Khi người trẻ làm freelancer

.

ĐNO - Cuộc sống hiện đại gắn liền với sự cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực việc làm nhưng cơ hội việc làm cũng ngày càng đa dạng cho các bạn trẻ lựa chọn. Nhiều người đã tìm hướng đi riêng là làm tự do (thường gọi là freelancer) thay vì “đầu quân” cho các cơ quan, doanh nghiệp… Tại Đà Nẵng, freelancer cũng đang dần trở thành “xu hướng” làm việc của nhiều bạn trẻ.

Nhiều bạn trẻ chọn
Nhiều bạn trẻ chọn nghề quay phim, dựng phim dịch vụ như một hướng đi riêng (Ảnh minh họa).

Công việc năng động của người trẻ

Dạo một vòng trên Internet, rất dễ bắt gặp những trang web chuyên về tuyển dụng freelancer như freelancerViet (https://freelancerviet.vn), Freelancer Việt Nam (https://www.vlance.vn)... với số lượng thành viên lên đến hàng chục nghìn người, hầu hết là những bạn trẻ.

Với tính chất làm việc tự do, thời gian linh động và không chịu sự “ràng buộc” của cơ quan, tổ chức hay doanh nghiệp, freelancer đem lại cho người trẻ nhiều niềm vui nhưng cũng phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức mà chỉ người trong cuộc mới hiểu.

Lê Thị Như Quỳnh (trú phường Mân Thái, quận Sơn Trà) đang làm freelancer mảng content (thực hiện nội dung bài viết, hình ảnh cho một thương hiệu, một doanh nghiệp - PV) cho biết: “Em đang thực hiện content cho một thương hiệu may mặc, điều thuận lợi nhất là được tự do giờ giấc, không phải gò bó 8 tiếng đồng hồ trong văn phòng. Chỗ làm việc của em là một quán cà phê yên tĩnh, wifi đủ mạnh và mình thì thỏa sức viết”.

Tốt nghiệp ngành Cử nhân báo chí tại Đại học Sư phạm-Đại học Đà Nẵng, Nguyễn Thanh Sang chọn con đường “quay-dựng” với nghề quay phim, dựng phim dịch vụ tự do. Công việc tác nghiệp của Sang cũng như nhiều bạn trẻ trong nghề này là quay phim, chụp ảnh sự kiện, cưới hỏi, làm clip quảng cáo… Theo Sang, vì đam mê với những khung hình đẹp, những góc quay hay, những khoảnh khắc lạ mà bạn quyết định gắn bó lâu dài với công việc này.

Cũng theo đuổi đam mê như Nguyễn Thang Sang, Phạm Văn Hạ Vĩ tham gia vào một nhóm freelancer có tên gọi 98 FILM, nhóm của Vĩ chuyên chụp hình cưới hỏi, quay phim phóng sự cưới với 4 thành viên, mỗi người mỗi thế mạnh. Đang là sinh viên năm cuối, thực tập tại Văn phòng đại diện Đài truyền hình kỹ thuật số VTC ở Đà Nẵng, Vĩ vẫn theo đuổi công việc này như một trải nghiệm.

“Em nghĩ mình còn trẻ, bên cạnh việc học hỏi để trở thành phóng viên giỏi thì việc quay phim, chụp ảnh dịch vụ cũng là cách để mình tích lũy thêm nhiều điều bổ ích cho tương lai”, Vĩ chia sẻ.

Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, Võ Thành Tuấn như con thoi đi về giữa Hội An và Đà Nẵng để làm freelancer mảng thiết kế (designer). Tuấn quan niệm: “Mình từng làm việc 2 năm trong một công ty thiết kế sau ngày ra trường. Tuy nhiên, do tính cách mình có phần hơi thoáng, không chịu được sự quản lý hay chỉ đạo từ cấp trên nên quyết định nghỉ. Khi làm freelancer, mình được thoải mái thể hiện ý tưởng làm việc, được nhìn nhận mọi vấn đề theo hướng “mở” hơn mà không phải chịu sự chi phối từ nhiều phía”.

Bên cạnh sự linh động về thời gian, làm freelancer cũng tạo ra được thu nhập cao, theo Tuấn, nếu có lượng khách hàng thường xuyên thì thu nhập của một freelancer có thể lên đến 8 chữ số mỗi tháng, cao hơn rất nhiều so với làm theo giờ hành chính.

Không phải là không có áp lực

“Nói freelancer thoải mái hay không có áp lực là không đúng, bởi bản thân bọn mình khi làm cũng chịu rất nhiều căng thẳng”, Lê Mỹ Duyên, một freelancer trong mảng content cho biết.

Áp lực đầu tiên chính là thời gian. Theo bạn Võ Thành Tuấn, chính vì thời gian linh động nên đòi hỏi bản thân phải có sự quản lý giờ giấc làm việc của mình một cách nghiêm túc, kỷ luật.

Chưa kể, nhiều hợp đồng công việc được giao gấp, phải thực hiện gấp rút trong một thời gian ngắn. “Trong thời gian chỉ có vài ngày, phải lên ý tưởng và thực hiện gấp rút sao cho khách hàng hài lòng, không phải là việc đơn giản, có trường hợp mình phải gọi thêm bạn bè cùng nhau làm, thức đêm liên tục mới xong dự án để giao cho khách”.

Áp lực thứ hai là khách hàng. Với người làm thiết kế như Tuấn hay làm clip, hình ảnh như Sang hay Vĩ, sự khó tính của khách hàng chính là trở ngại của các bạn. “Mình từng làm dự án cho một doanh nghiệp, sau khi đạt thỏa thuận về hình thức, nội dung của bản vẽ với người phụ trách, mình bắt tay vào làm. Thế nhưng khi trình sản phẩm lên thì phía doanh nghiệp này lại yêu cầu mình phải sửa lại toàn bộ nội dung từ A-Z, mặc dù đã thỏa thuận về nội dung này trước đó. Mình phải sửa gần chục lần mới như ý”, Tuấn cho hay.

Sang lại gặp trường hợp khách hàng “chây ì” việc thanh toán sau khi dự án hoàn thành. “Có khách hàng rất uy tín, thanh toán ngay sau khi nhận sản phẩm, lại có những người ép giá mặc dù ban đầu đã đạt thỏa thuận về giá, lại có trường hợp khất nợ gần cả mấy tháng trời”, Sang cho hay.

Bên cạnh đó, những người làm freelancer phải bỏ tiền lớn để đầu tư phương tiện, máy móc nhằm “chạy đua” đáp ứng nhu cầu thị trường cũng như cạnh tranh với những freelancer khác.

Những thành viên của nhóm 98 FILM cho biết phải đầu tư máy ảnh, ống kính, thiết bị phụ kiện ban đầu từ việc vay tiền gia đình rồi dần dần “trả nợ” bằng chính thu nhập từ công việc. Thiết bị này có thể là màn hình máy tính, ống kính máy ảnh, flycam, máy ảnh cao cấp… Rồi những rủi ro phát sinh như thiết bị hư hỏng, rơi flycam cũng trở thành chuyện thường tình.

Cũng vì áp lực công việc, nên chuyện thức đêm, hoàn thành "deadline" (hạn chót của công việc - PV) đã trở thành nỗi "ám ảnh" với nhiều freelancer, trong đó vấn đề sức khỏe bị ảnh hưởng. "Việc thức đêm với mì gói, bò húc, cà phê... để kịp tiến độ khiến sức khỏe em gần như suy kiệt", Lê Thị Như Quỳnh tâm sự.

"Freelancer hay làm hành chính đều có những ưu điểm, nhược điểm khác nhau. Tuy nhiên, mình nghĩ những bạn freelancer chỉ nên bắt tay vào con đường này khi đã có đủ kiến thức, kinh nghiệm sống, mối quan hệ. Như vậy mới có được thu nhập ổn định. Tuy nhiên, không nên xem nó như con đường cố định của mình.", Chị Huỳnh Như Duyên, từng làm cả freelancer và nhân viên cho một doanh nghiệp cho biết.

Bài và ảnh: XUÂN SƠN

;
;
.
.
.
.
.
.