “Khó khăn nhiều nhưng thầy cô có trách nhiệm lắm. Có thầy cô ở địa phương, có thầy cô ở tận dưới phố lên dạy. Thỉnh thoảng, thầy cô giáo lại đến nhà thăm học sinh rồi ra về với vài củ khoai, củ sắn được phụ huynh gửi làm quà”.

Thời đó, môn Đạo đức rất được chú trọng, ông Chinh chia sẻ. Thầy cô dặn học trò, đi ngang đám tang phải dừng lại, bỏ mũ xuống và cúi đầu chào. Kể cả những khi đi ngang những nơi trang nghiêm như: chùa, miếu… cũng phải làm vậy.

Và mãi đến giờ, ông Chinh vẫn luôn nhớ về lời dạy ấy. Rồi ông kể về một người thầy đã lớn tuổi tên Cần, thầy rất thương học sinh. Trong những bài dạy trên lớp, thầy luôn nhắc học sinh gắng học để thành người.

Từ những bài học vỡ lòng dưới mái trường tiểu học An Phước đã nhen nhóm trong ông ước mơ được đứng trên bục giảng, thôi thúc ông vững tin vào sự nghiệp “trồng người”. Ông đã theo nghiệp sư phạm, hoàn thành ước mơ làm thầy giáo của mình rồi chuyển sang công tác ở vị trí Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng trước khi về làm Bí thư Quận ủy Ngũ Hành Sơn.

Đối với Đại tá Lâm Quang Minh, dù đã ở tuổi 96 nhưng cứ ai nhắc đến cái tên An Phước thì ông lại có vô vàn câu chuyện để kể. Ông nhớ rất rõ từng chi tiết, ảnh lưu giữ, trân trọng những kỷ niệm như một kho báu khổng lồ.

Lúc ông đi học, trường có tên là Trường Tổng An Phước. Trường chỉ có 2 lớp: lớp năm (lớp 1 bây giờ), lớp tư (lớp 2 bây giờ). Học sinh đi học mặc quần đùi, áo cảnh vải thô. Trong tuần 7 ngày, thì đi học 5 ngày, thứ năm và chủ nhật được nghỉ. Mỗi học trò khi đến lớp đều mang theo một mo cau có gói cơm và đồ ăn bên trong để ăn trưa.

Một lần nữa, hình ảnh cái giếng trong câu chuyện của ông Chinh được ông Minh nhắc lại. Nhưng lần này ông không kể chuyện tắm mà múc nước lên uống. Ông bảo: “Múc lên rồi uống liền, ấy vậy mà không đau bụng gì cả”.

Có đứa trưa không chịu ngủ thì chơi lò cò. Lúc ấy, những học sinh lười học, bị điểm kém... hay bị thầy cô giáo khẽ tay, rồi phạt lên lớp chép bài vào 2 ngày được nghỉ, thầy đứng canh bên ngoài lớp. Tuy khi đó còn nhỏ tuổi, nhưng lại biết rất rõ về truyền thống yêu nước, hiếu học của ngôi trường đang theo học nên trong ông luôn tự nhận thấy rằng muốn thành người và yêu nước thì phải học, chỉ có con đường học.

Luôn đồng hành cùng nhà trường

Dẫu đã ra trường từ nhiều năm nhưng ông Minh, ông Chinh vẫn luôn nhớ ơn mái trường đầu tiên trên con đường học tri thức, học làm người.

Khoảng 4, 5 năm nay, ông Lê Trung Chinh vẫn hay gửi tặng học bổng cho những học sinh nghèo vượt khó ở Trường tiểu học An Phước. Đồng thời, ông vẫn luôn đồng hành cùng nhà trường trong việc góp ý, định hướng phát triển. Ông luôn mong muốn góp một phần công sức để xây dựng trường ngày càng khang trang, hiện đại hơn.

Còn với ông Minh việc khuyến học gần như là sự nghiệp. Hơn 10 năm nay, ông Minh luôn quan tâm đến chất lượng dạy và học ở trường. Những năm đầu, kinh tế còn khó khăn, ông hỗ trợ về mặt tinh thần, sau này ổn định hơn thì ông giúp đỡ cả về vật chất.

Những khi học sinh trong trường đoạt giải cấp thành phố, ông đều thưởng ngay cho học sinh và giáo viên. Đó là cách ông động viên tinh thần để thầy cùng trò luôn vững bước trong sự nghiệp dạy và học. Với ông, yêu nước, hiếu học luôn đi đầu, tiếp đó là kính thầy, quý bạn, mến trường.

Thời gian cứ mãi dày lên theo năm tháng nhưng sự biết ơn và niềm tự hào về cái nôi đầu tiên dạy mình học, dạy mình làm người vẫn còn mãi trong mỗi cựu học sinh như ông Minh, ông Chinh.

MAI HIỀN

;
.
.
.
.
.
.