ĐNO - Sáng 25-5, Sở Giao thông vận tải (GTVT) phối hợp cùng Liên hiệp Hội Khoa học kỹ thuật thành phố tổ chức hội thảo "Phương án phân luồng giao thông khu vực trung tâm TP" nhằm tham vấn ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học; qua đó lựa chọn, hoàn chỉnh phương phân luồng tối ưu, phù hợp với tình hình thực tiễn của thành phố và nhu cầu thiết thực của người dân để làm cơ sở triển khai trong thời gian đến.
Giao thông Đà Nẵng đã xuất hiện tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ trong giờ cao điểm (trong ảnh giao thông phía Tây đầu cầu Rồng) |
Theo Sở GTVT, hiện tượng ùn tắc giao thông chủ yếu xảy ra giờ cao điểm (6 giờ 45 - 7 giờ 45 - 16 giờ 45 - 18 giờ) ở một số nút, trục giao thông chính khu vực trung tâm. Vị trí ùn tắc thường xuất phát từ nút giao với các trục đường có lưu lượng vào nút lớn, dẫn đến ùn tắc tiếp đoạn đường trước đó. Đồng thời, hiện tượng ùn tắc khu vực trung tâm có xu hướng gia tăng trên các tuyến đường nối giữa trung tâm và ngoại đô theo chiều lưu thông ra, vào trung tâm, với chiều vào trung tâm vào buổi sáng và chiều ra khỏi trung tâm vào buổi chiều.
Do đó, việc phân luồng lại giao thông khu vực trung tâm thành phố từ nay đến năm 2025 là một trong các giải pháp quan trọng. Vì vậy, Sở GTVT đề xuất khu vực tổ chức phân luồng giao thông gồm các đoạn tuyến đường nằm trong khu vực các tuyến đường bao: Nguyễn Tất Thành - Lý Thái Tông - Hoàng Thị Loan - Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương - Nguyễn Hữu Thọ - Xô Viết Nghệ Tĩnh - 2 Tháng 9 - Bạch Đằng - 3 Tháng 2 - Nguyễn Tất Thành.
Sở GTVT cũng đưa ra 5 kịch bản phân luồng giao thông cho năm hiện tại và các năm tương lai; gồm 1 kịch bản không tác động (không thực hiện các giải pháp phân luồng tổ chức lại giao thông khu vực trung tâm) và 4 kịch bản có tác động.
Từ kết quả phân tích các kịch bản phân luồng giao thông khu vực trung tâm, đề án của Sở GTVT Đà Nẵng đề xuất đến năm 2020 tổ chức giao thông một chiều đối với 2 trục dọc là trục Lý Thái Tổ - Hùng Vương (từ nút giao Phan Thanh đến Nguyễn Chí Thanh, hướng từ Tây sang Đông) và trục dọc Hải Phòng (hướng từ Nguyễn Chí Thanh về Điện Biên Phủ).
Ngoài ra, tổ chức giao thông một chiều đối với 4 trục ngang, gồm: Ông Ích Khiêm (từ Hùng Vương đi Hải Phòng), Hoàng Hoa Thám (từ Hải Phòng đi Lý Thái Tổ), Lê Độ (từ Điện Biên Phủ đi Nguyễn Tất Thành) và Hà Huy Tập (từ Nguyễn Tất Thành đi Điện Biên Phủ).
Tại hội thảo, các ý kiến đều cho rằng, ưu điểm của kịch bản này là tác động tích cực đến tình hình giao thông khu vực trung tâm thành phố; xóa bỏ được hầu hết các vị trí ùn tắc giao thông hiện tại và đáp ứng được nhu cầu giao thông tương lai.
Phân bố hợp lý lại lưu lượng giao thông khu vực trung tâm, chia sẻ lưu lượng phù hợp theo năng lực hạ tầng giao thông của từng tuyến giúp giao thông được thuận lợi, thông suốt và loại bỏ được nguy cơ ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm trên các tuyến và các nút giao trên các tuyến: Hà Huy Tập, Lê Độ, Thái Thị Bôi, Lý Thái Tổ, Hùng Vương, Hải Phòng, Hoàng Hoa Thám và Ông Ích Khiêm (khu vực chợ Cồn)…
Đặc biệt, Sở GTVT thành phố đề xuất đến năm 2022 bổ sung tổ chức giao thông một chiều các tuyến đường ngang giữa đường Trần Phú và Bạch Đằng theo hướng xen kẽ, chỉ có tách và nhập để loại bỏ giao cắt. Đầu tư xây dựng đoạn đường Hoàng Văn Thụ nối dài, kết nối đường Trần Phú và đường Bạch Đằng. Đến năm 2025 bổ sung tổ chức giao thông một chiều tuyến đường Nguyễn Hoàng và Hoàng Diệu, mở rộng kiệt K338 Hoàng Diệu thành tuyến đường ngang kết nối đường Hoàng Diệu và đường Nguyễn Hoàng.
Cùng với đó, Sở GTVT đề xuất triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hoàn chỉnh mạng lưới giao thông thành phố, gồm xây dựng cụm nút giao phía tây cầu Trần Thị Lý; cụm nút giao phía tây cầu Rồng; công trình cầu mới vượt sông Hàn; và hầm qua sân bay Đà Nẵng…
Tin và ảnh: THÀNH LÂN