Thanh tra là một hoạt động quan trọng trong công tác quản lý Nhà nước về dân số. Tuy nhiên, hoạt động này hiện tồn tại không ít bất cập, cần được khắc phục, kiện toàn.
Tập huấn công tác thanh tra cho các Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên. |
Theo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) thành phố, mỗi năm, trung bình Chi cục thực hiện khoảng 16 cuộc thanh tra chuyên ngành về DS-KHHGĐ. Các nội dung thanh tra xoay quanh việc kiểm soát các vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh, quy trình chẩn đoán sàng lọc trước sinh, quản lý cung cấp các phương tiện tránh thai… Bà Phùng Thị Hương Hạnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ thành phố cho biết: “Hằng năm, Chi cục DS-KHHGĐ tham mưu với Sở Y tế để đưa nội dung thanh tra chuyên ngành DS-KHHGĐ vào quyết định thanh tra của ngành y tế để thực hiện tại các đơn vị; qua đó, đơn vị thực hiện tốt công tác thanh tra DS-KHHGĐ qua các năm”.
Không riêng Đà Nẵng, theo các Chi cục DS-KHHGĐ của các địa phương thì hầu hết, công tác thanh tra chuyên ngành vẫn còn gặp nhiều khó khăn do đội ngũ thanh tra các tỉnh, thành phố chưa có kinh nghiệm, thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng; bộ máy thanh tra chưa đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ, trang thiết bị hỗ trợ cho công tác thanh tra còn lạc hậu… Chính vì những bất cập đó, mới đây, Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến để kiện toàn hệ thống thanh tra chuyên ngành dân số với sự tham gia của đại diện lãnh đạo Chi cục DS- KHHGĐ các tỉnh, thành phố.
Tại đây, đại diện các địa phương cũng đã đưa ra nhiều ý kiến góp ý về thực trạng hệ thống thanh tra chuyên ngành dân số. Trong đó, tập trung việc đề xuất làm sao xây dựng được kế hoạch kiện toàn hệ thống thanh tra chuyên ngành dân số và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra chuyên ngành dân số đến năm 2030.
Các địa phương cũng đề nghị Tổng cục DS-KHHGĐ phải kiện toàn được lực lượng thanh tra chuyên ngành thống nhất từ Trung ương đến địa phương; bố trí đủ kinh phí, trang thiết bị cần thiết để bảo đảm công tác thanh tra; có kế hoạch đào tạo nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành cho các công chức được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành.
TS Phạm Minh Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra, Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế, cho biết: “Tổng cục DS-KHHGĐ là đơn vị có chức năng, nhiệm vụ giúp Bộ trưởng Bộ Y tế tham mưu cho Chính phủ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về DS-KHHGĐ, là một trong những tổ chức thuộc Bộ Y tế, được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.
Tuy nhiên, trước thực trạng những hạn chế về công tác thanh tra chuyên ngành của các địa phương và các yêu cầu thanh tra trong tình hình mới, Tổng cục cùng các Chi cục DS-KHHGĐ của các địa phương phải kiện toàn nhanh hệ thống thanh tra chuyên ngành, tăng cường thanh tra, kiểm tra để xử lý nghiêm các vi phạm”. TS Phạm Minh Sơn cũng nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ cấp thiết trong quản lý công tác dân số nhằm nâng cao hiệu quả công tác thanh tra chuyên ngành, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về dân số nên Tổng cục cũng như các Chi cục DS-KHHGĐ tại địa phương phải tập trung làm ngay.
Ngoài thực hiện công tác thanh tra, các Chi cục DS-KHHGĐ tại địa phương cũng cần cung cấp đầy đủ thông tin cho các cơ sở kinh doanh về công tác y tế, dân số để các đơn vị nắm bắt và làm đúng theo quy định của pháp luật. Có như vậy, công tác DS-KHHGĐ mới bảo đảm. Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Nguyễn Út, khẳng định: “Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, cấp thiết, lâu dài. Vì vậy, để công tác thanh tra chuyên ngành về dân số thực hiện tốt phải có sự thống nhất về quy trình thanh tra từ Trung ương đến địa phương; phải có sự phối kết hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan”.
Bài và ảnh: THANH TÌNH