"Xe ôm" thời nay

.

Không còn hình ảnh những người đàn ông lớn tuổi áo quần lam lũ đứng lặng lẽ chờ khách nơi góc phố, các bác tài “xe ôm công nghệ” thời nay hầu hết là người trẻ thuộc thế hệ 9X năng động. Để hành nghề này, ngoài việc có xe máy và biết lái xe, một yêu cầu bắt buộc là mọi giao dịch thông tin giữa tài xế và khách hàng đều thực hiện trên app - ứng dụng của điện thoại thông minh.

Những bác tài “xe ôm công nghệ” thời nay đã nhanh chóng trở nên quen thuộc trên đường phố.
Những bác tài “xe ôm công nghệ” thời nay đã nhanh chóng trở nên quen thuộc trên đường phố.

Đồng tiền mặn đắng

Chuông điện thoại reo, đầu dây bên kia cất tiếng chào lịch sự: “Dạ, có phải chị vừa đặt xe không ạ? - Đúng rồi em! - Dạ, vậy chị đợi em tầm 3-4 phút thôi ạ. Em đang đứng ở Bệnh viện Phụ sản-Nhi, em qua liền đây ạ”.

Đúng 3 phút, điện thoại tôi báo tin nhắn: Xe quý khách đặt đã đến! Cậu thanh niên lễ phép đưa cho tôi chiếc mũ bảo hiểm, cài giúp quai mũ khi thấy khách tay xách nách mang hai túi đồ. Đi đường, cậu nói vài ba câu bắt chuyện, rồi thận trọng hỏi: “Em nói chuyện có làm phiền chị không ạ? - Không, có gì phiền đâu em! - Dạ, vì em ngồi phía trước không quan sát được mặt của khách nên không biết khách có thích nói chuyện không. Đi chung xe với nhau mà im lặng hoàn toàn em cũng sợ khách buồn, nhưng hỏi chuyện thì có nhiều khách không thích”.

Lời nói thật thà của cậu thanh niên trẻ khiến tôi thấy thiện cảm. Đó cũng là lần đầu tiên tôi di chuyển bằng GrabBike - xe ôm công nghệ. Vòng xe bon bon quãng đường xa giúp tôi có cơ hội nghe câu chuyện đến với nghề chạy GrabBike của Đào Hữu L. (sinh viên ngành Công nghệ ô-tô, Trường Trung cấp nghề số 5). L. đến từ thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, vào Đà Nẵng 1 năm thì cũng chừng ấy thời gian L. chạy GrabBike kiếm tiền sinh hoạt. Sau buổi sáng đi học, ăn vội chén cơm, L. lại bật app (mạng đặt xe) để bắt đầu chạy từ 12 giờ trưa đến 11 giờ đêm.

Ngày mới chập chững vào nghề, L. thích chạy xe rong ruổi ngoài đường hơn đi học. Công việc chẳng chút nặng nhọc. Ngồi trên xe máy vi vu, gió mát, thoáng đãng, tự do. Chạy được 1 tháng, L. bắt đầu “thấm”. Những cơn gió trời không còn mát nữa mà bắt đầu khiến cậu… bạc mặt, da dẻ đen sạm, bệnh viêm đường hô hấp trên bắt đầu gây khó chịu do liên tục hít khói bụi. Chiếc xe Wave Tàu - tài sản duy nhất đem từ quê vào bắt đầu “hục hặc”. Tháng đầu tiên, cậu kiếm được 5 triệu đồng - số tiền trong mơ. Đến tháng thứ hai, thu nhập vẫn vậy nhưng đắp vào thuốc men, sửa xe nên chỉ còn lại 2,5 triệu đồng. Chạy ngoài đường cả ngày, tối về mệt mỏi, những con chữ như “nhảy múa” trước mắt, học không nổi, cậu đành thi lại 2 môn.

Hỏi đánh đổi vậy có đáng không, L. cười hiền phân bua: “Công việc này hiện tại phù hợp với em nhất. Thời gian tự do, lúc nào rảnh là em chạy, bận bịu học hành thì thôi, không ai bắt buộc. Hơn nữa chạy Grab nhiều nhất là từ chiều đến tối, giờ đó không đi làm thì em dễ sa vào ăn nhậu, hoặc bài bạc với bạn bè. Đi làm mãi nên em không tốn tiền nhậu nhẹt, tiền kiếm được em tự lo chi phí sinh hoạt mà ba mẹ ở quê không phải gửi vào. Quan trọng nhất chị biết gì không, đó là mỗi ngày em được tiếp xúc, trò chuyện với rất nhiều người, từ người già đến người trẻ, người giàu, người nghèo, trí thức lẫn người lao động... Tất cả họ đem đến một đời sống vô cùng thú vị cho những người trẻ như em”.

Những người trẻ như L. có rất nhiều lý do để đến với công việc này. Một công việc tưởng như quá dễ, chỉ cần có xe máy, biết đi xe máy và sử dụng được điện thoại thông minh là đủ điều kiện hành nghề. Grab lần đầu tiên có mặt ở Việt Nam với dịch vụ GrabTaxi, đến tháng 11-2014 cho ra mắt dịch vụ GrabBike để phục vụ nhu cầu di chuyển bằng xe ôm của người Việt.

Một lần, khi di chuyển bằng GrabTaxi, tôi nói bâng quơ với anh tài xế: “Bữa nay ở Đà Nẵng tràn ngập GrabBike anh nhỉ”. Anh tài xế lắc đầu: “Chẳng có nghề gì dễ ăn hết. Từ khi cái GrabBike này ra đời, biết bao nhiêu sinh viên phải dở dang việc học. Tụi nó thấy kiếm tiền dễ nên ham. Cuối cùng, tiền kiếm được chẳng biết đủ thiếu chi mà thời gian học không có, thi lại triền miên. Ôi, đời!”...

Doãn Quàng Đ. (SN 1995, quê ở huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) theo bạn bè đến Đà Nẵng hơn 1 năm nay. Chàng trai có dáng người rắn rỏi, nụ cười tỏa nắng này có độ “cày” khủng khiếp. Mỗi ngày, từ 8 giờ sáng, Đ. dắt xe ra khỏi nhà làm công việc giao thuốc tây cho một đại lý. Công việc đem lại cho Đ. một nguồn thu nhập “cứng” mỗi tháng. Đến 12 giờ trưa, Đ. về nhà nghỉ ngơi, ăn uống tạm bợ rồi lại khoác chiếc áo đồng phục xanh lá quen thuộc đi đến 12 giờ khuya.

Đ. hồn nhiên kể: “Em mới chạy GrabBike 1 năm mà con xe của em đã đi hơn 40.000km, bằng xe người ta đi trong 3 - 4 năm. Xe hư phải đi sửa miết. Làm nghề này xe còn bạc huống chi người. Em xuống Đà Nẵng 1 năm mà về má em ở nhà nhận không ra. Ai cũng tưởng em theo nghề biển hết”.

Hỏi Đ. dạo này có gì vui không? Cậu lắc đầu kể, hôm qua em còn bị khách “bom” (đặt hàng mà không nhận - PV) 3 tô hủ tiếu Nam Vang hết 90.000 đồng. Em phải đem về cho mấy thằng bạn cùng phòng ăn. Mình trả lại cho quán rồi chờ Grab hoàn tiền cũng được nhưng chờ lâu lắm. Em vậy còn may, thằng bạn em vừa rồi bị khách “bom” cái bánh pizza 180.000 đồng. Thấy mặt nó ỉu xìu tội nghiệp. Chạy rát mặt cả ngày mới được chừng đó tiền. Tụi em phải tiếu lâm cho nó đỡ buồn. “Nhờ người ta “bom” hàng mà tụi mình mới có cơ hội ăn đồ tây chớ dễ gì. Thôi ăn sang một bữa xem đời nó có sáng lên không”, Đ. hài hước.

Mới thoắt cười nói đây đã thấy Đ. trầm lại khi nghe khách hỏi chuyện vui, buồn trong nghề. Có những chuyện nhạy cảm mà chỉ những người trong nghề mới biết. Không ít lần khi đứng chờ khách, Đ. bị khách nam đến đặt vấn đề: “Đi sưởi ấm chút không em?”. Không chỉ đối mặt với hiểm nguy luôn rình rập, tình trạng khách “bom” hàng, gạ gẫm, nhiều tài xế tâm sự chuyện cười ra nước mắt khi họ bị chính “khách hàng thân thiết” của mình mượn tiền rồi… xù luôn.

Đ. kể: “Em chưa gặp nhưng tụi bạn em gặp hoài. Có những khách đi xe một lần thấy quý mến nên xin số điện thoại lần sau đi thì gọi. Đi vài lần thành khách quen, đến khi quen mặt thì đi nợ rồi kêu quên ví, quên bóp, mượn đỡ tụi em rồi… chặn số luôn”. 

Yêu thương trên những vòng xe

Lê Thanh N. (SN 1990, quê huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) thường đứng ở khu vực đường Nguyễn Hữu Thọ, Phan Đăng Lưu. Sinh ra trong một gia đình nghèo nên N. không ngại vất vả. Không đứng yên một chỗ chờ khách, N. có lộ trình làm việc rất rõ ràng. Cậu canh giờ trưa chạy ra gần các trường đại học, cao đẳng để đón sinh viên tan học. N. cũng thường xuyên cập nhật giờ tàu về để chạy ra ga và tối thì thường đứng ở khu vực sân bay, quán nhậu, quán bar chờ khách. Nhờ chịu khó, mỗi tháng, trừ chi phí thuê nhà, ăn uống, đổ xăng, bảo dưỡng xe, N. gửi về cho má 4 triệu đồng nuôi 3 đứa em ăn học.

Có một câu chuyện N. luôn nhớ mãi, lần đó gần 11 giờ đêm, N. chở một vị khách ra sân bay. Đi đường, người khách hỏi: “Sao khuya rồi em còn chạy xe?” - “Dạ, giờ khuya nhiều khách lắm anh. Em toàn tranh thủ chạy khuya thôi. Giờ này ít người cạnh tranh với mình” - “Đi đêm nhiều sương gió dễ đau ốm lắm em. Em còn trẻ mà chịu khó quá” - “Dạ em tranh thủ cày tháng này để hè về quê vài ngày, có tiền mua cho mấy đứa nhỏ ít đồ chơi, quần áo”…

Cuốc xe đó có giá hơn 40.000 đồng, nhưng đến nơi anh khách gửi cho N. 300.000 đồng với lý do: “Em cầm lấy, trước khi mua quần áo cho em em thì hãy mua cho mình cái áo len dày mặc phía trong. Đừng nghĩ là thanh niên mà chủ quan với sức khỏe. Em ngã bệnh thì không có ai phụ giúp cha mẹ em nuôi em út đâu”. Với N, những chuyến đi không chỉ đem đến cho cậu nguồn thu nhập ổn định mà còn giúp nhận ra xung quanh mình còn rất nhiều người tốt.

Lê Quốc D. (SN 1996, quê ở huyện Krông Bông, tỉnh Đăk Lắk) bảo với tôi, cậu xuống Đà Nẵng làm công nhân 4 năm nhưng chỉ quanh quẩn ở khu trọ và nhà máy; thậm chí, biển Mỹ Khê cũng chẳng mấy khi cậu đến. Vậy mà chỉ chạy Grab 1 năm, cậu thông thạo đường đi lối lại, biết những quán ăn đặc sản, những điểm giải trí giới trẻ hay lui tới. D kể: “Lần đó em nhận cuốc xe từ Bến xe Trung tâm thành phố, khách nói giọng Bắc muốn em chở lên chùa Linh Ứng.

Trên đường, bác ấy ngỏ ý hỏi em chở đi dạo quanh Đà Nẵng có được không. Vậy là em trở thành hướng dẫn viên du lịch bất đắc dĩ. Trong lúc bác tham quan chùa Linh Ứng, em lên mạng tìm thêm một số điểm du lịch rồi chở bác ấy đến. Đến chiều, bác ấy muốn đi Hội An. Vậy là em cũng được đi du lịch Hội An. Lần đầu tiên em biết đến chùa Cầu, bài chòi, đi thuyền trên sông như thế nào… Đi từ 9 giờ sáng đến 6 giờ chiều. Khi chở bác ấy quay lại bến xe, tính phí hết 450.000 đồng nhưng bác đưa em luôn 600.000 đồng còn cảm ơn em rối rít trong khi đáng ra em mới là người phải cảm ơn bác”…

Đằng sau những cuốc xe tưởng như thong dong là đồng tiền mặn đắng, nhưng qua những vòng xe, các bác tài 9X cũng “lớn” hơn theo từng ngày.

Bài và ảnh: QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.