Hơn 100 người tử vong vì tai nạn giao thông sau 5 ngày Tết Nguyên đán

.

Trong 5 ngày kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 (từ ngày 29-3 Âm lịch), cả nước đã xảy ra 138 vụ tai nạn giao thông, làm chết 102 người, bị thương 108 người.

Hiện trường một vụ tai nạn giao thông. (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)
Hiện trường một vụ tai nạn giao thông. (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)

Theo báo cáo của Cục Cảnh sát giao thông, ngày 27-1 (ngày mùng 3 Tết Nguyên đán), toàn quốc xảy ra 33 vụ tai nạn giao thông, làm chết 19 người, bị thương 43 người. Trong đó, hầu hết các vụ tai nạn giao thông xảy ra đều ở trên lĩnh vực đường bộ.

Về công tác xử lý vi phạm giao thông, lực lượng Cảnh sát giao thông đã kiểm tra, xử lý 2.243 trường hợp vi phạm đường bộ; phạt tiền gần 2 tỷ đồng; tạm giữ 19 xe ôtô, 315 xe môtô; tước 319 giấy phép lái xe các loại. Đặc biệt, 35 địa phương báo cáo kết quả xử lý 582 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, sau 5 ngày kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 (từ ngày 29-3 Âm lịch), cả nước đã xảy ra 138 vụ tai nạn giao thông, làm chết 102 người, bị thương 108 người.

“So sánh với cùng kỳ của Tết Nguyên đán 2019, tai nạn giao thông giảm 13 vụ (giảm 8,6%), tăng 12 người chết (tăng 13,3%), giảm 32 người bị thương (giảm 22,8%),” ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đưa ra con số.

Theo đánh giá của ông Thái, sau 5 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, tình hình trật tự an toàn giao thông về cơ bản được bảo đảm tốt, tai nạn thương tích nói chung và tai nạn giao thông nói riêng liên quan tới nồng độ cồn đã giảm sâu so với các năm trước.

Giải thích rõ hơn, ông Thái đưa ra dẫn chứng báo cáo của Bộ Y tế cho thấy số ca cấp cứu do tai nạn giao thông đã giảm trên 15%, riêng ngày 3 Tết giảm gần 28%. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu của các vụ tai nạn giao thông có nạn nhân tử vong và bị thương nặng chủ yếu là liên quan tới vi phạm quy định nồng độ cồn, tốc độ khi lái xe và không đội mũ bảo hiểm khi đi môtô xe máy, xe đạp điện tại một số địa phương, đặc biệt tại các vùng nông thôn.

“Trong thời gian tới, lực lượng chức năng các địa phương, đặc biệt là cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông vận tải tiếp tục hiện tốt tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, đặc biệt xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện, siết chặt quản lý kinh doanh vận tải,” ông Thái khẳng định.

Để đảm bảo an toàn giao thông cho người dân trở lại thành phố sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình-Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia yêu cầu các Bộ, ngành và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương huy Cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về nồng độ cồn, tốc độ; không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, xe đạp điện; dừng xe đón trả khách trái quy định; bố trí lực lượng tuần tra, xử lý vi phạm trên cả các tuyến đường huyện và đường liên xã…

Phó Thủ tướng yêu cầu ngành Giao thông Vận tải tăng cường phương tiện, người lái đủ tiêu chuẩn quy định, duy trì chất lượng dịch vụ vận tải, bảo đảm giao thông an toàn và thông suốt cho nhân dân trở về nơi làm việc khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhất là các tuyến giao thông hướng về Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; xử lý điều tiết, khắc phục kịp thời khi có sự cố, tai nạn giao thông, không để ùn tắc giao thông kéo dài.

Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp BOT thực hiện xả trạm cho phương tiện lưu thông khi xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài tại các trạm thu phí, xử phạt nghiêm các đơn vị cố tình vi phạm.

Ngoài ra, các bộ, ngành và tỉnh thành chỉ đạo các cơ sở Y tế tăng cường công tác cứu chữa các nạn nhân bị tai nạn thương tích, nhất là các nạn nhân tai nạn giao thông; kiểm tra nồng độ cồn và ma tuý tất cả các nạn nhân tai nạn giao thông vào cấp cứu tại cơ sở y tế.

Theo Vietnam+

;
;
.
.
.
.
.