Giờ G. ngoài dự kiến

.

Nhận thấy tình hình có những diễn biến và thời cơ thuận lợi, ngày 14-8-1945, Tỉnh ủy Quảng Nam mở hội nghị quyết định phát động toàn dân chuẩn bị lực lượng, vũ khí để chờ ngày nổi dậy giành chính quyền.

Cũng tại hội nghị này, kế hoạch khởi nghĩa được bàn tính rất kỹ và giao cụ thể cho từng cá nhân phụ trách các khu vực trong tỉnh. Riêng địa bàn Đà Nẵng được giao cho đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ phụ trách.

Tấm bia di tích lịch sử nhà ông Huỳnh Đủ hướng ra đường 18 Tháng 8, phường Cẩm Phô, thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) và ngôi nhà mới được xây trên nền cũ. 	 Ảnh: THÁI MỸ
Tấm bia di tích lịch sử nhà ông Huỳnh Đủ hướng ra đường 18 Tháng 8, phường Cẩm Phô, thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) và ngôi nhà mới được xây trên nền cũ. Ảnh: THÁI MỸ

Bất ngờ tại một cuộc họp khẩn cấp                 

Ngày 15-8, phát xít Nhật đầu hàng vô điều kiện quân đồng minh. Lính Nhật đóng ở đồn Cửa Đại và đồn Bảo An, thị xã Hội An đều rút ra Đà Nẵng để chuẩn bị xuống tàu thủy về nước. Bị Nhật dựng lên lại bỏ rơi, chính phủ tay sai do Trần Trọng Kim làm Thủ tướng rệu rã từ cấp Trung ương trở xuống.

Trước thời cơ này, Tỉnh ủy Quảng Nam quyết định khởi nghĩa trong toàn tỉnh, đồng thời chỉ thị cho Thị ủy Hội An nhanh chóng chuẩn bị thành lập Ủy ban khởi nghĩa và phát động nhân dân đứng lên giành chính quyền. Đồng chí Nguyễn Phe, Tỉnh ủy viên được cử  làm Trưởng ban Khởi nghĩa Hội An.

Với tinh thần hết sức khẩn trương, ngày 16-8, Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Quảng Nam phân công hai đồng chí Võ Toàn (tức Võ Chí Công) và Phan Thị Nễ về ngay thị xã Hội An để cùng Thị ủy và Ủy ban Khởi nghĩa Hội An chỉ đạo cuộc nổi dậy.

17 giờ ngày 17-8, Thị ủy, Ủy ban Khởi nghĩa đã quyết định lấy nhà ông Huỳnh Đủ, một cơ sở của Việt Minh ở ấp Ngọc Thành, xã Cẩm Kim (nay thuộc khối phố 2, phường Cẩm Phô, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) để họp khẩn cấp bàn bạc việc khởi nghĩa. Điều đặc biệt của cuộc họp này là có một “tên lính” tay sai của chính phủ Trần Trọng Kim từ đồn Bảo An được Ủy ban Khởi nghĩa Hội An mời về cùng dự.

Đó là đồng chí Lê Đức Hổ, được Thị ủy Hội An cài cắm vào hàng ngũ địch để nắm tình hình. Đồng chí Lê Đức Hổ đã báo cáo toàn bộ diễn biến bên trong lực lượng tay sai tại các đồn Bảo An, Cửa Đại và một số địa phương của Hội An với các lãnh đạo Thị ủy.

Nhiều vấn đề quan trọng được thảo luận sâu kỹ và cuộc họp đi đến thống nhất kế hoạch khởi nghĩa bởi lực lượng của ta đã được chuẩn bị và phân công cụ thể từng đoàn, từng nhóm, các hướng nổi dậy của nhân dân trong thị xã…

Vì vậy, đồng chí Võ Toàn nhất trí với ý kiến đề xuất của đồng chí Nguyễn Phe là chớp lấy thời cơ, kêu gọi các tầng lớp nhân dân đồng loạt nổi dậy ngay trong đêm 17-8, mặc dù trước đó Tỉnh ủy và Ủy ban Khởi nghĩa Quảng Nam dự kiến cuộc khởi nghĩa ở Hội An nổ ra ngày 21-8.

Hội An trước, Đà Nẵng sau

Từ lúc diễn ra cuộc họp tại nhà ông Huỳnh Đủ đến thời điểm khởi nghĩa chỉ có ít giờ đồng hồ, mốc thời gian này nằm ngoài dự kiến ban đầu. Tại cuộc họp, đồng chí Võ Toàn đề nghị Ủy ban Khởi nghĩa Hội An thảo gấp tối hậu thư và khoảng 19 giờ ngày 17-8, đồng chí Trần Đình Tri, cán bộ Ủy ban Khởi nghĩa trực tiếp mang thư đưa cho Tỉnh trưởng bù nhìn tay sai Tôn Thất Giáng.

Nội dung chủ yếu là yêu cầu Tỉnh trưởng Tôn Thất Giáng giao ngay chính quyền tay sai cho Mặt trận Việt Minh, nếu không sẽ bị trừng trị, song hắn ngoan cố không chịu trả lời. Mặt khác, đồng chí Nguyễn Phe liên lạc với Tỉnh ủy và Ủy ban Khởi nghĩa Quảng Nam để xin ý kiến cho Hội An khởi nghĩa sớm.

Đúng 3 giờ ngày 18-8, tiếng trống, mõ ở ấp Ngọc Thành bắt đầu nổi lên inh ỏi, các đoàn khởi nghĩa của ta từ các khu vực Ngọc Thành, Xuân Lâm, Tu Lễ, Thanh Hà… rầm rập tiến về phía chùa Cầu, bao vây các đồn Bảo An, Cửa Đại. Khi đoàn người kéo đến gần đồn Bảo An, cơ sở của ta do đồng chí Lê Đức Hổ chỉ đạo mở sẵn hai cánh cổng để quân khởi nghĩa ập vào khống chế binh lính, thu giữ 125 khẩu súng quân dụng và một số vũ khí khác.

5 giờ ngày 18-8, một số đoàn khác xông vào dinh thự bắt trói tên Tỉnh trưởng Tôn Thất Giáng. Tên Tỉnh trưởng này xin tha chết và giao nộp ấn tín cùng các loại tài liệu quan trọng. Trụ sở tay sai cao nhất ở Hội An bị khống chế, chiếm giữ đã làm tê liệt nhanh chóng cả hệ thống của chúng.

 Bia di tích lịch sử nhà ông Huỳnh Đủ. 		Ảnh: THÁI MỸ
Bia di tích lịch sử nhà ông Huỳnh Đủ. Ảnh: THÁI MỸ

Khoảng 6 giờ ngày 18-8, lá cờ nền đỏ sao vàng tung bay trước dinh Tỉnh trưởng, báo hiệu thời khắc vẻ vang của lịch sử. Bộ máy tay sai cai trị của địch ở Hội An bị sụp đổ hoàn toàn. Cũng trong ngày 18-8, Tỉnh ủy, Ủy ban Khởi nghĩa Quảng Nam phát lệnh tổng khởi nghĩa trong toàn tỉnh. Lệnh này được truyền đi khắp nơi, nhân dân cuồn cuộn xuống đường như thác đổ.

Cuộc khởi nghĩa tiếp tục diễn ra và giành được thắng lợi ở các phủ, huyện của tỉnh. Do Đà Nẵng đang gặp nhiều khó khăn bởi hơn 5.000 quân Nhật từ các nơi kéo về đây để chuẩn bị xuống tàu rút lui và 5.000 quân Tưởng Giới Thạch thay thế chiếm đóng nên Tỉnh ủy chỉ đạo phải lựa chọn đúng thời điểm để giảm sự tổn thất.

Sáng 26-8, cuộc nổi dậy tại Đà Nẵng bắt đầu. Đúng 9 giờ, cờ của ta treo khắp thành phố, các công sở, xí nghiệp, nhà máy. Đồng chí Lê Văn Hiến, Chủ tịch UBND cách mạng lâm thời Đà Nẵng được lực lượng cảnh vệ hộ tống tiến vào Tòa Thị chính thu giữ con dấu của Thị trưởng tay sai Nguyễn Khoa Phong, ra tuyên bố xóa bỏ toàn bộ hệ thống chính quyền bù nhìn các cấp. Như vậy, Hội An nói riêng, Quảng Nam nói chung là 1 trong 4 tỉnh nổ ra cuộc khởi nghĩa giành chính quyền sớm nhất trong cả nước; các tỉnh còn lại là Bắc Giang, Hà Tĩnh và Hải Dương.

Nhà ông Huỳnh Đủ bây giờ ở số 50 đường 18 Tháng 8, phường Cẩm Phô, thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam). Tên con đường được đặt đúng vào đêm khởi nghĩa thắng lợi mà điểm khởi đầu là nhà ông Huỳnh Đủ. Bây giờ, ngôi nhà này đã xây dựng mới, mặt tiền được mở về hướng con kiệt nhỏ, còn phía đường 18 Tháng 8 là tường rào kín. Tấm bia di tích lịch sử dựng phía bên ngoài khuôn viên ngôi nhà và bất cứ ai đặt chân đến đây, đọc những dòng tóm tắt trên văn bia như cảm nhận được khí thế đấu tranh hừng hực những ngày đầu của cuộc kháng chiến.
 

(Dựa theo lịch sử Đảng bộ thị xã Hội An 1930-1975)

;
;
.
.
.
.
.