Việc thành lập Đảng vào ngày 3-2-1930 là mốc đánh dấu quá trình đổi mới nhận thức và sáng tạo trong thực tiễn con đường phát triển của cách mạng Việt Nam. Đó là nguyên nhân gốc rễ của thắng lợi và nhân tố bảo đảm quyền lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Việt Nam suốt 90 năm qua.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Mặt trận Việt Minh, nhân dân cả nước vùng dậy cướp chính quyền, làm Cách mạng Tháng Tám thành công. Trong ảnh: Những ngày Tháng Tám sôi sục ở Hà Nội. Ảnh: Tư liệu |
Bài 1: Đổi mới, sáng tạo mang đặc sắc riêng của hoàn cảnh Việt Nam
Sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3-2-1930 là sự đổi mới, sáng tạo, phản ánh rõ quy luật tất yếu của thời đại và mang đặc sắc riêng của hoàn cảnh cụ thể ở Việt Nam. Đó là sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân, phong trào yêu nước giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XX. Đảng không chỉ là đội tiên phong của giai cấp công nhân mà còn là đội tiền phong của dân tộc.
Việc thành lập Đảng là thắng lợi đầu tiên có ý nghĩa quyết định nhất, khẳng định quyền lãnh đạo của Đảng trong đời sống chính trị xã hội Việt Nam… Đảng ta ra đời và trở thành lực lượng duy nhất lãnh đạo cách mạng Việt Nam là do nhu cầu đổi mới con đường phát triển đất nước.
Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam, triều đình nhà Nguyễn từng bước đầu hàng, Việt Nam từ một nước độc lập, có chủ quyền trở thành một nước thuộc địa, phụ thuộc. Ngay từ đầu, mâu thuẫn giữa chế độ thực dân, nửa phong kiến với với yêu cầu phát triển của dân tộc trở nên gay gắt. Mâu thuẫn đó biểu hiện thành hai mâu thuẫn cơ bản trong xã hội là mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp xâm lược, mâu thuẫn giữa nhân dân lao động, chủ yếu là nông dân với giai cấp địa chủ phong kiến. Giải quyết hai mâu thuẫn này mới tạo điều kiện thuận lợi cho xã hội Việt Nam phát triển.
Để giải phóng dân tộc, tìm đường cho sự phát triển của đất nước, từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, nhiều cương lĩnh của các lực lượng yêu nước, các đảng phái ở Việt Nam được đưa ra nhưng “các phong trào cứu nước, từ lập trường Cần Vương đến lập trường tư sản, tiểu tư sản qua khảo nghiệm lịch sử đều lần lượt thất bại”. Nguyên nhân chủ yếu là do chưa có một giai cấp tiền phong lãnh đạo, chưa có lý luận cách mạng soi đường, cũng như chưa có đường lối chiến lược, sách lược đúng đắn, đủ sức giành thắng lợi trước kẻ thù là chủ nghĩa thực dân, đế quốc.
Ngay từ khi mới thành lập, trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên, Đảng Cộng sản Việt Nam đã phân tích được tính chất xã hội Việt Nam, đề ra đường lối chính trị đúng đắn, trước hết làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi đến xã hội cộng sản. Điều đó toát lên tư tưởng lớn là cách mạng dân tộc dân chủ Việt Nam tất yếu phải đi tới cách mạng xã hội chủ nghĩa, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đó là mục đích lâu dài, cuối cùng của Đảng và cách mạng Việt Nam. Việc đặt cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam vào phạm trù cách mạng vô sản đánh dấu sự đổi mới con đường phát triển của đất nước. Đây là sự đổi mới có tính bước ngoặt đầy sáng tạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và Đảng ta.
Đặt cách mạng giải phóng dân tộc vào phạm trù cách mạng vô sản quyết định lực lượng lãnh đạo, lực lượng tham gia cách mạng và sự sáng tạo về phương pháp cách mạng. Để nhận thức đúng đắn tính chất của cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng phải trải qua một quá trình đấu tranh tư tưởng đầy phức tạp. Bởi lẽ, đổi mới, sáng tạo thường phải vượt qua những khuôn mẫu giáo điều, đòi hỏi sự dũng cảm và quyết tâm vượt lên, thậm chí trải qua cuộc đấu tranh nội bộ về quan điểm vận dụng lý luận và nhận thức thực tiễn có lúc gay gắt. Điều đó thể hiện tính chất và bản lĩnh chính trị của một chính đảng tiền phong. Việc xác định cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới đã tăng cường tính chủ động, sáng tạo của cách mạng nước ta, tranh thủ sự ủng hộ của các lực lượng tiến bộ trên thế giới, đặc biệt là nhân dân Pháp và nhân dân các nước thuộc địa. Nhờ đó tăng thêm lực lượng và sức mạnh cho cách mạng nước ta.
Giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa nhiệm vụ dân tộc và dân chủ là sáng tạo lớn của Đảng ta trong lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc. Cương lĩnh đầu tiên xác định hai nhiệm vụ của cách mạng tư sản dân quyền là chống đế quốc và chống phong kiến và hai nhiệm vụ đó có mối quan hệ khăng khít, thúc đẩy và làm tiền đề cho nhau cùng phát triển. Đến hội nghị tháng 10-1936, trong văn kiện “Chung quanh vấn đề chính sách mới”, Đảng ta sớm nhận thức các hình thức phổ biến và đặc thù của cách mạng vô sản. Từ đó Đảng ta khẳng định rằng, “cuộc dân tộc giải phóng không nhất định phải kết chặt với cuộc cách mạng điền địa”.
Nhờ có chủ trương đúng đắn, sáng tạo trong việc giải quyết vấn đề dân tộc, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, nhiệm vụ chống phong kiến phải rải từng bước một để phục vụ cho nhiệm vụ giải phóng dân tộc khi chủ trương tạm gác khẩu hiệu “đánh đổ địa chủ, chia ruộng đất cho dân cày” thay bằng khẩu hiệu tịch thu ruộng đất của bọn đế quốc và Việt gian chia cho dân cày nghèo, chia lại ruộng đất công cho công bằng, giảm tô, giảm tức, Đảng ta đã tập hợp lực lượng đông đảo của cả dân tộc: công nhân, nông dân, dân nghèo thành thị, tiểu tư sản, trí thức, tư sản dân tộc, địa chủ vừa, nhỏ và cả tầng lớp trên trong bộ máy chính quyền phong kiến, tạo nên sức mạnh vĩ đại. Vì vậy, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của chính sách đại đoàn kết tất cả mọi lực lượng toàn dân tộc chống đế quốc, phong kiến, là kết quả trong cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ của nhân dân ta do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo vì độc lập dân tộc.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, một hình thức Nhà nước kiểu mới ra đời. Đó là nhà nước dân chủ nhân dân, nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Như vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Hồ Chí Minh đã có sự sáng tạo vĩ đại trong nhận thức về con đường phát triển của cách mạng trong xu thế mới của thời đại, sáng tạo trong việc giải quyết những vấn đề thực tiễn mà cách mạng đặt ra cho mỗi thời kỳ. Nhờ giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa dân tộc và dân chủ, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân ta giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám, lật nhào ách đô hộ gần 80 năm của chủ nghĩa thực dân, lật nhào chế độ phong kiến thống trị 1.000 năm, lập nên chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước dân chủ đầu tiên ở Đông Nam châu Á, mở đường cho dân tộc Việt Nam phát triển.
PGS.TS Trương Minh Dục