Tìm hiểu những nội dung cơ bản của Nghị quyết số 43-NQ/TW

Bài 1: Đà Nẵng phải kết nối các cực tăng trưởng khác

.

LTS: Ngày 24-1-2019, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là nghị quyết rất quan trọng và là văn kiện có ý nghĩa lịch sử, vừa có tính định hướng, đặt ra yêu cầu và tạo nguồn lực có sức động viên rất lớn đối với sự phát triển của thành phố Đà Nẵng trong thời gian đến. Để góp phần tìm hiểu, nghiên cứu, triển khai thực hiện nghị quyết, Báo Đà Nẵng mở chuyên mục “Tìm hiểu những nội dung cơ bản của Nghị quyết số 43-NQ/TW”.

Đà Nẵng phải trở thành một cực tăng trưởng của cả nước, của cả khu vực Đông Nam Á, châu Á-Thái Bình Dương. Nhưng Đà Nẵng không phát triển cho riêng mình mà sự phát triển đó phải kết nối, có tác động tương hỗ đối với các cực tăng trưởng khác trong nước và khu vực. Đó là một trong những quan điểm phát triển Đà Nẵng từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII).

Đà Nẵng phát triển trong sự kết nối, tương hỗ đối với các cực tăng trưởng khác trong nước và khu vực.  						                       Ảnh: THÀNH LÂN
Đà Nẵng phát triển trong sự kết nối, tương hỗ đối với các cực tăng trưởng khác trong nước và khu vực. Ảnh: THÀNH LÂN

Quan điểm thứ nhất ở Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (Khóa XII) về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu “Chiến lược và các chính sách phát triển Đà Nẵng phải đặt trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung-Tây Nguyên và cả nước, có sự kết nối chặt chẽ với các cực tăng trưởng, các trung tâm phát triển khác không chỉ trong nước mà còn với các thành phố khác trong khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương; được xây dựng dựa trên việc khai thác hiệu quả và sáng tạo mọi tiềm năng, lợi thế so sánh, nhất là về tài nguyên biển và đất, vị trí địa kinh tế và địa chiến lược quan trọng của Đà Nẵng trong vùng và cả nước”.

Cơ hội để mở rộng quy mô kinh tế

Như vậy, bên cạnh việc khẳng định chiến lược và các chính sách phát triển Đà Nẵng trong những chặng đường tới phải đặt trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của vùng và cả nước, được xây dựng dựa trên việc khai thác hiệu quả và sáng tạo mọi tiềm năng, lợi thế so sánh, về tài nguyên biển và đất và nhất là vị trí địa kinh tế và địa chiến lược quan trọng của Đà Nẵng, nghị quyết lần này đặc biệt nhấn mạnh, phát triển Đà Nẵng phải có “sự kết nối chặt chẽ với các cực tăng trưởng, các trung tâm phát triển khác, không chỉ trong nước mà còn với các thành phố khác trong khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương”.

Đây được xem là chiến lược trọng tâm cho sự phát triển của Đà Nẵng trong chặng đường tới, bởi vì chỉ có làm tốt chức năng kết nối, Đà Nẵng mới có cơ hội mở rộng quy mô kinh tế, dân số, thị trường nhằm khắc phục hạn chế được nêu ra ở Nghị quyết số 33-NQ/TW cách đây 15 năm và bây giờ là Nghị quyết số 43-NQ/TW, đó là: “quy mô nền kinh tế có tăng nhưng vẫn còn nhỏ, chỉ chiếm khoảng 1,55% GDP cả nước (1); tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm sút so với trước”.

Thật vậy, nhìn lại từng chặng đường phát triển của Đà Nẵng từ sau khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đặc biệt là sau 15 năm thực hiện Nghị  quyết số 33-NQ/TW cho thấy, kinh tế của thành phố ở từng giai đoạn có đặc điểm tăng trưởng khác nhau. Giai đoạn đầu luôn đạt mức cao, cụ thể: giai đoạn 2001-2005, 2006-2010 đạt trên 11,1%/năm; giai đoạn 10 năm 2003-2013 đạt 11,5% (2); tính cả giai đoạn 15 năm 2003-2018 đạt 10% năm, do các năm cuối giai đoạn có sự giảm sút so với trước, năm 2016 đạt 9,04%, 2017 đạt 7,03%, 2018 đạt 7,86%(3). Đặc biệt, thế mạnh góp vào tăng trưởng ở các giai đoạn tăng cao là cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch mạnh(4) gắn với tỷ lệ đô thị hóa cao, cũng đồng nghĩa với việc tỷ lệ đầu tư vốn có đóng góp quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng, cụ thể:

- Giai đoạn đầu chia tách (1997-2000), hầu như việc tích lũy và đầu tư từ nội bộ nền kinh tế của Đà Nẵng khá thấp, tỷ lệ đầu tư chiếm khoảng 37,9% GRDP.  

- Giai đoạn (2001-2005), tỷ trọng tích lũy và đầu tư toàn thành phố tăng nhanh, tỷ lệ đầu tư/GRDP đạt mức hơn 55,4% vào năm 2005 (trong đó vốn đầu tư ngân sách có tỷ trọng tăng nhẹ, lên gần 19,7% GRDP). Tỷ lệ đóng góp của yếu tố vốn lên đến 64,7% trong mỗi 1% tăng trưởng kinh tế của thành phố.

- Giai đoạn 2006-2010, tỷ lệ đầu tư/GRDP đạt mức 70,6% (trong đó vốn đầu tư ngân sách chiếm đến 39,9% GRDP). Đây cũng là giai đoạn mà khu vực dịch vụ thành phố có tốc độ tăng trưởng nhanh (14,9%/năm) nhờ những đầu tư tích cực cho hạ tầng đô thị và hạ tầng du lịch nói riêng, chiếm gần 70% tổng lượng tăng tuyệt đối GRDP của thành phố trong cùng giai đoạn.

Tuy vậy hiệu quả sử dụng vốn đầu tư trong giai đoạn này đã suy giảm (từ mức trung bình của hệ số ICOR thành phố trong khoảng 4-5 đã tăng lên thành 6,4 đồng vốn/đồng GRDP) nên tỷ trọng đóng góp của yếu tố vốn vào tăng trưởng kinh tế thành phố chỉ còn 52,3%, yếu tố lao động không có sự thay đổi thay vào đó là những nỗ lực trong cải cách môi trường kinh doanh khiến hệ số năng suất tổng hợp tăng gấp 2 lần giá trị đóng góp từ 11,8% lên 24,2% trong mỗi 1% giá trị tăng trưởng.

- Giai đoạn 2011-2015, cùng với sự sụt giảm trong nguồn vốn đầu tư từ ngân sách cả về tỷ lệ tương đối và số lượng tuyệt đối, nguồn tích lũy và đầu tư đã giảm, chỉ còn tương đương khoảng 59,4% GRDP (tỷ trọng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước lúc này chỉ còn khoảng 17,4% GRDP), đóng góp của yếu tố vốn vào tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế chỉ còn 43,1%. Năm 2016, tỷ trọng vốn đầu tư chỉ còn khoảng 46,1% GRDP, trong đó vốn đầu tư từ ngân sách chỉ còn khoảng 6,3% GRDP.

Trung ương sẽ có cơ chế, chính sách đặc thù giúp Đà Nẵng đẩy mạnh hợp tác, bảo đảm các liên kết giữa các đô thị trong vùng.  							                          Ảnh: THÀNH LÂN
Trung ương sẽ có cơ chế, chính sách đặc thù giúp Đà Nẵng đẩy mạnh hợp tác, bảo đảm các liên kết giữa các đô thị trong vùng. Ảnh: THÀNH LÂN

Như vậy, để sớm chặn đà “... giảm sút so với trước” và đưa tốc độ tăng trưởng trở lại mức cao theo yêu cầu Nghị quyết số 43-NQ/TW(5) trong bối cảnh tỷ lệ đầu tư vốn giảm, lại đang gặp bất lợi quan trọng trong phát triển do: (1) nguồn cung lao động và đất đai hiện khá thấp(6); (2) quy mô kinh tế và thị trường nhỏ bé, không gian phát triển về chiều rộng đã có giới hạn, chưa thu hút được những nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn lớn ; (3) việc cải thiện năng suất lao động trong toàn bộ nền kinh tế, kể cả ở các ngành dịch vụ quan trọng còn khá khó khăn;

(4) các hạ tầng kinh tế - kỹ thuật tuy đã được chú trọng đầu tư, nhưng đối với một số ngành như: logistics, công nghệ thông tin vẫn chưa bảo đảm nhu cầu và quy mô phát triển, mức độ liên kết giữa các ngành chưa đủ mạnh để lan tỏa tầm ảnh hưởng đến sự phát triển của các địa phương khác trong Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) miền Trung và trong khu vực..., Đà Nẵng không còn con đường nào khác là phải dựa vào việc kết nối chặt chẽ với các cực tăng trưởng, các trung tâm phát triển khác không chỉ trong nước mà còn với các thành phố khác trong khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương để có cơ hội mở rộng quy mô kinh tế, dân số, thị trường... để có quy mô kinh tế phát triển khả thi. Trong đó, Đà Nẵng là đô thị lõi của vùng có mục tiêu giữ cân bằng tăng trưởng so với các đô thị xung quanh và thúc đẩy tăng trưởng liên kết với các đô thị này.

Với vị trí địa kinh tế thuận lợi gắn chặt với cảng biển và cảng hàng không quốc tế có công năng tích hợp đầy đủ là các điều kiện tối ưu để phát triển các dịch vụ kết nối hỗ trợ cho các địa phương khác trong Vùng, Đà Nẵng có vị thế tốt để kết nối, phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao, là nơi đặt văn phòng đại diện, trụ sở của các doanh nghiệp lớn của các địa phương trong Vùng KTTĐ miền Trung và Tây Nguyên và khu vực, chuyên cung cấp các dịch vụ logistics, tài chính, marketing, ứng dụng công nghệ cao… cho các địa phương và khu vực, không chỉ trong nước mà còn với các thành phố khác trong khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương, và đó chính là lối ra trong tầm nhìn phát triển của Đà Nẵng như nghị quyết đã nhấn mạnh.

Đà Nẵng phải trở thành thành phố toàn cầu

Và để thực hiện chiến lược phát triển trọng tâm này, phần nhiệm vụ và giải pháp ở Nghị quyết số 43-NQ/TW cũng hàm ý chỉ ra 3 bước thực hiện:

(1) Đà Nẵng phải sớm thực hiện liên kết giữa các đô thị thông qua việc hình thành và chia sẻ hạ tầng quy mô lớn: sân bay, cảng biển, đường bộ cao tốc, đường sắt cao tốc, các trung tâm phân phối và nghiên cứu phát triển... Trong đó, điều kiện tiên quyết là phải cải thiện được hạ tầng giao thông nhằm tăng cường các liên kết tự nhiên. Khi hạ tầng được cải thiện, Đà Nẵng và các khu vực lân cận sẽ thu hút hơn nữa sự chú ý của thị trường, tạo cơ hội mở rộng các thị trường.

(2) Các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế phải hướng đến xây dựng nền tảng cho việc phát triển vùng kinh tế, như: dần hình thành hệ sinh thái công nghiệp đa dạng và độc lập của mình giữa các đô thị, nhằm chia sẻ vai trò trong chiến lược công nghiệp hóa thông qua kết nối các chức năng công nghiệp (hợp tác đa phương trong phát triển công nghiệp, chuyển giao công nghệ cao, liên kết đào tạo - doanh nghiệp, cung ứng dịch vụ phân phối và thương mại quốc tế…). Trong đó, Trung ương sẽ có cơ chế, chính sách đặc thù giúp Đà Nẵng đẩy mạnh hợp tác, bảo đảm các liên kết giữa các đô thị trong vùng và chính sự gắn kết giữa các đô thị này sẽ tạo nên sự sôi động cho thành phố Đà Nẵng.

(3) Trở thành một thành phố toàn cầu liên kết ở tất cả các cấp: quốc tế, tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, quốc gia và Vùng KTTĐ miền Trung. Vai trò cơ bản của Đà Nẵng là trở thành trung tâm dịch vụ chất lượng cao và cửa ngõ quốc tế của vùng: Mở rộng, nâng cấp sân bay quốc tế Đà Nẵng và mở các chuyến bay trực tiếp tới các thành phố lớn ở châu Á và trên thế giới; xây dựng cảng Liên Chiểu, di dời ga đường sắt, gắn với hệ thống đường bộ, đường sắt cao tốc quốc gia …; thúc đẩy phát triển du lịch, các dịch vụ tài chính, công nghiệp phân phối - hậu cần; đăng cai tổ chức các hội nghị, triển lãm quốc tế và củng cố hình ảnh của thành phố.

Thực hiện mô hình chính quyền đô thị, thu gọn tối đa các tiến trình không cần thiết trong quản lý hành chính giữa các địa phương, các hoạt động cạnh tranh nhằm nâng cao hiệu quả quản trị vùng, hình thành động lực tăng trưởng trong dài hạn, để đạt mục tiêu “Đến năm 2030, hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN; tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á” theo mục tiêu nghị quyết.

PHẠM QUÝ
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Thành ủy

(1) Năm 2003,thời điểm ban hành Nghị quyết 33-NQ/TW là 1,31% (cũng có báo cáo đánh giá hiện nay là 1,39% cả nước,thay vì 1,55%).

(2) Tờ trình số 12 của Ban Thường vụ Thành ủy, ngày 4-10-2013 về Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị.

(3) Báo cáo 15 năm thực hiện NQ 33; Báo cáo năm 2017, 2018 của Thành ủy Đà Nẵng (chỉ tiêu quy hoạch đến năm 2020 là 12 - 13%/năm tại Quyết định 1866/2010/QĐ-TTg).

(4) 12%/năm trong giai đoạn 2020-2030.

(5) Đà Nẵng không có lợi thế về tài nguyên so với các địa phương khác, trừ bãi biển thuận lợi cho phát triển du lịch-dịch vụ, nhưng việc khai thác quỹ đất ven biển cho du lịch chưa có chiến lược sử dụng và khai thác đồng bộ nên đã gây ra tình trạng chia cắt bãi biển, mất những không gian công cộng, vô hình tự bóp nghẹt thành phố trong tương lai.

(6) Trong khi đó, nhiều địa phương khác đã thành công trong việc thu hút các nhà đầu tư lớn (chủ yếu trong lĩnh vực chế tạo), tạo ra động lực phát triển nhanh chóng như: Thái Nguyên (Samsung); Quảng Nam (Trường Hải); Bình Dương (Becamex); Hà Tĩnh (Formosa)... Nhiều dự án lớn chỉ lập ra để giữ đất song triển khai rất chậm, điển hình như các dự án xây dựng các khu đô thị mới, khu công nghệ cao của thành phố.

;
;
.
.
.
.
.